Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bỗng nhớ lại cách đây 44 năm, cũng vào một ngày mùa thu, trời đã bắt đầu hơi se lạnh, mưa ào ạt tuôn trào, khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tôi cũng từng trải qua một cảm xúc tương tự. Chỉ có điều lúc ấy, khác với bây giờ, tôi còn rất trẻ, đâu chỉ mới bước sang tuổi cấp 3, cả một thế hệ những học trò nông thôn như chúng tôi ngày ấy, khi nghe tin Bác qua đời, thì nhất quyết “cãi nhau” rằng, một người như Bác Hồ thì không thể nào “chết” được. Một thứ niềm tin ấu trĩ và hoang đường của một thời. Thế nhưng nỗi đau bao trùm lên tất cả dân tộc lúc ấy, thì quả nhiên, có thật. Bây giờ khi đã đủ từng trải để nhìn nhận lẽ đời, tôi hiểu, một con người, dù ta có yêu đến mấy, vẫn không thể vượt qua được lẽ tử sinh. Dù chẳng thể làm gì trong lúc này, nhưng chứng kiến dòng người cuồn cuộn đổ về ngôi nhà 30, phố Hoàng Diệu, để vĩnh biệt lần cuối cùng một con người cả cuộc đời gắn bó với sự tồn vong của dân tộc, tôi nghĩ mình khó lòng có thể bình thản. Dù sao, tôi vẫn phải tìm một nguyên cớ gì đó để suy tư về ông: quả nhiên ông là một vị đại tướng, nhưng từng có thời, cũng là một nhà giáo như tôi. Và thế là, dòng cảm xúc trong tôi miên man tuôn chảy…
Trước hết, tôi vẫn có thể tự hào khi được biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng có thời là một người thầy dạy học bình dị như chúng tôi (Võ Nguyên Giáp là giáo viên dạy môn Sử tại trường Tư thục Thăng Long những năm 1938, 1939). Về sau này, ông cũng đã từng tâm sự chân thành rằng, giá như không có những biến thiên của cuộc đời, giá đất nước không bị xâm lăng, ông sẽ mãi là một thầy giáo bình thường như bao người thầy khác. Tại sao lại không chứ? Một con người dù có khả năng làm chủ và định hướng cuộc đời mình đến bao nhiêu, đôi khi vẫn bị sự xô đẩy và sắp đặt của số phận. Huống chi, sự xô đẩy ấy lại đặt một con người với tài năng thiên bẩm và tấm lòng nhân ái như Võ Nguyên Giáp lên một vị thế không thể “chê” vào đâu được. Ông giáo dạy sử ấy đã chấp nhận gắn bó cuộc đời mình với cuộc đời của nhiều người, thậm chí cao hơn, với vận mệnh của cả một dân tộc. Võ Nguyên Giáp, sau những thời khắc loé sáng, tới mức, cả thế giới thừa nhận ông là một trong không nhiều các vị tướng tài ba nhất của nhân loại ở thế kỉ XX, thì sau đó, hay ngoài những thời khắc đó, ông vẫn trở lai với tư chất của một người thầy giáo bình thường: luôn nhân hậu với mọi người, chú ý đến việc giáo dục nhân cách, và suốt đời đau đáu một điều rằng: “Giáo dục và đào tạo không chỉ có sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài…mà còn có sứ mệnh tạo ra những định hướng giá trị về văn hoá, đạo đức, thẩm mĩ và tinh thần có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của xã hội, bởi vì giáo dục và đào tạo là mục đích của cuộc sống, vì con người và vì cuộc sống…”. Nếu không ẩn sâu trong tâm hồn mình nhân cách của một người thầy, tôi nghĩ ông không thể vĩ đại được đến như thế.
Tôi có may mắn từng là học trò và đồng nghiệp của một nhà giáo ít nhiều có quan hệ gần gũi với gia đình đại tướng Võ Nguyên Giáp (Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư Đặng Thị Hạnh, em gái phu nhân Đại tướng Đặng Thị Hà), nên dù không cố ý, quan sát phong cách, lối sống và suy nghĩ của gia đình trung tướng Hồng Cư – người anh em “cọc chèo” với đại tướng Võ Nguyên Giáp và trung tướng Hồng Sơn – phu quân của Phó giáo sư Đặng Anh Đào (em gái cô Đặng Thị Hạnh), tôi cũng hiểu thêm được ít nhiều về ông. Chẳng hạn, câu chuyện về cái ngày ông còn là người đồng chí gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng được người đứng đầu đất nước, yêu quý và tin cậy, đặt cho cái bí danh “Anh Văn”. Thật khó biết, trong con người Võ Nguyên Giáp, chất “võ” hay chất “văn”, chất nào mạnh hơn. Về tài năng quân sự, có lẽ đến lúc này, ta không còn cần phải bàn cãi nhiều. Không chỉ nhân dân, những người đồng chí, bạn bè, mà ngay cả kẻ thù, từng có thời đối đầu trên chiến tuyến, cũng phải thừa nhận tài năng quân sự thiên bẩm của ông. Báo Le Monde Pháp, sau ngày ông mất đã dành tới hai trang đăng bài viết về Tướng Giáp, trong đó có một bài được đặt tít: “Võ Nguyên Giáp – Napoléon của Việt Nam đã ra đi”, với một sự thương tiếc chân thành. Có thể nói hiếm một vị tướng nào có được một “vị thế” như thế trong lòng tất cả mọi người, ngay cả những người khác nhau về chiến tuyến. Tại sao Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại có thể tạo nên được những tình cảm tốt đẹp như thế? Nếu ai đó chịu khó tìm hiểu kĩ về ông, kể từ ngày đầu tiên còn chập chững chèo lái con thuyền đội quân vũ trang cách mạng Việt Nam, đến khi trở thành vị đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và cả khi đã trở về với nguyên vẹn là người công dân bình thường (khi đã rời khỏi mọi chức vụ), Võ Nguyên Giáp vẫn giữ nguyên những nét đời thường của một con người bình dị với tấm lòng nhân văn cao cả như thế. Người Pháp đã so sánh ông với Napoléon – một vị tướng tài ba mà họ hết lòng ngưỡng mộ. Một sự so sánh như thế, tôi nghĩ, cũng đã là một niềm tự hào với một vị tướng Việt Nam, nhưng nếu suy ngẫm sâu hơn một chút, tôi lại thấy, có thể Napoléon chỉ giành được sự ngưỡng mộ ở mọi người về tài năng quân sự của ông, trong khi Võ Nguyên Giáp không chỉ giành được sự ngưỡng mộ, mà còn có cả lòng kính trọng. Phẩm chất một nhà giáo tiềm tàng trong con người ông đã tạo nên một Võ Nguyên Giáp như thế. Nhiều người lính Việt Nam có dịp gần gũi Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại, trong vai trò của vị Tổng tư lệnh quân đội, vị Đại tướng Nhân dân ấy bao giờ cũng đặt sinh mạng của người lính lên cao hơn cả chiến thắng. Phẩm chất này có lẽ rất gần với nét tâm hồn và tính cách của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Một nhà thơ nào đó khi viết về Hồ Chí Minh đã từng có những câu thơ rất đẹp thế này: “Bác không khen những trận đánh chết nhiều người là đánh đẹp / Con giấu chữ đẹp đi như giấu sự hạn hẹp trong lòng…”.
Tiềm năng của một người thầy đậm chất nhân văn trong con người ông tướng Võ gần như không bao giờ vơi cạn. Phẩm chất ấy gần như chi phối mọi việc làm, suy nghĩ, hành động của ông, ngay cả khi ông đã trở về với cuộc sống đời thường, không chức vụ, không quyền lực. Thế nhưng tôi lại nghĩ rằng, ít ai là người có quyền lực lớn hơn ông. Cứ nhìn những dòng người xếp hàng dài, và những dòng nước mắt tuôn rơi ngay khi ông vừa nằm xuống, hẳn không ai phản đối tôi điều đó. Và đó là những dòng cảm xúc miên man trong ngày cuối thu về một nhân cách lớn từng làm nghề giáo, tôi muốn dâng tặng ông.
USSH – Trong những ngày này, người dân Việt Nam trên mọi miền đất nước đang ngập tràn trong tình cảm tiếc thương, đau đớn trước tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại của nhân dân Việt Nam đã mãi mãi ra đi. Truyền thông trong và ngoài nước đã dành hàng ngàn trang viết trang trọng về Ông, ngợi ca một trong những vị danh tướng lỗi lạc nhất của thế kỉ XX, người không chỉ làm thay đổi lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới bằng những trận đánh oanh liệt; mà hơn tất cả, Ông đã để lại tình cảm thương mến sâu nặng trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè thế giới bằng chính trí tuệ lỗi lạc và những phẩm chất nhân văn hiếm có. Rất nhiều nước mắt đã tuôn rơi, và cả những xót xa, chiêm nghiệm, suy ngẫm dành cho những người ở lại. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiển nhiên là một tấm gương vĩ đại để ai cũng có thể soi chiếu, học hỏi và tự nhìn lại mình… Hoà trong dòng cảm xúc ấy, rất nhiều nhà giáo, nhà khoa học, các cựu chiến binh, sinh viên, học viên của Trường ĐHKHXH&NV đã gửi tới trang thông tin điện tử của Nhà trường những bài viết chứa đựng những tình cảm sâu sắc về Vị đại tướng của Nhân dân. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.