Khó khăn là điều không thể tránh khỏi trong bất kì việc gì, nếu vì sợ khó khăn mà không dám thử thì bạn sẽ không biết được mình có thể làm được gì. Nhóm sản xuất phim truyền hình tài liệu khoa giáo về sản xuất phim chương trình truyền hình đã tâm niệm như vậy.
Như bài trước đã đề cập về những khó khăn, trở ngại mà ba nhóm làm phim đã gặp phải khi thực hiện những tập phim của mình song chừng ấy chỉ là một phần. Vậy thứ nhiều hơn mà các bạn “bỏ túi” sau khi hoàn thiện các sản phẩm của mình là gì?
Sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình
Mọi sự bắt đầu đều cần có điểm tựa và may mắn cho các bạn sinh viên là đã có những điểm tựa vững chắc. Người đầu tiên chính là giảng viên của môn học, người đã ra đề tài, định hướng và theo các bạn từ đầu đến lúc sản phẩm hoàn thiện - ThS Nguyễn Cao Cường (Phó Giám đốc CMP). “Lúc được giao đề tài bọn mình nghĩ thầy đã yêu cầu quá cao cho một môn học 15 tuần vì rằng nó quá ít thời gian để thực hiện cũng như năng lực bọn mình còn kém, kinh nghiệm gần như là zero. Nhưng qua mỗi buổi tuần, qua mỗi “hạng mục” công việc được hoàn thành bọn mình nhận ra là yêu cầu đó hoàn toàn có cơ sở và nó không là “bất khả thi”. Dĩ nhiên, sản phẩm hoàn thành, bọn mình phải cảm ơn vì thầy đã kì vọng, tin tưởng và luôn theo sát bọn mình” - Bạn Nguyễn Thắm cho biết.
Qua mỗi tuần học, các bạn sẽ lên lớp để báo cáo tiến trình công việc của mình, việc nào làm được, việc nào chưa và việc nào không thể để có hướng giải quyết khác. Và dĩ nhiên thầy giáo sẽ giúp các bạn thực hiện nó bằng cách chỉ ra lối đi mới, cách thưc tiếp cận khác. Một cách khác, thầy Nguyễn Cường đã trở thành cố vấn sản xuất thường trục luôn có mặt để giúp đỡ sinh viên chỉ dẫn cách giải quyết vấn đề vướng mắc.
Việc phải tiếp cận, phỏng vấn các nhân vật của các nhóm trở nên thuận lợi và giá trị thực tiễn hơn nhiều khi các nhân vật của các bạn đã giúp đỡ các bạn bằng cách ủng hộ và góp ý cho các bạn ấy khá nhiều điều, những điều mà ở trường học không được dạy. Thuý Ngọc, MC của tập phim Quy trình sản xuất chương trình gameshow chia sẻ: “Mình là MC và phải phỏng vấn các anh chị nổi tiếng, điều đó làm mình rất sợ, đến nỗi run lên và nói vấp nhiều. Các anh chị đã giúp mình bằng cách trò chuyện làm quen trước lúc phỏng vấn và cho mình thời gian lấy lại bình tĩnh dù đang bận việc. Anh Quang Minh còn chỉ cho mình cách cầm mic sao cho đúng. Anh Minh Thảo thì góp ý cho mình trong việc đặt các câu hỏi. Và việc phỏng vấn từ cảm giác sợ, áp lực đến thoải mái, thích thú”.
Ngoài ra các nhân vật trong phim, những người làm truyền hình nổi tiếng đã không câu nệ mà thân thiện, nhiệt tình tranh thủ thời gian để giúp các bạn phỏng vấn, ghi hình, bảo lãnh khi vào cổng đài, giúp định hướng cách nhìn nhận vấn đề và các kĩ năng khi hỏi đáp hay dùng ngôn ngữ hình thể. Tất cả sự nhiệt tình đó đã khiến các bạn bỏ được những áp lực và hoàn thành tốt công việc hơn.
Những trải nghiệm quý giá
Những lần “vác máy”, “cầm mic” phỏng vấn, những cuộc nói chuyện, trao đổi ban đầu là khó khăn sau dần dần lại trở thành những trải nghiệm khó quên, những kĩ niệm đáng quý và những bài học bổ ích mà không phải ai cũng có cơ hội có được.
“Có làm rồi mới biết được bản chất công việc của truyền hình. Nó không đơn giản và hoà nhoáng như những gì bạn thấy trên truyền hình. Để có được mấy phút trên truyền hình thì cả một ê kíp phải làm việc rất vất vả và chuyên nghiệp. Mình thích làm MC lắm nhưng khi đi quay mới thấy: để làm MC truyền hình, đam mê thôi là chưa đủ”. Đó là điều bạn Thuý Quỳnh đúc rút được trong dự án làm phim này.
Việc gặp gỡ, phỏng vấn với những người làm nghề nổi tiếng là cơ hội để các bạn có được những kinh nghiệm thực tế mà không phải ở một buổi hội thảo nghề nghiệp hay giao lưu hay thậm chí ở trường học có được. Từ chia sẻ của những “bậc tiền bối”, các bạn có thêm được kĩ năng hỏi đáp, về phân bổ thời gian, về những kĩ năng làm việc nhóm và cả việc làm sao để có thể học tập tốt hơn. Hồng Nam, nhóm trưởng nhóm sản xuất phim Nghề dẫn chương trình truyền hình: “Trong buổi phỏng vấn anh Trần Ngọc, sau khi kết thúc anh còn giành hơn 1 tiếng để trao đổi, chia sẻ cho bọn mình những kinh nghiệm mà anh có được trong quá trình hoạt động trong truyền hình và cụ thể hơn trong nghề MC. Đó là những chia sẻ quý hơn cả mấy buổi học lí thuyết luôn”.
Qua 15 tuần học, các bạn đã được rèn luyện thêm nhiều kĩ năng làm truyền hình khác cũng như các kĩ năng mềm khác: “Lúc đầu mình chưa biết dựng, làm hậu kì, đọc lời bình như thế nào cho phù hợp nhưng giờ mọi thứ với mình không còn là vấn đề nữa” - Bạn Đặng Thị Mai, nhóm Quy trình sản xuất chương trình gameshow.
“Truyền hình là một lĩnh vực thú vị và qua việc sản xuất phim cũng như những lần đi ghi hình mình nhận ra: truyền hình là tác phẩm của tập thể” – Hoài Thương tâm sự.
“Đi một ngày đàng học một sàng khôn” có lẽ là điều tâm đắc nhất của những bạn sinh viên tham gia sản xuất loạt phim tài liệu khoa giáo về sản xuất chương trình truyền hình này.