Tóm tắt luận án NCS: Lê Thị Hồng Nhung

Thứ ba - 04/08/2020 06:13

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HA NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

 

 

 

 

 

LÊ THỊ HỒNG NHUNG

 

 

 

 

TƯ TƯỞNG VỀ TỰ DO CỦA N.A.BERDYAEV QUA CÁC TÁC PHẨM “CON NGƯỜI TRONG THẾ GIỚI TINH THẦN” VÀ “TRIẾT HỌC CỦA TỰ DO”

 

 

Chuyên ngành: CNDVBC&CNDVLS

Mã số: 62 22 03 02

 

 

 

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ: TRIẾT HỌC

 

 

 

 

 

 

Hà Nội - 2020

 

Công trình được hoàn thành tại

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

 

 

 

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Đỗ Minh Hợp

                                              TS. Nguyễn Văn Sanh

 

           

            Phản biện: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

                              . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

 

Phản biện: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

                  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

 

            Phản biện: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

                              . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

 

           

           

Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng cấp Đại học Quốc gia chấm luận án tiến sĩ họp tại . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ……… . . .

vào hồi            giờ           ngày          tháng        năm 20……..

 

 

Có thể tìm hiểu luận án tại:

- Thư viện Quốc gia Việt Nam

- Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

 MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Hiện nay, trong điều kiện xã hội văn minh hiện đại và tiếp biến văn hóa toàn cầu, đặc biệt là ảnh hưởng sâu rộng của văn hóa phương Tây, người Việt và nhất là giới trẻ có thiên hướng sống thụ hưởng và chạy theo, sùng bái những giá trị vật chất, qua đó lãng quên và thậm chí coi nhẹ những giá trị tinh thần như nhân tố quy định nhân tính của họ. Nhiều biểu hiện xã hội tiêu cực của con người chúng ta hiện nay bắt nguồn chính từ định hướng giá trị “duy vật chất”, “sùng bái của cải”, “sùng bái đồng tiền” và nói chung là tuyệt đối hóa vai trò của những cái hữu hình, hữu hạn, trong khi lãng quên những giá trị tinh thần, văn hóa truyền thống của dân tộc ta như tôn thờ tổ tiên, tôn thờ Mẹ, tôn thờ tổ quốc, tình làng nghĩa xóm, tương thân tương ái... Nói cách khác, con người tự đánh mất mình, đánh mất phần Người của mình, hay nói chính xác hơn, con người trở thành tù nhân, nô lệ của những cái không thuộc về nhân tính của nó, bắt nhân tính mình phục tùng những giá trị vật chất, phàm tục (nói theo ngôn ngữ Phật giáo, con người bị “chấp” bởi Ngã và Pháp). Song, điều nguy hiểm hơn là nhiều người trong họ không biết họ bị sa vào trạng thái nô lệ tinh thần như vậy. Nguyên nhân ở đây có nhiều, song một trong các nguyên nhânquan trọng nhất là họ không lo âu, trăn trở và không hiểu “tự do là gì?”. Trong khi đó thì con người chỉ thật sự hạnh phúc khi họ là chính mình, tự quyết nhân tính mình, tức là họ tự do.

Hơn nữa, chính vì “nghe theo tiếng gọi” không phải của lương tâm, mà của những cái phàm tục, những cái biểu thị không phải “nhân tính”, mà là “thú tính” nơi con người, nên nhiều kẻ trong xã hội ta hiện nay “xử xự” với nhau không phải với tư cách “Người với Người”, nhưng với tư cách “con với con”, như những thú vật xử xự với nhau, xử xự với nhau theo “luật rừng”. Bạo lực xã hội ngày càng gia tăng. Bản thân nhiều người trong xã hội ta hiện nay cũng ngày càng cho thấy “chệch hướng” về giá trị (vô cảm, thiếu lòng trắc ẩn là biểu hiện rõ nhất). Những chấn động trong cuộc đời làm cho họ phải đi tìm chỗ dựa tinh thần. Song, do không hiểu tự do tinh thần là gì, nên họ dễ bị sa ngã và cám dỗ bởi những giá trị phàm tục, bị rơi vào mê tín dị đoan. Đây cũng chính là “mảnh đất mầu mỡ” cho hàng loạt “tà đạo” xuất hiện và phổ biến rộng rãi trong xã hội ta thời gian qua.

Tất cả những điều nói trên cho thấy biểu hiện của trạng thái “khủng hoảng tinh thần” của một bộ phận không nhỏ trong xã hội ta hiện nay. Cùng với tất cả các bộ môn nhân văn khác, cũng như hoạt động giáo dục và truyền thông, triết học có một sứ mệnh đặc biệt (“con chim Cú bay ra vào lúc hoàng hôn”) là đóng vai trò “cứu thế”, “giải thoát”, “giải phóng” con người khỏi tình cảnh nô lệ ấy. Để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, triết học trước hết cần giải thích cho con người biết tự do là gì, họ sống cuộc sống đích thực như thế nào, “quê hương”, “tổ quốc”, “vương quốc” đích thực của họ là gì, tại sao họ lại bị làm nô lệ, làm nô lệ thể hiện như thế nào và, cuối cùng, thoát ra khỏi tình cảnh nô lệ ấy như thế nào. Tất cả những vấn đề nêu trên luôn là đề tài quan tâm của triết học, tôn giáo từ xa xưa. Do vậy, để hóa giải bí ẩn về tự do tinh thần, cần phải quay lại di sản triết học nhân loại, tìm kiếm ở trong đó những tư tưởng quý báu về đề tài này.

Nước Nga ở cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 đang trải qua khủng hoảng tinh thần. Nhiều người Nga đã bị gục ngã trước cám dỗ của những giá trị vật chất phương Tây. Người Nga bỗng dưng đánh mất những giá trị tinh thần nhân văn cao cả. Hàng loạt nhà văn Nga vĩ đại, đặc biệt là M.F.Dostoevsky, đã phác họa tuyệt vời bức tranh xã hội Nga như “sa mạc lòng nhân”. Họ cố gắng làm sáng tỏ sự đặc thù của văn hóa Nga, con đường lịch sử của dân tộc Nga, song chủ đề nổi bật nhất trong các tác phẩm của họ là chủ đề về tự do và nô lệ, con đường giải thoát khỏi tình cảnh nô lệ tinh thần.

N.A.Berdyaev sinh ra chính trong hoàn cảnh lịch sử xã hội đang khủng hoảng tinh thần như vậy. Ông luôn trăn trở về thân phận của con người trên thế gian này. Tất cả các tác phẩm của ông đều hướng vào một đề tài trung tâm là tự do của con người, những nguyên nhân làm cho con người bị mất tự do, trở thành nô lệ và con đường giải phóng con người khỏi những “ma lực” xiềng xích con người. Tư tưởng này của ông thể hiện rất rõ trong hai tác phẩm “Con người trong thế giới tinh thần” (tên khác là “Vấn đề về tự do và nô lệ”) và “Triết học của tự do”. Trong chúng, N.A.Berdyaev đã vạch rõ con đường “Linh Vật” có giới hạn của mình, việc vượt quá nó sẽ chỉ đưa con người đến tình cảnh làm nô lệ cho những lực lượng nằm ngoài con người, không thuộc về nhân tính của con người người, làm cho con người bị tha hóa khỏi Nhân Tính mình.

Toàn cầu hóa tạo ra nhiều cơ hội cho chúng ta phát triển xã hội và bản thân con người một cách toàn diện nhờ tiếp thu những thành tựu của văn minh công nghiệp phương Tây. Song, nó cùng với kinh tế thị trường cũng đem lại nhiều thách thức, cạm bẫy đe dọa thủ tiêu Nhân Tính của con người, làm cho con người chỉ đi theo “Linh Vật” (hướng mọi nỗ lực vào nhận thức và sở hữu vật) mà lãng quên “Linh Đạo” (những giá trị tinh thần cao cả, cấu thành “Nhân Tính” theo đúng nghĩa của từ này), sa vào “chủ nghĩa sùng bái vật chất” (A.Einstein). Vì vậy, nghiên cứu đề tài “tự do” trong di sản triết học của N.A.Berdyaev và qua đó soi dọi những vấn đề của con người Việt Nam hiện đại trở nên đặc biệt cấp bách cả trên bình diện lý luận, cả trên bình diện thực tiễn.

Từ những lý do nêu trên, NCS quyết định lựa chọn vấn đề “Tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev qua các tác phẩm “Con người trong thế giới tinh thần” và “Triết học của tự do” làm đề tài nghiên cứu cho Luận án của mình.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của Luận án:

Mục đích của Luận án: làm rõ tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev qua hai tác phẩm “Con người trong thế giới tinh thần” và “Triết học của tự do”.

Nhiệm vụ của Luận án:

Thứ nhất, tổng quan những công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án, từ đó đưa ra đánh giá về những kết quả và những vấn đề còn bỏ ngỏ trong nghiên cứu tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev mà luận án sẽ tiếp thu và giải quyết.

Thứ hai, khảo cứu các điều kiện kinh tế - xã hội, chính trị và văn hóa, các tiền đề lý luận cho sự ra đời tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev.

Thứ ba, trình bày và phân tích lập trường phương pháp luận triết học trong tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev.

Thứ tư, làm sáng tỏ những nội dung cơ bản trong tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev.

Thứ năm, chỉ ra những ưu điểm và hạn chế trong tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev.

3. Cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu của Luận án:

Cơ sở lý luận và phương pháp luận: Luận án dựa trên quan niệm duy vật biện chứng về lịch sử, quan điểm triết học Mác về nghiên cứu lịch sử tư tưởng, quan điểm của ĐCSVN về tiếp thu và phát triển sáng tạo văn hóa nước ngoài.

Phương pháp nghiên cứu: Luận án được thực hiện dựa trên các nguyên tắc về sự thống nhất giữa triết học với lịch sử triết học, sử dụng các phương pháp nghiên cứu lịch sử triết học, như chú giải học, phân tích và tổng hợp, thống nhất giữa lịch sử và lôgíc, so sánh, khái quát hoá, nhân học văn hóa…

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của Luận án

Đối tượng: luận án nghiên cứu những nội dung cơ bản trong tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev qua 2 tác phẩm “Con người trong thế giới tinh thần” và “Triết học của tự do”.

Phạm vi nghiên cứu của Luận án: tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev được ông trình bày trong các tác phẩm “Con người trong thế giới tinh thần” và “Triết học của tự do”, cũng như các tác phẩm khác của ông đề cập trực tiếp đến tự do.

5. Những đóng góp mới của Luận án:

Luận án chỉ ra sự ra đời và những nội dung cơ bản của cách tiếp cận bản thể luận hiện sinh với vấn đề về tự do cá nhân được N.A.Berdyaev trình bày qua tư tưởng triết học duy thực thần bí và nhân cách luận của ông trong các tác phẩm “Con người trong thế giới tinh thần” và “Triết học của tự do”, từ đó nêu khái quát giá trị và hạn chế của tư tưởng này.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của Luận án:

- Về mặt lý luận: thông qua tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev, luận án góp phần làm sáng tỏ nội dung của khái niệm triết học về “tự do”, những nguyên nhân làm cho con người đánh mất tự do (trở thành nô lệ) và con đường giải phóng con người về mặt tinh thần.

- Về mặt thực tiễn: luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho công tác giảng dạy và nghiên cứu về tư tưởng triết học Nga nói chung và của N.A.Berdyaev nói riêng.

7. Kết cấu của Luận án:

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận án được trình bày trong 4 chương, 13 tiết.

Chương 1.

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨUCỦA ĐỀ TÀI

1.1. Các công trình nghiên cứu về điều kiện kinh tế - xã hội, chính trị và văn hóa tinh thần, các tiền đề lý luận cho sự ra đời tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev

1.1.1. Các công trình nghiên cứu các điều kiện kinh tế - xã hội, chính trị và văn hóa tinh thần

Các nhà nghiên cứu trước hết chỉ ra những biến đổi to lớn diễn ra trong đời sống nước Nga ở nửa sau thế kỷ XIX - những năm đầu thập niên thế kỷ XX. Những biến đổi đó có tác động to lớn đến diễn biến tư tưởng Nga nói chung, tư tưởng triết học Nga nói riêng, trong đó có N.A.Berdyaev.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trường Lịch vạch rõ chuyển biến kinh tế - xã hội và chính trị quan trọng nhất ở nước Nga giai đoạn này chính là sự mở đầu giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa sau cải cách nông nô (1861). Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhất trí rằng, xã hội Nga sau cải cách nông nô dường như không vươn lên, mà ngược lại còn lâm vào một cuộc khủng hoảng toàn diện trầm trọng hơn, làm cho các mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt hơn, dẫn đến tình cảnh của người lao động Nga mà chủ yếu là nông dân trở nên bi đát hơn bao giờ hết.

Lênin vạch rõ mặt trái của sự phát triển tư bản chủ nghĩa đó là người lao động càng bị bóc lột thậm tệ hơn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Đính nhấn mạnh tình cảnh bị áp bức, bị bóc lột của người Nga đầu thế kỷ XX là sự áp bức của tầng lớp tư sản, địa chủ, dân tộc khác.

Zenkovsky còn chỉ ra hiện tượng khác trong đời sống văn hóa tinh thần Nga xuất hiện trong bối cảnh khủng hoảng xã hội: các xu hướng tìm thần, tạo thần, xu hướng quay lại với truyền thống văn hóa, tâm linh, và N.A.Berdyaev là đại diện tiêu biểu cho xu hướng này.

1.1.2. Các công trình nghiên cứu các tiền đề lý luận

N.A.Berdyaev nắm bắt và tiếp thu tư tưởng của nhiều nhà triết học Nga và phương Tây, song hoàn toàn theo tinh thần phê phán.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử triết học Nga nổi tiếng là V.V.Zenkovsky, trong tư tưởng về tự do của mình, N.A.Berdyaev lúc đầu chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa phê phán của triết học Mác, sau đó là chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm của I.Kant. Sau đó, Berdyaev đã chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn tôn giáo Nga của D.S. Merezkovsky: tư tưởng ý thức tôn giáo mới và sự phê phán nền văn minh thế tục.

Khi hình thành quan điểm chủ nghĩa duy thực thần bí, Berdyaev chịu ảnh hưởng của V.I.Nesmelov: tiếp thu tư tưởng về sự tự quyết của con người trên thế gian.

Trong lời nói đầu của tác phẩm “Triết học của tự do”, nhà triết học Nga A.V.Gulưga nhấn mạnh: trong số những người có ảnh hưởng quan trọng đến tư tưởng triết học nói chung và tư tưởng về tự do nói riêng của Berdyaev phải kể đến Dostoevsky.

Ngoài ra, Berdyaev còn được tiếp thu tư tưởng từ Jacob Bohme…

1.2. Các công trình nghiên cứu tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev trong các tác phẩm “Con người trong thế giới tinh thần” và “Triết học của tự do”

1.2.1. Các công trình nghiên cứu quan điểm phương pháp luận triết học trong tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev

Trong lời giới thiệu tác phẩm lớn đầu tiên của Berdyaev “Triết học của tự do”, tác giả A.V.Gulưga nhấn mạnh rằng, tác phẩm này có một ý nghĩa quan trọng xét về phương diện phê phán chủ nghĩa duy lý cổ điển, cụ thể là N.A.Berdyaev kiên quyết bác bỏ biện thần luận duy lý Tây Âu.

Trong cuốn sách “Triết học hiện sinh”, các tác giả đã đưa ra đánh giá cô đọng nhất về một trong những đóng góp quan trọng xét trên phương diện suy lý về tồn tại người nói chung và tự do hiện sinh của con người nói riêng của N.A.Berdyaev là phê phán triết học duy lý và mở đường cho triết học hiện sinh.

1.2.2. Các công trình nghiên cứu những nội dung cơ bản trong tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev

Nổi bật lên là những nghiên cứu của Nhà nghiên cứu lịch sử triết học Nga nổi tiếng là V.V.Zenkovsky.

Một tài liệu nữa đề cập tới tư tưởng về tự do tinh thần của N.A.Berdyaev là Lời giới thiệu “N.A.Berdyaev: tiểu sử và tác phẩm” của tác giả Nguyễn Văn Trọng cho tác phẩm “Con người trong thế giới tinh thần”.

Trong cuốn “Diện mạo triết học phương Tây hiện đại”, tác giả đã phân tích sâu sắc quan điểm triết học lịch sử của N.A.Berdyaev chính từ góc độ tự do cá nhân.

Trong cuốn sách “Đại cương lịch sử triết học. Triết học phương Tây hiện đại”, các tác giả Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh. Các tác giả nhấn mạnh tư tưởng của N.A.Berdyaev rằng, cải biến và sáng tạo tinh thần là điều kiện cần thiết để con người không bị sa vào cảnh làm nô lệ cho những giá trị vật chất gắn liền với tiến bộ khoa học và kỹ thuật. Nhìn chung, đây là một tài liệu có ý nghĩa rất quan trọng để tác giả định hướng cho nghiên cứu trong luận án của mình.

Các tác giả của cuốn sách “Triết học hiện sinh” đi sâu phân tích bộ phận thứ hai của “Triết học của tự do” với tiêu đề “Nguồn gốc của cái ác và mục đích của lịch sử”.Các tác giả chỉ ra rằng, N.A.Berdyaev nhận thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng nô lệ của con người gắn liền với lối thoát nan giải ra khỏi thời đại tâm lý - thời đại của chủ nghĩa chủ quan, của chủ nghĩa cá nhân khép kín, thời đại của những tâm trạng và cảm xúc không đi liền với một trung tâm khách quan và tuyệt đối nào.

1.3. Những kết quả đạt được trong nghiên cứu tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev và những vấn đề cần giải quyết

1.3.1. Những kết quả đạt được trong nghiên cứu tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev

Thứ nhất, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, N.A.Berdyaev sinh sống và sáng tạo vào một giai đoạn lịch sử đầy biến động của nước Nga, khi mà chế độ phong kiến đã bước vào giai đoạn suy tàn, chế độ tư sản đang ra đời. Người dân Nga sống trong bối cảnh khủng hoảng xã hội trầm trọng, họ phải chịu đựng tình cảnh bị áp bức, bóc lột cả từ giai cấp địa chủ, cả từ giai cấp tư sản. Do vậy, các cuộc nổi dậy xảy ra triền miên, vấn đề giải phóng người lao động trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Thứ hai, một số công trình nghiên cứu về tư tưởng triết học của N.A.Berdyaev đã làm rõ thái độ của ông đối với các trào lưu tư tưởng chính trị - xã hội và triết học xuất hiện nhằm tìm kiếm và luận chứng cho con đường giải phóng người dân Nga. N.A.Berdyaev lúc đầu đi theo học thuyết Mác về giải phóng xã hội, sau đó ông chuyển sang lập trường của triết học tôn giáo như phương thức giải phóng cá nhân về mặt tinh thần.

Thứ ba, đề cập đến các tiền đề lý luận cho sự ra đời tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev, các tác giả đã liệt kê những nhà triết học có ảnh hưởng đáng kể nhất ở đây. Đó là Dostoevsky, Rozanov, Soloviev, Kant, Bohme, Nietzsche. Họ cũng đã phần nào làm rõ nội dung của ảnh hưởng ấy đến tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev.

Thứ tư, một số nhà nghiên cứu đã trình bày sự phê phán của N.A.Berdyaev đối với lập trường triết học duy lý nói chung và chủ nghĩa nhận thức luận duy lý nói riêng trong vấn đề về tự do con người. Theo các tác giả, N.A.Berdyaev nhận thấysai lầm mang tính nguyên tắc của chúng là chỉ nhận thấy tự do của con người trong quan hệ với cái tự nhiên, với các quy luật của tự nhiên và xã hội, mà bỏ qua thế giới tinh thần nội tâm của con người.

Thứ năm, tất cả các tác giả đều đã làm sáng tỏ ở một chừng mực nhất định các nội dung cơ bản trong tư tưởng của N.A.Berdyaev về tự do và con đường khắc phục tình trạng nô lệ của con người. Theo các nhà nghiên cứu, N.A.Berdyaev tuyệt đối hóa bản ngã tinh thần, coi tự do là duy nhất có thể chỉ trong lĩnh vực tinh thần. Do vậy, tất cả những gì nằm ngoài tinh thần đều triệt tiêu tự do của con người. Phương thức duy nhất để có được tự do là sáng tạo tinh thần.

1.3.2. Những vấn đề cần giải quyết trong luận án

Thứ nhất, mặc dù đã được các nhà nghiên cứu chỉ ra, song những tiền đề cho tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev cần được phân tích tỉ mỉ và sâu sắc hơn. N.A.Berdyaev chịu ảnh hưởng của nhiều nhà triết học Nga và phương Tây, song cần làm rõ ông tiếp thu một cách tích cực hay một cách tiêu cực những nội dung tư tưởng nào về tự do của mỗi nhà tư tưởng cụ thể. NCS sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề này trong luận án của mình.

Thứ hai, một số nhà nghiên cứu tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev nhận xét rằng, tư tưởng này của ông bắt nguồn từ một quan điểm phương pháp luận mới, đối lập với quan điểm triết học duy lý và chủ nghĩa nhận thức luận duy lý. Tuy nhiên, nhận xét đó chỉ mang tính khái quát mà chưa được phân tích toàn diện. Luận án sẽ bổ khuyết lổ hổng này.

Thứ ba, dường như tất cả các công trình nghiên cứu tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev đều chưa dành sự quan tâm thỏa đáng để làm sáng tỏ, xác định quan điểm phương pháp luận triết học (chủ nghĩa duy thực thần bí và chủ nghĩa nhân cách) của N.A.Berdyaev trong vấn đề này. Đây là một nội dung rất quan trọng để thấu hiểu tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev. Do vậy, luận án sẽ dành một dung lượng đáng kể để làm sáng tỏ vấn đề này.

Thứ tư, các nhà nghiên cứu đã phác họa một số hình thức nô lệ của con người, song chưa phân tích một cách có hệ thống và nhất quán về nội dung của chúng. Do vậy, họ cũng chưa làm sáng tỏ thực chất con đường khắc phục tình trạng nô lệ được N.A.Berdyaev đưa ra dựa trên cơ sở chủ nghĩa nhân cách và triết học tôn giáo (chủ nghĩa duy thực siêu việt) độc đáo của ông. NCS sẽ cố gắng phân tích và trình bày nội dung này trong tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev.

Tiểu kết chương 1

Như vậy, thông qua việc phân tích hệ thống những công trình nghiên cứu nghiên cứu các điều kiện kinh tế - xã hội, chính trị và văn hóa tinh thần, tiền đề về lý luận cho sự ra đời tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev ta thấy các nhà nghiên cứu trước hết chỉ ra những biến đổi to lớn diễn ra trong đời sống nước Nga ở nửa sau thế kỷ XIX - những thập niên đầu thế kỷ XX. Theo họ, chính những biến đổi đó có tác động to lớn đến diễn biến của tư tưởng Nga nói chung, tư tưởng triết học Nga nói riêng, trong đó tất nhiên là bao gồm cả tư tưởng của N.A.Berdyaev. Xã hội Nga sau cải cách nông nô có những biến đổi to lớn, đặc biệt là sự xuất hiện mầm mống xã hội tư bản, tuy nhiên các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong xã hội ấy, người dân bị bóc lột thậm tệ hơn, đời sống người dân ngột ngạt và tăm tối hơn. Những biến đổi kinh tế - xã hội và chính trị ấy tất yếu sẽ kéo theo những biến đổi trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa tinh thần, từ đó xuất hiện tư tưởng lớn nhằm hướng tới sự giải thoát tự do cho con người, trong đó có N.A.Berdyaev 

Các công trình nghiên cứu quan điểm phương pháp luận triết học trong tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev các tác giả khẳng định dứt khoát thái độ phê phán của N.A.Berdyaev đối với “chủ nghĩa nhận thức luận”. N.Berdyaev khẳng định rằng, bản thân tồn tại có trước nhận thức và hơn nữa là lý luận nhận thức. Các nhà nhận thức luận muốn tách tồn tại ra từ nhận thức, muốn biến nó thành phán đoán, muốn làm cho nó phụ thuộc vào phạm trù của chủ thể. Đây là một căn nguyên dẫn tới sự nô lệ của con người vào nhận thức, và đây cũng chính là cơ sở để N.A.Berdyaev đưa ra quan điểm của mình về tự do. Tuy nhiên, các tác giả đều đã làm sáng tỏ ở một chừng mực nhất định các nội dung cơ bản trong tư tưởng của N.A.Berdyaev về tự do và con đường khắc phục tình trạng nô lệ của con người. Theo các nhà nghiên cứu, N.A.Berdyaev tuyệt đối hóa bản ngã tinh thần, coi tự do là duy nhất có thể chỉ trong lĩnh vực tinh thần. Do vậy, tất cả những gì nằm ngoài tinh thần đều triệt tiêu tự do của con người. Phương thức duy nhất để có được tự do là sáng tạo tinh thần. Do đó, những công trình nghiên cứu nêu trên chỉ mang tính chất là cơ sở, là nền tảng để NCS nghiên cứu, tiếp tục làm sáng tỏ tư tưởng triết học về tự do của N.A.berdyaev.

CHƯƠNG 2

NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG VỀ TỰ DO TINH THẦN CỦA N.A.BERDYAEV

2.1. Các điều kiện kinh tế, chính trị - xã hội và văn hóa tinh thần 

2.1.1. Các điều kiện kinh tế, chính trị - xã hội

N.A.Berdyaev sinh ra, lớn lên và sáng tạo trong giai đoạn lịch sử rất đặc biệt của nước Nga. Đó trước hết là sự kiện bãi bỏ luận nông nô (1861), sự kiện lịch sử đưa nước Nga bước vào điểm khởi đầu của xã hội minh tư sản. Chính xã hội này gây ra các mâu thuẫn làm cho con người Nga phải đối mặt với rất nhiềuvấn đề nhân sinh, và cũng chính chúng được phản ánh trong dòng chảy tư tưởng triết học Nga đa dạng, độc đáo ở cuối thế kỷ XIX - nửa đầu thế kỷ XX.

Nền công nghiệp Nga đã phát triển đáng kể. Nền kinh tế nước Nga đã chuyển đổi một phần cơ cấu theo chiều hướng công nghiệp hóa, phương thức kinh doanh bắt đầu thay đổi.Tuy nhiên, những yếu tố riêng biệt của kinh tế công nghiệp vẫn không cho phép nước Nga khắc phục tình trạng tụt hậu về kinh tế, kỹ thuật và công nghệ so với các nước Tây Âu phát triển.

Đồng thời nền nông nghiệp lạc hậu của nước Nga dường như vẫn trì trệ.

Sau cải cách nông nô, nước Nga bắt đầu phát triển những mầm mống đầu tiên của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, V.I.Lênin cũng vạch rõ mặt trái của sự phát triển ấy là người lao động càng bị bóc lột thậm tệ hơn.

Các điều kiện kinh tế - xã hội nêu trên của nước Nga làm cho số phận của con người Nga trở nên bi đát hơn, người nghèo đói chiếm phần lớn cư dân Nga, họ sống một cuộc sống thê lương, họ bị biến thành nô lệ về tinh thần, về chính cái khu biệt và nâng họ vượt lên trên vật tính và thú tính nơi họ.

Vào cuối thế kỷ XIX, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã chiếm ưu thế tại Anh, Pháp, các nước Tây Âu khác, kể cả tại Đức. Những mâu thuẫn nội tại của xã hội tư sản đã trở nên gay gắt. Tại Nga, sau khi thủ tiêu chế độ nông nô, lực lượng sản xuất mới tiếp tục phát triển trong lòng nước Nga hậu phong kiến. Cuộc cải cách chế độ kinh tế ở Nga dẫn tới những hậu quả quan trọng. Lao động làm thuê bắt đầu thay thế cho lao động nông nô. Cơ sở kinh tế phong kiến tan rã,hình thức sở hữu điền địa tư bản ra đời. Song, những mâu thuẫn xã hội bắt nguồn từ chế độ quân chủ chuyên chế làm cho kinh tế nông nghiệp Nga bị lâm vào tình trạng trì trệ, suy tàn. Thất bại của Nga trong chiến tranh Crưm cho thấy chế độ quân chủ chuyên chế Nga đã mục nát và bất lực, lạc hậu về kỹ thuật và kinh tế, về quân sự và chính trị.

Vào cuối thế kỷ XIX - Đầu thế kỷ XX, giai cấp công nhân Nga vẫn yếu ớt và lệ thuộc, chưa độc lập về mặt chính trị. Công nhân Nga còn bị tước mọi quyền tự do, chủ xưởng, cảnh sát và quan lại không chỉ cấm họ hội họp mà cấm cả âm nhạc, ca hát, nhảy…

Trong tình cảnh “nhân sinh” vô cùng nguy nan ấy của người Nga, N.A.Berdyaev đã dốc toàn bộ tâm lực và trí lực vào sự nghiệp giải thoátcon người Nga khỏi tình trạng nô lệ tinh thần. Ông đã dành cả cuộc đời để phân tích tình trạng nô lệ tinh thần của con người Nga, chỉ ra những nguyên nhân của nó và tìm kiếm con đường giải phóng họ.

2.1.2. Các điều kiện văn hóa tinh thần

Lối sống tư sản xuất hiện ở Nga từ cuối thế kỷ XIX và nhanh chóng để lại rất nhiều hệ quả văn hóa tinh thần ở con người Nga.

Chính “tinh thần” của chủ nghĩa tư bản sơ kỳ, của kinh tế “thị trường” man rợ đã làm nảy sinh lối sống vị lợi, vị đồng tiền, làm cho nhân cách con người trở nên méo mó, biến chất, tha hóa, con người bị sa vào nhiều đam mê và bị đặt trước vấn đề về tình yêu, lo âu, tự do, nô lệ, trách nhiệm nhân sinh.

Ở đầu thế kỷ XX, tư tưởng và khát vọng tự do, cuộc chiến đấu vì tự do, bình đẳng và bác ái của các dân tộc Tây Âu đã làn tỏa rộng rãi và để lại âm hưởng sâu rộng trên mảnh đất Nga.

Tuy nhiên, sự du nhập văn hóa nói chung và triết học nói riêng của phương Tây vào nước Nga cũng đặt ra vấn đề về ảnh hưởng của chúng đến văn hóa tinh thần Nga, về tương lai của văn hóa Nga và triết học Nga.

Trong bối cảnh văn hóa tinh thần đó, N.A.Berdyaev đã lên tiếng cảnh báo mối nguy hiểm vô cùng của hình thức nô lệ tinh thần trá ngụy như vậy. Và, chính trong lĩnh vực triết học tôn giáo, N.A.Berdyaev, đã để lại những tác phẩm triết học vô giá.

2.2. Các tiền đề lý luận

2.2.1. Sự ảnh hưởng của Triết học Kitô giáo

Tự do là linh hồn của triết học kitô giáo. Chúa của Kitô giáo là một nhân cách.

Chúa của con người là trung tâm

2.2.2. Sự ảnh hưởng của các nhà triết học Nga

M.Dostoevsky (1821-1881) là người có ảnh hưởng lớn nhất đến tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev

Nhà triết học Nga lớn thứ hai có ảnh hưởng trên tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev là N.O.Lossky(1870 - 1965).

Cũng giống như đa số các nhà triết học Nga đương thời với mình, N.A.Berdyaev chịu ảnh hưởng tư tưởng của nhà triết học nổi tiếng nhất Nga là S.V.Soloviev và đã phát triển tiếp tục nó, đặc biệt là đề tài về tự do và tình yêu, nô lệ vào eros và nhân cách.

Cũng chính trong đề tài về tự do tinh thần và cám dỗ, nô lệ vào eros, chúng ta thấy N.A.Berdyaev chịu ảnh hưởng tư tưởng của một nhà triết học Nga khác là V.Rozanov.

2.2.3. Sự ảnh hưởng của các nhà triết học phương Tây

Trong số các nhà triết học phương Tây có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev, trước hết cần phải kể đến Jakob Bohme (1575-1624)

Một triết gia khác có ảnh hưởng đáng kể đến N.A.Berdyaev là B.-F.-K.Baader (1765-1841) - nhà triết học Công giáo người Đức.

Vốn là người phê phán dữ dội triết học duy lý cực đoan mà hiện thân chính là triết học Hegel, do vậy một điều dễ hiểu là N.A.Berdyaev đã rất đồng cảm và chịu ảnh hưởng sâu sắc các tư tưởng triết học của A.Schopenhauer.

Một triết gia khác rất gần gũi về tư tưởng với N.A.Berdyaev do cùng sống trong ”thời đại khủng hoảng của triết học duy lý” và có ảnh lớn đến ông là F.Nietzsche (1844 - 1900) - nhà triết học và nhà văn lớn người Đức.

2.2.4. Tư tưởng về tự do trong lịch sử triết học trước N.A.Berdyaev

Các quan niệm triết học cổ đại về tự do đi liền với tư tưởng về định mệnh, số phận

Trong đạo đức học của chủ nghĩa khắc kỷ (stoicisme), con người tự do sử dụng sức mạnh lý trí và ý chí của mình để chống lại số phận như cái không phục tùng nó.

Trong các tôn giáo độc thần phát triển, quan niệm về tự do được gắn liền với ân sủng.

Các quan niệm đã về tự do được Th.Hobbes, B.Spinoza, Hegel khái quát lại trong quan niệm về tự do như tất yếu được nhận thức.

Quan niệm của triết học Mác: Tự do trong quan điểm của Mác trước hết gắn liền với bản chất xã hội của con người, tức là quan hệ giữa người với người. Vấn đề tự do gắn liền với vấn đề thủ tiêu tha hóa, giải phóng khỏi tha hóa.

Quan điểm của triết học Mác - Lênin: Tự do là tất yếu được nhận thức.

2.3. N.A.Berdyaev: con người và tác phẩm

2.3.1. N.A.Berdyaev: cuộc đời và sự nghiệp

N.A.Berdyaev (1874-1948) thuộc dòng dõi quý tộc lâu đời, sinh ra tại Kiev. Bố của ông là một sĩ quan, muốn người con trở thành quân nhân và cho con vào học trường võ bị. Song, cậu con trai học ở đó không lâu. Cậu say mê triết học. Ở tuổi 14, cậu đã đọc không những Schopenhauer mà cả Kant và Hegel. Đam mê tiếp theo của ông là Mác. Berdyaev trở thành người mác xít.

Sau khi trở về Kiev từ trại giam Vologod, nơi ông bị lưu đày trong các năm 1898-1901, N.A.Berdyaev kết thân với S.N.Bulgacov. Họ cùng nhau trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần mới - quay lại với Hội Thánh. Vào năm 1904, N.A.Berdyaev cưới Lidia Truseva, giống như ông, bà cũng đã từng tham gia phong trào cách mạng, sau đó thấm nhuần các tư tưởng Chính thống giáo. Cũng vào năm này, ông chuyển đến ở Peterburg để làm Tổng biên tập Tạp chí “Con đường mới”, sau đó là tạp chí “Những vấn đề cuộc sống”.

Sự phát triển tinh thần của N.A.Berdyaev bắt đầu ngay từ khi ông đam mê chủ nghĩa Mác ở tuổi thanh niên, song rất nhanh chóng việc tìm hiểu triết học đã đưa ông đến chỗ xét lại phương diện, nội dung triết học của chủ nghĩa Mác. N.A.Berdyaev cùng với các nhà mác xít người Nga khác đã trở thành môn đệ của chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm (transcendental) mà, tuy nhiên, ông vẫn hợp nhất với cương lĩnh xã hội của chủ nghĩa Mác trong suốt một thời gian dài.

Vào năm 1922, N.A.Berdyaev cùng với các nhà triết học  - các nhà duy tâm khác bị trục xuất khỏi nước Nga và đến định cư tại Berlin. Tại đây, ông thành lập Học viện Triết học tôn giáo (chuyển sang Paris vào năm 1925), trở thành Tổng biên tập tạp chí “Con đường” và lãnh đạo nhà xuất bản Triết học tôn giáo “IMCA-PRESS”. Tại Paris, sự nghiệp sáng tạo của N.A.Berdyaev hưng thịnh đặc biệt, các tác phẩm chính của ông được hoàn thành tại đây. Trước khi đến Paris, vào các năm sinh sống ở Berlin.

Trình bày các tư tưởng triết học của N.A.Berdyaev là rất khó, và không những vì ông có nhiều mâu thuẫn, bản thân ông có thái độ khá miệt thị đối với việc hệ thống hóa triết học, mà như ông nhận xét, còn vì tư duy của ông là tư duy “ẩn dụ” và tản mạn. Các tác phẩm có tính hệ thống nhất của N.A.Berdyaev được hoàn thành theo cách một tư tưởng nào đó (thường là được lựa chọn một cách tùy ý) được sử dụng làm cơ sở cho toàn bộ tác phẩm, ông phân tích các chủ đề nào đó của triết học dưới ánh sáng của nó.

Để tổng quan những luận điểm cơ bản của N.A.Berdyaev về các chủ đề triết học cơ bản, có thể phân chia một cách ước lệ toàn bộ sự nghiệp sáng tạo của ông ra thành 4 giai đoạn, song các giai đoạn này không hẳn đánh dấu (về mặt lịch đại) các thang bậc khác nhau trong phát triển triết học của N.A.Berdyaev, mà chủ yếu biểu thị các phương diện khác nhau trong triết học của ông.

2.3.2. Các tác phẩm “Triết học của tự do” và “Con người trong thế giới tinh thần”

Tác phẩm “Triết học của tự do” được N.A.Berdyaev hoàn thành và xuất bản năm 1911. Tác phẩm này là kết quả suy ngẫm của ông trong thời gian bị giam đầy trong nhà tù. Nội dung của nó phản ánh thái độ của N.A.Berdyaev đối với toàn bộ nền văn hóa duy lý phương Tây nói chung và hạt nhân của nó là triết học duy lý như nguồn gốc của khủng hoảng tinh thần hiện đại. Chính mục đích này đã quy định định hướng tư tưởng “nổi loạn” của tác giả của nó. Tác phẩm gồm có lời nói đầu, 7 chương và phần phụ lục.

Tác phẩm “Con người trong thế giới tinh thần” có tên gọi theo bản gốc là “Bàn về nô lệ và tự do của con người”. Nó được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1939 tại Paris, được tái bản vào năm 1972. Tại quê hương ông, tác phẩm này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1995, sau đó được tái bản nhiều lần. Tác phẩm này gồm có 4 chương cùng với Lời tựa.

Tiểu kết chương 2

Theo nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử, không một trào lưu tư tưởng, một học thuyết triết học nào có thể hình thành và phát triển tách rời đời sống vật chất xã hội cũng như tính chất sinh hoạt xã hội. Tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev ra đời không phải là sự xuất hiện ngẫu nhiên hay là sản phẩm thuần túy tư biện mà sự hình thành và phát triển của nó chịu sự quy định và phản ánh sâu sắc điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa tinh thần Nga. Triết lý này một phần là sản phẩm tất yếu của những điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan. Nói cách khác, triết lý tự do tinh thần của N.A.Berdyaev được hình thành do tác động, ảnh hưởng của những điều kiện lịch sử xã hội cụ thể của dân tộc Nga và của thời đại mà ông đang sống.

Là hình thái ý thức xã hội, tư tưởng triết học về tự do của N.A.Berdyaev không chỉ là sự phản ánh điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội nước Nga đương thời mà còn là kết quả kế thừa những tư tưởng triết học, tôn giáo, văn hóa trước đó. Với tư cách là một nhà triết học hiện sinh tôn giáo, tư tưởng tự docủa N.A.Berdyaev trước hết chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi quan niệm của các nhà triết học, văn học Nga như Dostoevsky; Lossky; V.S.Soloviev; V.Rozanov. Trong đó, đáng chú ý là sự ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng Dostoevsky đến ông. Mặt khác, ngoài các nhà triết học Nga, N.A.Berdyaev còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng về tự do của các nhà triết học phương Tây như: Bohme; Jakob; B.F.K.Baader; A.Schopenhauer; F.Nietzsche.

CHƯƠNG 3

SỰ PHÊ PHÁN CỦA BERDYAEV VỀ CHỦ NGHĨA NHẬN THỨC LUẬN DUY LÝ VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN TRIẾT HỌC TRONG TƯ TƯỞNG VỀ TỰ DO CỦA N.A.BERDYAEV

3.1. Phê phán chủ nghĩa nhận thức luận duy lý - cơ sở phương pháp luận triết học sai lầm trong vấn đề về tự do

N.A.Berdyaev vạch ra nguyên nhân dẫn tới tình trạng bi đát của triết học, dẫn tới triết học của nô lệ, dẫn tới cuộc sống nô lệ hiện đại. Đó chính là căn bệnh dưới tên gọi “chủ nghĩa nhận thức luận duy lý”.

Chủ nghĩa nhận thức luận duy lý là lập trường triết học đặc trưng cho văn hóa tư duy triết học cận hiện đại. Đặc điểm mang tính bản chất của nó là nó giải quyết tất cả mọi vấn đề của triết học nhờ căn cứ trên những thành tựu và phương pháp luận của khoa học đương thời, chủ yếu là khoa học tự nhiên.

Chủ nghĩa nhận thức duy lý quan niệm tất cả những gì hợp lý khoa học là sự thật, do vậy tự do của con người là nhận thức những cái hợp lý đó và hành động phù hợp với chúng. Berdyaev cho rằng quan niệm như vậy là vô căn cứ.

Để làm sáng tỏ căn bệnh hiện tại của chủ nghĩa nhận thức duy lý, Berdyaev đi sâu phân tích và phê phán chủ nghĩa duy lý triết học dưới các biến thể phương pháp luận của nó là chủ nghĩa duy nghiệm và chủ nghĩa duy lý theo nghĩa hẹp và chủ nghĩa phê phán.

Việc phê phán chủ nghĩa nhận thức duy lý là bước đi đầu cần thiết, là tiền đề để Berdyaev xây dựng phương pháp luận triết học của mình trong vấn đề về tự do.

3.2. Chủ nghĩa duy thực thần bí và chủ nghĩa nhân cách - phương pháp luận triết học trong tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev

3.3.1. Chủ nghĩa duy thực thần bí

Theo N.A.Berdyaev, cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy lý không cho phép tiếp cận đúng đắn với vấn đề về tự do, ngược lại, chủ nghĩa duy thực siêu việt, chủ nghĩa nhân cách cụ thể, triết học của tự do cho phép đặt ra đúng và giải quyết đúng các vấn đề về tự do, nhận thức được bí ẩn vĩ đại của tự do.

Chủ nghĩa duy thực là quan điểm triết học thừa nhận thực tại nằm ngoài ý thức, được lý giải hoặc là tồn tại của các khách thể tinh thần (Plato, triết học kinh viện trung cổ), hoặc là khách thể của nhận thức không phụ thuộc vào chủ thể.

Chủ nghĩa duy thực ở N.A.Berdyaev là quan điểm phương pháp luận triết học có nhiệm vụ hoàn trả sinh lực cho triết học, đưa nó tiếp xúc với tinh thần của cuộc sống, tức là làm cho tinh thần của cuộc sống chiến thắng chủ nghĩa duy lý tư biện. Theo ông, tinh thần của cuộc sống, của tồn tại người đích thực là tự do, do vậy triết học duy thực cần phải xuất phát từ tự do.

Một trong những yếu tố quan trọng để thấu hiểu lập trường phương pháp luận duy thực thần bí của N.A.Berdyaev trong vấn đề về tự do là ông khu biệt giữa ý thức phát sinh và ý thức phái sinh, trong đó tự do của con người hiện diện ở ý thức phát sinh.

3.3.2. Chủ nghĩa nhân cách

Chủ nghĩa nhân cách là một trào lưu thần học trong triết học phương Tây khi thừa nhận cá nhân và những giá trị tinh thần của nó là ý nghĩa tối cao của nền văn minh thế tục.

Một trong những tư tưởng chủ đạo trong quan niệm về nhân cách là tư tưởng về sự tồn tại đầy quyến rũ hiểu theo nghĩa là một cuộc đối thoại tích cực giữa tín đồ Kitô giáo với thời đại ngày nay, là sự lôi kéo tín đồ tham gia vào các phong trào xã hội của các lực lượng tiến bộ ở nơi mà thế giới quan tôn giáo phải đóng vai trò một nhân tố mang tính xây dựng trong việc cải tạo thế giới dựa trên cơ sở nhân văn.

Tại Nga, chủ nghĩa nhân cách bắt nguồn từ Dostoevsky, ông đặt ra hàng loạt vấn đề đạo đức - tâm lý và triết học tôn giáo: tự do và trách nhiệm của con người, quyền lực và bạo lực, nhẫn nhục, đau khổ.

Học thuyết về con người của N.A.Berdyaev nhận được tên gọi là “chủ nghĩa nhân cách hậu thế”. Chủ nghĩa nhân cách của ông tiếp tục phát triển cách tiếp cận duy thực thần bí với tự do, đòi hỏi tiếp cận với tự do như một bản thể.

Berdyaev khẳng định, nhân cách con người chỉ hiện diện trong thế giới tinh thần, trong thế giới tự do, thể hiện bản nguyên tích cực, chủ thể của con người, tự do chính là điều kiện tiên quyết của nhân cách.

Như vậy, chủ nghĩa duy thực thần bí và chủ nghĩa nhân cách chính là phương pháp triết học trong tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev.

Tiểu kết chương 3

Để hiểu rõ được quan điểm phương pháp luận trong tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev, trước hết cần phải nắm vững được những quan niệm về tự do trước đó, để chúng ta có cái nhìn đầy đủ, khách quan hơn trong quan niệm về tự do. Cụ thể, các quan niệm triết học cổ đại về tự do đi liền với tư tưởng về định mệnh, số phận; trong đạo đức học của chủ nghĩa khắc kỷ con người tự do sử dụng sức mạnh lý trí và ý chí của mình để chống lại số phận như cái không phục tùng nó; trong các tôn giáo độc thần phát triển, quan niệm về tự do được gắn liền với ân sủng; còn Các quan niệm đã về tự do của Th.Hobbes, B.Spinoza, Hegel lại được khái quát lại trong quan niệm về tự do như tất yếu được nhận thức; hay như C.Mác nhấn mạnh xã hội tính, bản chất xã hội của tồn tại người: “Trong tính hiện thực của mình, con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Do vậy, tự do trong quan niệm của ông trước hết gắn liền với bản chất xã hội của con người, tức là với quan hệ giữa người với người...

Còn với N.A.Berdyaev, để giải quyết thỏa đáng vấn đề về tự do, ông khẳng định vấn đề về tự do là vấn đề cốt tử của bản thân cuộc sống, của bản thân tồn tại và của triết học với tính cách một bộ phận cấu thành của tồn tại người, một chức năng của tồn tại người. Đây là vấn đề của bản thể người, chứ không phải vấn đề của nhận thức người. Ông vạch ra nguyên nhân dẫn tới tình trạng bi đát của triết học, tới triết học của nô lệ, tới cuộc sống nô lệ hiện đại. Đó chính là căn bệnh dưới tên gọi “chủ nghĩa nhận thức luận duy lý”. Chủ nghĩa nhận thức luận duy lý là lập trường triết học đặc trưng cho văn hóa tư duy triết học cận hiện đại. Đặc điểm mang tính bản chất của nó là nó giải quyết tất cả mọi vấn đề của triết học nhờ căn cứ trên những thành tựu và phương pháp luận của khoa học đương thời, chủ yếu và khoa học tự nhiên. Phê phán chủ nghĩa nhận thức luận duy lý là bước đi đầu tiên cần thiết, là tiền đề để N.A.Berdyaev xây dựng phương pháp luận triết học của mình trong vấn đề về tự do.

Chủ nghĩa duy thực thần bí và chủ nghĩa nhân cách chính là phương pháp luận triết học trong tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev. Theo N.A.Berdyaev, triết học là chức năng của cuộc sống, còn cuộc sống chủ yếu mang sắc thái tôn giáo (tinh thần, tâm linh), do vậy tôn giáo là cơ sở sống còn của triết học, tôn giáo nuôi dưỡng triết học bằng tồn tại hiện thực, còn chủ nghĩa nhân cách của N.A.Berdyaev trong cách tiếp cận với tự do đòi hỏi phải thừa nhận cấu trúc bộ ba của tồn tại người là tinh thần, tâm thần (linh hồn) và thể xác, vai trò hàng đầu của tinh thần ở trong đó.

Chương 4.

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG TƯ TƯỞNG VỀ TỰ DO CỦA N.A.BERDYAEV

4.1. Tự do gắn liền với đạo đức “nhân thần”

Đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy thực thần bí và chủ nghĩa nhân cách, N.A.Berdyaev tất nhiên cần phải quan tâm đến lĩnh vực đạo đức.

Berdyaev đã xuất phát từ tự do như cơ sở của sáng tạo tinh thần, với tính cách biểu hiện đích thực duy nhất của nhân cách, đạo đức con người. Nói cách khác tự do là nền tảng, là cơ sở bản thể của đạo đức đích thực.

Tất cả những luận điểm này được Berdyaev trình bày rất rành mạch trong tác phẩm “Triết học của tự do”.

Tiêu chí đánh giá đạo đức của Berdyaev là mối quan hệ giữa tự do của Chúa với tự do của con người. Luận điểm này lột rả rất rõ tư tưởng về tự do siêu việt hóa đến với Chúa đóng vai trò xuất phát điểm cho toàn bộ học thuyết đạo đức của ông.

Để nhận thức rõ bản chất của tự do đích thực của con người, Berdyaev khu định ra ba bậc thang trong phát triển đạo đức: đạo đức lề luật (cựu ước); đạo đức chuộc tội (tân ước); đạo đức sáng tạo.

Theo Berdyaev, tự do của con người cả ở trong lĩnh vực tôn giáo, tâm linh cũng đòi hỏi sự phục tùng, sự vâng lời, sự sáng tạo, nói cách khác, tự do là bản thể khởi thủy, là “đạo” do vậy “đức” cơ bản của con người là sáng tạo.

4.2. Tự do là tự do trong Hội Thánh

Trong tác phẩm “Triết học của tự do” Berdyaev khẳng định: Triết học không thể tồn tại thiếu tôn giáo, nó còn phải đóng vai trò “chức năng cố hữu của đời sống tôn giáo” và thậm chí cần phải là triết học của Hội Thánh.

Theo Berdyaev Hội Thánh là linh hồn của thế gian, hợp nhất với “Thần khí” (logos).

Berdyaev quan niệm tự do gắn liền với tinh thần, tự do là kết quả của sự tự phân tích, tự đào sâu, tự thấu hiểu thế giới nội tâm của mình. Khi con người thấu hiểu “cái Ngã” mình thực chất là tinh thần thì nó mới có thể trở thành chủ nhân mình tức là tự do.

Cái giá trị tinh thần cao cả (Hội Thánh) là điều kiện cần thiết cho tự quyết và tự do của cá nhân.

Theo Berdyaev, để trở thành nhân cách đích thực, tức là để trở thành con người tự do, con người cần phải siêu việt hóa đến với Chúa, vì Chúa tự do khỏi tính phổ quát, tính tất yếu thế gian, tính khách thể.

4.3. Tình trạng nô lệ của con người và con đường khắc phục nó

4.3.1. Tình trạng nô lệ của con người

Bàn về tình trạng nô lệ của con người, N.A.Berdyaev đã nói tới 15 hình thức nô lệ của con người. Đó là “nô lệ vào tồn tại”, “nô lệ vào Thượng đế”, “nô lệ vào tự nhiên”, “nô lệ vào xã hội”, “nô lệ vào văn minh”, “nô lệ vào bản thân”, “nô lệ vào nhà nước”, “nô lệ vào chiến tranh”, “nô lệ vào chủ nghĩa dân tộc”, “nô lệ vào tính quý tộc”, “nô lệ vào sở hữu và tiền bạc”, “nô lệ vào cách mạng”, “nô lệ vào chủ nghĩa tập thể”, “nô lệ vào eros” (tính dục) và “nô lệ vào cái đẹp”.

Nhìn chung, qua các hình thức nô lệ nêu trên của con người, chúng ta có thể nhận thấy rất rõ suy lý của N.A.Berdyaev về tự do và mất tự do (nô lệ) của con người hoàn toàn căn cứ trên một tiền đề triết học chung của ông là: con người trở thành nô lệ khi nó “rời khỏi vương quốc tinh thần” và bị chi phối, “cám dỗ” bởi những cái nằm ở bên ngoài vương quốc ấy (“chủ nghĩa duy thực thần bí”). Hơn nữa, trong suy lý về tự do và nô lệ của con người.

Xuất phát từ phân tích như vậy, NCS sẽ cố gắng khái quát suy lý duy thực thần bí và nhân cách chủ nghĩa của N.A.Berdyaev về tình trạng nô lệ của con người. NCS sẽ dừng lại ở những hình thức nô lệ của con người mang tính phổ biến và làm nổi bật thực chất của nô lệ ấy, cho thấy rõ tính cấp thiết của chúng trong điều kiện xã hội hiện đại.

4.3.2. Con đường khắc phục tình trạng nô lệ của con người

Sau khi phân tích toàn diện những hình thức nô lệ cơ bản của con người, N.A.Berdyaev chỉ ra con đường khắc phục tình cảnh nô lệ của con người.Ở đây, chúng ta có thể khái quát các phương thức cơ bản được ông đưa ra như sau.

Thứ nhất là tập trung tinh thần.

Thứ hai là định hướng giá trị tinh thần siêu việt.

Thứ ba là chống lại tôn giáo hữu hình.

Thứ tư là dũng cảm sống để chết là Người.

Thứ năm là không ngừng sống bằng sáng tạo.

Thứ sáu là luôn khắc sâu vào tâm mình tâm trạng và não trạng “Tôi yêu, vậy tôi tồn tại”

Tóm lại, sống trên thế gian bị khách thể hóa và hữu hạn, để đạt tới tự do tinh thần, theo N.A.Berdyaev, con người cần phải làm sao để “Nước Trời” sẽ đến không chỉ trên trời, mà còn trên thế gian. Việc đạt tới mục đích này đòi hỏi không những chuộc tội và quay lại trạng thái nguyên khai mà điều quan trọng là phải “sáng tạo nên thế giới mới” như thế giới này được cải biến. Con người có nhiệm vụ “nổi dậy chống lại tình trạng nô dịch bởi cái phổ quát chung của nó, bởi cái khách thể, chống lại những cái thiêng liêng trá ngụy”. Đây là giải phóng khỏi những ảo tưởng của ý thức bị “chấp” (trói buộc) vào mạng lưới của những khách thể, đánh mất sự nội hiện hóa. Sự nô lệ tinh thần này chỉ có thể được khắc phục nhờ hoạt động tích cực của tất cả các lực lượng sáng tạo có trong con người. Khi nào con người hoàn thành sứ mệnh là thực thể có tinh thần tự do và tình yêu thì khi đó sẽ có nước trời mới và vương quốc của tự do.

4.4.  Đánh giá tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev

4.4.1. Những đóng góp của N.A.Berdyaev trong tư tưởng về tự do

Thứ nhất là phương pháp luận triết học

Đóng góp thứ nhất là quan điểm “chủ nghĩa duy thực thần bí” như nguyên tắc phương pháp luận triết học xuất phát của N.A.Berdyaev trong vấn đề về tự do tinh thần.

Đóng góp tiếp theo là quan điểm “chủ nghĩa nhân cách” nhưnguyên tắc phương pháp luận triết học thứ hai của N.A.Berdyaev trong tư tưởng về tự do tinh thần.

Thứ hai là quan niệm về tự do và con đường đạt tới tự do

Trước khi đưa ra đánh giá đối với tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev, cần nhấn mạnh rằng đây là một khái niệm triết học xuyên suốt toàn bộ lịch sử tư tưởng nhân văn, đặc biệt là tư tưởng tôn giáo và triết học, vì xét đến cùng, tất cả các tôn giáo và triết học đều có chung một định hướng và mục đích là giải thoát, cứu rỗi, giải phóng con người khỏi các lực lượng xa lạ với nhân tính, song lại nô dịch nhân tính, làm cho con người đánh mất nhân tính. Đây là một sự thật đơn giản, song nó thường bị lãng quên khi người ta luận bàn về tự do. Công lao của N.A.Berdyaev trước hết là việc ông nhắc lại và nhấn mạnh sự thật đó: tự do của con người là tự do tinh thần, tự do nội tâm, tự do ở nơi có nhân tính của nó.

N.A.Berdyaev đã phê phán kịch liệt quan niệm nông cạn, hời hợt về tự do như tự do chạy trốn khỏi một cái gì đó, như tự do phá hủy, như tự do không tính đến những hiện thực đang tồn tại. Theo ông, đây không chỉ là ảo tưởng về tự do, mà nó còn cho thấy sự nô lệ hoàn toàn của con người vào ảo tưởng ấy, do vậy nó có thể có những hậu quả huỷ diệt lớn nhất do con người đánh mất hoàn toàn tinh thần và tình yêu tinh thần như các bản thể khởi thủy của mình.

N.A.Berdyaev dành nhiều công sức để lột tả bản chất của tự do tinh thần như tự do lựa chọn nhân cách, nhân tính của mỗi người nhờ hướng lên “Chúa”.

Trong tư tưởng về tự do, một đóng góp quan trọng khác của N.A.Berdyaev là ông đã vạch ra con đường khắc phục tình trạng nô lệ thông qua sáng tạo. Có thể nói đây là tự do hiện sinh.

4.4.2. Những hạn chế trong tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev

Thứ nhất là quan niệm về tự do

Ở đây, tư tưởng về tự do của Berdyaev là tự do thuần túy cá nhân. Thực chất, tự do còn là một phạm trù xã hội, thể hiện trong quan hệ giữa người với người.

Tự do của Berdyaev thiếu tính lịch sử cụ thể, chủ yếu mang sắc thái hiện sinh chủ nghĩa

Thứ hai là quan niệm về con đường đạt tới tự do

Chỉ nhận thấy con đường khắc phục tình trạng nô lệ, đạt tới tự do trong lĩnh vực tinh thần.

Tiểu kết chương 4

Nội dung  tư tưởng về tự do của N.A.Berdyaev dần dần được hình thành qua các bài viết, các tác phẩm của ông, đặc biệt là thông qua hai tác phẩm “Triết học của tự do” và “Con người trong thế giới tinh thần”. Theo quan điểm của ông thì tự do trước hết phải gắn liền với đạo đức “nhân thần”, N.A.Berdyaev đã xuất phát từ tự do như cơ sở của sáng tạo tinh thần với tính cách biểu hiện đích thực duy nhất của nhân cách, đạo đức con người; thứ hai tự do là ở trong Hội thánh, theo ông, tự do của con người chỉ hiện diện trong Hội Thánh, con người chỉ trở thành Người khi nó “lĩnh hội Hội Thánh từ nội tâm”, nói cách khác, con người tự do nhận thấy và khai mở “Nước Trời”, “Kitô” ở trong miềm sâu tâm thần mình, nội hiện hóa nó trước khi bước vào “Nước thế gian”. N.A.berdyaev quan niệm tự do gắn liền với tinh thần, tự do là kết quả của sự tự phân tích, tự đào sâu, tự thấu niệm thế giới nội tâm của mình. Khi con người thấu hiểu “cái Ngã” mình thực chất là tinh thần, thì nó mới có thể trở thành chủ nhân mình, tức là tự do.

Từ đó, N.A.Berdyaev đưa ra quan điểm về tình trạng nô lệ của con người và đề xuất con đường khắc phục tình trạng nô lệ đó. Ông đưa ra 15 hình thức nô lệ của con người, qua các hình thức nô lệ ông nêu ra, chúng ta có thể nhận thấy rất rõ suy lý của N.A.Berdyaev về tự do và mất tự do (nô lệ) của con người hoàn toàn căn cứ trên một tiền đề triết học chung của ông là: con người trở thành nô lệ khi nó “rời khỏi vương quốc tinh thần” và bị chi phối, “cám dỗ” bởi những cái nằm ở bên ngoài vương quốc ấy (“chủ nghĩa duy thực thần bí”). Bàn về việc khắc phục tình trạng nô lệ của con người, tức là giải phóng tinh thần của con người, N.A.Berdyaev ngay lập tức nhấn mạnh rằng, một mặt, đây không những là một công việc nan giải vì con người có thói quen sống trong nô lệ, sợ hãi tự do vì tự do là một gánh nặng, đòi hỏi trách nhiệm, mặt khác, công việc này hoàn toàn có quan hệ với thế giới nội tâm của con người, rằng con người có năng lực trở thành người tự do vì nó mang khởi nguyên tinh thần bẩm sinh ở trong mình.

Tư tưởng về tự do của N.A.Berdyae thật sự xứng đáng là một di sản ông để lại cho nhân loại, bên cạnh những mặt ưu điểm là phần lớn, cụ thể như đóng góp của ông về phương pháp luận triết học, đóng góp trong quan niệm về tự do và con đường đạt tới tự do thì vẫn còn những mặt hạn chế đáng kể, tuy nhiên tư tưởng mà ông để lại cho nhân loại thực sự đáng trân trọng và trân quý.

KẾT LUẬN

Hiện nay, xã hội ta đang trải qua giai đoạn có những chuyển biến to lớn.Dân tộc ta đang vươn lên những đỉnh cao văn minh.Đất nước ta đã và đang đạt được rất, rất nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc hiện đại hóa xã hội. Người Việt ta nhận được những khả năng và tiềm năng phong phú để bộc lộ và hiện thực hóa năng lực sáng tạo, trí tuệ thông minh (IQ cao) của mình. Tất cả những điều đó là nguồn lực to lớn để chúng ta vững tin bước tiến lên, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, chúng ta đã và đang là chứng nhân cho không ít những biểu hiện của sự man rợ, của sự vô văn hóa, của thú tính ở một bộ phận không ít người Việt. Đây là sự thật và là nỗi “khổ tâm” chung của những người Việt thật sự lo âu, thật sự có trách nhiệm đối với tương lai của dân tộc Việt thân yêu của chúng ta. Họ cùng nhau suy ngẫm về nguyên nhân của tình trạng “vô luân” đó. Nhiều lời giải đã và đang được đưa ra và chúng đều hợp lý, xác đáng theo cách của mình. Song, chính truyền thống văn hóa của cả Nhân Loại, của cả Dân Tộc ta, của cả các Tôn Giáo, của cả các nền Triết học và Nhân Văn học đều nêu rõ rằng,chỉ có con người mới có nhu cầu tinh thần và sống chết vì nhu cầu ấy. Không một con vật nào có nhu cầu tinh thần. Biết bao thánh hiền đã dạy dỗ con người về lẽ sống, về những điều quý giá nhất đối với sự sống của con người, về hạnh phúc, thế mà loài người dường như vẫn chưa ý thức được sự thật đơn giản ấy. Đã đến lúc cần phải nhắc lại tư tưởng của các thánh nhân để cảnh tỉnh loài người. Đây chính là vấn đề “ngộ nhận”, “hiểu lầm” của con người về tự do, về hạnh phúc, về lẽ sống ở đời này. Nói cách khác, đây là vấn đề lựa chọn lẽ sống và lối sống, vấn đề tìm kiếm sự khôn ngoan. N.A.Berdyaev, tư tưởng của ông thật sự hòa âm với bối cảnh tinh thần hiện nay của xã hội ta, con người ta.

N.A.Berdyaev bàn về tự do và nô lệ, bàn về cách hiểu chúng và con đường loại bỏ nô lệ và đem lại tự do cho con người. Cốt lõi trong tư tưởng của ông là tìm kiếm sự khôn ngoan ở đời này của con người. Con người luôn đối mặt với lưỡng đề: Vật đạo và Linh đạo, “Nước Trời” (Hội Thánh) và “Nước thế gian”, họ phải lựa chọn một trong hai (như S.Kierkegaard nói: “Hoặc là - hoặc là”, chứ không phải là “và”). Tìm kiếm sự khôn ngoan đòi hỏi con người phải thao thức đi tìm nó, phải trải nghiệm, nếm trải cay đắng của cuộc đời. Song, điều quan trọng là họ không được nản chí, ngược lại, họ phải kiên nhẫn và đi đúng hướng. N.A.Berdyaev chỉ ra cho chúng ta sự khôn ngoan, phương hướng đúng đắn để tìm thấy nó là phải biết phân định, vì đời sống đem đến cho ta đủ mọi loại giá trị thượng vàng hạ cám. Ta phải biết phân định giữa những giá trị ấy (nói theo ngôn ngữ triết học của N.A,Berdyaev là phải tuân thủ chủ nghĩa nhân cách và chủ nghĩa duy thực thần bí trong vấn đề về nô lệ và tự do). Chúng ta, bản chất Người của chúng ta là tinh thần, do vậy chúng ta phải lựa chọn những giá trị cao quý, tốt đẹp, vĩnh hằng, phải biến chúng thành nguồn dinh dưỡng nuôi tâm hồn ta, thành “Hội Thánh” ta, và loại bỏ những giá trị xấu xa, phàm tục, gắn liền với “vật tính” và “thú tính” (“phần con”) nơi mỗi con người chúng ta.

Bước tiếp theo mà N.A.Berdyaev tiến cử với chúng ta là để trở nên khôn ngoan, chúng ta phải biết dấn thân. Chúng ta dấn thân theo đuổi đến cùng “Nước Trời”, từ bỏ tất cả những thứ phàm tục khác để đổi lấy kho tàng tinh thần, để đổi lấy “Nước Trời”, để được sống trọn lành trong “Hội Thánh” tinh tuyền. Dấn thân quyết liệt vì từ bỏ hết “Nước thế gian”, do vậy cũng hết đường về “chốn cũ”, chỉ còn gắn bó với quê hương mới, “vương quốc tinh thần”. Sự dấn thân như vậy là thái độ của tình yêu, sự say mê, sự khao khát sáng tạo mãnh liệt. Đây là thái độ cần phải có trong công cuộc đi tìm “Nước Trời”. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo là đi tìm và trở về “Ngã đích thực” (Atman) của mình, thoát ra khỏi “Akosha” làm cho mình bị “vô minh”, “vô luân”. Nói theo ngôn ngữ Nho giáo là đi tìm“Minh đức” (Lương tâm) như năng lực sáng láng bẩm sinh, sẵn có trong con người. Sống cuộc đời thế tục, con người bị Vật đạo chi phối lâu ngày, do vậy Minh đức bị vùi trong bóng tối giống như viên ngọc quý bị vũi dưới đất, như tim đèn bị bóng đèn mờ tối bao quanh, không lan tỏa ánh sáng của mình ra ngoài. Muốn làm sáng tỏ Minh đức, trước hết cần “biết dừng”. Con người phải biết dừng lại trước những tham vọng vật chất ích kỷ của mình, đừng đi quá sâu vào Vật đạo. Đắm mình quá sâu vào Vật đạo, sự đam mê vật chất sẽ chôn vùi Minh đức hoàn toàn. Sau khi dừng đam mê, tâm hồn con người không bị của cải vật chất không chế nữa, con người sẽ cảm thấy niềm “yên vui” tinh thần, siêu nhiên, không lệ thuộc vào đối tượng ngoại giới nào Minh đức dần dần lộ diện như vầng trăng sáng trên bầu trời trong xanh.

N.A.Berdyaev nhấn mạnh rằng, từ bỏ là không ngoan, từ bỏ tất cả những gì mình có là một sự từ bỏ lớn lao. Song, theo ông, từ bỏ, dứt bỏ những gì mình gắn bó còn đau đơn hơn nữa. Bỏ một nơi yên thân chắc chắn để dấn thân vào một tương lai bấp bênh thì thật là phiêu lưu đến tận cùng. Song, không có con đường nào khác để trở thành người tự do. Phải đầu tư trọn vẹn con người cùng với tất cả tài năng trí tuệ, sức lực, thời gian mới mong sở hữu “Vương quốc tinh thần”, “Nước Trời”, “Quê hương đích thực”, “Vương quốc của tự do”. Luyến tiếc một chút là bất thành. Chần chừ một chút là hỏng việc. Nấn ná một chút là bị lỡ cơ hội.

Sau khi từ bỏ một cách nhẹ nhàng thanh thoát, con người cảm thấy vui tươi. Lòng trí của họ gắn bó tha thiết với kho tàng mới tìm thấy. Đó là thái độ khôn ngoan mà N.A.Berdyaev tiến cử cho chúng ta trên con đường đi tìm Nước Trời. Đó là: Biết thao thức đi tìm, Biết phân định giá trị, Biết mau mắn từ bỏ, Biết hăng hái dấn thân đến cùng, Biết sáng tạo ra những giá trị tinh thần mới. Những suy tư quý giá biết nhường nào trong bối cảnh “trắng đen lẫn lộn”, trong cuộc sống “lộng hành của thế quyền”, “có tiền mua tiên cũng được”, “kẻ chiến thắng là kẻ sảo quyệt nhất, bạo lực nhất”. Đó cũng là lời tâm tư với mỗi người đang tìm kiếm lẽ sống ở đời này.

DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

  1. Lê Thị Hồng Nhung (2019), “Các quan điểm khác nhau về Thượng đế và vấn đề nhân sinh quan”, Tạp chí công tác tôn giáo, số 11 (159), tr. 4-7.
  2. Lê Thị Hồng Nhung (2019), “Tiền đề lý luận cho sự hình thành tư tưởng về tự do của Nikolai Alexandrovich Berdyaev”, Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn, Tập 5, số 2b, tr 350-361.
  3. Lê Thị Hồng Nhung (2020), “Khủng hoảng tinh thần dưới nhãn quan của các nhà triết học phương Tây hiện đại”, Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, số 04 (83), tr. 38-46.

Tác giả: ussh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây