Ngày hội về quyền tiếp cận thông tin

Chủ nhật - 28/02/2016 10:04
Đây là sự kiện lớn nhất, khép lại chuỗi hoạt động trong khuôn khổ dự án "Tăng cường hiểu biết và sự tham gia của thanh niên thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin tại Việt Nam" do khoa Thông tin Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN phối hợp với Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ CEPEW Việt Nam thực hiện, dưới sự tài trợ của quỹ Canada. Sự kiện được tổ chức từ 14 đến 21 giờ ngày 27/2/2016 tại khuôn viên Trường ĐHKHXH&NV với rất nhiều các hoạt động khác nhau.
Ngày hội về quyền tiếp cận thông tin
Ngày hội về quyền tiếp cận thông tin

Một số hình ảnh của ngày hội

Chung kết cuộc thi sáng kiến truyền thông về quyền tiếp cận thông tin

PGS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN phát biểu khai mạc ngày hội

Tham dự sự kiện có bà Nguyễn Phương Anh, Điều phối viên của Quỹ dành cho các sáng kiến địa phương; ThS. Ngô Thị Thu Hà, Phó Giám đốc trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ CEPEW; PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN; TS. Trần Bách Hiếu, Bí thư Đoàn Trường; TS Đỗ Văn Hùng, Trưởng khoa Thông tin Thư viện, cùng đông đảo các bạn học sinh, sinh viên đến từ nhiều trường THPT và đại học trên địa bàn Hà Nội.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, PGS.TS Phạm Quang Minh chia sẻ: Thông tin ngày nay có một tầm quan trọng đặc biệt. Thông tin là sức mạnh, thông tin là quyền lực, nếu bạn biết sử dụng thông tin, biết khai thác thông tin, thì bạn có thể trở thành người có được quyền lực mà không người nào khác có được. Và quyền được biết cũng chính là quyền của mỗi cá nhân được làm chủ vận mệnh của mình, cũng như làm chủ ngôi trường mà chính thầy cô và các bạn đang chung tay, góp sức.

Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, PGS.TS Phạm Quang Minh đã gửi lời cám ơn đến đại sứ quán Canada, Trung tâm CEPEW và thầy trò khoa Thông tin Thư viện, những người đã thắp nên niềm tin vào tương lai tốt đẹp hơn cho chính các bạn, cũng như Nhà trường và toàn xã hội. PGS.TS Phạm Quang Minh cam kết sẽ luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để tất cả thầy cô giảng viên và sinh viên trong trường sẽ phát huy được tinh thần chủ động sáng tạo trong dự án.

Là một sinh viên, bạn thường tìm kiếm những thông tin gì trong trường đại học? Có bao giờ bạn gặp khó khăn để tìm kiếm, tiếp cận thông tin trong trường đại học không? Những khó khăn mà chúng ta gặp phải khi tiếp cận thông tin trong trường đại học là do các bạn sinh viên bị động hay vì một lí do nào khác?... Đó là những câu hỏi được đặt ra thảo luận trong tọa đàm "Sinh viên có bị động trong tiếp cận thông tin?" diễn ra ngay sau lễ khai mạc.

ThS. Ngô Thị Thu Hà - Phó Giám đốc trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ CEPEW đang chia sẻ trong buổi tọa đàm

Là một người đã dày công nghiên cứu về quyền tiếp cận thông tin và tích cực tham gia vào quá trình xây dựng dự thảo luật tiếp cận thông tin trình quốc hội, tiếp cận góc độ dựa trên quyền, ThS Ngô Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ CEPEW đã chia sẻ nhiều thông tin cụ thể về thông tin và hoạt động tiếp cận thông tin.

Những nội dung này được phần nào cụ thể hóa, thảo luận và trao đổi lại với các dẫn chứng cụ thể của ThS. Phạm Huy Cường, Phó Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên. Là một trong hai đơn vị của Trường ĐHKHXH&NV thường xuyên làm việc và tiếp xúc với các bạn sinh viên, ThS. Phạm Huy Cường đã đưa ra những dẫn chứng thực tế về hoạt điếp tiếp xúc và cung cấp thông tin cho sinh viên của phòng.

ThS. Phạm Huy Cường - Phó Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường ĐHKHXH&NV đang chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm

Qua góc nhìn của người trẻ, bạn Đặng Trung Anh, khoa Khoa học Quản lý cũng đưa ra những thông tin phản hồi về sự cần thiết, về nhu cầu và cách mà các bạn trẻ tiếp cận với thông tin khi ngồi trên giảng đường đại học.

Những chia sẻ của các khác mời cùng với những câu hỏi tương tác của các bạn sinh viên tham gia chương trình, buổi tọa đàm đã cung cấp một góc nhìn tương đối toàn diện về quá trình tiếp cận thông tin nói chung và của sinh viên trong trường đại học nói riêng.

Bên cạnh hoạt động tọa đàm, các bạn trẻ còn có thể tham quan và đánh giá các gian trại của các đội tham gia cuộc thi "Sáng kiến truyền thông về quyền tiếp cận thông tin dành cho các bạn trẻ". Lắng nghe các thuyết trình và bình chọn cho các dự án mà mình thích.

Ngoài ra ngày hội còn tổ chức khu vực trò chơi gắn với các nguyên tắc quan trọng trong quyền tiếp cận thông tin, điều này giúp các bạn trẻ vừa học vừa chơi một cách hiệu quả.

Quyền tiếp cận thông tin được xem là điều kiện tiên quyết thực thi các quyền con người khác, nhằm đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trinh của nhà nước. Tiếp cận thông tin tạo điều kiện cho mọi công dân đưa ra quyết định một cách có hiểu biết như thúc đẩy quản trị tốt và phòng chống tham nhũng, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Dự án tăng cường hiểu biết và thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong việc thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin tại Việt Nam do Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ CEPEW phối hợp với khoa Thông tin Thư viện, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN thực hiện từ tháng 12/2015 đến tháng 2/2016.

Giai đoạn 1 gồm các hoạt động: hội thảo chia sẻ về tiến trình xây dựng luật tiếp cận thông tin tại Việt Nam. Hai khóa tập huấn về quyền tiếp cận thông tin cho giảng viên và sinh viên Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Từ các lớp tập huấn thành lập một nhóm thanh niên nòng cốt, giữ vai trò chủ đạo trong việc triển khai hoạt động của dự án trong giai đoạn 2.

Giai đoạn 2 của dự án bao gồm: hai tọa đàm về quyền tiếp cận thông tin tại Trường ĐHKHXH&NV; xây dựng một mô hình cung cấp thông tin dựa trên quyền được triển khai tại khoa Thông tin Thư viện; cuộc thi kêu gọi ý tưởng truyền thông trong quyền tiếp cận thông tin.

Cuối cùng, dự án kết thúc bằng sự kiện ngày hội thông tin, trưng bày các sáng kiến truyền thông và tọa đàm về quyền tiếp cận thông tin, lan tỏa các giá trị bình đẳng trong tiếp cận thông tin đến cộng đồng

 

Tác giả: Đình Hậu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây