Tin tức

Thêm những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á

Thứ năm - 10/03/2016 02:06
Buổi toạ đàm thứ hai trong chuỗi toạ đàm “Những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á” - do chi đoàn cán bộ của Khoa Đông phương học tổ chức - diễn ra ngày 18/7/2015, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu trong và ngoài Trường ĐHKHXH&NV. Toạ đàm do Quỹ Toshiba (Nhật Bản) tài trợ.
Thêm những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á
Thêm những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á

Toạ đàm là buổi thảo luận chuyên môn xoay quanh các báo cáo chính của 2 nhà nghiên cứu trẻ của Khoa Đông phương học.

Nhóm tác giả ThS. Trần Trúc Ly (Bộ môn Trung Quốc học) và Đinh Mỹ Linh (Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXHVN), Vũ Minh Anh (Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh trẻ TPD) báo cáo về chủ đề “Người trưởng thành như là trung tâm của các tương tác xã hội, nghiên cứu trường hợp điện ảnh Hirokazu Kore-eda””. Các tác giả nhận định, nhân vật trong điện ảnh của Kore-eda mang những vấn đề khủng hoảng tương thích với tâm lý trưởng thành trong vòng đời, đối diện với những mâu thuẫn giằng xé xoay quanh tình cảm và mưu sinh. Đứng trước mâu thuẫn của con người trong bối cảnh xã hội hiện đại, vốn là những vấn đề khó có lời giải tận cùng thỏa đáng, tác giả Kore-eda chọn cho mình một phong cách nhuộm tinh thần nhân văn, giản dị và một góc nhìn trung dung, bao quát. Với quan điểm trung dung, không giáo điều cực đoan, luôn đi sâu vào ngõ ngách tâm lý mọi kiểu người nhưng cũng không chọn câu trả lời nào cho những vấn đề khó phân xử mà mỗi người trưởng thành đều phải đối mặt, phong cách điện ảnh mà Kore-eda lựa chọn cũng tương đối pha trộn, đa dạng, uyển chuyển. Khi xem xét trong tương quan với quan điểm xã hội của Kore-eda, thì hai điểm chính trong phong cách của ông có thể kể đến là những thủ pháp nghệ thuật nhằm bóc tách từng tầng lớp sâu tâm lý và những thủ pháp xoa dịu căng thẳng cực đoan, để giúp cho tác phẩm, đồng nhất với góc nhìn, luôn giữ được trạng thái cân bằng, nhân văn và lấp lánh hi vọng. Cách thức làm phim như vậy khiến cho điện ảnh của Kore-eda cùng đề cập tới những vấn đề cơ bản của con người trưởng thành trong bối cảnh hiện đại như bao bộ phim khác trên trường điện ảnh quốc tế, nhưng ông vẫn ghi dấu ấn riêng trong lòng khán giả, bởi nhà làm phim vừa đưa tới cho khán giả cái nhìn khách quan, đa dạng, lại vừa thể hiện được tinh thần nhân văn, lạc quan của riêng mình.

ThS Trần Trúc Ly đại diện nhóm thuyết trình đề tài đề “Người trưởng thành như là trung tâm của các tương tác xã hội, nghiên cứu trường hợp điện ảnh Hirokazu Kore-eda””.

Nhận xét về báo cáo, PGS.TS Trần Thanh Hiệp (Đại học Sân khấu – Điện ảnh) cho rằng: Đề tài nghiên cứu này đối với nhóm nghiên cứu Trần Trúc Ly, Đinh Mỹ Linh, Vũ Minh Anh không chỉ là thuận lợi mà còn là những thách thức không nhỏ. Nghiên cứu điện ảnh của Hirokazu Kore-eda để thấy người trưởng thành như là trung tâm của các tương tác xã hội cùng các vấn đề của nó là một lựa chọn thông minh. Triển khai nghiên cứu đề tài này đòi hỏi nhóm tác giả không chỉ có những kiến thức về văn hóa và các lĩnh vực khoa học liên quan mà cần có sự am hiểu về điện ảnh. Lấy điện ảnh Hirokazu Kore-eda làm chất liệu, các tác giả sẽ không thể đi tới đích của mình nếu không có những kiến thức, hiểu biết cần thiết của về điện ảnh. Khi đọc báo cáo khoa học, PGS.TS. Trần Thanh Hiệp đánh giá đây là một báo cáo khoa học công phu, hấp dẫn, chứa đựng những phát hiện rất đáng trân trọng, có ích khi chúng ta tìm hiểu về văn hóa trên thế giới phẳng hiện nay.

PGS.TS Trần Thanh Hiệp (Đại học Sân khấu – Điện ảnh) nhận xét

Báo cáo của ThS. Dương Thu Hà (Bộ môn Nhật Bản học) với chủ đề “Vai trò của Ishiki kaii jōrei trong phong trào “văn minh khai hoá” ở Nhật Bản nửa sau thế kỷ XIX”. Theo tác giả, Ishiki kaii jōrei là một trong những chính sách từ trên xuống mà chính phủ Minh Trị sử dụng để định hướng dân chúng Nhật Bản tiến hành văn minh khai hoá. Khác với các chính sách khác, điều luật này là điều luật đầu tiên quy định xử phạt các hành vi liên quan đến tập quán, thói quen, lối sống hàng ngày của dân chúng. Tuy những mục cấm trong điều luật này là những điều tưởng chừng hết sức nhỏ nhặt nhưng chính phủ đương thời đã ý thức được rằng nếu không nghiêm túc chấn chỉnh thì nó sẽ để lại ấn tượng đặc biệt khiến người nước ngoài đánh giá Nhật Bản là một nước kém văn minh, một đất nước “dã man”. Việc ban hành và thực hiện Ishiki kaii jōrei trên cả nước đã mang lại kết quả trước tiên là cải thiện hình ảnh Nhật Bản trong mắt người phương Tây và tạo dựng tiền đề để Nhật Bản trở thành một quốc gia đứng đầu thế giới về ý thức như ngày nay.

ThS.  Dương Thu Hà (Khoa Đông Phương học – ĐHKHXH&NV) trình bày tham luận

Là người bình luận chính cho báo cáo, PGS.TS. Phan Hải Linh (Trường Đại học KHXH&NV) nhận xét: Văn minh khai hóa là một đề tài đã được nghiên cứu nhiều ở Nhật Bản và cả ở Việt Nam. Tuy nhiên phân tích vai trò của Qui định cấm các hành vi cố tình và vô tình vi phạm, gọi là Ishiki kaii jorei (sau đây xin gọi tắt là Qui định cấm) là một vấn đề còn chưa được quan tâm ở Việt Nam. Vì vậy báo cáo này có ý nghĩa giới thiệu với độc giả Việt Nam về các qui định này, bao gồm bối cảnh ban hành qui định, nội dung cơ bản và vai trò của các qui định này ở Nhật Bản trong thời kì Văn minh khai hóa. PGS.TS. Phan Hải Linh cũng gợi ý tác giả nên phân tích các quan điểm của các nhà nghiên cứu về cùng vấn đề này, trên cơ sở đó đưa ra nhận định của tác giả, như Qui định cấm được đề ra trong bối cảnh đương thời có phù hợp không? Phù hợp ở điểm nào và chưa phù hợp ở điểm nào?.

Theo dự kiến, buổi tọa đàm lần thứ 3 sẽ được tổ chức vào ngày 26/9/2015.

Tác giả: Nguyen Thi Thu Huong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây