Tin tức

Tính tất yếu của nghiên cứu liên ngành trong KHXH&NV

Thứ ba - 15/12/2009 15:07

Hội thảo về nghiên cứu liên ngành trong KHXH&NV đã diễn ra với sự tham gia của nhiều nhà khoa học Việt Nam và Pháp. Đứng từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, trên cơ sở kinh nghiệm nghiên cứu ở những lĩnh vực khác nhau, 40 tham luận gửi tới hội thảo là những chia sẻ cô đọng, tâm đắc nhất của các chuyên gia về một trong những xu hướng nghiên cứu cần thiết và tất yếu trong khoa học xã hội và nhân văn.

Tính tất yếu của nghiên cứu liên ngành trong KHXH&NV
Tính tất yếu của nghiên cứu liên ngành trong KHXH&NV

Hội thảo về nghiên cứu liên ngành trong KHXH&NV đã diễn ra với sự tham gia của nhiều nhà khoa học Việt Nam và Pháp. Đứng từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, trên cơ sở kinh nghiệm nghiên cứu ở những lĩnh vực khác nhau, 40 tham luận gửi tới hội thảo là những chia sẻ cô đọng, tâm đắc nhất của các chuyên gia về một trong những xu hướng nghiên cứu cần thiết và tất yếu trong khoa học xã hội và nhân văn.

Nghiên cứu liên ngành: Bắt đầu từ khái niệm


Video GS.TS Nguyễn Văn Khánh phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo (TT Nghiệp vụ BC-TT thực hiện). Tải về toàn văn bản tiếng Việt.

Trong báo cáo “Sử dụng phương pháp liên ngành trong nghiên cứu văn học khu vực”, tác giả Trần Thúc Việt (Trường ĐHKHXH&NV) bắt đầu bài viết bằng việc đưa ra khái niệm chung nhất về nghiên cứu liên ngành. Đây là cơ sở để tác giả tiếp tục có những phân tích sâu về phương pháp tiếp cận liên ngành đối với chuyên ngành Văn học khu vực Đông Nam Á. Theo ông, “nghiên cứu liên ngành là nghiên cứu liên khoa học, là sự kết hợp các môn học, các ngành học với nhau”. Đó là sự tổng hợp tri thức của nhiều lĩnh vực và nhiều ngành học, là quá trình liên kết, thiết lập các mối quan hệ qua lại, quy định và ảnh hưởng lẫn nhau giữa những phương pháp và quy trình của nhiều chuyên gia khác nhau. Bởi vậy, nghiên cứu liên ngành khác với tiếp cận chuyên ngành là sử dụng các phương pháp và quy trình của nhiều chuyên ngành một cách riêng biệt, độc lập.

Từ góc độ tâm lí học, PGS.TS Nguyễn Hữu Thụ thì định nghĩa tiếp cận liên ngành trong khoa học là cách thức tổ chức, tiến hành nghiên cứu có sử dụng quan điểm, tri thức và phương pháp nghiên cứu của một nhóm chuyên gia thuộc các chuyên ngành khác nhau để giải quyết vấn đề một cách toàn diện, khách quan và hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, nhiều phân tích khác cũng nhận định rằng khoa học chuyên ngành đã có những bước phát triển mạnh từ thế kỉ XVIII nhưng cũng để lộ những bất cập trong việc đánh giá tổng thể, hệ thống sự vật, hiện tượng. Do đó, đến thế kỉ XX, giới khoa học đã đặt ra vấn đề nghiên cứu liên ngành với nhận thức là khoa học cần rộng mở, liên kết, thâm nhập vào nhau để đạt đến mục tiêu chung trong nhận thức đối tượng nghiên cứu.

Nghiên cứu liên ngành: Tính tất yếu của KHXH&NV

Một trong những điểm gặp nhau cơ bản trong các phát biểu của các nhà khoa học tại hội thảo này là sự đồng tình với quan điểm coi nghiên cứu liên ngành như một xu hướng tất yếu và cần thiết làm tăng tính hiệu quả của hoạt động nghiên cứu.

GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Trường ĐHKHXH&NV) cho rằng vai trò và tầm quan trọng của tính liên ngành trong khoa học xuất phát từ nhu cầu giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Thế giới đang trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá mạnh mẽ khiến cho mỗi một cuộc khủng hoảng kinh tế, một cơn dịch bệnh hay một sáng tạo khoa học mới... đều có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, nhịp độ phát triển và an ninh của loài người. Mỗi một phát minh trong lĩnh vực khoa học này sẽ kéo theo những thay đổi và ảnh hưởng nhất định đến các ngành khoa học khác. Ở nhiều quốc gia và chính phủ, bộ máy tổ chức được thiết lập theo cơ chế liên bộ và đa ngành, liên ngành để có thể đưa ra những phản ứng nhanh và chính xác nhất trước các biến động kinh tế, xã hội. Rõ ràng là một ngành khoa học riêng lẻ dù mạnh đến mấy cũng không thể giải quyết được triệt để và toàn diện các vấn đề của thực tiễn. Chính trong bối cảnh đó thì tiếp cận liên ngành và nghiên cứu liên ngành trong khoa học trở thành một xu thế tất yếu và là một ưu thế để khắc phục hạn chế trên.

PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế (Khoa Lịch sử - Trường ĐHKHXH&NV) lại mang đến hội thảo một báo cáo khoa học nhằm chứng minh nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng của các tên tuổi lớn trong nền khoa học Việt Nam sở dĩ trở thành “kinh điển” là nhờ đã sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành và tích hợp được các tri thức khoa học liên ngành.

Ông nhắc đến câu chuyện diễn ra vào thời điểm cách đây 10 năm khi ĐHQGHN thành lập Trung tâm nghiên cứu Liên văn hoá - lịch sử Việt Nam do GS. Trần Quốc Vượng làm giám đốc. Đó chính là tuyên ngôn bằng hành động của ĐHQGHN về nghiên cứu liên ngành. Nhưng không phải đến lúc đó, các nhà khoa học xã hội, trong đó có các nhà sử học Việt Nam, mới bắt đầu đi vào nghiên cứu liên ngành. Mà xa hơn nữa, thế hệ những nhà nghiên cứu bậc thầy, những tên tuổi “khai sáng” của nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam hiện đại trên các lĩnh vực triết học, lịch sử, văn hoá... như Nguyễn Văn Huyên, Đào Duy Anh, đã sử dụng hiệu quả nghiên cứu liên ngành trong các công trình nghiên cứu của mình và trở thành những người đầu tiên đặt nền móng vững chãi cho phương pháp nghiên cứu này.

Với những ví dụ thực tiễn sinh động cộng với vốn kiến thức rất sâu về văn hoá dân gian, PGS. Nguyễn Hải Kế đã chứng minh rằng cách vận dụng kiến thức tổng hợp, cách nhìn nhận sự vật hiện tượng trong tổng thể nhiều mối quan hệ khác nhau đã được ông cha ta nhận thức sâu sắc và thể hiện qua cả một kho tàng những câu tục ngữ ca dao xưa. Tất cả điều đó đã cho thấy rằng tư duy về nghiên cứu liên ngành dường như đã có từ rất lâu, rất sâu trong kinh nghiệm đời sống của nhân dân ta.

Ông khẳng định: “Nghiên cứu liên ngành là nhu cầu, là thuộc tính của mọi khoa học xã hội và nhân văn, của các khoa học lịch sử văn hoá Việt Nam. Thuộc tính này do khách quan quy định, là bản chất của mối liên hệ, quá trình quan hệ phổ biến giữ các sự vật và hiện tượng”.

Phiên khai mạc Hội thảo. (Ảnh: NA/USSH)

Tiếp cận liên ngành trong các khoa học chuyên ngành

Cách tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu các khoa học chuyên ngành là một trong những chủ đề được nhiều đại biểu trình bày tại hội thảo lần này. Dù ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau như Tâm lí, Văn hoá, Lịch sử hay Giáo dục, các tác giả đều chia sẻ những luận điểm khoa học cũng như những kinh nghiệm thực tế của mình trong việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu liên ngành trong lĩnh vực nghiên cứu riêng của mình.

PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn (Khoa Ngôn ngữ học - Trường ĐHKHXH&NV) bàn về thực tế và triển vọng của nghiên cứu liên ngành trong Việt ngữ học. Từ đầu thế kỉ XX đến nay, Việt ngữ học với tư cách là một bộ môn khoa học về tiếng Việt đã đạt được những thành tựu lớn trong các lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu: ngữ âm tiếng Việt, từ vựng tiếng Việt, lịch sử tiếng Việt... Bên cạnh đó, để giải quyết các vấn đề lí thuyết và thực tiễn, các nhà Việt ngữ học đã mở rộng phạm vi nghiên cứu và thu được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận trên các lĩnh vực nghiên cứu liên ngành như ngôn ngữ học tâm lí, ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học ứng dụng... Báo cáo không chỉ tổng kết lại các thành tựu nghiên cứu liên ngành trong Việt ngữ học mà còn đề xuất nhiều định hướng cho việc tiếp tục các hướng nghiên cứu liên ngành của Việt ngữ học trong thời gian tới.

PGS.TS Nguyễn Hữu Thụ phát biểu: Tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu tâm lí học chính là một xu hướng nghiên cứu có hiệu quả nhất trong việc giải quyết các vấn đề xã hội hiện nay. Ông cũng đã đưa ra những phân tích cụ thể về các phương pháp tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu tâm lí ở 3 phạm vi đối tượng là cá nhân, nhóm và xã hội.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thương trong nghiên cứu về môn văn hoá học thì lại nhìn tính liên ngành không đơn thuần là một thuật ngữ chỉ mối liên hệ tương tác giữa các khoa học. Theo bà, trong trường hợp của văn hoá học, tính liên ngành biểu thị thuộc tính bản chất của môn khoa học này. Nói cách khác thì bản thân văn hoá học đã là một khoa học liên ngành.

Cũng đồng quan điểm như trên nhưng áp dụng đối với khoa học giáo dục, bài viết của nhà nghiên cứu Trịnh Văn Minh lại đưa ra những phân tích làm nổi bật tính đa ngành và liên ngành như là thuộc tính cơ bản của khoa học giáo dục, qua đó góp phần phác thảo ranh giới vốn rất uyển chuyển linh hoạt của khoa học giáo dục với các khoa học khác.

Tác giả: thanhha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây