Ngôn ngữ
Các diễn giả của buổi tọa đàm là bà Nguyễn Vân Anh (Giám đốc CSAGA), nhà báo-nhà văn Hoàng Anh Tú, bạn Trần Thị Thu Phương (Chủ nhiệm CLB Nhân văn Bình đẳng giới, Trường ĐHKHXH&NV).
GS. TS Phạm Quang Minh phát biểu khai mạc, đánh giá cao ý nghĩa của tọa đàm
Bằng các ví dụ sinh động, thực tế từ chính bản thân, từ các khảo sát và những câu chuyện được các cặp đôi chia sẻ, các diễn giả đã thảo luận và làm rõ bản chất, nguyên nhân, hậu quả của bạo lực hẹn hò. Theo đó, bạo lực hẹn hò (BLHH) là việc thể hiện quyền lực và sự kiểm soát đối với bên kia bằng việc gây ra hoặc đe dọa gây ra hành vi bạo lực trong một cặp đôi.
Đặc biệt, BLHH không chỉ đơn thuần là những hành vi tình dục, thể xác mà còn được thể hiện qua ngôn ngữ, lời nói (chửi mắng, gọi bạn tình bằng những từ ngữ miệt thị; đổ lỗi cho đối phương về những việc ngoài ý muốn…), kiểm soát thông tin cá nhân trong các vật dụng công nghệ (smartphone, facebook, máy tính…); can thiệp và bó buộc lối sống và sở thích của đối phương (đặt ra các quy định ngặt nghèo về giờ giấc, cách ăn mặc, nói năng)…Trong số này có cả những hành vi tưởng chừng như chuyện bình thường, điều đương nhiên trong tình yêu và hôn nhân.
Các diễn giả (từ trái sang): bạn Trần Thị Thu Phương (áo cam), bà Nguyễn Vân Anh, nhà báo-nhà văn Hoàng Anh Tú
Theo một khảo sát của Y.Change - một nhóm bạn trẻ hoạt động về giới tại Hà Nội với các bạn nữ lứa tuổi từ 18-30, gần 59% người được hỏi cho biết đã từng chịu bạo hành về mặt tinh thần, 23% từng bị quấy rối và bạo hành qua mạng, 24% từng là nạn nhân của quấy rối và đeo bám sau khi chia tay. Hậu quả là 21% trong số người được hỏi từng bị tổn thương về thể xác hoặc tinh thần, thậm chí, hơn 6% trong số đó từng muốn tự tử. Chính vì vậy, việc làm rõ nguyên nhân, dấu hiệu của BLHH để có phương án giải quyết là điều cần thiết, nhằm phòng tránh những trường hợp thương tâm như hành vi thảm sát cả nhà người yêu chỉ vì bị đòi chia tay.
Nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ: Bạo lực hẹn hò là hiện tượng khá phổ biến ở Mỹ, 1/3 thanh niên Mỹ là nạn nhân của bạo lực hẹn hò; trong đó có gần 1,5 triệu học sinh trung học bị bạo lực thể chất
Để không trở thành nạn nhân của tình trạng này, các diễn giả khuyên các bạn trẻ cần tự trang bị những kỹ năng sống, tư duy độc lập, hiểu biết về cuộc sống; không chạy theo những giá trị vật chất, nhục dục nhất thời trong tình yêu, và dành sự tôn trọng đối phương cả khi yêu hay đã chia tay. Các bạn cần tự nhận biết các dấu hiệu cảnh báo về BLHH; xác định rõ ranh giới giữa những cử chỉ, hành vi yêu thương với sự kiểm soát, can thiệp và lạm dụng tình cảm. Thay vì im lặng, các bạn cần biết cách lên tiếng, bày tỏ nỗi niềm với người yêu và những người xung quanh; nếu tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn thì cần mạnh dạn vượt qua sự tiếc nuối, mặc cảm để chấm dứt mối quan hệ không lành mạnh đó.
Các bạn sinh viên Nhà trường đặt câu hỏi cho các diễn giả
Tại tọa đàm, các diễn giả cũng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của sinh viên, và lần lượt trao đổi, giải đáp những thắc mắc, mối quan tâm; tiếp thu kiến nghị, đề xuất của các bạn trẻ về những vấn đề liên quan.
Tọa đàm là hoạt động cụ thể của Nhà trường nhằm tuyên tuyền, chia sẻ thông tin và nâng cao nhận thức, hành động cho sinh viên, cũng như tạo cơ hội cho thế hệ trẻ đóng góp ý kiến, nêu quan điểm, chính kiến của mình về bạo lực tình dục nói riêng cũng như bình đẳng giới nói chung.
Tác giả: Trần Minh, Ảnh: Công Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn