Quan sát bức tranh ngôn ngữ học hiện đại, có thể thấy có khá nhiều đường hướng nghiên cứu khác nhau và mỗi đường hướng như vậy, tuỳ theo cơ sở triết học, lạị có những cách hình dung về bản thể của đối tượng cũng hết sức khác nhau. Có thể nói, lịch sử ngôn ngữ học là lịch sử của các trường phái và tương ứng với chúng là cả một hệ phương pháp, hệ thủ pháp rất đa dạng, bên cạnh một số thủ pháp phổ biến chung cho mọi khoa học. Đặc điểm này không chỉ riêng của ngôn ngữ học. Có điều tính phủ định về mặt lí thuyết trong lĩnh vực này diễn ra với tốc độ quá nhanh. Và rõ ràng, muốn có được một cái nhìn tổng quát về một số phương diện hữu quan như cơ sở triết học, sự phát triển, tính kế thừa, những ưu điểm và hạn chế của các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ học nói chung, quả không đơn giản, ngay đối với những nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm.
GS.NGND Nguyễn Thiện Giáp
Trong bối cảnh đó, Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ của GS.TS. Nguyễn Thiện Giáp ra đời cung cấp cho bạn đọc một cuốn cẩm nang tra cứu về phương pháp rất tiện dụng. Tác dụng và ảnh hưởng tích cực của công trình này vượt xa, rất xa ba mục tiêu mà tác giả khiêm tốn xác lập: (i) Sự khu biệt giữa các trường phái, (ii) Đóng góp, kế thừa và phát triển của từng trường phải và (iii) Một số xu hướng nghiên cứu hiện thời.
Có thể nói, so với sách Các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ của cùng tác giả, Nxb Giáo dục, 2009, công trình đang bàn xét về độ dày, về tính cập nhật, về tính vấn đề, về lí thuyết những minh hoạ ứng dụng… và cả độ chín muồi, tất cả đều có quy mô đồ sộ hơn nhiều.
Với tiêu đề, Phương pháp luận ngôn ngữ học, phần thứ nhất của cuốn sách lần lượt trình bày các nội dung sau: Phương pháp luận duy vật biện chứng trong ngôn ngữ học, phương pháp luận của trường phái Geneva, phương pháp luận của trường phái Prague, phương pháp luận của trường phái Copenhagen, phương pháp luận của trường phái cấu trúc luận Mĩ, phương pháp luận của trường phái London, phương pháp luận của ngôn ngữ học tạo sinh, phương pháp luận của ngôn ngữ học tri nhận và phương pháp luận của ngôn ngữ học nhân chủng.
Dễ thấy, những điều cốt lõi nhất nhưng có khi cũng không dễ nắm bắt nhất, không chỉ bó hẹp trong nội dung phương pháp luận, đã được cuốn sách trình bày một cách mạch lạc và đơn giản một cách bất ngờ. Mỗi trường phái ngôn ngữ học đều được nhận diện, xem xét dưới ba cơ sở: (i) Giới thiệu chung, (ii) Lí thuyết cơ bản và (iii) Cơ sở triết học. Bên cạnh việc trình bày các tiên đề lí thuyết có tính chất tổng thuật với những biện giải thuyết phục, giúp soi sáng thêm về một số phương diện của phương pháp luận, tuy độ đậm nhạt có khác nhau, cuốn sách không quên đề cập đến sự vận dụng và thành tựu của giới Việt ngữ học liên quan đến từng trường phái. Bên cạnh những tri thức phương pháp luận thuộc dạng cổ điển, phần này còn cập nhật khá toàn diện đến những vấn đề khoa học có ý nghĩa thời sự, mà ở Việt Nam mới chỉ được biết đến những năm gần đây, chẳng hạn như vấn đề hệ phương pháp luận của ngôn ngữ học tri nhận, vấn đề phương pháp mở rộng của ngôn ngữ học nhân chủng (xem: Methods in cognitive linguistic, 2007 và Language, culture and society, An introduction to linguistic anthropology, 2007). Điều này cho thấy, để có được những trang viết thoạt nhìn dễ tưởng đơn giản, tác giả của nó phải lao động cật lực, phải đọc một khối tư liệu khổng lồ và trong cái ma trận phức tạp của chữ nghĩa ấy, phải là người dày dạn, bản lĩnh khoa học mới chiết xuất được lượng tri thức cần và đủ trong việc khắc hoạ từng chủ đề mà cấu trúc cuốn sách đòi hỏi.
Phần thứ hai, trình bày các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ, sau khi xác lập một số thuật ngữ công cụ làm xuất phát điểm, cuốn sách đề cập: Phương pháp giải thích bên ngoài; phương pháp giải thích bên trong; các phương pháp logic học, toán học, ngôn ngữ học tâm lí; phương pháp so sánh – lịch sử; phương pháp lịch sử – so sánh; phương pháp đối chiếu.
Nếu như ở phần trước, những vấn đề khá hàn lâm lại được trình bày tương đối dung dị, chứng tỏ tính uyên bác trong học thuật, độ nhuần nhuyễn trong chiều sâu nhận thức, tính chủ động trong việc phân bố tri thức, trong dẫn dắt nội dung của một nhà lí luận sắc sảo thì phần này phản ảnh một góc độ khác, thông qua cách phân tích ví dụ minh hoạ, cách trình bày nội hàm và ngoại diên của một số thuật ngữ, cách liên kết các vấn đề bằng một số lập thức quen thuộc, người đọc còn nhận ra, đằng sau những trang giáo trình tâm huyết, là cả một kho kinh nghiệm của một nhà sư phạm, suốt đời gắn bó với ngôn ngữ học.
Với chuyên luận này, lần đầu tiên những vấn đề về phương pháp nghiên cứu của một chuyên ngành hẹp được công bố ở Việt Nam. Có thể nói, công trình đã cung cấp được một cái nhìn bao quát về một số cột mốc chính, với một số công cụ hữu quan trong tiến trình nhận thức của ngôn ngữ học thế giới, đã giới thiệu một cách hệ thống về một số số tri thức cần yếu mà khi đề cập đến phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ học không thể không nhắc đến.
Đây là một cuốn sách cần thiết cho những nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên và cho những ai quan tâm đến ngôn ngữ học. Chắc chắn rằng nó sẽ góp phần nâng cao chất lượng của các công trình nghiên cứu, các luận án, luận văn ngôn ngữ học, vì tuỳ theo đề tài, tuỳ theo lĩnh vực quan tâm, Phương pháp luận và Phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ sẽ cung cấp nhiều gợi ý thiết thực và bổ ích dù hiểu phương pháp như một phương thức tiếp cận tổng thể hay như một phương tiện để phát hiện ra chân lí cục bộ.