Tập huấn nâng cao trách nhiệm của ngành Du lịch trong bảo tồn động vật hoang dã

Thứ ba - 10/12/2019 04:50
Giữa tháng 11 vừa qua, công ty TNHH Dịch vụ khoa học và du lịch (TASS) - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - tổ chức lớp tập huấn “Kiến thức và trách nhiệm của ngành du lịch trong phòng chống buôn bán, tiêu thụ trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã” cho đội ngũ nhân lực ngành du lịch tại Quảng Ninh.
Tập huấn nâng cao trách nhiệm của ngành Du lịch trong bảo tồn động vật hoang dã
Tập huấn nâng cao trách nhiệm của ngành Du lịch trong bảo tồn động vật hoang dã

Đây là dự án do Trường ĐHKHXH&NV phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đại diện công ước CITES Việt Nam đặt tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh tổ chức với mục đích cập nhật kiến thức, nâng cao trách nhiệm cho đội ngũ hướng dẫn viên, các đơn vị lữ hành, lưu trú, điểm thăm quan và điểm mua sắm; nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông giúp thay đổi hành vi của du khách, giảm cầu tiêu thụ, mua bán sản phẩm từ động vật hoang dã.

Khai giảng lớp tập huấn có sự có mặt của PGS.TS Trần Thị Minh Hoà - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, ThS.Vũ Thị Hạnh - Trưởng phòng Quản lý lưu trú và dịch vụ Du lịch, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, TS. Nguyễn Mạnh Hà - điều phối viên dự án và gần 100 học viên. Tham gia giảng dạy có TS. Phạm Quý Tỵ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, TS. Lê Khắc Quyết - PGĐ TT Bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp, PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học, Trường ĐHKHXH&NV.

Phát biểu khai giảng lớp tập huấn, PGS.TS Trần Thị Minh Hòa - Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã đề cập đến vị thế và sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Hạ Long trong những năm qua cũng như sự nhạy bén của Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh với các hoạt động đào tạo nhân sự ngành Du lịch. PGS.TS Trần Thị Minh Hòa cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của USAID và CITES - những đơn vị tài trợ quốc tế cho hoạt động ý nghĩa này.

Tiếp theo đó, ThS.Vũ Thị Hạnh - Trưởng phòng Quản lý lưu trú và dịch vụ du lịch, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã phát biểu chào mừng gửi tới khóa tập huấn. Bà nhấn mạnh rằng việc phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh luôn gắn kết chặt chẽ với việc bảo vệ môi trường sinh thái cũng như tích cực đóng góp vào các hoạt động bảo tồn loài, hướng tới phát triển bền vững. Bên cạnh đó, thay mặt cơ quan quản lý đội ngũ nhân sự ngành du lịch, ThS. Vũ Thị Hạnh khẳng định sẽ đồng lòng cùng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và đội ngũ hướng dẫn viên để tham gia truyền thông nhằm giảm cầu tiêu thụ, buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.

Trong khuôn khổ hai ngày học tập nghiêm túc cùng với sự chia sẻ đầy nhiệt huyết của các chuyên gia, giảng viên, gần 100 học viên của lớp tập huấn đã được tiếp cận với lượng kiến thức rất hữu ích, phục vụ thiết thực cho ngành du lịch. Giảng viên, TS. Lê Khắc Quyết đã giúp các học viên cập nhật các kiến thức nền về hệ sinh thái, đa dạng sinh học và hệ động vật hoang dã cần bảo tồn ở Việt Nam; thảo luận về các tác động trực tiếp, gián tiếp của ngành Du lịch tới hệ sinh thái hiện nay. TS. Phạm Quý Tỵ cung cấp cho học viên thông tin về các hình thức xử phạt hành chính và hình sự của Luật pháp Việt Nam hiện hành đối với các vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã. PGS.TS Phạm Hồng Long mang lại cho học viên cái nhìn toàn cảnh về các tác động của ngành du lịch tới việc bảo vệ hệ sinh thái và động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đến từ USAID cũng có những chia sẻ vô cùng tích cực và thú vị tới học viên của lớp: TS. Nguyễn Mạnh Hà - điều phối viên dự án giúp học viên có cái nhìn tổng quan về thực trạng khai thác động vật hoang dã hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam và dẫn chứng về vấn nạn buôn bán trái pháp luật các sản phẩm từ động vật hoang dã thông qua kênh du lịch như thế nào ? Ngoài ra, bà Nguyễn Mỹ Hà – chuyên gia truyền thông thay đổi hành vi của Dự án cũng có những chia sẻ hữu ích với học viên về tác dụng và sức mạnh của truyền thông đối với thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Lớp tập huấn kết thúc sau hai ngày làm việc với những chia sẻ hiệu quả giữa các giảng viên, chuyên gia và học viên, đồng thời mở ra mối liên kết chặt chẽ mới giữa những thành viên cùng chung mối quan tâm về bảo vệ động vật hoang dã. Các học viên đã có những thay đổi bước đầu về nhận thức, vai trò và trách nhiệm của bản thân cũng như của doanh nghiệp và ngành Du lịch đối với bảo vệ hệ sinh thái nói chung và động vật hoang dã nói riêng.

Tác giả: Thu Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây