14 tuần, 3 tập phim tài liệu với thời lượng 30 phút cho mỗi tập. Chúng tôi đã làm việc như thế nào?
Nằm trong tiến trình môn học Sản xuất chương trình truyền hình, vừa qua nhóm sinh viên K54 Khoa Báo chí và Truyền thông đã hoàn thiện 3 tập phim tài liệu khoa giáo do chính mình hoàn toàn thực hiện.
Sốc khi nhận đề tài
Đây là các tác phẩm lấy làm điểm kết thúc của môn học. Cả lớp được chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm có 9 đến 10 bạn với 3 đề tài để xây dựng thành 3 tập phim gồm: Nghề Dẫn chương trình truyền hình, Quy trình sản xuất chương trình gameshow và Truyền hình thực tế.
“Lần đầu tiên bọn mình phải làm phim, rất sốc khi được giao đề tài. Trong nhóm hầu như không ai có kinh nghiệm trong việc làm phim, dựng hình, ngay cả thực hiện một phóng sự truyền hình ngắn cũng đã khó khăn rồi. Chúng mình nghĩ chắc kì này không qua nổi vì môn này mất” - chia sẻ của bạn Đặng Mai, trợ lí MC phim Quy trình sản xuất chương trình gameshow.
Bạn Nguyễn Hồng Nam, đạo diễn tập phim Nghề dẫn chương trình truyền hình cho biết: “Phim không thể là tự biên tự diễn được, nó là phim tài liệu và bạn phải có nhân vật thật. Nghĩa là bọn mình phải có những nhân vật là người làm truyền hình và hiểu biết về chủ đề mà bọn mình hướng tới trong phim của mình. Người làm truyền hình, họ là người của công chúng, là người nổi tiếng, là những MC, BTV…Chúng tôi nghĩ liệu có quá viễn vông khi thầy đưa ra yêu cầu này cho chúng tôi – Những người chưa từng có kinh nghiệm, quan hệ và nhiều kĩ năng”
Liên hệ với nhân vật… thật “đáng sợ”
Các nhân vật tham gia trong phim đều là người nổi tiếng được công chúng biết đến hoặc có chỗ đứng trong giới truyền hình việc phải gọi điện, liên hệ, đặt vấn đề, đặt lịch hẹn phỏng vấn với họ là điều mà sinh viên nào cũng “sợ”. Để có thể tự tin cầm điện thoại gọi cho những "người của công chúng" như anh Quang Minh, chị Thảo Vân, anh Lê Anh... các bạn đã phải đấu tranh không ít.
Bạn Phạm Thị Ngoan cho biết: “Lần đầu tiên gọi điện cho anh Trần Ngọc, MC Hãy chọn gia đúng (MC mà mình rất yêu thích) mình đã phải làm công tác tư tưởng, diễn tập rất nhiều vì mình run và phải mất 5 lần nhấc lên nhấc xuống chiếc điện thoại mình mới đủ can đảm nói: “A lô, anh là MC Trần Ngọc ạ? Em là…”
“Mình đã bị chị Thanh Hường, phó phòng nội dung VTV3 từ chối ngay lần gọi đầu tiên vì mình cứ ấp a, ấp úng và không biết diễn đạt như thế nào cho chị ấy hiểu mục đích cũng như nội dung tác phẩm của bọn mình” – Bạn Phạm Thi Hương nhớ lại.
Đi quay tư liệu, bạn phải “Có sức khoẻ và mặt dày”
Chỉ mời nhân vật phỏng vấn chỉ là một phần thôi, các bạn phải theo các nhân vật ghi hình những chương trình của họ. Những chương trình ghi ngoài trời hay ở những địa điểm khác thì còn khá dễ nhưng với những chương trình ghi hình trong Đài Truyền hình Việt Nam thì không dễ chút nào. Để vào được Đài bạn phải có thẻ nhân viên hoặc không phải có người bảo lãnh và không được vào nhiều. Bên cạnh đó, việc mang theo máy quay, dụng cụ ghi hình khiến các bạn không có được nhiều thiện cảm của bảo vệ và các nhân vật khác vì họ sợ bị cản trở công việc của mình.
“Bọn mình đã phải bám ở nhà thi đấu Hoàng Mai 2 ngày để theo quay tư liệu chương trình Hãy chọn giá đúng. Không được phép đến nhiều, chỉ một bạn đạo diễn, 2 quay phim, 2 MC hiện trường, 1 trợ lí do vậy việc làm nhiều hơn. Quay khi chương trình và khi ê kíp họ nghỉ mình phải tranh thủ xin phỏng vấn hiện trường và quay lúc họ nghỉ ngơi. Có đôi khi tự thấy mình phiền phức nhưng biết sao được”. Tùng Lâm - Dẫn chương trình của phim Quy trình sản xuất chương trình gameshow - chia sẻ.
Và khó khăn chưa dừng lại
Lần đầu tiên làm phim, lần đầu tiên được thả vào một môi trường thực tế với ti tỉ những thứ không như kế hoạch các bạn sinh viên đã nhiều lần chán nản. Các bạn đều những là bạn bè cùng lớp tuy nhiên không phải biết nhau, chơi cùng nhau thì có thể phối hợp làm việc nhóm tốt được.
“Nhóm chúng mình dù là những đứa đã từng chơi với nhau song khi làm nhóm với nhau cũng gặp không ít vấn đề. Một phần vì năm 4 các bạn đi làm thêm nhiều và bọn mình không chỉ học mỗi môn truyền hình nên đôi lúc xẩy ra lục đục. Và nếu không thoáng và dễ nguôi thì không biết sẽ thế nào” - Hoàng Thu Huyền, biên tập phim Truyền hình thực tế.
Ngoài ra, làm việc với máy móc, dựng hậu kì, thu âm lời bình, quay các phỏng vấn ngăn, bối cảnh cũng khiến các bạn trong ê kip gặp nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiệm và nhiều kĩ năng.
“Khó khăn này chỉ là một phần nhỏ thôi, chúng mình có nhiều hơn khó khăn rất nhiều" - đó là chia sẻ gây tò mò của bạn Vũ Thành - Đạo diễn phim Truyền hình thực tế về 3 tập phim.