Hội thảo Nâng cao kỹ năng NCKH cho các nhà nghiên cứu ở Việt Nam

Thứ hai - 28/05/2018 23:57
Vào ngày 21-22/05/2018, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp với Hiệp hội Quản lý Nghiên cứu Australia (ARMS) tổ chức hội thảo “Nâng cao kỹ năng quản lý nghiên cứu khoa học cho các nhà nghiên cứu ở Việt Nam”. Hội thảo được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và tổ chức Australia Unlimited.

Trong buổi khai mạc, về phía Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, có sự tham dự của GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Nhà trường), GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý). Các đối tác và khách mời gồm có ông Craig Chittick (Đại sứ Australia tại Việt Nam), TS. Campbell Thomson (Chủ tịch Hiệp hội Quản lý Nghiên cứu Australia), ông Nguyễn Hoàng Hải (Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Phát biểu tại hội thảo, TS. Campbell Thomson cho biết, ARMS rất coi trọng việc đào tạo các nhà quản lý nghiên cứu. Các hiệp hội nghiên cứu đã và đang đi tiên phong trong công tác quản lý này ở các nước Đông Nam Á. Hội thảo lần này là hoạt động nằm trong khuôn khổ quan hệ đối tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và ARMS.

GS.TS Phạm Quang Minh chia sẻ: sự giúp đỡ, cộng tác của các đối tác là là một điều rất quan trọng, nhất là khi Việt Nam còn đang trên con đường đổi mới và hội nhập. Trường ĐHKHXHNV vinh dự khi được hợp tác với một tổ chức nổi tiếng như ARMS và mong muốn trở thành một thành viên của Hiệp hội. GS.TS Phạm Quang Minh cũng đánh giá cao những đóng góp của Khoa Khoa học Quản lý, Viện Chính sách và Quản lý cho hoạt động đổi mới khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Giáo sư Hiệu trưởng bày tỏ mong muốn có thể tổ chức sự kiện này thường xuyên hơn ở Việt Nam, qua đó các nhà khoa học và quản lý của Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và kiến thức từ các đối tác.

Đại sứ Australia tại Việt Nam - ông Craig Chittick cho biết: quan hệ giữa hai nước hiện nay đã được nâng lên tầm đối tác chiến lược. Một trong những lĩnh vực mà chính phủ hai nước đang tăng cường hợp tác là nghiên cứu và đổi mới. “Chúng tôi không phải đối tác duy nhất của Việt Nam  nhưng chúng tôi muốn trở thành người bạn thân thiết và nhiệt tình nhất của các bạn. Và không chỉ ở cấp nhà nước, mà còn giữa các thể chế như trường đại học, nơi tập trung nguồn chất xám cao nhất. Vì vậy phủ Australia rất vinh dự khi được hỗ trợ cho quan hệ đối tác này” – ông cho biết.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp, nhu cầu hợp tác nghiên cứu giữa các nước trong khu vực và thế giới đang tăng mạnh. Để thúc đẩy hợp tác với các nước phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý Việt Nam phải nâng cao kiến thức và kỹ năng để bắt kịp với tiêu chuẩn thế giới. Các tổ chức nước ngoài đã đóng vai trò thiết thực trong quá trình đổi mới này. Hội thảo này được ĐHQGHN và ARMS đồng tổ chức, với sự tài trợ của Đại sứ quán Australia. Các nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ thu được kinh nghiệm hữu ích được thông qua hợp tác với các tổ chức từ Australia, New Zealand, Singapore. Từ cơ sở đó, các nghiên cứu trong tương lai giữa Australia và Việt Nam sẽ được cải thiện, giúp củng cố quan hệ song phương.

Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu đã chứng kiến GS.TS Phạm Quang Minh và TS. Campbell Thomson đã ký thỏa thuận hợp tác giữa Trường ĐHKHXH&NV và Hiệp hội Quản lý Nghiên cứu Australia.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 21-22/05/2018. Hội thảo nghe các bài thuyết trình chính: TS. Mark Hochman (Hiệp hội Quản lý Nghiên cứu Australia) trình bày về “Quy trình xin tài trợ dự án”, “Quy trình quản lý dự án sau tài trợ”; PGS.TS Đào Thanh Trường (Trưởng khoa Khoa học Quản lý, Phó viện trưởng IPAM) và Tiến sỹ Bạch Tân Sinh (Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và công nghệ) trình bày về “Hệ thống Khoa học, Công nghệ và Đổi mới của Việt Nam”; GS.TS Vũ Cao Đàm (Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu và Đào tạo, IPAM) trình bày về “Sự chuyển đổi sang nền Khoa học và Giáo dục tự trị tại Việt Nam”.

Tác giả: Mỹ Nhàn (CMP)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây