Ngôn ngữ
Trăm nghe không bằng một thấy!
7h sáng, chúng tôi có mặt tại Đà Nẵng – thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Trong 2 ngày ở đây, chúng tôi đã đi tham quan nhiều nơi, được lắng nghe nhiều câu chuyện. Từ Bảo tàng Chăm với những di tích của một nền văn hóa, đến chùa Linh Ứng với bức tượng Phật Bà Quan Âm cao 68m hướng nhìn ra biển, tới Bà Nà Hill thiên đường trên mặt đất, cùng bãi biển Mỹ Khê thơ mộng, cuối cùng là buổi giao lưu với bộ phận truyền thông Greenviet về công tác bảo tồn, duy trì loài vooc chà vá chân nâu.
Mỗi điểm đến là một câu chuyện riêng, một bài học riêng để chúng tôi chiêm nghiệm và hiểu hơn về Đà Nẵng, về cách Đà Nẵng tạo nên bản sắc cho riêng mình, cách mà họ thu hút và giữ chân khách du lịch khi tới đây. Đó thực sự là những điều thú vị, những bài học mới mẻ cho chúng tôi.
Đến bảo tàng Chăm, chúng tôi ngỡ ngàng trước một nền văn hóa cổ đại, được kể lại thông qua các cổ vật với niên đại hàng ngàn năm. Trong đó chất chứa biết bao dữ liệu về văn hóa của cả một thời đại, cả một dân tộc. Khi đặt chân tới chùa Linh Ứng, ta dễ dàng cảm nhận được không gian tĩnh lặng nơi cửa phật với những bức tượng của 18 vị la hán ngay giữa sân chùa, cùng với đó là quần thể rất nhiều các điện thờ khác nhau, tất cả đã tạo tạc nên không gian văn hóa tâm linh cho mảnh đất này. Còn đến với Bà Nà Hill thì ta như được thả vào không gian của châu Âu thế kỷ trước với những ngôi nhà, tòa lâu đài, nhà thờ và cả những ô cửa sổ trong trang tiểu thuyết của Shakespeare. Tất cả đã tạo nên không gian du lịch thú vị cho Đà Nẵng, từ thiên nhiên, đến văn hóa, tâm linh và hiện đại, mọi thứ như hòa quyện vào nhau để làm nên một Đà Nẵng thân thiện với môi trường, một Đà Nẵng biết tận dụng các nguồn lực tự nhiên và nhân tạo để phát triển.
Đặc biệt, thông qua buổi giao lưu với Trung tâm Greenviet, chúng tôi hiểu hơn về cách mà Đà Nẵng đang bảo vệ màu xanh của quê hương, bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh ngay trong lòng thành phố. Để có được điều này là sự đồng thuận của cả người dân và quan chức địa phương. Chính họ đã – đang – sẽ bảo vệ màu xanh của quê hương, bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên, bên cạnh việc luôn làm mới thành phố. Điều này đã đặt ra cho chúng tôi những bài học quý giá về việc bên cạnh phát triển phải đi liền với bảo vệ. Có như thế thì phát triển mới bền vững và tạo nên sự cân bằng giữa môi trường và con người, giữa tự nhiên và nhân tạo.
Hơn nữa, người dân Đà Nẵng vô cùng thân thiện, và ở họ có tính kỷ luật rất cao. Hiếm thấy ai mắc lỗi giao thông khi đi trên đường, hoặc vứt rác bừa bãi. Họ tự xây dựng cho mình ý thức bảo vệ nơi mình sống. Những người Đà Nẵng mà chúng tôi may mắn có dịp tiếp xúc trao đổi như chị Lê Thị Trang phó giám đốc Trung tâm GreenViet, chú Lê Xuân Tiến hướng dẫn viên du lịch ở Mỹ Sơn, chú Phùng Tấn Đông chuyên gia văn hóa ở Hội An… đều là những người vô cùng chuyên nghiệp, nhiệt huyết, am hiểu sâu sắc và đam mê lĩnh vực chuyên môn của mình. Họ đã truyền cho chúng tôi những cảm hứng mãnh liệt về công việc của họ, về nghề, về đất và con người ở nơi đây. Phải chăng đây cũng là lý do khiến cho du khách khi rời Đà Nẵng luôn lưu luyến và muốn trở lại?
Chiếc chìa khóa tạo nên Đà Nẵng thành công như hôm nay chính là việc họ luôn biết tôn trọng môi trường, sự đa dạng địa hình, cùng với đó là việc xây dựng hình ảnh thành phố thân thiện, sạch sẽ với hàng loạt điểm đến thú vị. Để có được điều này thì phần lớn nhờ vào sức mạnh của bộ máy chính quyền sở tại đã dám nghĩ, dám làm dựa trên quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân địa phương.
Dấu ấn hội tụ giá trị văn hóa của nhiều thời đại
Đà Nẵng – Hội An – Mỹ Sơn, nơi ẩn giấu những nét đẹp văn hóa của cả một vùng, cùng với đó là những nét giao thoa văn hóa được thể hiện rõ nét qua từng thời đại. Nếu như Đà Nẵng là nét hiện đại của một thành phố đang vươn mình trên cái phông nền của tự nhiên, văn hóa thì Mỹ Sơn là câu chuyện của ngàn năm về trước với những tòa tháp cổ kính được xây dựng từ thế kỷ thứ IV. Mỗi tòa tháp đều chứa đựng những bí ẩn riêng về tín ngưỡng, văn hóa của một nền văn hóa cổ xưa đã từng bị quên lãng quên và giờ đây đang trở thành điểm nhấn về lịch sử giao lưu văn hóa quốc tế, thu hút và níu chân biết bao người khi tới thăm nơi này.
Còn Hội An là một trường hợp đặc biệt, nơi mà xưa kia là thương cảng tấp nập, nhưng rồi bị lãng quên, và hiện nay Hội An đang bừng dậy sức sống với du lịch. Tại đây có sự giao thoa văn hóa giữa Việt – Hoa – Nhật, tất cả được thể hiện qua nét kiến trúc, cũng như tập tục của người dân nơi đây. Khi đặt chân vào Hội An thì bạn như bước vào một thế giới khác với chùa Cầu, Hội Quán, những ngôi nhà cổ, những chiếc đèn lồng đủ màu sắc. Tất cả đã kể lại câu chuyện của một Hội An tấp nập buôn bán, có truyền thống hội nhập kinh tế, văn hóa quốc tế từ rất xa xưa mà người trẻ ngày nay cũng phải ngạc nhiên thán phục.
3 địa điểm tưởng chừng tách biệt, nhưng chúng đều được xâu chuỗi bởi những giá trị của văn hóa, cùng những nét đẹp truyền thống, đến nay đang dần được khôi phục và trở thành cái “hồn” của nơi này. Đây cũng là điểm mấu chốt thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Tìm thấy cây đời mãi mãi xanh tươi
Từ những điều nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận, chúng tôi đã tự rút ra bài học cho riêng mình. Đó có thể là bài học về cách Đà Nẵng đang phát triển du lịch, hay đơn giản là cách mà Trung tâm Greenviet đang bền bỉ truyền thông cho việc bảo vệ Voọc chà vá chân nâu. Hoặc cách mà Hội An đang thực hiện để cân bằng trong bài toán quản lý giữa kinh tế - bảo tồn – phát triển, là sự điều hòa lợi ích giữa chính quyền và người dân trong việc bảo tồn văn hóa… Những bài học ấy được chúng tôi khai thác để chuẩn bị cho bản đề án cuối kỳ môn Thực tập thực tếvề truyền thông xây dựng và phát triển hình ảnh Đà Nẵng. Dường như, những ví dụ cho các lý thuyết, các chiến lược, chiến thuật trong lĩnh vực PR mà chúng tôi đã học trên giảng đường đang trải ra sống động ngay trước mắt chúng tôi.Nếu câu nói “lý thuyết toàn một màu xám xịt, chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi” là đúng, thì chúng tôi đã tìm thấy vô vàn màu xanh của những bài học PR ở chuyến đi này. Lớn và xa là những bài học về xây dựng phát triển hình ảnh một thành phố từ những căn tính của nó như địa lý, lịch sử, văn hóa… để không ngừng khai thác lợi ích bền vững về nhiều mặt từ nó. Gần gũi thì là những “cây xanh” về việc tổ chức một chuyến đi cho một lớp học, làm sao để các thành viên gắn kết với nhau hơn và cùng làm việc hiệu quả hơn, cách quản lý các rủi ro có thể xảy đến trên một hành trình dài… Đây là lý do khiến chúng tôi cùng bên nhau hăm hở lùng sục ở các điểm đếnđể tìm thêm cái mới hay nâng tầm một cảm nhận gì đó đã quen thuộc, cũng như về chính chúng tôi.
Quãng thời gian thực tế tuy ngắn ngủi, nhưng nó như chất keo dính gắn kết chúng tôi lại với nhau để chúng tôi có nhiều thời gian hiểu nhau hơn. Đại học là cuộc sống rộng mở, đôi khi khó có thể gặp nhau. Nhưng qua chuyến đi này, tôi hiểu hơn về tính cách, thói quen của từng người. Nó giúp chúng tôi biết yêu thương, chia sẻ hơn. Chúng tôi đã có những phút giây cùng nhau vờn sóng, nghịch cát nơi biển khơi, cùng cười nói rôm rả khi trên xe, thót tim trên cabin cáp treo, cùng háo hức trước mỗi điểm đến. Để rồi cùng hạnh phúc sau mỗi cuộc hành trình. Hơn hết tất cả, là chúng tôi là dường như là một, cảm thông và thấu hiểu nhau.
Chúng tôi đã học thế đó, không chỉ trên giảng đường mà còn từ chính những điều mà mình trải nghiệm, nghe thấy, nhìn thấy, và luôn tư duy như một người làm nghề để đặt câu hỏi, tìm câu trả lời hoặc tìm ra những lối mà chưa ai rẽ. Quả thực đây là một chuyến đi ý nghĩa, vô giá trong đời sinh viên với vô vàn điều bổ ích đã được thu đầy trong “túi ba gang” của những sinh viên chuẩn bị rời xa mái trường, cất bước vững vàng trong sự nghiệp.
[1]PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Chủ nhiệm bộ môn PR – Quảng cáo, khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH và NV (ĐHQG HN) – chú thích của tòa soạn.
Tác giả: Đỗ Trường Sơn, SV K58PR- Khoa Báo chí và Truyền thông
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn