Ngôn ngữ
Kính thưa Anh linh Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm,
Thưa toàn thể tang quyến,
Thưa các quý vị đồng nghiệp và các bạn,
Hôm nay, chúng ta tụ họp tại đây để tiễn đưa Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm về cõi vĩnh hằng.
Cây đại thụ của nền sử học Việt Nam hiện đại, nhà giáo mẫu mực, người Thầy lớn vô cùng thân yêu của hàng chục thế hệ học trò ngành Lịch sử không còn nữa! Do tuổi cao, sức yếu, Thầy đã vĩnh biệt chúng ta hồi 14 giờ 25 phút ngày 25 tháng 1 năm 2017, tức là ngày 28 tháng Chạp năm Bính Thân.
GS. NGND. Đinh Xuân Lâm sinh ngày mùng 4 tháng 2 năm 1925 tại xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình trí thức – quan lại yêu nước. Truyền thống gia đình và quê hương với Núi Hồng – Sông La - Ngàn Phố đã sớm in đậm dấu ấn trong tâm hồn phóng khoáng, ý chí bền bỉ mà cương cường, tính tình bộc trực mà hồn hậu của chàng trai Đinh Xuân Lâm. Ngay từ rất sớm Ông đã được gia đình tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập và tu dưỡng. Tròn 20 tuổi, Ông tốt nghiệp Tú tài toàn phần Ban Triết học và Văn chương ở Trường Quốc học Huế. Chắc hẳn thời gian học tập tại ngôi trường nổi tiếng tại đất Kinh đô đã góp phần quan trọng vào việc đào luyện và định hình tài năng, tính cách và phong thái của con người trí thức Đinh Xuân Lâm hào hoa, lịch duyệt và sớm bộc lộ thiên hướng say mê các lĩnh vực văn hóa – văn chương – khoa học xã hội.
Rời Kinh đô, “cậu ấm” Đinh Xuân Lâm về huyện Yên Định, Thanh Hóa, nơi thân phụ Ông đang giữ chức Tri huyện. Đúng lúc đó cuộc Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Khí thế “long trời lở đất” và khát vọng hồi sinh của cả dân tộc, nhất là thái độ và cách ứng xử trọng nghĩa, ân tình của những người lãnh đạo Việt Minh khi đó đã có sức cảm hóa mãnh liệt để từ đó Ông tự nguyện dấn thân, mang hết tài năng, tâm huyết và trí tuệ phụng sự Dân tộc, Nhân dân và Cách mạng.
Con đường mà Ông lựa chọn từ rất sớm chính là nghề dạy học và trọn đời Ông đã tận hiến với nghề này. Trong những năm Kháng chiến chống Pháp, với vốn kiến văn uyên bác và tinh thần hăng hái xung phong, Ông đã được cử làm giáo viên dạy môn Văn tại Trường Trung học Phổ thông (Collège) Đào Duy Từ (sau đổi thành Trường Trung học Lam Sơn) tại thành phố Thanh Hóa, trong thời gian kháng chiến sơ tán lên Thọ Xuân, gần trường Dự bị đại học và Sư phạm cao cấp. Chính tại đây, ông lần đầu tiên được biết và tiếp xúc những trí thức – nhà cách mạng và nhà văn hóa lớn, như Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Tôn Thất Chiêm Tế vv… Về sau, những người này sẽ trở thành các bậc thầy có ảnh hưởng quyết định đối với chí hướng học thuật của Ông. Cũng tại ngôi trường dã chiến ở Vùng Tự do Thanh – Nghệ - Tĩnh đó, Ông đã quen biết nhiều bạn hữu, trong đó có Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng đang học trường Dự bị đại học - hai người về sau sẽ thành những đồng nghiệp tâm giao tri kỷ suốt đời của Ông.
Hòa bình lập lại, trên cương vị Hiệu trưởng trường Trung học Yên Định (Thanh Hóa), Ông được cử về học tập năm thứ hai Ban Sử - Địa của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, được cử làm lớp trưởng của khóa sinh viên đầu tiên, gồm 29 người. Tại đây Ông tiếp tục được thụ giáo các bậc thầy Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, gặp lại các bạn hữu Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng và quen biết với Hà Văn Tấn – một bạn đồng hương kém ông hơn chục tuổi đang học năm thứ nhất. Năm 1956, sau khi tốt nghiệp xuất sắc, Ông cùng Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1957 Hà Văn Tấn tốt nghiệp cũng được giữ lại trường.
Nhờ được các bậc thầy trực tiếp hướng dẫn tận tình và nghiêm cẩn mà Đinh Xuân Lâm và các bạn ông đã trưởng thành rất nhanh trên con đường khoa học và giáo dục. Riêng Ông lại được GS. Trần Văn Giàu đặc biệt tin cậy, trực tiếp hướng dẫn nên chỉ ba năm sau (năm 1958) Ông và các đồng nghiệp đã cùng GS. Trần Văn Giàu biên soạn xong và công bố tập I bộ giáo trình Lịch sử Cận đại Việt Nam, (trọn bộ gồm 3 tập hoàn thành vào năm 1963). Đây chính là bộ giáo trình cơ bản nhất, đặt nền móng cho toàn bộ sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu Lịch sử Việt Nam cận – hiện đại.
Trong suốt hơn nửa thế kỷ gắn bó với giảng đường Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN), GS. NGND. Đinh Xuân Lâm đã góp phần đào tạo nên hàng chục nghìn cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Nhiều người trong số các học trò của Ông đã trở thành những nhà khoa học tài danh, nhà lãnh đạo, nhà quản lý giữ những cương vị trọng trách của đất nước và của các bộ, ngành, địa phương. Với tài năng xuất chúng và đức độ bao trùm, Ông cùng với các giáo sư Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng đã được các thế hệ học trò ngành Sử dành cho trọn vẹn lòng yêu mến và sự ngưỡng vọng, tôn xưng là “Tứ trụ triều đình” – một danh xưng không chính thức nhưng đã trở thành biểu tượng của Khoa Lịch sử anh hùng.
Uy tín và đóng góp của GS. Đinh Xuân Lâm không chỉ giới hạn ở trong ngành sử và tại ngôi trường mà ông trọn đời gắn bó mà thực tế đã vươn xa, lan tỏa và được khẳng định tại nhiều cơ sở đào tạo đại học và trên đại học trong cả nước và ở nước ngoài. Từ khi còn công tác và ngay cả lúc đã về hưu, Ông được nhiều trường đại học và học viện mời cộng tác đào tạo ở nhiều trình độ với nhiều hình thức khác nhau. Nhiều trường đại học ở nước ngoài, như Pháp, Hà Lan, Đức cũng mời Ông đến thuyết giảng về Lịch sử Việt Nam. Ông còn được cử tham gia đoàn chuyên gia giáo dục Việt Nam tại Madagascar từ năm 1981 đến 1983. Danh tiếng vang xa của người Thầy lớn – học giả lớn đã khiến cho nhiều chuyên gia nổi tiếng, cho đến cả các sinh viên mới vào nghề từ nhiều nước xa xôi tìm đến với Ông, để trao đổi về những vấn đề phức tạp của lịch sử Việt Nam cận đại, nhưng đôi khi chỉ là để kiểm chứng lại một vài tư liệu lịch sử.
Không chỉ có những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp giáo dục đại học, GS. Đinh Xuân Lâm còn có nhiều đóng góp có ý nghĩa to lớn và lâu dài đối với sự nghiệp giáo dục phổ thông. Ông là chủ biên và là tác giả của nhiều bộ sách giáo khoa lịch sử. Ông cũng tham gia rất tích cực vào các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, tham gia và làm chủ khảo nhiều cuộc thi học sinh giỏi môn Sử toàn quốc.
Bên cạnh tình yêu tha thiết với nghề dạy học, bí quyết đã giúp GS. Đinh Xuân Lâm trở thành một trong những bậc đại sư biểu của ngành lịch sử Việt Nam hiện đại chính là ở thái độ khoa học, nghiêm túc với nghề: luôn luôn gắn chặt công việc đào tạo với nghiên cứu, lấy việc miệt mài, say sưa nghiên cứu làm bệ đỡ cho từng giờ trên bục giảng.
Cả cuộc đời GS. Đinh Xuân Lâm là tấm gương sáng trong nghiên cứu khoa học và chính thông qua các công trình của mình, Ông đã khẳng định được chắc chắn tầm vóc và uy tín học thuật của một nhà khoa học xuất sắc. Khởi đầu với bộ công trình Lịch sử Cận đại Việt Nam từ năm 1958 mà ông góp sức hoàn thành dưới sự hướng dẫn của GS. Trần Văn Giàu và khép lại với cuốn Lịch sử Việt Nam tập III mà ông là Chủ biên cùng các học trò chỉnh sửa và công bố vào năm 2016, GS. NGND Đinh Xuân Lâm đã có gần trọn 6 thập kỷ cầm bút. Với khoảng trên 400 công trình được xuất bản ở cả Việt Nam và nước ngoài, Ông chắc chắn là một trong những tác gia lớn nhất của văn đàn sử học Việt Nam hiện đại và cũng là một trong số ít người được giới học giả quốc tế trích dẫn nhiều nhất.
Nhưng cái làm nên tên tuổi Đinh Xuân Lâm trong giới khoa học xã hội nước nhà không phải là số lượng mà chính là chất lượng và ảnh hưởng của các công trình khoa học mà ông đã công bố. Suốt hàng chục năm ròng, Ông đã dốc tâm sức, trí tuệ và niềm say mê cho việc nghiên cứu lịch sử các phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam cận đại. Hàng trăm bài khảo cứu của Ông về cuộc kháng chiến chống Pháp, về Phong trào Cần Vương, về các phong trào Đông Du, Duy tân, về Việt Nam Quang phục hội và đặc biệt là về phong trào yêu nước dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành học liệu chính và là bệ đỡ cho toàn bộ công tác nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Việt Nam cận đại. Để hiểu đúng và đầy đủ hơn về các cuộc vận động duy tân và cứu quốc thời cận đại, GS. Đinh Xuân Lâm đã dần mở rộng phạm vi quan tâm nghiên cứu của mình sang các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo và tư tưởng và ở trong mỗi lĩnh vực này Ông đều có những đóng góp rất nổi bật.
Nét đặc sắc nhất trong các nghiên cứu của GS. Đinh Xuân Lâm chính là sử liệu. Sử liệu được ông thu thập từ nhiều nguồn, vô cùng phong phú, lại được ông xem xét tỉ mỉ, cẩn trọng tra cứu đến tận ngọn nguồn, so sánh, đối chiếu để xác định giá trị và độ xác tín của từng thông tin. Thái độ trung thực, chuyên nghiệp đó được Ông nhất quán duy trì, coi như nguyên tắc tối thượng của người làm sử, đã giúp Ông trở thành một học giả thực sự uyên bác. Với vị thế và bề dày kinh nghiệm nghề nghiệp đó, GS. Đinh Xuân Lâm đã tham gia và chủ trì nhiều diễn đàn khoa học ở trong nước và ở cả nước ngoài, và ở đâu ông cũng giành được sự tin cậy, yêu quý, kính trọng của các đồng nghiệp nhờ thái độ làm việc nghiêm túc, khoa học, cởi mở, chân thành, luôn tôn trọng sự khác biệt trong thảo luận chuyên môn, nhưng cũng không kém phần dũng cảm, quyết liệt trong khi cần phải bảo vệ những chân lý khoa học và sự thật lịch sử.
Bên cạnh công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS. Đinh Xuân Lâm cũng tham gia rất nhiệt tình và có trách nhiệm rất cao với các công tác đoàn thể. Ngay từ khi còn dạy học ở Thanh Hóa, Ông đã hăng hái tham gia công tác Công đoàn. Sau này, ông cũng nhiều năm đảm nhiệm chức vụ Thư ký Công đoàn của Khoa Lịch sử, đóng góp nhiều thời gian, tâm sức vào việc củng cố khối đoàn kết và tình thân ái của anh chị em trong Khoa. Chức trách mà Ông đảm nhiệm lâu nhất và cũng từ vị trí đó Ông đóng góp được nhiều nhất chính là Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cận – Hiện đại. Suốt trong thời gian 32 năm, từ 1958 đến 1990, Ông đã lãnh đạo xây dựng Bộ môn thành một tập thể khoa học vững mạnh và đoàn kết, trực tiếp đào tạo nên nhiều nhà giáo – nhà khoa học kế cận xuất sắc, góp phần xứng đáng vào thành tích chung và danh tiếng của Khoa Lịch sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1988 cho đến năm 2015, Ông liên tục đảm nhiệm chức vụ phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Với uy tín to lớn của mình, Ông đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của Hội và củng cố tình yêu thương, gắn kết của đội ngũ những người yêu sử, nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trên phạm vi toàn quốc. GS. Đinh Xuân Lâm cũng là nhà lãnh đạo có uy tín lớn và rất được yêu mến của Trung tâm Khoa học UNESCO, Hội đồng Giải thưởng Phạm Thận Duật và Ông cũng là những cộng tác viên gắn bó lâu năm, hiệu quả với nhiều cơ quan khoa học, giáo dục và văn hóa lớn như Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KHXHVN, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Nhà Xuất bản Giáo dục, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Viện Viễn Đông Bác cổ, vv…
Đối với quê hương Hương Sơn, Hà Tĩnh, Ông cũng luôn dành trọn một tấm lòng yêu thương tha thiết. Tình cảm sâu sắc và lòng tự hào về quê hương xứ Nghệ được ông gửi gắm vào nhiều trang viết, đặc biệt là vào hai công trình Nghệ Tĩnh-hôm qua và hôm nay (1986) và Lịch sử Hà Tĩnh (2 tập, 2000) mà ông và các bạn tâm giao đồng hương hoàn thành và công bố. Ông cũng dành nhiều tình cảm sâu nặng cho Thanh Hóa – nơi ông coi như quê hương thứ hai của mình, và cho Thủ đô Hà Nội, nơi ông sinh sống, làm việc và cống hiến đến tận hơi thở cuối cùng. Cố đô Huế cũng để lại trong Ông nhiều kỷ niệm không bao giờ quên của cuộc đời học sinh trường Quốc học Huế.
Do có nhiều cống hiến nổi bật cho sự nghiệp khoa học và giáo dục, năm 1984, Ông được Nhà nước phong học hàm Giáo sư. Ông cũng là một trong những người đầu tiên được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cao quý vào năm 1988. GS. Đinh Xuân Lâm cũng được Đảng và Nhà nước trao tặng các huân chương cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất (2006) và Huân Chương Độc lập hạng III (2016).
Kính thưa quý vị và các bạn!
GS. NGND. Đinh Xuân Lâm đã rời xa chúng ta mãi mãi!
Gia đình và dòng tộc đau đớn mất đi người chồng gương mẫu, người cha nhân hậu, trách nhiệm, bao dung và người ông mẫu mực, hiền từ.
Nền khoa học và giáo dục nước nhà mất đi một một nhà khoa học lớn và một nhà giáo mẫu mực.
Bạn bè, đồng nghiệp mất đi một người cộng sự thân thiết và rất đáng tin cậy, thông tuệ, uyên bác nhưng cũng hết sức giản dị, hóm hỉnh, khiêm nhường.
Các thế hệ học trò ngành Lịch sử từ nay sẽ mất đi một người Thầy tôn kính, luôn tận tụy với nghề và hết lòng thương yêu, dạy bảo, dìu dắt học trò.
Lời chia sẻ của Thầy khi về hưu từ gần 30 năm trước, rằng “Nếu có kiếp sau và được chọn lại nghề, tôi vẫn chọn nghề dạy học” sẽ mãi mãi khắc sâu trong trái tim lớp lớp học trò và đồng nghiệp của Thầy. Xin nguyện kế tục xứng đáng tấm gương lao động tận tụy, sáng tạo, một lòng tâm huyết với nghề với đời của Thầy!
Kính thưa toàn thể tang quyến.
Trong giờ phút buồn đau này, thay mặt cán bộ, viên chức Nhà trường cùng bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò của GS. NGND Đinh Xuân Lâm, chúng tôi xin bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn và xin gửi tới gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất.
Xin tất cả chúng ta dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ, tri ân GS. NGND. Đinh Xuân Lâm và cùng đưa tiễn Thầy về nơi an nghỉ cuối cùng./.
Tác giả: USSH
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn