Ngày 12/4/2023, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức Lễ ra mắt chính thức “Từ điển Bun - Việt”. Buổi lễ có sự tham dự của GS.TS.Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN; PGS.TS Đào Minh Trường – Phó hiệu trưởng nhà trường cùng đại diện các phòng chức năng, lãnh đạo khoa Ngôn ngữ học, các giảng viên và sinh viên USSH.
Buổi lễ vinh dự đón Bà Marinela Milcheva Petkova - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Bun-ga-ri tại Việt Nam; đại diện Hội hữu nghị Bun-ga-ri - Việt Nam; GS.TS Hristo Bondzholov - Hiệu trưởng trường Đại học Veliko Tarnovo, PGS.TS. Vladimir Vladov - Phó trưởng khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Veliko Tarnovo.
Buổi ra mắt có sự tham dự của tập thể tác giả đến từ Đại học Tổng hợp Veliko Tarnovo (Bun-ga-ri) và Trường ĐH KHXH&NV, các nhà khoa học đến Viện Ngôn ngữ học, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Viện Từ điển và Bách Khoa thư Việt Nam, đại diện nhiều cơ quan báo chí và truyền thông và các giảng viên và các bạn học viên, sinh viên quan tâm đến sự kiện.
GS.TS.Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN nhấn mạnh cuốn Từ điển Bun - Việt sẽ càng thúc đẩy mối quan hệ giữa hai quốc gia trong tất cả các lĩnh vực
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS.Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN trân trọng cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ của Đại sứ quán Bun-ga-ri tại Việt Nam và các nhà khoa học về sự đồng hành tích cực từ khi khởi động dự án dịch thuật đến nay. “Kết quả ngày hôm nay đã đánh dấu việc một cuốn từ điển thuộc một ngôn ngữ phi thông dụng đã được chỉnh lý, bổ sung và tái bản tại Việt Nam sau lần đầu tiên xuất bản vào năm 1984. Việt Nam và Bun-ga-ri vốn có một mối quan hệ hữu nghị, truyền thống. Cách đây hơn 70 năm, Bun-ga-ri là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiền thân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay. Bun-ga-ri cũng là một trong những nước EU đi đầu trong việc phê chuẩn Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện với Việt Nam. Trên nền tảng mối quan hệ tốt đẹp này, cuốn từ điển sẽ càng thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước không chỉ trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục mà còn trên tất cả các phương diện chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ…” - GS.TS.Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV nhấn mạnh, với truyền thống lịch sử, vị thế tiên phong về đào tạo và nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn hàng đầu tại Việt Nam, Trường ĐH KHXH&NV sẽ tiếp tục xây đắp, phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Bun-ga-ri tại Việt Nam cũng như các nhà khoa học để thúc đẩy các hoạt động hợp tác văn hóa - giáo dục giữa Việt Nam và Bun-ga-ri, bởi đây chính là những nền tảng cơ bản nhất cho mối quan hệ đối tác bền vững giữa hai quốc gia.
Bà Marinela Petkova - Đại sứ Bun-ga-ri tại Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa của việt tái bản lần 2 cuốn từ điển Bun – Việt
Đại sứ Bun-ga-ri tại Việt Nam - bà Marinela Petkova cho biết, cuốn từ điển Bun - Việt là kết quả của mối quan hệ hữu nghị gắn bó giữa hai nước Bun-ga-ri và Việt Nam, dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. “Việc tái bản cuốn từ điển không chỉ là kết quả của truyền thống lâu đời giữa Bun-ga-ri và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục mà còn là một bước tiến nâng tầm mối quan hệ giữa hai quốc gia trên cơ sở tiềm năng hợp tác đôi bên cùng có lợi” - bà Marinela Petkova khẳng định. Đại sứ Bun-ga-ri tại Việt Nam đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn của phía Bun-ga-ri đối với Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN, các nhà khoa học, nhà giáo của nhà trường với quyết tâm và tâm huyết để hoàn thành công trình có ý nghĩa lớn lao này.
Từ điển Bun - Việt sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác bền vững giữa hai quốc gia và mở ra nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu của giảng viên, sinh viên các trường đại học Việt Nam – Bun-ga-ri
“Từ điển Bun - Việt” là sản phẩm hợp tác giữa các nhà khoa học của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN và Đại học Tổng hợp Veliko Tarnovo (Bun-ga-ri) trong khuôn khổ dự án viện trợ phát triển chính thức của chính phủ nước Cộng hòa Bun-ga-ri thông qua Bộ Ngoại giao Bun-ga-ri (do Đại sứ quán Bun-ga-ri làm đại diện) có tên: “Tăng cường chất lượng học ngoại ngữ thông qua hiện đại hóa các công cụ giảng dạy ngoại ngữ”. Trong đó 80% nguồn kinh phí được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Bun-ga-ri thông qua chương trình Hỗ trợ Phát triển chính thức của Cộng hòa Bun-ga-ri (viện trợ không hoàn lại) và 20% còn lại từ phía trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Người biên soạn cho lần xuất bản thứ nhất năm 1984 của từ điển Bun - Việt gồm: GS.TS Lê Quang Thiêm, PGS. Hán Văn Khẩn và PGS. Hoàng Nam; người chịu trách nhiệm biên tập cho lần xuất bản thứ hai gồm PGS.TS Trần Thị Minh Hòa và Viện sĩ thông tấn, GS.TSKH Stoyan Burov.
GS.TS Lê Quang Thiêm - một trong 3 tác giả biên soạn Từ điển Bun - Việt (Bộ cũ), vô cùng vui mừng và cảm kích khi có mặt trong sự kiện giới thiệu và ra mắt Từ điển Bun - Việt (Bộ mới) ấn hành năm 2023 tại Xôphia - Thủ đô nước Cộng hòa nhân dân Bun-ga-ri.
PGS.TS Trần Thị Minh Hòa và Viện sĩ thông tấn, GS.TSKH Stoyan Burov - tác giả của Từ điển Bun - Việt xuất bản lần 2 nhận bó hoa tri ân
Với sự biên soạn thành công và xuất bản thứ hai, cuốn Từ điển Bun - Việt mang đến những đóng góp tích cực lâu dài trong nhiều lĩnh vực. Theo đó, việc hiện đại hóa và mở rộng vốn từ vựng của cuốn từ điển Bun - Việt duy nhất sẽ cải thiện lâu dài và đáng kể về chất lượng, hiệu quả của việc giảng dạy cả hai ngôn ngữ và sẽ được cả các cơ sở giáo dục và các cơ quan nhà nước sử dụng rộng rãi. Đây cũng là một bước tiến mới hướng tới kết nối sâu sắc hơn trong lĩnh vực giáo dục và khoa học giữa hai quốc gia. Việc tái bản cuốn từ điển cũng nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ hai nước Bun-ga-ri và Việt Nam trong khuôn khổ Thoả thuận về Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giai đoạn 2019 - 2023 nhằm hỗ trợ việc học và quảng bá các ngôn ngữ và văn học tiếng Bun-ga-ri và tiếng Việt tại các trường đại học tại hai đất nước. Sự hiện diện của một cuốn từ điển cập nhật sẽ giúp gia tăng sự quan tâm của sinh viên từ cả hai nước đối với việc học tiếng Bun-ga-ri và tiếng Việt, một xu hướng ngày càng tăng tại Bun-ga-ri. Và chính việc tái bản cuốn từ điển này sẽ góp phần bảo tồn và bồ̀i đắp công trình khoa học hữu ích của các tác giả từ 40 năm trước.
Trong khuôn khổ lễ ra mắt cuốn từ điển đã diễn ra buổi giao lưu giữa nhóm tác giả và chuyên gia từ Bun-ga-ri và Việt Nam cũng như với nhóm tác giả của lần xuất bản đầu tiên. Đây là cơ hội để nhóm tác và chuyên gia chia sẻ cùng độc giả về quá trình triển khai việc biên soạn và hiện đại hóa cuốn từ điển.
“Tăng cường chất lượng học ngoại ngữ thông qua hiện đại hóa các công cụ giảng dạy ngoại ngữ” là một dự án hợp tác có ý nghĩa to lớn được thực hiện bởi các nhà khoa học của hai nước Bungari và Việt Nam, không chỉ góp phần vào việc nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo tiếng Bungari và tiếng Việt Nam cho đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu cũng như sinh viên của hai nước mà còn đóng góp vào việc tăng cường quan hệ giáo dục và giao lưu văn hóa song phương Bungari - Việt Nam nói chung.
“Từ điển Bun - Việt” tái bản lần 2 là công trình dày công được hoàn thành trong hai năm với sự hợp tác giữa nhóm tác giả đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN và các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực khoa học nhân văn và ngôn ngữ của Bun-ga-ri đã tạo ra mối quan hệ đối tác lâu dài và tích cực trong lĩnh vực giáo dục, cũng như trao đổi sinh viên và giảng viên của USSH với các trường ĐH danh tiếng của Bun-ga-ri.
Báo chí đưa tin về sự kiện:
Báo Đại biểu Nhân dân: Lễ ra mắt chính thức “Từ điển Bun – Việt”
Tin tức Thông tấn xã (TTX Việt Nam):
Ra mắt từ điển Bun - Việt
Cổng TT Đối ngoại (Bộ TT&TT): Tăng cường hợp tác hữu nghị Việt Nam – Bungari
Trang thông tin Đối ngoại điện tử - Ban Chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại Trung ương: Ra mắt chính thức “Từ điển Bun - Việt”
Tạp chí Thời Đại (Diễn đàn của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam): Ra mắt chính thức “Từ điển Bun - Việt”
Báo Văn hóa (Bộ VH-TT-DL): Ra mắt cuốn 'Từ điển Bun - Việt" chỉnh lý, bổ sung
Đại học Quốc gia Hà Nội:
Từ điển Bungari – Việt Nam: Thành quả của sự hợp tác và thấu hiểu
Dưới đây là một số hình ảnh của Lễ ra mắt chính thức “Từ điển Bun - Việt” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức: