Tin tức

IPAM ký hợp đồng thực hiện gói thầu "Xây dựng lộ trình về tiền ươm tạo và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ giai đoạn 2015-2025"

Thứ tư - 17/02/2016 00:19
Ngày 16/2/2016, Viện Chính sách và Quản lý - Trường ĐHKHXH&NV đã ký hợp đồng với Ban Quản lý dự án "Hỗ trợ Xây dựng Chính sách Đổi mới và Phát triển các cơ sở ươm tạo (BIPP)" của Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện gói thầu "Xây dựng lộ trình về tiền ươm tạo và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ giai đoạn 2015-2025".
IPAM ký hợp đồng thực hiện gói thầu
IPAM ký hợp đồng thực hiện gói thầu "Xây dựng lộ trình về tiền ươm tạo và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ giai đoạn 2015-2025"

Tham dự lễ ký kết hợp đồng có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng - Trưởng Ban chỉ đạo dự án BIPP; ông Trần Đắc Hiến - Giám đốc BQLDA BIPP, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán Bộ, Bộ KH&CN, bà Nguyễn Thị Thúy Hiền - điều phối viên Dự án. Về phía Trường ĐHKHXH&NV có GS.TS Nguyễn Văn Kim - Phó Hiệu trưởng, GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý, TS Đào Thanh Trường - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý.

GS. TS Nguyễn Văn Khánh - Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý và ông Trần Đắc Hiến -  Giám đốc BQLDA BIPP, Bộ KH&CN ký hợp đồng dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Trần Văn Tùng (Ảnh: Trần Minh)

Gói thầu này thuộc dự án “Hỗ trợ Xây dựng Chính sách Đổi mới và Phát triển các Cơ sở Ươm tạo Doanh nghiệp - BIPP”. Đây là dự án hợp tác song phương có thời hạn 05 năm được ký kết giữa Chính phủ Vương quốc Bỉ và Chính phủ Việt Nam. Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện khuôn khổ chính sách về ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ (DNKHCN), một yếu tố thiết yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhóm chuyên gia của Viện Chính sách và Quản lý sẽ nhận trách nhiệm thực hiện các nghiên cứu phân tích nhằm xây dựng một dự thảo Lộ trình tổng thể về Tiền Ươm tạo và Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ trong giai đoạn 2015 – 2025, làm một trong những cơ sở tham chiếu để Bộ và các ngành liên quan tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách và khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ươm tạo doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam.

GS. TS Nguyễn Văn Kim - Phó Hiệu trưởng Nhà trường trao đổi tại buổi lễ (Ảnh: Trần Minh)

Các nội dung cụ thể của dự án là: nghiên cứu đánh giá tổng thể hiện trạng các yếu tố/khía cạnh liên quan đến tiền ươm tạo và ươm tạo tại Việt Nam; nghiên cứu đánh giá về các thực tiễn quốc tế tốt nhất (đặc biệt là trong khu vực) đối với từng yếu tố liên quan đến tiền ươm tạo và ươm tạo nói trên và có so sánh với tình hình cụ thể tại Việt Nam; xây dựng dự thảo tầm nhìn trong trong tương lai cho từng yếu tố liên quan đến tiền ươm tạo và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ; xây dựng dự thảo chương trình nghị sự về đổi mới, trong đó xác định rõ các chương trình hành động mà Chính phủ cần thực thi nhằm đạt được tầm nhìn nói trên; các điều kiện cần và đủ để triển khai thực hiện lộ trình này…

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết: hoạt động ươm tạo doanh nghiệp khoa học – công nghệ vài năm gần đây đã được khởi động tương đối mạnh, trở thành một xu hướng tích cực trong phong trào lập nghiệp của giới trẻ. Dự án này có ý nghĩa lớn khi hướng tới mục tiêu ươm tạo các doanh nghiệp có năng lực và khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường, góp phần thực hiện tham vọng để Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp. Việc triển khai những dự án này cũng góp phần hình thành thị trường công nghệ phát triển tại Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng trao đổi về hoạt động ươm tạo doanh nghiệp - công nghệ (Ảnh: Trần Minh)

Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý - GS.TS Nguyễn Văn Khánh khẳng đinh: Viện là một trong những đơn vị tiên phong trong nghiên cứu và tư vấn chính sách trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Với uy tín, năng lực và kinh nghiệm đã có, nhóm chuyên gia cam kết sẽ thực hiện dự án một cách nghiêm túc, chất lượng và hiệu quả. Qua dự án này, Viện và Nhà trường mong muốn thắt chặt hơn quan hệ hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ và hướng tới những dự án nghiên cứu quy mô và có ý nghĩa hơn nữa trong tương lai.

  • Viện Chính sách và Quản lý chính thức được thành lập theo Quyết định 876 QĐ/XHNV-TC Ngày16 tháng 4 năm 2013 của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
  • Viện Chính sách và Quản lý được hình thành trên cơ sở những thành tựu phát triển của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Chính sách (CEPSTA) - một trong những trung tâm được xếp hạng thuộc phân nhóm trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ đào tạo hoạt động hiệu quả trực thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. 
  • Trong hơn 10 năm phát triển, Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Chính sách đã đạt được những thành tựu cơ bản trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo, phát triển ngành khoa học chính sách và bước đầu hình thành một mạng lưới về lĩnh vực chính sách tại Việt Nam. Trung tâm đã triển khai các dự án Hợp tác với Viện Rosa Luxemburg; tổ chức hơn 24 khóa tập huấn về kỹ năng phân tích hoạch định chính sách tại các địa phương và các khóa tập huấn thường niên về kỹ năng phân tích, hoạch định, thẩm định chính sách cho cán bộ của văn phòng Quốc Hội; ký thỏa thuận hợp tác với rất nhiều các đối tác trong nước như Viện Nghiên cứu Lập pháp (thuộc UB Thường vụ Quốc hội).. và nước ngoài như Đại học Lund (Thụy Điển); Đại học Potsdam, Đại học Greifwald, Đại học Munich (CHLB Đức); Helmholtz-Trung tâm nghiên cứu môi trường (UFZ), CHLB Đức…; xuất bản nhiều ấn phẩm, tài liệu về khoa học chính sách xuất bản tiếng Anh và Tiếng Việt.
  • Viện được thành lập với sứ mệnh đào tạo, phát triển và cung cấp nguồn nhân lực quản lý và chuyên gia về nghiên cứu và phân tích chính sách, quản lý phát triển ngành khoa học chính sách và quản lý. Với khẩu hiệu “Ý tưởng- Nhận thức – Đổi mới” (Think tank – Perception - Innovation), Viện tập trung sáng tạo và ứng dụng, liên kết và tập hợp một mạng lưới các tổ chức về chính sách ở Việt Nam.
  • Hiện nay Viện Chính sách và Quản lý là đơn vị nổi bật của Nhà trường trong lĩnh vực nghiên cứu, tham gia thực hiện các đề tài khoa học các cấp. Trong giai đoạn 2014 -  2016, Viện chủ trì thực hiện 5 đề tài cấp Nhà nước và 2 đề tài cấp tỉnh, thực hiện 2 dự án quốc tế với sự tài trợ của Quỹ Rosa Luxemburg – Cộng hòa liên bang Đức. Trong thời gian tiếp theo, Viện tiếp tục hướng nghiên cứu về chính sách công, chính sách khoa học và công nghệ, đào tạo sau đại học ngành Chính sách công.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây