Đến dự toạ đàm có Ngài Herminio Lopez Diaz (Đại sứ nước Cộng hoà Cuba tại Việt Nam), bà Nadja Charaby – Giám đốc Viện Rosa Luxemburg tại khu vực Đông Nam Á. Các đại biểu tham dự toạ đàm là các chuyên gia đến từ Cộng hoà liên bang Đức, Cuba, Mexico và Hoa Kì, các nhà quản lí, hoạch định chính sách trong Quốc hội, các chuyên gia nghiên cứu của các trường đại học, các viện, các trung tâm nghiên cứu, đại diện của các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới Quỹ Rosa Luxemburg (Cộng hoà liên bang Đức) vì những hỗ trợ hiệu quả với Nhà trường hơn 10 năm qua. Dưới sự hỗ trợ của Quỹ, Trường đã triển khai thành công dự án nghiên cứu về hoạch định chính sách, dự án về “Lựa chọn lí luận cánh tả trong thế giới biến đổi” (từ năm 2009-2011), dự án “Lựa chọn lí luận cánh Tả – một so sánh quốc tế từ những kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa” (2012-2013).
Sau gần 5 năm hoạt động, dự án đã thu được nhiều kết quả: triển khai 08 toạ đàm, hội thảo quốc tế được tổ chức xoay quanh các vấn đề phát triển lí luận cánh Tả tại Việt Nam và trên thế giới, xuất bản hơn 05 đầu sách chuyên khảo về lí luận cánh Tả trong đó tập hợp rất nhiều các kết quả nghiên cứu, các báo cáo có giá trị về lí luận cánh Tả và sự phát triển của hệ thống lí luận này tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới.
Toạ đàm khoa học lần này tiếp tục là một trong những hoạt động quan trọng của dự án. Những nội dung được thảo luận trong toạ đàm này sẽ góp phần bổ sung thêm những hiểu biết về sự đóng góp và vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam và Cuba, qua đó đưa ra các so sánh và khuyến nghị nhằm góp phần định hướng phát triển của các tổ chức này trong tương lai đối với hai nước Việt Nam và Cuba.
Tại phiên khai mạc, các đại biểu đã nghe báo cáo đề dẫn của PGS.TS Đặng Ngọc Dinh (Trung tâm Nghiên cứu phát triển Hỗ trợ cộng đồng – VUSTA) với chủ đề: “Làm thế nào để hợp tác giữa xã hội dân sự và Nhà nước hiệu quả: trường hợp Việt Nam”.
Bài tham luận đi từ khái niệm cơ bản về xã hội dân sự cho đến những phản ánh về tình hình hoạt động, mức độ phát triển và đóng góp của các tổ chức XHDS tại Việt Nam. Tác giả cho rằng, XHDS ở Việt Nam hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội, chống tham nhũng. Các tổ chức đoàn thể, nhất là ở cấp trung ương còn gắn nhiều với Nhà nước, chưa mang tính độc lập, đặc biệt trong trường hợp cần phản ánh nguyện vọng của người dân. Sự hạn chế đối với XHDS ở Việt Nam trước hết liên quan đến khuôn khổ pháp lí. Khung pháp lí và chính sách chưa phát huy được hiệu quả tối đa để XHDS đóng góp vào quá trình, từ triển khai các dịch vụ xã hội, thực thi chính sách, đến góp ý, phản biện.
Tham luận khẳng định: Cần có cơ chế thúc đẩy, tạo thuận lợi để XHDS đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Cần xây dựng các thể chế để XHDS có tiếng nói rõ ràng hơn trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống, không chỉ trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, mà còn trong lĩnh vực tăng cường năng lực và hoạt động vận động ở tất cả các cấp, nhằm góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế và xã hội một cách bình đẳng. Hơn nữa, XHDS có một vai trò tiềm ẩn rất quan trọng đối với xã hội trong việc thúc đẩy tính minh bạch và kiểm soát tham nhũng.
Sau phiên khai mạc, các đại biểu thảo luận về nhiều nội dung cụ thể: Các tổ chức chính trị – xã hội tham gia quá trình hoạch định chính sách; Việt Nam và Cuba – Những chuyển biến kinh tế, chính trị từ sau Chiến tranh lạnh; Vị trí – vai trò và trách nhiệm của xã hội dân sự trong quá trình phát triển đất nước hiện nay; Vai trò an sinh xã hội của tổ chức xã hội – dân sự; Vai trò của hiệp hội trong việc bảo vệ chỉ dẫn địa lí – kinh nghiệm từ chỉ dẫn địa lí và nhãn hiệu Cigar Cuba; Xã hội dân sự – một vấn đề đặt ra từ công cuộc đổi mới của Việt Nam; Xã hội dân sự ở Cuba; Tìm hiểu về hệ thống tư pháp Cuba và một số liên hệ so sánh với hệ thống tư pháp Hoa Kì và Canada; Vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong việc phòng chống bạo lực gia đình; Thực tế vận động chính sách ở Việt Nam và vị trí các tổ chức Xã hội dân sự…