Ngôn ngữ
Kính thưa các cô giáo, thầy giáo,
Thưa các em sinh viên,
Hãy tạm quên đi kết quả chưa được hài lòng trong trận cầu giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan hôm qua. Hãy tạm quên đi những ưu phiền, mệt nhọc, những lo toan vất vả của đời thường, để cùng nhau tận hưởng những giây phút của ngày lễ 20/11 - ngày tôn vinh các nhà giáo. Hãy chúc mừng cho các cô, các thầy có nhiều niềm vui, sức khỏe, hạnh phúc và thành công, nhân kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.
GS Hiệu trưởng Phạm Quang Minh và các nhà giáo lão thành của Nhà trường
Không phải đến ngày 20/11, chúng ta mới nhớ ơn các thầy cô. Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc đã cho thấy dạy học là một nghề cao quý vì sản phẩm của nghề giáo là con người. Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới gieo trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh của mình khôn lớn, trưởng thành. Tuy nhiên để có được kết quả đó, không thể chỉ có khối óc, mà còn cần phải có cả trái tim, vì “không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ chỉ với chút ít lòng nhiệt tình". Vì thế, “những người nuôi dạy trẻ thậm chí còn được tôn vinh hơn cả những bậc cha mẹ bởi những hy sinh của họ cho thế hệ tương lai”. Cũng chính vì thế mà nhà giáo còn được gọi là “Những kỹ sư tâm hồn”. Sự hy sinh thầm lặng của nghề giáo được ví như những ngọn nến vì ngọn nến sẽ tự cháy lên soi đường cho những người khác tìm được hướng đi. Một nhà giáo chân chính cũng chính là một nghệ sĩ tuyệt vời. Dạy học là nghệ thuật vĩ đại nhất mà người ta được biết vì đó là sự kết hợp giữa lý trí và tinh thần. Sẽ là sai lầm nếu cho rằng nghề giáo chỉ là sự lặp đi lặp lại những bài giảng từ năm này qua năm khác, là chỉ tìm mọi cách để giảng giải, thuyết phục hay chứng minh. Người thầy vĩ đại phải là người biết truyền cảm hứng cho các thế hệ học trò.
GS Hiệu trưởng nhận bó hoa tri ân từ đại diện sinh viên Nhà trường
Là nhà giáo ở Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, chúng ta có một niềm vinh dự và trách nhiệm đặc biệt. Đó là truyền thống hơn 70 năm, là vinh dự được tiếp bước các bậc tiền bối. Là tấm gương cho các thế hệ học trò. Là trọng trách đối với tương lai của đất nước. Là niềm tự hào đại diện cho Việt Nam trên con đường hội nhập. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên công nghệ số, cách mạng công nghiệp 4.0, Nhưng cho dù là kỷ nguyên nào đi chăng nữa thì người thầy vẫn không thể thiếu. Sáng tạo, sáng tạo và luôn sáng tạo không chỉ là nhu cầu, mà còn là yêu cầu cấp bách nhất hiện nay. Chính trong xã hội hiện đại ngày nay thì người thầy lại càng phải học. Muốn làm thầy, muốn dạy dỗ ai điều gì đó, thì trước hết mình phải học đã - học một cách nghiêm túc bài bản, học từ thầy và cũng học từ trò. Nghề giáo chính là nghề phải học suốt đời. Bởi vì như Vạn thế sư biểu Chu Văn An đã từng nói: "Ta chưa thấy xứ nào khá lên được mà không quan tâm đến việc học". Cũng vì thế mà trong ngày 20/11 này, không chỉ nói đến việc dạy, mà chúng ta còn phải nói đến việc học, của cả trò và thầy. Kính chúc các cô giáo, thầy giáo một ngày lễ đầy yêu thương và tự hào.
Xin trân trọng cảm ơn.
GS Hiệu trưởng Phạm Quang Minh bên PGS.TS Nguyễn Quang Liệu - tân Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn
Tác giả: GS.TS Phạm Quang Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn