Đánh mất ký ức là đánh mất cội nguồn dân tộc

Thứ hai - 07/03/2016 22:26
Theo PGS.TS.NGƯT Ngô Đăng Tri - Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN), đối với môn học lịch sử, chức năng của nó là lưu giữ, trao truyền quá khứ dân tộc. Đánh mất ký ức về quá khứ là đánh mất cội nguồn dân tộc, là vong bản. Cao hơn, lịch sử còn cung cấp những tri thức, kinh nghiệm, cái nên giữ, phát huy và cái nên bỏ, nên tránh, để hôm nay hành động cho đúng quy luật lịch sử, phát triển, vươn tới tầm cao mới, hội nhập cùng thời đại. Nói cách khác, việc cung cấp tri thức về các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước là rất có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, là trách nhiệm của ngành giáo dục nói riêng của xã hội nói chung - PGS Ngô Đăng Tri nhấn mạnh.
Đánh mất ký ức là đánh mất cội nguồn dân tộc
Đánh mất ký ức là đánh mất cội nguồn dân tộc

Nhu cầu của xã hội đòi hỏi cần được biết một cách đầy đủ về lịch sử đất nước trên các tài liệu có tính chính thống như sách giáo khoa. Việc thiếu thông tin đang khiến nhiều người, trong đó có học sinh, sinh viên từ chỗ thiếu hiểu biết sẽ khó phân biệt được đúng sai. Từ đó các em có xu hướng thiếu quan tâm đến lịch sử nước nhà nói chung và môn học lịch sử nói riêng. Báo Đại Đoàn kết đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS.NGƯT Ngô Đăng Tri- Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN về vấn đề này.

PGS.TS.NGƯT Ngô Đăng Tri.

Lịch sử cung cấp những tri thức, kinh nghiệm, cái nên giữ, phát huy và cái nên bỏ, nên tránh, để hôm nay hành động cho đúng quy luật lịch sử, phát triển, vươn tới tầm cao mới, hội nhập cùng thời đại. Thể hệ trẻ hôm nay có đủ trí thệ và bản lĩnh để tiếp thu sự thật lịch sử dân tộc từ cổ chí kim, cả bi và hùng như vốn có. 

PV: Nhiều người bày tỏ bất bình khi thông tin về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc chỉ có 11 dòng trong sách giáo khoa lịch sử lớp 12. Theo ông vì sao thời gian qua, SGK lại dành thời lượng cho vấn đề này ít như vậy?

PGS.TS.NGƯT Ngô Đăng Tri: Việc SGK Lịch sử lớp 12, chỉ có 11 dòng ghi về sự kiện chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, thì nguyên nhân là do Nhà xuất bản Giáo dục rút gọn theo quan niệm chung lúc phát hành.

Quả thực chỉ có 11 dòng là  quá ít, nếu không muốn nói là sơ sài, qua chuyện. Cõ lẽ nó bị ảnh hưởng bởi quan niệm về cục diện bình thường hóa quan hệ Việt - Trung trên các khía cạnh chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự, văn hóa lúc bấy giờ. Như phương châm “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. 

Nhiều ý kiến cho rằng sách giáo khoa mới nhất thiết phải nhắc tới các sự kiện bảo vệ biên giới đất liền và hải đảo, theo ông nên đưa như thế nào cho hợp lý?

- Lịch sử là các sự kiện (biến cố) đã xảy ra. Che giấu hay xuyên tạc sự kiện lịch sử là giết chết lịch sử. Muốn nói về lịch sử bảo vệ biên giới, hải đảo của Việt Nam thì không thể không nói về sự kiện hải chiến Hoàng Sa năm 1974, chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc năm 1978- 1979, trận chiến Vị Xuyên bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1984, trận Gạc Ma bảo vệ Trường Sa năm 1988,…

Sử học là khoa học nghiên cứu, trình bày về các biến cố đó. Chúng ta chỉ biết được sự kiện biến cố đã xẩy ra thông qua tư liệu lịch sử. Tư liệu lịch sử là vật chứa thông tin về sự kiện biến cố; có tư liệu trực tiếp, cùng thời về sự kiện biến cố, có tư liệu gián tiếp, ra đời sau đó. Sự kiện, tư liệu càng chính xác, phong phú, đa chiều thì nhận thức lịch sử càng chính xác. 

Do có khoảng cách nhất định giữa sử học, lịch sử và sự thật nên việc hiểu đúng sự thật lịch sử là rất khó khăn, phải được tiến hành nghiêm túc, công phu, với những phương pháp nghiên cứu khoa học thực thụ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên là Chủ tịch danh dự Hội Sử học Việt Nam đã nhắc nhở giới sử học rằng: “Lịch sử diễn ra chỉ một lần, còn viết sử phải trải qua nhiều lần” là vì vậy. 

Đưa vào SGK về cuộc chiến năm 1979 cần đặt trong quan hệ lịch sử lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc, để thấy bên cạnh láng giềng hữu nghị là chính, thì cũng đã có lúc Trung Quốc xâm lược Việt Nam và Việt Nam đã có các cuộc khởi nghĩa và kháng chiến chống Trung Quốc giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc.

Như thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam rất nhiều nhưng cũng có lúc xung đột biên giới, thậm chí xảy ra chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam năm 1979.

Có như vậy thì học sinh sẽ thấy được cái xuyên suốt, bản chất với cái nhất thời, hiện tượng và do đó không cho rằng nó chỉ có ảnh hướng xấu đến quan hệ Việt - Trung mà quan trọng và cần thiết hơn là nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, sự tôn trọng đối với những giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc, quan điểm vừa hợp tác vừa đấu tranh, tinh thần cảnh giác trong bảo vệ đất nước,…

Vừa là nhà nghiên cứu lịch sử, vừa trực tiếp đứng trên bục giảng, theo ông việc đưa thông tin các sự kiện đấu tranh bảo vệ biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa giảng dạy cho học sinh, sinh viên có ý nghĩa như thế nào?

- Đối với môn học lịch sử của chúng ta, chức năng của nó là lưu giữ, trao truyền quá khứ dân tộc cho thế hệ hiện tại. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Đánh mất ký ức về quá khứ là đánh mất cội nguồn dân tộc, là vong bản.

Cao hơn, lịch sử còn cung cấp những tri thức, kinh nghiệm, cái nên giữ, phát huy và cái nên bỏ, nên tránh, để hôm nay hành động cho đúng quy luật lịch sử, phát triển, vươn tới tầm cao mới, hội nhập cùng thời đại. Vì vậy quá khứ lịch sử, trong đó có lịch sử đấu tranh bảo vệ biên giới năm 1979, một sự kiện lớn, một biểu hiện cụ thể, sinh động của bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ các giá trị dân tộc, rất cần được ghi nhớ, lưu truyền, vừa để hiểu công lao của thế hệ đi trước, vừa xây dựng ý thức bảo vệ đất nước, bảo vệ biên cương, lãnh thổ, lãnh không, biển đảo hiện tại. 

Nói cách khác, việc cung cấp tri thức về các cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới là rất có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, một trách nhiệm của ngành giáo dục nói riêng của xã hội nói chung. Việc đưa vào SGK lịch sử các sự kiện lịch sử nói trên về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới hải đảo là cần thiết và bình thường; nếu ngược lại, lãng quên hay cường điệu nó là không bình thường và có lỗi với lịch sử. Hãy để lịch sử lên tiếng.

Trong một thời gian dài chúng ta không coi Lịch sử, Văn học là khoa học. Theo ông có phải sự thiếu khách quan này là một trong những lý do khiến học sinh chán học sử. Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, ông nhận thấy thế giới họ xử lý vấn đề này thế nào?

- Lịch sử có cả các thiên anh hùng ca và những khúc bi ca. Theo tôi, hiện tượng học sinh không thích học môn lịch sử không hẳn do phương pháp giảng dạy, do người dạy và người học ý thức kém, chuyên môn yếu, mà cơ bản là do nội dung của môn học, một môn học thường chỉ nói một chiều về lịch sử, chiều thắng lợi, tốt đẹp, sự vẻ vang, ít nói về các sai lầm, thất bại, đau thương, sự xấu hổ, nên không đúng với sự thật vốn có của quá khứ.

Việc cắt xén lịch sử theo ý muốn chủ quan để phục vụ mục đích nhất thời là tư duy đơn giản, duy ý chí, vô hình chung bóp méo sự thật, chẳng những làm cho thế hệ trẻ hiểu sai lịch sử mà cón có thể đưa tới những ngộ nhận về quá khứ, dẫn tới ngộ nhận sai lầm về hiện tại và tương lai. 

Lâu nay, sách giáo khoa lịch sử không đưa vào hay chỉ đưa vào một cách quá sơ lược các sự kiện nói trên là không đúng cả về nhận thức khoa học lẫn mục tiêu giáo dục công dân, đó là một nguyên nhân dẫn đến việc học sinh thờ ơ, nếu không nói là chán học, “quay lưng” lại với môn học lịch sử. Thể hệ trẻ hôm nay có đủ trí thệ và bản lĩnh để tiếp thu sự thật lịch sử dân tộc từ cổ chí kim, cả bi và hùng như vốn có.

Với bản chất ham muốn khám phá sự thật, muốn biết cái mới, họ rất dị ứng với các thông tin áp đặt một chiều, nhưng lại rất chú ý lắng nghe những sự kiện lịch sử chân xác, kể cả các bi kịch lịch sử, nghĩa là họ không coi thường môn học lịch sử theo đúng nghĩa là một môn khoa học. 

Nói cách khác, chỉ có sự thật lịch sử mới làm cho thế hệ trẻ quay lại với môn học lịch sử. 

Trước ý kiến mạnh mẽ của dư luận, Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa cho biết, Bộ sẽ xem xét đưa các cuộc chiến tranh biên giới và hải đảo vào nội dung sách giáo khoa mới. Nhưng trong thời gian chờ đợi (được biết phải mất vài năm), theo ông Bộ GD-ĐT nên làm gì để kịp thời khắc phục vấn đề này?

- Tôi ủng hộ ý kiến nói trên của lãnh đạo Bộ GD-ĐT và ý kiến của nhiều cán bộ lão thành, nhiều nhà khoa học khác là phải đưa vào SGK lịch sử sự kiện cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam thời kỳ 1978- 1979 và cuộc đấu tranh bảo vệ biển đảo ở Trường Sa, Hoàng Sa lâu nay, để dạy cho học sinh, sinh viên hiểu rõ các sự kiện lịch sử đó. Tuy nhiên, thay đổi chương trình, giáo trình đúng là không đơn giản, không thể vội vàng, mà cần phải có thời gian. 

Trong khi chờ đợi, thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT có thể soạn một công văn có tính nghiệp vụ, hướng dẫn giáo viên dạy môn lịch sử về các sự kiện nói trên. Tinh thần là nói đúng, nói rõ sự thật bằng các tư liệu xác thực về sự kiện đã xẩy ra một cách khách quan, kể cả hình ảnh, số liệu của Việt Nam và quốc tế.

Cốt để làm cho học sinh thấy được một cách hệ thống quan hệ Việt - Trung trên những nét cơ bản và trong vấn đề  bảo vệ biên giới, hải đảo của Việt Nam thời kỳ đó nói riêng. Nội dung các sự kiện nên ngắn gọn, có tính chất biên niên, cung cấp thông tin chính xác. 

Khi được cung cấp thông tin khách quan, cơ bản về các sự kiện lịch sử nói trên, học sinh được chủ động biết rõ sự thật như vốn có, họ sẽ rút ra được nhận thức cần thiết, đúng đắn cho bản thân, vì sự thật lịch sử có sức mạnh truyền cảm mạnh mẽ và giá trị nhân văn, giá trị tư tưởng rất hữu hiệu của nó. Và đó cũng là một giải pháp góp phần làm cho môn lịch sử có sức hấp dẫn hơn, khiến học sinh thêm hứng thú với môn học lịch sử.

Trân trọng cảm ơn ông!

    Tâm Như - Báo Đại Đoàn Kết (thực hiện)

Tác giả: Tâm Như - Báo Đại Đoàn Kết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây