Ngôn ngữ
Cố GS.NGND Hà Văn Tấn (1937-2019)
GS. Hà Văn Tấn sinh ngày 16 tháng 8 năm 1937 tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng quê nổi tiếng với nhiều danh nhân văn hóa và dòng họ khoa bảng. Từ thuở ấu thơ, truyền thống giáo dục của gia đình, dòng tộc cùng khí thiêng của miền quê Lam Giang, núi Hồng đã hun đúc, định thành nên tư chất, nhân cách, trí tuệ của một Nhà khoa học tài năng.
Năm 1955, sau khi tốt nghiệp lớp 9 trường Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh, với ước vọng trở thành một nhà giáo, nhà sư phạm, người thanh niên Hà Văn Tấn đã vào học Ban Sử - Địa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và sớm trở thành một sinh viên xuất sắc, nổi tiếng học giỏi. Tốt nghiệp đại học hạng ưu năm 1957, Thầy được giữ lại làm giảng viên Bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm rồi Đại học Tổng hợp Hà Nội và được GS. Đào Duy Anh cùng các giáo sư: Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy... định hướng, truyền dạy tri thức và phương pháp nghiên cứu khoa học.
Cố GS.NGND và các học trò
Với quan niệm ngôn ngữ là chìa khóa để mở ra những chân trời khoa học, đồng thời ngôn ngữ cũng là nguồn sử liệu, để có thể tiếp cận với những thành tựu khoa học mới cùng kho tàng tri thức của nhân loại, với niềm đam mê chiếm lĩnh những đỉnh cao khoa học, giảng viên trẻ Hà Văn Tấn đã kiên tâm và quyết tâm học nhiều ngôn ngữ của các quốc gia là những trung tâm học thuật lớn và thực tế đã làm chủ nhiều ngoại ngữ (kể cả chữ Sancrit) trong nghiên cứu. Được sự động viên, khích lệ của các giáo sư Thế hệ khai sáng, bằng năng lực tự học, vượt lên muôn vàn khó khăn của thời kỳ đất nước có chiến tranh, Thầy đã trang bị cho mình một nền tảng tri thức đồ sộ, một tầm kiến văn rộng lớn, uyên thâm về nhiều lĩnh vực học thuật. GS. Hà Văn Tấn là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu tiêu biểu về: Lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Khảo cổ học Việt Nam, Lịch sử tư tưởng, triết học Phật giáo và Lý luận sử học… Ở đâu, trong bất kỳ lĩnh vực học thuật nào, Thầy cũng là chuyên gia hàng đầu, giữ vị trí tiên phong, vạch định đường hướng của các ngành học.
"Tứ trụ" của Sử học hiện đại Việt Nam và vợ chồng GS.NGND Trần Văn Giàu
GS. Hà Văn Tấn là một là một Nhà khoa học có trí tuệ kiệt xuất, tinh thần làm việc nghiêm cẩn, luôn coi trọng tính khách quan và những vấn đề bản chất của khoa học. Qua hơn 60 năm hoạt động nghiên cứu và giảng dạy, Thầy đã công bố trên 300 công trình nghiên cứu, gồm các sách chuyên khảo, tham khảo, luận văn khoa học thuộc nhiều lĩnh vực học thuật chuyên sâu và các công trình mang tính liên ngành, xuyên ngành. GS. Hà Văn Tấn có nhiều công trình khoa học nổi tiếng, cống hiến xuất sắc cho việc phát triển nền sử học Việt Nam hiện đại, có công lớn đối với đất nước trong việc khẳng định các giá trị nguồn cội và tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam; đặc tính lịch sử - văn hóa của các quốc gia cổ, các nền văn hóa cổ và thời đại văn hóa hình thành trên lãnh thổ Việt Nam; những điểm tương đồng và dị biệt của lịch sử, văn hóa Việt Nam trong so sánh với các quốc gia Đông Nam Á, với Ấn Độ, Trung Hoa và thế giới. Những công trình nghiên cứu chung, riêng của Thầy về: Dư địa chí (giới thiệu, chú giải, 1960), Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam (1960), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (1960), Lịch sử Phật giáo Việt Nam (1988), Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam (2005), v.v... đều là những công trình nổi tiếng trong giới nghiên cứu. Đặc biệt, chuyên khảo Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII (viết chung với PGS.NGUT Phạm Thị Tâm, 1968), và công trình Theo dấu các văn hóa cổ (1997) đã định danh, làm nên tên tuổi hàng đầu của một Nhà bác học. Các công trình đó cũng là niềm tự hào chung, là kiệt tác của giới nghiên cứu Khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam.
Lễ viếng GS.NGND Hà Văn Tấn diễn ra sáng ngày 2/12 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông
GS. Hà Văn Tấn là người đi đầu và có những đóng góp lớn cho việc xây dựng, xác lập hệ thống các phương pháp, cách thức tiếp cận và cơ sở lý luận cho giảng dạy, nghiên cứu về lịch sử và các khoa học lịch sử Việt Nam. Những công trình nghiên cứu, bài giảng của Thầy đã nâng tầm tri thức, cơ sở lý luận và phương pháp cho các trung tâm đào tạo, nghiên cứu lịch sử của đất nước. Ở đó có thể thấy được sự nghiêm cẩn, vai trò và quyền uy chuyên môn của các ngành học. Quan điểm nghiên cứu gắn các phương pháp truyền thống với hiện đại, đặt các sự kiện, diễn tiến lịch sử trong mối quan hệ với thế giới tự nhiên, những biến chuyển của hệ sinh thái cùng những tác động đa chiều của các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội trong mối quan hệ nội vùng, ngoại vi; những yếu tố nội sinh, ngoại sinh v.v... đã được tôn vinh và xác lập vị trí là những công trình khảo cứu chuyên sâu, chuẩn mực. Các công trình đó, cùng với những thành tựu khoa học của các giáo sư: Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng và một số nhà khoa học khác đã tạo nên uy danh của Trường phái Sử học Tổng hợp. Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV, Viện Khảo cổ học - các đơn vị Anh hùng không thể có được những thành tựu, vinh quang như ngày hôm nay nếu không có đóng góp công sức, trí tuệ của một thế hệ những người Thầy có công khai sáng.
Đoàn viếng của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
GS. Hà Văn Tấn là một Nhân cách khoa học lớn, một trí thức thông tuệ, cây đại thụ của nền sử học Việt Nam hiện đại. Giáo sư là một trong những người có ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc nhất đến nhiều thế hệ nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử, khảo cổ học Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua. Vai trò của nhà khoa học, trách nhiệm và sứ mệnh thiêng liêng của người Thầy đã tạo nên sức thu hút và sức lan tỏa lớn đối với giới chuyên môn và trí thức trẻ đất nước.
GS. Hà Văn Tấn là người trực tiếp tham gia, làm chủ nhiệm, tổng chủ biên nhiều công trình, chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia như: Chương trình nghiên cứu khảo cổ học về Trường Sa - Tây Nguyên - Nam Bộ, Bộ sách Tổng tập Khảo cổ học Việt Nam, 3 tập; Văn hóa Đông Sơn... Các công trình nghiên cứu của Thầy và tập thể khoa học đã góp phần quan trọng vào việc khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam; chủ quyền và sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc Việt Nam. Giáo sư được tôn vinh là chuyên gia hàng đầu về lịch sử chống ngoại xâm và lịch sử tư tưởng, văn hóa truyền thống với những tổng kết sâu sắc, độc đáo về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Với uy tín và tầm ảnh hưởng rộng lớn, GS. Hà Văn Tấn đã có nhiều tư vấn với Đảng, Nhà nước về các chính sách phát triển khoa học, giáo dục và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
GS. Hà Văn Tấn là một trong những người đầu tiên xây nền đắp móng để hình thành nên ngành Khảo cổ học Việt Nam. Trong những năm giảng dạy ở Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp cũng như khi đảm đương trọng trách làm Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Thầy đã tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn trên quy mô lớn, xây dựng chương trình đào tạo ở trình độ tiến sĩ đồng thời thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác với nhiều nhà khảo cổ học, trung tâm khoa học danh tiếng của thế giới. Thầy đã góp công lớn tạo dựng cho ngành Khảo cổ học Việt Nam nền tảng lý luận, phương pháp và nâng tầm của một ngành học lên trình độ khu vực theo hướng chuyên ngành kết hợp với liên ngành và hội nhập. Với trình độ và uy tín học thuật, Thầy được các đại học danh tiếng của các nước phát triển như: Đại học Paris VII (Pháp), Đại học Amsterdam (Hà Lan), Đại học Tokyo (Nhật Bản)... mời thỉnh giảng, trao đổi khoa học. Các công trình nghiên cứu và hoạt động giảng dạy của Thầy được các tổ chức khoa học, chuyên gia hàng đầu quốc tế trân trọng, đánh giá cao.
Trong những năm công tác, GS. Hà Văn Tấn từng đảm nhiệm nhiều cương vị: Chủ nhiệm Bộ môn Phương pháp luận sử học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Phó Viện trưởng Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội; Ủy viên Hội đồng học hàm liên ngành Lịch sử - Dân tộc học - Khảo cổ học; Viện Trưởng Viện Khảo cổ học; Tổng biên tập Tạp chí Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam...
Với những cống hiến khoa học đặc biệt xuất sắc, GS.NGND Hà Văn Tấn đã được phong tặng học hàm và nhiều danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước: Giáo sư Sử học (1980), Nhà giáo Ưu tú (1990), Nhà giáo Nhân dân (1997); Chuyên gia cao cấp (2002); Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì (1985), Huân chương lao động hạng Ba (1992), Huân chương Lao động hạng Nhất (1997), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ (2000),... Giáo sư là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Tên tuổi, tài năng, nhân cách của Thầy và các Thầy trong “Tứ trụ” đã trở thành huyền thoại, giá trị tinh thần vô giá của giới Sử học, Khảo cổ học cùng nhiều ngành Khoa học xã hội và nhân văn đất nước.
GS. Hà Văn Tấn đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển của Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG HN; cho Viện Khảo cổ học và nhiều Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN, tham gia xây dựng, đóng góp nhiều chủ trương, định hướng khoa học lớn cho các ngành học Khoa học xã hội và nhân văn của đất nước. Trong hoạt động giáo dục, Thầy là bậc Danh sư. GS. Hà Văn Tấn không chỉ đã truyền cho các thế hệ học trò lòng đam mê, khát vọng khoa học mà còn dạy cho họ lý luận, phương pháp và cách thức triển khai, thực hiện những ý tưởng, công trình nghiên cứu. Ở Thầy, có sự kết hợp giữa cốt cách của một Nhà giáo truyền thống với những tư chất của một nhà khoa học xuất sắc thời hiện đại. Nhiều học trò được Thầy dạy dỗ đã thành danh, đã và đang giữ trọng trách trong các trường đại học, cơ quan khoa học, quản lý ở trong nước, quốc tế.
GS. Hà Văn Tấn là một người có tình yêu lớn với nghề, với gia đình, quê hương, dòng họ. Tầm cao sự nghiệp mà Thầy đạt được chắc chắn có sự hỗ trợ, chở che của một mái ấm gia đình. GS. Hà Văn Tấn luôn quan tâm đến sự nghiệp lớn lao của đất nước và sẵn sàng cống hiến trí tuệ, tâm sức của mình cho nhân dân, đất nước. Trong những năm đau yếu, là một nhà khoa học lớn, đa tài và đa cảm, Thầy vẫn khát khao được viết, hoàn thành các công trình, dự định khoa học. Giáo sư cũng luôn quan tâm, sẻ chia với học trò, đồng nghiệp về những niềm vui, thành tựu nghiên cứu mà họ đạt được. Sự ra đi của GS. Hà Văn Tấn là một tổn thất to lớn đối với giới Sử học, Khảo cổ học, nhiều ngành Khoa học xã hội nhân văn đất nước, gia đình và các thế hệ học trò.
Trong nhiều công trình nghiên cứu, Thầy đã viết về các giá trị tinh thần châu Á và coi đó là những bích ngọc, mã não, là xe thuyền trên những nẻo đường muôn dặm của vũ trụ và thời gian. Thầy đã “Trầm tư dưới mái chùa Việt”, luận giải về đặc tính của dòng Thiền ở Việt Nam luôn có sự hòa luyện với tín ngưỡng Mật giáo và Thiền, Tịnh, Mật là ba yếu tố cơ bản của Phật giáo Việt Nam. Thầy cũng đã nghĩ suy về chữ “Nhàn” trong cõi nhân sinh, triết luận về các dòng sông và những con thuyền độc mộc chở linh hồn con người từ bến mê đến bến giác... Xin anh linh Thầy hãy nhận từ các thế hệ học trò sự tôn kính, niềm tiếc thương và xin được tri ân về tất cả những gì mà Thầy đã đem lại cho cuộc đời này. Thầy đã đi xa nhưng sự nghiệp, ân tình của Thầy sẽ còn mãi. Là những học trò được Thầy thương yêu, trực tiếp truyền dạy khi còn là sinh viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và cả những năm làm nghiên cứu sinh,... chúng con xin được kính cẩn vĩnh biệt Thầy và cầu chúc cho anh linh Thầy được An lạc.
Tác giả: GS.TS Nguyễn Văn Kim. Ảnh: Ngọc Tùng, Internet.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn