Vĩnh biệt Giáo sư Hoàng Như Mai – người thầy nghệ sĩ

Thứ bảy - 28/09/2013 10:15
Sáng nay, ngày 28 tháng 9, ngồi trong hội trường chật cứng tầng 8, nhà E, trong một buổi sinh hoạt chính trị chung giữa ba đơn vị của Đại học Quốc gia, Hà Nội, mà tôi cứ thấy bồn chồn. Đúng ra, từ 18 giờ 20 phút tối qua, nhận được tin nhắn của phó khoa Phạm Ánh Sao, báo tin (qua thông tin của giáo sư Nguyễn Kim Đính): giáo sư Hoàng Như Mai đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 15 giờ 20 phút ngày hôm qua tại bệnh viện 175, hưởng thọ 95 tuổi.
Vĩnh biệt Giáo sư Hoàng Như Mai – người thầy nghệ sĩ
Vĩnh biệt Giáo sư Hoàng Như Mai – người thầy nghệ sĩ

Vĩnh biệt Giáo sư Hoàng Như Mai – người thầy nghệ sĩ

GS.NGND Hoàng Như Mai tại nhà riêng. Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20/7/2012. (Ảnh: Thành Long/USSH)


Sao một cái tin, lẽ ra nên đi thẳng mà lại cứ phải vòng vèo như thế? Tôi nói không đi thẳng, vì lẽ ra nó phải được báo trực tiếp từ nơi Thầy trút hơi thở cuối cùng đến khoa Văn học. Vậy mà nó không như thế. Ban chủ nhiệm khoa Văn, qua phó khoa Phạm Ánh Sao cho biết, nhận được tin buồn từ giáo sư Nguyễn Kim Đính. Tin buồn này thầy Đính lại nhận được từ nhà thơ Ý Nhi, phu nhân giáo sư Nguyễn Lộc, một người thầy khác của chúng tôi. Có thể, nhiều cán bộ, giáo viên khoa Văn hiện nay không biết hoặc chưa từng diện kiến giáo sư Hoàng Như Mai. Nhưng thế hệ sinh viên Tổng hợp Văn từ khoá 16 chúng tôi, không ai là người không biết Thầy. Vì thế chúng tôi cứ băn khoăn và tự trách mình. Hoá ra, bấy lâu nay, do sự xa xôi cách trở (giáo sư Hoàng Như Mai đã rời trường Tổng hợp Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1980), chúng tôi ít có điều kiện gần gũi và biết được tin tức của Thầy. Chỉ biết sau khi rời khoa Ngữ Văn, Thầy vào trong đó làm nhiều công việc: giảng viên khoa Ngôn ngữ và Văn học, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, thành phố Hồ Chí Minh, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Trương Vĩnh Kí, Chủ tịch Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh. Tính thời điểm kể từ ngày Thầy rời đất Bắc đến nay, kể cũng đã đến một phần ba thế kỉ. Thời gian đã quá dài, nhưng trong trái tim và kí ức của nhiều thế hệ học trò Tổng hợp Văn xưa kia, hình ảnh người thầy nhân ái, nghệ sĩ Hoàng Như Mai thì không bao giờ phai mờ. Mà phai mờ làm sao được, khi Thầy cũng đã từng có thời gian công tác tại Tổng hợp Văn khoa cũng với ngần ấy thời gian (từ 1959 đến 1980). Một phần ba thế kỉ đủ để khắc ghi xương cốt một cuộc đời. Chính vì thế mà chúng tôi thấy mình có lỗi với Thầy nhiều quá…

Tôi nhớ khi mình vào học khoá 16 khoa Ngữ Văn, khi ấy chúng tôi ít có điều kiện gần gũi với giáo sư Hoàng Như Mai. Bởi lẽ cả một “giàn giáo sư” khoa Ngữ Văn lúc bấy giờ (Hoàng Như Mai, Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Lê Đình Kị, Nguyễn Tài Cẩn, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Đỗ Đức Hiểu…) với chúng tôi quá choáng ngợp. Sự tự ti của sinh viên ở thời điểm ấy đã từng là rào cản lớn khiến chúng tôi bỏ lỡ nhiều cơ hội được tiếp xúc, học hỏi các thầy. Ngay cả chỉ với các thầy cô ít tuổi và ít nổi tiếng hơn lúc ấy, chúng tôi cũng chỉ dám đứng từ xa nhìn ngắm. Vậy nên, một giáo sư nổi tiếng như thầy Hoàng Như Mai lại càng “choáng ngợp” hơn. Tôi nhớ nếu không nhầm, thầy Hoàng Như Mai chỉ lên lớp với chúng tôi duy nhất một giáo trình về văn học Việt Nam khoảng chừng 5, 6 buổi. Lớp học hồi ấy ở ngôi nhà cấp 4, trước nhà C1, kí túc xá Mễ Trì bây giờ. Mặc dù trước đó, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về Thầy, những câu chuyện có thể ít nhiều được thêu dệt, ví như thầy Mai giảng bài giống hệt như một nghệ sĩ diễn xuất trên sân khấu, hoặc thầy Mai có thói quen giảng bài đôi khi ca cả một đoạn cải lương rất mùi mẫn, hoặc nữa, nghe thầy Mai giảng bài khó ai có thể dứt ra được… Vậy mà khi thực sự được học buổi đầu tiên của Thầy, chúng tôi vẫn không thể nào ngăn được dòng cảm xúc. Thật ra, nội dung những bài giảng của giáo sư Hoàng Như Mai chúng tôi nghe được hồi ấy không hẳn đã sâu. Nhưng sự truyền cảm thì quả thật rất lớn. Giảng văn của cái thời xa xưa ấy không giống như bây giờ, chẳng cần lí luận hay thi pháp gì nhiều, người thầy dạy Văn chỉ biết giảng bằng lòng nhiệt tình từ trái tim đến với trái tim. Ấy vậy mà tôi thấy hiệu quả của những bài học thô sơ thời ấy mang đến cho chúng tôi nhiều tình yêu văn chương hơn bây giờ. Hình như văn chương khác với một số môn khoa học khác. Nó là cuộc đời. Ngoài kiến thức, người thầy dạy văn còn cần đến cả trái tim và nhiệt huyết của mình. Giáo sư Hoàng Như Mai thuộc số những người thầy như vậy. Đó là lí do khiến chúng tôi nhớ..

Sau này khi biết thầy Mai nhiều hơn, thì chúng tôi không còn cảm thấy ngạc nhiên nhiều về phẩm chất nghệ sĩ trong những giờ giảng văn chương của Thầy nữa. Phẩm chất nghệ sĩ ấy là lẽ đương nhiên không cần phải bàn cãi nhiều. Bởi vì trước khi vào giảng dạy tại khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, từ năm 1943, thầy Mai ngoài việc lăn lộn với ngành giáo dục, còn có thời điểm tham gia với tư cách một diễn viên trong nhiều vở kịch, tham gia soạn kịch bản cho không ít vở diễn của các đoàn văn công thời ấy. Sau này, Thầy còn để lại nhiều công trình nghiên cứu sân khấu sâu sắc, thậm chí còn nhiều hơn cả những công trình nghiên cứu văn chương. Vì thế mà chúng ta thấy trong nhà giáo Hoàng Như Mai, một con người nghệ sĩ, vậy thôi. Con người nghệ sĩ của Thầy sở dĩ thuyết phục còn vì một lẽ nữa: về ngoại hình, chúng tôi phải thừa nhận, ngay cả khi đã nhiều tuổi, Thầy vẫn rất đẹp: mắt sáng, giọng nói âm vang, xét dưới góc độ sân khấu, Thầy có một giọng “đài từ” không chê vào đâu được. Tôi tin rằng, nghe Thầy giảng và được diện kiến phong cách, cử chỉ của Thầy, nhiều học sinh nữ chắc phải “mê tít”.

Trước khi vào giảng dạy tại Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, từ năm 1943, thầy Mai ngoài việc lăn lộn với ngành giáo dục, còn có thời điểm tham gia với tư cách một diễn viên trong nhiều vở kịch, tham gia soạn kịch bản cho không ít vở diễn của các đoàn văn công thời ấy..

Trước khi vào giảng dạy tại Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, từ năm 1943, thầy Mai ngoài việc lăn lộn với ngành giáo dục, còn có thời điểm tham gia với tư cách một diễn viên trong nhiều vở kịch, tham gia soạn kịch bản cho không ít vở diễn của các đoàn văn công thời ấy..

Giáo sư Hoàng Như Mai ngoài phẩm chất nghệ sĩ, còn có một tấm lòng nhân ái của một người thầy từng nhiều năm gắn bó với nghề giảng dạy văn chương. Tôi nghĩ, thực ra cũng không cần phải giải thích gì nhiều về phẩm chất này. Bởi lẽ, một người làm văn, dạy văn, mà không nhân ái mới là lạ. Dù không có điều kiện gần gũi Thầy nhiều, nhưng tôi có may mắn được nghe nhiều thế hệ thầy giáo học sinh khoa Văn, cả ở trong Nam lẫn ngoài Bắc hết lòng ca ngợi Thầy. Tôi biết, không phải bất cứ thầy giáo nào dạy văn cũng đều được học sinh ca ngợi và ngưỡng mộ như vậy. Là bởi vì thầy Mai trong suốt cả quãng đời dạy học của mình, không có khi nào là Thầy lại bỏ lỡ cơ hội được giúp đỡ học sinh. Ngay cả tôi, tôi vẫn nhớ như in rằng, dù không thân thiết và gần gũi với Thầy, nhưng hồi mới ra trường, vì không biết tôi đã được giữ lại giảng dạy, Thầy đã ngỏ ý giới thiệu tôi về làm việc ở một toà báo. Chả là, Thầy có nhiều mối quan hệ thân quen. Và bản năng giúp đỡ mọi người gần như thường trực trong con người Thầy. Mãi đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ.

Tháng 10 năm 1986, khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội kỉ niệm 30 năm thành lập. Ban chủ nhiệm khoa lúc ấy đã mời Thầy về dự lễ kỉ niệm tại 19 Lê Thánh Tông. Không quản đường xá xa xôi, Thầy đã trở về. Không chỉ thế, tâm hồn nghệ sĩ trong Thầy lại vang lên trong những câu thơ Thầy đã ghi lại trong cuốn số lưu bút của khoa Ngữ Văn ngày ấy:

Thầy cô người mất người còn
Sinh viên mấy nấm mồ chôn chiến trường
Ba mươi năm một chặng đường
Về đây có cả buồn thương vui mừng
Nguyện xin đốt nén hương chung
Những ai đã khuất hãy cùng lại đây

Cách đây 5 năm, vào dịp kỉ niệm lần sinh lần thứ 90 của Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai, thầy trò học sinh trường Trung học Trương Vĩnh Kí, nơi Thầy đang là hiệu trưởng, thầy trò khoa Ngôn ngữ và Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, thành phố Hồ Chí Minh, nơi Thầy từng công tác một số năm, đã tổ chức lễ mừng sinh nhật cho Thầy. Khoa Ngữ Văn, Hà Nội lúc ấy, vì ở xa không tham dự được đã gửi lẵng hoa và thiệp chúc mừng Thầy. Tôi buồn buồn chạnh nghĩ, lẽ ra nghĩa cử đó là trách nhiệm của khoa Văn Tổng hợp. Nhưng nghĩ lại, hoá ra cũng chẳng sao, vì thầy giáo Hoàng Như Mai giờ đã là thầy của nhiều người. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, lúc ấy là Chủ tịch Quốc hội, nguyên sinh viên khoá 8, Tổng hợp Văn Hà Nội, do bận công tác cũng gửi thư và quà chúc mừng Thầy. Tôi không được dự, nhưng nghe kể lại mà vẫn thấy “dưng dưng”. Thầy xúc động quá trước những tình cảm tốt đẹp của nhiều thế hệ học sinh cả nước dành cho mình, bối rối nói trước đám đông rằng mình được “ưu ái” quá, và dặn học sinh đừng “ca ngợi” Thầy nhiều, những gì Thầy làm cho đời, cho học trò, chỉ là bình thường và tất yếu như bao việc khác mà thôi. Tôi nói “dưng dưng” là vì như vậy. Lúc này, khi Thầy còn “nằm” kia, không thể bay đến tận nơi nhìn người thầy của một thời, lần cuối, tôi đọc vội những dòng phân ưu trên báo mạng của nhiều thế hệ học sinh với Thầy. Có một chi tiết khiến tôi xúc động. Cho đến cuối đời, biết mình sắp ra đi, thầy Mai vẫn không ngừng nghĩ đến mọi người. Một bài báo đã kể rằng, khi đã nằm trên giường bệnh, buộc phải duy trì sự sống qua ống thở ô xy, nhưng khi nhìn thấy người thân, học trò đến thăm, thầy Mai vẫn nhất quyết ‘dứt” dây thở ô xy ra, để được nói chuyện với mọi người lần cuối…

Vĩnh biệt Thầy, vĩnh biệt Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai. Xin Thầy hãy nhận ở chúng em, giáo viên và học trò Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội, mái nhà xưa thân yêu của Thầy, lòng tiếc thương, kính trọng.

Một chiều thứ bảy buồn tháng 9 năm 2013

Tác giả: Trần Hinh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây