Tham dự buổi lễ có sự tham dự của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Bungari tại Việt Nam, bà Marinela Milcheva Petkova, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, GS. TS. Hoàng Anh Tuấn, đại diện Hội hữu nghị Bungari – Việt Nam, tập thể tác giả đến từ Đại học Tổng hợp Veliko Tarnovo (Bungari) và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, các nhà khoa học đến Viện Ngôn ngữ học, Hội Ngôn ngữ học VN và Viện Từ điển và Bách Khoa thư Việt Nam, các giảng viên và các bạn học viên, sinh viên quan tâm đến sự kiện.
Lễ ra mắt chính thức đánh dấu lần đầu tiên một cuốn từ điển thuộc một ngôn ngữ phi thông dụng được chỉnh lý, bổ sung và tái bản tại Viêt Nam sau lần đầu tiên năm 1984.
Các khách mời tham dự lễ ra mắt Từ điển Bun - Việt
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn khẳng định: “Lễ ra mắt chính thức từ điển Bun – Việt, kết quả tuyệt vời của quá trình hợp tác giữa các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội và Đại học Tổng hợp Veliko Tarnovo (Bulgaria) trong khuôn khổ dự án viện trợ phát triển chính thức của chính phủ nước Cộng hòa Bulgaria thông qua Bộ Ngoại giao Bulgaria (do Đại sứ quán Bulgaria làm đại diện) có tên: “Tăng cường chất lượng học ngoại ngữ thông qua hiện đại hóa các công cụ giảng dạy ngoại ngữ”.
Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, kết quả ngày hôm nay đã đánh dấu việc một cuốn từ điển thuộc một ngôn ngữ phi thông dụng đã được chỉnh lý, bổ sung và tái bản tại Việt Nam sau lần đầu tiên xuất bản vào năm 1984. Việt Nam và Bulgaria vốn có một mối quan hệ hữu nghị, truyền thống.
Cách đây hơn 70 năm, Bulgaria là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiền thân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay. Bulgaria cũng là một trong những nước EU đi đầu trong việc phê chuẩn Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện với Việt Nam.
Trên nền tảng mối quan hệ tốt đẹp này, cuốn từ điển sẽ càng thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước không chỉ trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục mà còn trên tất cả các phương diện chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ…
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu tại buổi lễ
"Với truyền thống lịch sử, vị thế tiên phong về đào tạo và nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn hàng đầu tại Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ tiếp tục xây đắp, phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Bulgaria tại Việt Nam cũng như các nhà khoa học để thúc đẩy các hoạt động hợp tác văn hóa – giáo dục giữa Việt Nam và Bulgaria, bởi đây chính là những nền tảng cơ bản nhất cho mối quan hệ đối tác bền vững giữa hai quốc gia" - GS.TS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh .
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Bungari tại Việt Nam, bà Marinela Milcheva Petkova bày tỏ: “Đối với tôi, đây không chỉ là một vinh dự, còn là niềm vui to lớn khi được chia sẻ với tất cả các bạn nhân dịp giới thiệu cuốn từ điển Việt-Bun mới, được do Trường Đại học Tổng hợp Sofia St. Kliment Ohridski và Đại học Veliko Tarnovo St. Cyril và Methodius xuất bản.
Cuốn từ điển này là kết quả của mối quan hệ hữu nghị gắn bó giữa hai nước Bungari và Việt Nam, dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng, là dấu ấn của hơn 70 năm lịch sử hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau".
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Bungari tại Việt Nam, bà Marinela Milcheva Petkova phát biểu
Đại sứ cũng tỏ lòng biết ơn của phía Bungari đối với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Ban Giám hiệu Trường, không chỉ tiếp thu ý tưởng mà còn thể hiện sự thấu hiểu, linh hoạt và khéo léo dẫn dắt dự án đi đến kết quả thành công.
“Tôi rất hài lòng khi được hợp tác với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - không chỉ vì chuyên môn tuyệt vời về ngôn ngữ học, trong cơ cấu của Trường còn có cả các khoa ngữ văn, lịch sử và văn học lâu đời nhất ở Việt Nam, được thành lập vào năm 1945, mà còn vì trong tổ chức hành chính từ những năm 1980 tiền thân của Trường là Viện Ngoại ngữ Hà Nội, cũng đã có một khoa dạy tiếng Bungari.
Tôi hy vọng rằng với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại sứ quán Bungaria tại Hà Nội sẽ tìm thấy sự hỗ trợ và đối tác có cùng chí hướng cho một dự án khác của mình, cụ thể là tạo cơ hội học tiếng Bungari tại Việt Nam, dựa theo hình mẫu Khoa nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử Việt Nam tại trường Đại học Tổng hợp Sofia” – Đại sứ nhấn mạnh.
Được biết, Từ điển Bun – Việt (Bộ cũ), ấn hành năm 1984 là do ba thành viên biên soạn lần đầu là GS.TS Lê Quang Thêm, cùng hai thành viên khác là Hán Văn Khẩn và Hoàng Nam (đến nay PGS. Hán Văn Khẩn và PGS. Hoàng Nam đã mất).
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt cuốn Từ điển Bun – Việt sau 39 năm, GS.TS Lê Quang Thêm bày tỏ xúc động và thay mặt những bạn bè đồng nghiệp, các cơ quan hữu quan của Bộ giáo dục Bungari và sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa nhân dân Bungaria lời cảm ơn đã ủng hộ giúp đỡ hoàn thành biên soạn để phục vụ độc giả 39 năm qua.
GS.TS Lê Văn Thiêm tin tưởng bộ Từ điển mới sẽ rất có hiệu quả phục vụ sự phát triển quan hệ tốt đẹp Bungaria – Việt Nam dài lâu, bền chặt trong thời đại mới.
Trong khuôn khổ buổi lễ, Ban Tổ chức cũng tổ chức một buổi giao lưu giữa nhóm tác giả và chuyên gia từ Bungari và Việt Nam cũng như với nhóm tác giả của lần xuất bản đầu tiên.
Buổi giao lưu là cơ hội để nhóm tác và chuyên gia chia sẻ về quá trình triển khai việc biên soạn và hiện đại hóa cuốn từ điển. Đại sứ quán Bungari tại Việt Nam cũng sẽ chia sẻ các thông tin và cơ hội học bổng và học tập trao đổi tại Bungari cho cán bộ và sinh viên Việt Nam.