Ngôn ngữ
Hội đồng nghiệm thu 5 đề cương môn học giảng dạy lồng ghép về bảo tồn và phòng chống buôn bán ĐVHD trái pháp luật
Hội đồng nghiệm thu bài giảng lồng ghép là các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông và bảo tồn ĐHVD gồm: TS. Mai Đức Lộc - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Viện Trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang - Trưởng Khoa Phát thanh – Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng - Phó Trưởng Khoa Phát thanh – Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), TS. Nguyễn Quang Trường - Trưởng phòng, Tổ trưởng tổ CITES, Viện sinh thái và tài nguyên môi trường sinh vật. Tham dự chương trình có bà Hoàng Bích Thủy - Giám đốc WCS tại Việt Nam, cùng đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông.
Bảo tồn ĐVHD và thực thi pháp luật về phòng, chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD là vấn đề bức thiết trên phạm vi toàn cầu. Ngoài việc khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, đe doạ môi trường sống của các loại động, thực vật, việc săn bắt, buôn bán trái pháp luật ĐHVD trên toàn thế giới cũng là nguyên nhân đẩy nhiều loài sụt giảm số lượng, có nguy cơ tuyệt chủng, đe dọa nghiêm trọng tới sự cân bằng hệ sinh thái trên Trái đất.
Nguồn: Tổ chức WCS Việt Nam
Báo chí truyền thông được xác định là một trong những phương tiện quan trọng trong công tác tạo dựng và định hướng dư luận, thay đổi nhận thức và hành vi của người dân trong công cuộc bảo tồn ĐVHD, thực thi pháp luật chống buôn bán trái pháp ĐVHD. Mặc dù là mảng đề tài rất cấp thiết, tuy nhiên, việc thông tin trên các phương tiện truyền thông hiện còn nhiều hạn chế. Bên cạnh các tác phẩm báo chí điều tra về đề tài này rất công phu và thành công, thì việc thông tin trên các loại hình báo chí truyền thông nói chung chưa được quan tâm thích đáng. Thậm chí, nếu đưa thông tin thiếu cẩn trọng về lợi nhuận hay các thủ đoạn của tội phạm, vô tình lại càng kích cầu và khiến ham muốn kinh doanh trái phép ĐVHD tăng lên.
Các giảng viên trình bày nội dung giảng dạy lồng ghép
Về Dự án giảng dạy lồng ghép, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Viện Trưởng Viện ĐTBC&TT cho biết: Viện ĐTBC&TT triển khai dự án này với triết lý “đào tạo theo chiều xoáy trôn ốc”, các môn học lồng ghép được thiết kế từ năm thứ nhất đến năm thứ tư trong chương trình đào tạo của ngành Báo chí, từ các môn học cung cấp kiến thức nền tảng về lý luận báo chí truyền thông cho tới các môn thực hành tác nghiệp.
5 môn học thực hiện chương trình lồng ghép là: Báo chí Truyền thông đại cương, Pháp luật và Đạo đức báo chí truyền thông, Sản xuất chương trình tin tức phát thanh, Sản xuất chương trình tin tức truyền hình, Thiết kế và Quản trị nội dung website. Với mô hình thiết kế này, Viện ĐTBC&TT hướng tới mục tiêu trang bị toàn diện cho sinh viên cả về nhận thức, kiến thức chuyên ngành, hiểu biết về pháp luật và đạo đức, rèn luyện kỹ năng để tác nghiệp về chủ đề bảo tồn và phòng chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD. Vấn đề chuyên biệt này được lồng ghép một cách logic, linh hoạt và sáng tạo trong nội dung giảng dạy báo chí truyền thông. Các góc độ khai thác một cách toàn diện với các nhóm đề tài khác nhau: nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái, kiến thức về động vật hoang dã, những tác động của con người đối với sinh cảnh và ĐHVD, thực thi pháp luật phòng chống buôn bán trái phép... Đặc biệt, phương pháp lồng ghép trong mỗi môn học phát huy khả năng làm việc chủ động, sáng tạo và tư duy phản biện của sinh viên. Điều này nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực thông tin cho đội ngũ nhân lực báo chí truyền thông trong tương lai.
Các chuyên gia đánh giá cao mô hình thiết kế giảng dạy lồng ghép trong chương trình đào tạo của Viện ĐTBC&TT
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, TS. Mai Đức Lộc hoan nghênh chương trình giảng dạy lồng ghép của Viện ĐTBC&TT. Ông chia sẻ: xã hội đang đứng trước những xung đột gay gắt giữa sự phát triển kinh tế và bảo tồn sinh cảnh, động vật hoang dã, nhu cầu của con người đang dần chạm tới ngưỡng của sự cân bằng, đa dạng sinh học. Bảo tồn ĐHVD cũng chính là bảo vệ loài người trong sự phát triển bền vững. Công tác báo chí về bảo tồn, phòng chống buôn bán trái pháp ĐVHD cần thực hiện bằng tâm huyết, kiến thức chuyên môn sâu, tránh sự thiên lệch, nửa vời. Chương trình giảng dạy lồng ghép của Viện ĐTBC&TT vừa đáp ứng được tính khoa học, kết hợp nền tảng kiến thức rộng và chuyên môn sâu, cần tiếp tục được đầu tư để đóng góp thiết thực trong việc đào tạo đội ngũ người làm báo tương lai.
Hội đồng đã có nhiều ý kiến chia sẻ để các đề cương môn học tiếp tục được hoàn thiện, đi vào thực tế giảng dạy ngày càng hiệu quả. Nếu như ở giai đoạn 1 (WCS phối hợp với Khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền), dự án đã có những bài giảng, tài liệu công phu tổng kết hoạt động của Báo chí điều tra về buôn bán trái pháp luật ĐVHD, thì đến giai đoạn 2, Viện ĐTBC&TT đã xây dựng một chương trình đào tạo có tính hệ thống khá toàn diện, với các tiêu chí về mục tiêu, phương pháp, cách thức giảng dạy lồng ghép và chuẩn đầu ra một cách chi tiết đối với từng đối tượng sinh viên, từng “ vòng xoáy trôn ốc”.
Bà Hoàng Bích Thủy – Giám đốc WCS tại Việt Nam chia sẻ: chương trình giảng dạy lồng ghép đã góp phần quan trọng vào sự thay đổi: thay đổi trong nhận thức, trong hành vi, trước hết là đối với mỗi giảng viên và sinh viên - những người làm việc trong lĩnh vực báo chí truyền thông tương lai về các vấn đề đặt ra đối với ĐHVD. Hiện nay, phần đông công chúng còn chưa hiểu rõ về vấn đề này, nên càng mong muốn thông tin báo chí đăng tải luôn xác định đúng thông điệp, đối tượng tiếp nhận, mục đích muốn thay đổi hành vi của ai và thay đổi hành vi gì. Kết quả của việc phối hợp giữa WCS và Viện Đào tạo BC&TT nói chung và giảng dạy lồng ghép trong 5 môn học nói riêng sẽ tiếp tục được đúc kết, gia tăng và lan tỏa.
Hội đồng và tập thể cán bộ, giảng viên Viện ĐTBC&TT chụp ảnh lưu niệm
Việc phối hợp với WCS tổ chức lồng ghép vấn đề bảo tồn ĐVHD, thực thi pháp luật về phòng, chống buôn bán trái pháp luật ĐVHD là một hoạt động có ý nghĩa trong công tác đào tạo của Viện Đào tạo BC&TT. Đây là một hướng phát triển đầy tiềm năng cả trong nghiên cứu lý thuyết lẫn thực hành về các nội dung chuyên biệt của báo chí, nhất là trong sự vận động đầy phức tạp của các vấn đề sinh thái đương đại.
- Tổ chức WCS (https://vietnam.wcs.org/Trang-chủ.aspx) được thành lập với mục tiêu là bảo tồn các vùng hoang dã lớn nhất thế giới, thuộc 15 khu vực ưu tiên – lưu giữ 50% giá trị đa dạng sinh học toàn cầu.. WCS đã có lịch sử 120 năm hình thành và phát triển, có văn phòng đại diện tại gần 60 nước trên thế giới và trụ sở chính đặt tại New York, Mỹ. WCS đã làm việc tại Việt Nam từ năm 2006 với sứ mệnh hàng đầu là đấu tranh chống nạn buôn bán DDVHD trái pháp luật, thúc đẩy hợp tác và hoạt động liên ngành ở cả cấp quốc gia và quốc tế... - Việt Nam là nước có nền đa dạng sinh học cao trên thế giới, tuy nhiên, mức độ đe dọa và nguy cơ tuyệt chủng đang ở mức báo động. Tính đến năm 2014: + 1211 loài (thực vật: 600 loài, động vật: 611 loài) bị đe dọa tuyệt chủng + Các loài có tên trong Danh lục Đỏ IUCN (2019) thực vật: 299 loài, động vật: 1056 loài. + Động vật quý hiếm bậc nhất thế giới như Sao la ở mức cảnh báo nguy cấp, tê giác một sừng bị tuyệt chủng, hổ tự nhiên chỉ còn 10-20 cá thể, các loài linh trưởng, chim,... suy giảm nhanh chóng. Bên cạnh đó, Việt Nam vừa là thị trường tiêu thụ, vừa là điểm trung chuyển của đường dây buôn bán ĐVHD trái phép quan trọng nhất khu vực Đông Nam Á. Sừng tê giác, ngà voi, vẩy tê tê là các sản phẩm ĐVHD chính được buôn bán đến tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan. Trong hơn 10 năm qua: ước tính hơn 1 triệu cá thể tê tê đã bị giết trên toàn cầu để làm thuốc chữa bệnh... - Tội phạm về buôn bán ĐVHD trái pháp luật đang là vấn đề nhức nhối trên phạm vi toàn cầu |
Nguồn: Tổ chức WCS Việt Nam
Tác giả: SJC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn