Ngôn ngữ
Hội thảo là hoạt động truyền thống hàng năm giữa hai khoa nhằm tạo cơ hội cho các nhà khoa học chia sẻ các nghiên cứu mới, qua đó thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác nghiên cứu và đào tạo về Tiếng Việt và Việt Nam học.
Hiệu trưởng Phạm Quang Minh phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phạm Quang Minh đánh giá cao quan hệ hợp tác hiệu quả và lâu năm giữa hai khoa như một hình mẫu tiêu biểu của hợp tác phát triển giữa hai đại học quốc gia của đất nước. Chính sự kết nối này đã góp phần đem đến những thành quả đáng ghi nhận của hai khoa trong thời gian vừa qua trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2015, Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội đã đi tiên phong và hoàn thành xây dựng "Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài". Tháng 6/2016 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành định dạng đề thi theo khung đánh giá năng lực này. Đây là một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và thể hiện năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ khoa học của Nhà trường nói chung và của Khoa Việt Nam học và tiếng Việt nói riêng. PGS.TS Phạm Quang Minh đề nghị sắp tới, Khoa cần quan tâm đến việc phổ biến khung đánh giá năng lực này đến các cơ quan, tổ chức có liên quan trong và ngoài nước, có kế hoạch cử cán bộ sang các đơn vị đối tác để tập huấn cách sử dụng và ứng dụng khung đánh giá này trong thực tế.
PGS.TS Phạm Quang Minh cũng nhấn mạnh rằng chưa bao giờ ngành Việt Nam học và Tiếng Việt lại đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ như thời điểm hiện tại. Những chuyến thăm của các nguyên thủ nước ngoài, sự “đổ bộ” mạnh mẽ của các doanh nghiệp, công ty nước ngoài vào Việt Nam… đã giúp Việt Nam học ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng. Đó là thời cơ tốt để Khoa suy ngẫm và tìm ra những giải pháp đưa ngành học này lên một tầm cao phát triển mới, tiếp cận rộng rãi hơn đến đông đảo các đối tượng khác nhau trong xã hội.
PGS.TS Nguyễn Thiện Nam - Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội
PGS.TS Lê Khắc Cường - Trưởng Khoa Việt Nam học, Trường ĐHKHXH&NV TP HCM
Hội thảo nhận được hơn 50 tham luận với nội dung đa dạng xoay quanh các vấn đề về nghiên cứu và đào tạo về Tiếng Việt và Việt Nam học. Trong đó, có 8 tham luận trình bày tại phiên chính gồm:
- "Định dạng bài kiểm tra đánh giá năng lực nghe hiểu tiếng Việt cho sinh viên quốc tế" (PGS.TS Nguyễn Văn Phúc).
- "Cho – thực từ và hư từ" (TS. Lê Thị Hồng Minh).
- "Giảng dạy văn học cho sinh viên Việt Nam học trong xu thế nghiên cứu liên ngành – thực trạng và một số vấn đề đề xuất" (ThS. Trần Thị Thư).
- "Văn hoá tín ngưỡng của người Việt ở huyện đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi" (ThS. Nguyễn Duy Đoài).
- "Tiếng Việt sơ cấp cho người nước ngoài – nhóm từ chỉ số lượng tuyệt đối" (TS. Huỳnh Công Hiển).
- "Tương tác hội thoại dưới góc nhìn của tương tác xã hội và ứng dụng vào việc giảng dạy hội thoại tiếng Việt" (ThS. Nguyễn Kim Yến).
- "Biểu trưng hoá ngữ âm, một phương thức sản sinh từ láy tiếng Việt" (ThS. Phan Trần Công).
- "Nhận thức lại vấn đề không gian văn hoá tộc người" (TS. Đặng Hoàng Giang).
GS.TS.NGND Hoàng Trọng Phiến - nguyên Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học và tiếng Việt
Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực Ngôn ngữ học, Tiếng Việt, Việt Nam học
PGS.TS Nguyễn Văn Phúc (Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, ĐHKHXH&NV Hà Nội) trình bày tham luận đầu tiên của Hội thảo: "Định dạng bài kiểm tra đánh giá năng lực nghe hiểu tiếng Việt cho sinh viên quốc tế".
TS. Lê Thị Hồng Minh (Khoa Việt Nam học TPHCM) trình bày tham luận "Cho – thực từ và hư từ"
Các đại biểu và quan khách chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Tác giả: Thanh Hà: Ảnh: Thành Long
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn