Tin tức

Nghiên cứu và đào tạo KHXH&NV ở Việt Nam

Thứ ba - 16/11/2010 09:06
Nằm trong chuỗi những hoạt động kỉ niệm 65 năm truyền thống Trường ĐHKHXH&NV, hội thảo khoa học với chủ đề “Nghiên cứu và đào tạo Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Việt Nam: Thành tựu và kinh nghiệm” đã được tổ chức ngày 15/11.
Nghiên cứu và đào tạo KHXH&NV ở Việt Nam
Nghiên cứu và đào tạo KHXH&NV ở Việt Nam
Nằm trong chuỗi những hoạt động kỉ niệm 65 năm truyền thống Trường ĐHKHXH&NV, hội thảo khoa học với chủ đề “Nghiên cứu và đào tạo Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Việt Nam: Thành tựu và kinh nghiệm” đã được tổ chức ngày 15/11. Dự hội thảo có GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó giám đốc ĐHQGHN, GS.TS Nguyễn Văn Khánh – Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, cùng các nhà khoa học đến từ các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học trong nước. Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, GS.TS Nguyễn Văn Khánh – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tuyên bố khai mạc hội thảo. Trong bản báo cáo đề dẫn Hiệu trưởng đã điểm lại những mốc son lịch sử quan trọng, thành tựu nghiên cứu và đào tạo của Trường từ khi thành lập cho đến nay. Hiệu trưởng nhấn mạnh Nhà trường xác định mục tiêu: “Lấy khoa học cơ bản và truyền thống lâu đời làm nền tảng, lấy tri thức hiện đại và chất lượng cao làm đích đến”. Bên cạnh đó, qua những tư liệu lịch sử quý giá, nghiên cứu của PGS. Lê Mậu Hãn cho thấy quá trình hình thành và phát triển của Đại học Văn Khoa (tiền thân của ĐHKHXH&NV ngày nay) gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc. Tiềm năng, bản lĩnh đào tạo KHXH&NV cũng đã được khẳng định từ xưa cho tới nay.

Với 2 tiểu ban, hội thảo tập trung thảo luận trao đổi về vấn đề đào tạo các ngành KHXH&NV, xu hướng, cơ hội và thách thức của các ngành KHXH&NV ở Việt Nam. Liên quan đến lĩnh vực đào tạo của Nhà trường có 24 tham luận gửi tới hội thảo trao đổi, thảo luận về vấn đề này. PGS.TS Phạm Xuân Hằng trong báo cáo “Suy nghĩ về tư duy đào tạo thời Đại học Văn Khoa”.Từ những nghiên cứu về chương trình đào tạo, cách thức đào tạo của Đại học Văn Khoa 65 năm trước ông đã đưa ra một vài nhận định, suy nghĩ về chương trình đào tạo cách thức đào tạo hiện nay. Một số báo cáo khác thì lại tập trung đến từng chuyên ngành cụ thể như báo cáo: Nghiên cứu khoa học và đào tạo Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại (PGS.TS Vũ Văn Quân) đã giới thiệu chi tiết về cơ cấu, đội ngũ cán bộ của Bộ môn, một số những thành tựu trong nghiên cứu khoa học và đào tạo; một số những kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển Bộ môn. Và rất nhiều những báo cáo khác thảo luận về quá trình xây dựng và phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo của Nhà trường như: 35 năm hoạt động nghiên cứu khoa Triết học, Trường ĐHKHXH&NV (PGS. TS Nguyễn Thuý Vân); 20 năm đào tạo nghiên cứu báo chí truyền thông ở Trường ĐHKHXH&NV (PGS.TS Đinh Văn Hường); Khoa Đông phương học: Chặng đường 15 năm hình thành và phát triển (PGS. TS Lê Đình Chỉnh)… Qua đó, góp phần tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về con đường hình thành, phát triển các ngành KHXH&NV ở Việt Nam nói chung và Nhà trường nói riêng.

Những xu hướng, cơ hội và thách thức của KHXH&NV Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá là vấn đề thứ hai được quan tâm thảo luận tạo hội thảo này. 23 báo cáo tham luận không những tập trung thảo luận về cơ hội thách thức mà còn trao đổi đưa ra những giải pháp để có thể tăng cường hợp tác, phát triển mối liên kết đào tạo giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu, cơ quan và doanh nghiệp. Tiêu biểu như báo cáo “Những nhiệm vụ chủ yếu của cơ sở giáo dục đại học ngành khoa học xã hội và nhân văn giai đoạn 2010 – 2020” (PGS.TS Phạm Văn Quyết) đã nêu lên những nhiệm vụ cụ thể mà đào tạo giáo dục KHXH&NV hiện tại - tương lai. Cùng với đó những giải pháp chiến lược cũng đã được nêu lên: các ngành kHXH&NV cần tạo ra những đột biến hơn nữa về chất lượng đào tạo, gắn công tác nghiên cứu khoa học với nâng cao chất lượng, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, sư phạm và năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ giảng dạy… Hội thảo đã tổng kết và đánh giá những thành tựu và vai trò của Trường ĐHKHXH&NV – trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của đất nước từ ngày thành lập cho đến nay. Từ đó góp phần làm sáng tỏ và hiểu thêm về những thành tựu và con đường phát triển của cả nền khoa học xã hội và nhân văn.

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây