Ngôn ngữ
Hội thảo có sự tham gia của bà Caitlin Wiesen (Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc – UNDP), ông Bành Thế Đoàn (Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam), PGS.TS Phạm Văn Linh (Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương), GS.TS Nguyễn Văn Kim (Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV), GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV).
Cùng với tăng trưởng kinh tế, quản lý phát triển xã hội có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước. Quản lý phát triển xã hội là quá trình thực hiện các chính sách xã hội và các chương trình nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững, công bằng. Những vấn đề này liên quan đến an sinh, phúc lợi xã hội, dịch vụ xã hội cơ bản, bình đẳng xã hội, an ninh và sự hài hòa xã hội, thu nhập và giảm nghèo…Nếu những vấn đề xã hội không được giải quyết hiệu quả, quá trình phát triển của đất nước sẽ gặp nhiều rủi ro và bị kéo chậm lại.
Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng đã ghi nhận những thành tựu trong quản lý phát triển xã hội của Việt Nam trong 30 năm qua như: thực hiện chính sách tốt chỉ tiêu giảm nghèo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quan tâm thực hiện chính sách với người có công không ngừng nâng cao đời sống và thu nhập của người dân. Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm như: giảm nghèo chưa bền vững; chênh lệch giàu-nghèo và bất bình đẳng có xu hướng gia tăng; chưa có chính sách, giải pháp kịp thời đối với phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội.
Hội thảo “Quản lý phát triển xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay” được tổ chức nhằm phân tích, đánh giá thực trạng, những mặt mạnh và yếu của hoạt động quản lý phát triển xã hội của Việt Nam hiện nay. Qua đó rút ra những bài học, kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp, kiến nghị để cải thiện, phát huy công tác này trong bối cảnh, tình hình mới.
GS.TS Phạm Quang Minh trình bày báo cáo đề dẫn
Tại hội thảo, GS.TS Phạm Quang Minh đã trình bày báo cáo đề dẫn “Hướng tới một mô hình quản lý phát triển xã hội bền vững ở Việt Nam”. Báo cáo chỉ ra những vấn đề xã hội chủ yếu tại Việt Nam hiện nay như sự phân cực giàu nghèo do không đủ nguồn lực nhanh chóng, kịp thời; thiếu sót trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm; thiếu cơ chế phối hợp trong công tác bảo hiểm…Theo báo cáo, nguyên nhân chủ yếu của các vấn đề xã hội là chưa có sự tham gia, góp sức một cách bình đẳng của các chủ thể phi nhà nước trong điều chỉnh và quản lý các vấn đề đó. Từ đó, báo cáo đề xuất dịch chuyển từ mô hình quản lý phát triển xã hội sang quản trị phát triển xã hội, mà ở đó có sự tham gia bình đẳng, hợp tác và chia sẻ trách nhiệm giữa ba bên chính: chính phủ, thị trường và xã hội. Báo cáo kết luận với khuyến nghị đổi mới thể chế chính trị Việt Nam, theo hướng nâng cao trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và tính nhất quán trong áp dụng luật pháp.
Bà Caitlin Wiesen trình bày báo cáo “PAPI: xu hướng đáp ứng kỳ vọng của người dân trong 10 năm qua và hàm ý cho tương lai”
Sau báo cáo đề dẫn, hội thảo tiếp diễn với 7 báo cáo: “Đổi mới quản lý phát triển đối với an sinh xã hội, an ninh con người” (GS.TS Phạm Tất Dong – Hội khuyến học Việt Nam); “PAPI: xu hướng đáp ứng kỳ vọng của người dân trong 10 năm qua và hàm ý cho tương lai” (bà Caitlin Wiesen – Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc – UNDP); “Quản lý phát triển xã hội và an ninh con người trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế” (PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh – Trường ĐHKHXH&NV); “Tìm hiểu về phát triển và lý trị trong xã hội Trung Quốc” (Ông Bành Thế Đoàn – ĐSQ Trung Quốc tại Việt Nam); “Vai trò của cộng đồng xã hội đối với quản lý phát triển xã hội – những bài học từ truyền thống” (GS. TS Đặng Cảnh Khanh – Viện Nghiên cứu Truyền thống và phát triển); “Phát triển và quản lý phát triển xã hội: kinh nghiệm của một số nước Đông Nam Á và gợi ý bài học cho Việt Nam” (PGS.TS Nguyễn Duy Dũng – Viện Nghiên cứu Đông Nam Á); “Tác động biến đổi khí hậu và chiến lược quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay” (GS.TS Nguyễn Hữu Khiển – Học viện Hành chính Quốc gia).
Tác giả: Trần Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn