Ngôn ngữ
Giáo dục đại học chất lượng cao có một vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế của xu thế toàn cầu hoá. Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) đã và đang chuyển mình hoà nhập vào làn sóng hội nhập giáo dục học quốc tế với bản sắc và cốt cách thấm đậm tính khoa học và chất nhân văn Việt Nam…
Giáo dục đại học chất lượng cao có một vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế của xu thế toàn cầu hoá. Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) đã và đang chuyển mình hoà nhập vào làn sóng hội nhập giáo dục học quốc tế với bản sắc và cốt cách thấm đậm tính khoa học và chất nhân văn Việt Nam…
Kế thừa truyền thống hơn 60 năm của Đại học Văn khoa, và hơn 50 năm của Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học KHXH&NV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục giữ vững vị thế là trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam.
Trong số gần 20 ngành học bậc đại học và gần 50 ngành học sau đại học mà trường hiện đang đào tạo, có những ngành học cơ bản, truyền thống như Văn học, Lịch sử, Triết học và Ngôn ngữ học, những ngành học gắn liền với tên tuổi các giáo sư sáng lập khoa như Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo,... Những ngành học này đã tạo dựng uy tín của trường hơn nửa thế kỉ qua và đang tiếp tục khẳng định vị thế của mình với tên tuổi các nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng như Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Hoàng Như Mai, Lê Đình Kị, Nguyễn Tài Cẩn, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, v.v. Bên cạnh đó, nhiều ngành học hiện đại cũng đã và đang được đầu tư, khai mở, tạo nên bản sắc mới, đa sắc màu cho trường như Báo chí và Truyền thông, Đông phương học, Quốc tế học, Du lịch học, Lưu trữ học và Quản trị văn phòng… Nhiều ngành học mới lần đầu tiên được tuyển sinh, nhưng đã thu hút được đông đảo thí sinh quan tâm như: Công tác xã hội, Chính trị học, Nhân học và Việt Nam học.
Trường ĐHKHXH&NV là một trong những cơ sở đào tạo đại học đầu tiên ở Việt Nam áp dụng hình thức đào tạo theo tín chỉ, tạo sự liên thông liên kết giữa các khoa trong trường, giữa trường với các trường thành viên trong Đại học Quốc gia Hà Nội, và giữa trường với các trường đại học quốc tế.
Sinh viên theo học tại trường có cơ hội tham gia học tập trong các chương trình liên kết quốc tế ‘2+2’, ‘3+1’ và ‘3,5 + 1,5’. Có nghĩa là, sinh viên sẽ được học tại Trường ĐHKHXH&NV trong thời gian một năm hoặc 2 năm, và học tại cơ sở nước ngoài thời gian còn lại của khoá học, trước khi nhận bằng tốt nghiệp của cơ sở đào tạo nước ngoài.
Bên cạnh các ngành đào tạo chất lượng cao được duy trì nhiều năm nay như Văn học, Ngôn ngữ học, Lịch sử, Triết học và Khoa học Quản lí, một số ngành và chuyên ngành đang được tập trung đầu tư, phát triển đạt chuẩn quốc tế như Ngôn ngữ học, Lịch sử Việt Nam và Lịch sử Việt Nam cổ - trung đại. Những chuyên ngành này không chỉ có sức hấp dẫn mạnh mẽ sinh viên Việt Nam mà còn thu hút nhiều sinh viên nước ngoài tham gia học tập.
Hiện nay trường có gần 13.000 sinh viên theo học, trong đó có 25% là học viên cao học và nghiên cứu sinh và gần 600 sinh viên nước ngoài.
Chiến lược phát triển của trường là nhanh chóng trở thành một trường đại học nghiên cứu đa ngành và liên ngành, bởi vậy công tác cán bộ được coi là một trong những nhiệm vụ then chốt của Nhà trường.
Kế thừa và phát huy những thành tựu của Đại học Tổng hợp Hà Nội trước kia, tiếp bước các thế hệ giáo sư đã gây dựng nền khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam, Trường ĐHKHXH&NV tiếp tục là một trong những trường đại học đứng đầu cả nước về tỉ lệ giáo sư, tiến sĩ và giảng viên cao cấp trên tổng số giảng viên trong trường. Cứ 6 cán bộ giảng dạy trong trường thì có một Giáo sư hoặc Phó Giáo sư, và cứ 3 giảng viên trong trường thì có một tiến sĩ hoặc tiến sĩ khoa học. Trong tổng số gần 400 giảng viên của trường hiện nay, có gần 80% có trình độ sau đại học, và trong số 20% còn lại thì phần lớn đang học thạc sĩ hoặc nghiên cứu sinh.
Đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao, giàu kinh nghiệm và tâm huyết của Nhà trường hiện là đội ngũ chuyên gia tin cậy, được giao chủ trì nhiều công trình khoa học cấp quốc gia và các dự án quốc tế. Chỉ tính riêng từ năm 2007 đến 2009, Trường ĐHKHXH&NV đã được giao chủ trì 5 đề tài cấp Nhà nước, với tổng kinh phí lên đến nhiều tỉ đồng, như các đề tài ‘Xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước thế kỉ XXI’, ‘Vấn đề gia đình trong phát triển xã hội và quản lí phát triển xã hội nước ta trong thời kì đổi mới’, ‘Những đặc trưng cơ bản về con người và văn hoá của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay’…
Song song với việc thực hiện hàng chục đề tài theo đơn đặt hàng của ĐHQGHN, và các cơ quan, bộ, ngành trong cả nước, trường cũng là đầu mối thực hiện nhiều dự án quốc tế với tổng kinh phí lên đến hàng triệu USD như Dự án với Viện KAS, Quỹ Rosa Luxemburg, Quỹ Ford, Quỹ Châu Á, UNICEF, Tổ chức cứu trợ trẻ em Thuỵ Điển, và các quỹ của Nhật Bản, Hàn Quốc…
[img class="caption" src="images/stories/2009/12/17/091126_0924_0210.jpg" border="0" alt="GS. Nguyễn Văn Khánh và GS. You Sun-gyu cùng trao hiệp định khung thiết lập quan hệ hợp tác giữa Trường ĐHKHXH&NV và ĐH Ngoại ngữ Pusan, ngày 26/11/2009. (Ảnh: NA/USSH)" title="GS. Nguyễn Văn Khánh và GS. You Sun-gyu cùng trao hiệp định khung thiết lập quan hệ hợp tác giữa Trường ĐHKHXH&NV và ĐH Ngoại ngữ Pusan, ngày 26/11/2009. (Ảnh: NA/USSH)" width="580"/>Là một trong những đầu mối giao lưu quốc tế trong lĩnh vực xã hội và nhân văn của Việt Nam, Nhà trường hiện có quan hệ hợp tác với gần 100 trường đại học, cơ sở giáo dục và các tổ chức quốc tế, trong đó có nhiều trường đại học danh tiếng hàng đầu trên thế giới, như Đại học Princeton, Đại học California (Mĩ), Đại học Paris 7, Đại học Toulouse 1 và 2 (Pháp), Đại học Quốc gia Mátxcơva mang tên Lômônôxốp (Nga), Đại học Humboldt (Cộng hoà Liên Bang Đức), Đại học Quốc gia Tokyo (Nhật Bản), Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Đại học Bắc Kinh, Đại học Thượng Hải (Trung Quốc), Đại học Quốc gia Singapore, và nhiều nước khác.
Nhiều cuộc hội thảo do trường tổ chức có tiếng vang lớn trong giới học thuật trong và ngoài nước, như Hội thảo Điện Biên Phủ - 50 năm nhìn lại, Ngôn ngữ và Ngôn ngữ học Liên Á lần thứ VI, Hướng tới Cộng đồng Đông Á, Một trăm năm nghiên cứu và giảng dạy các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam, Hàn Quốc và Hàn Quốc học khu vực châu Á-Thái Bình Dương,… Các hội thảo này đã thu hút hàng trăm học giả trong và ngoài nước đến tham dự và chia sẻ, trao đổi học thuật. Các cuộc hội thảo quốc tế không chỉ tạo cơ hội cho cán bộ giảng viên và sinh viên trong trường hấp thu nền tri thức cập nhật, hiện đại của quốc tế, mà còn tạo điều kiện cho các học giả quốc tế hiểu thêm về Việt Nam, về ngành khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta, cũng như những nét đẹp về văn hoá, đất nước, con người Việt Nam trong xu thế hội nhập và phát triển.
Những thành công trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và hợp tác quốc tế trong thời gian qua đã và đang góp phần làm nên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn giàu bản sắc truyền thống mà hiện đại, năng động và trí tuệ. Đó là điểm tựa vững chắc để Nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, tạo điều kiện tạo dựng một đại học nghiên cứu, góp phần phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Tác giả: i333
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn