Ngôn ngữ
Ứng viên trúng tuyển sẽ theo học tại Centre for Global Learning (GLEA), trực thuộc Đại học Coventry, Vương quốc Anh, đồng thời tham gia chương trình đồng hướng dẫn Tiến sĩ (cotutelle) tại Đại học Aarhus, với sự hỗ trợ từ các giáo sư, giảng viên của cả hai trường đại học. Thời gian làm việc tại Đan Mạch tối thiểu là 12 tháng và tối đa là 18 tháng, tại Centre for Higher Education Futures (CHEF), Đại học Aarhus.
Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án nghiên cứu với chủ đề: “Trí tưởng tượng xã hội và các chương trình đào tạo Tiến sĩ hợp tác quốc tế tại Đan Mạch: Lợi ích cho các bên liên quan”.
Thông tin chi tiết:
Nền kinh tế toàn cầu, bản chất biến đổi liên tục của sản xuất tri thức, các cơ chế cấp phát tài trợ nghiên cứu, và thị trường lao động dành cho những người có bằng Tiến sĩ là các thành tố khiến sự quan tâm đối với Chương trình đào tạo Tiến sĩ Hợp tác Quốc tế (ICDP) tại Vương quốc Anh và Đan Mạch đang ngày càng gia tăng.
Chương trình ICDP đặt ra yêu cầu đàm phán những chương trình đào tạo xuyên quốc gia mới, làm thay đổi bộ mặt của các dự án tài trợ, biên giới giữa các quy định về đào tạo tiến sĩ của từng quốc gia và việc thực hiện của từng trường đại học, xây dựng năng lực giám sát quốc tế và các hệ sinh thái học tập bậc nghiên cứu sinh mới, mang đến quyền tiếp cận các cơ sở vật chất và nguồn lực mới cho người học, và nhiều cách thức để (tái) định hướng các chủ đề nghiên cứu khoa học phù hợp với những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Từ quan điểm hiện thực phê phán, dự án đào tạo Tiến sĩ này tập trung chủ yếu về việc hoạt động đào tạo tiến sĩ hợp tác quốc tế với tư cách là một chính sách, một hoạt động thực tiễn và là một đối tượng tri thức cần nghiên cứu. Chương trình tập trung tìm hiểu trí tưởng tượng xã hội của các bên liên quan với chương trình đào tạo này ở cấp độ quốc tế/quốc gia, cấp độ đơn vị đào tạo và cấp độ cá nhân người học. Trong bối cảnh này, “tưởng tượng” (hay kỳ vọng) của mỗi cá nhân đều mang tính xã hội, bởi nó được xây dựng từ xã hội và có các tác động xã hội (và có thể là cả về vật chất).
Sự phức tạp của trí tưởng tượng xã hội ở nhiều cấp độ và trong nhiều bối cảnh khác nhau tạo nên những thách thức trong việc khái niệm hoá và thực thi ICDP. Sự thiếu đồng thuận về định nghĩa của ICDP và thiếu dữ liệu chính xác khiến việc so sánh trở nên khó khăn và gây ra những tranh luận trên thế giới.
Học bổng toàn phần sẽ chi trả các khoản kinh phí sau:
Toàn bộ học phí tại cả hai trường.
Sinh hoạt phí trong thời gian tối đa 3,5 năm (hiện tại đang ấn định ở mức £15.609/năm), có điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế trong thời gian học.
Kinh phí tham gia các hội thảo khoa học (khoảng £250/năm).
Yêu cầu
Có bằng cử nhân chuyên ngành/lĩnh vực có liên quan, điểm môn dự án (môn thực tập hoặc tương đương) tối thiểu 6/10 hoặc tương đương.
Có bằng Thạc sĩ, chương trình đào tạo tối thiểu hai năm, điểm luận văn tối thiểu 6/10 (hoặc thang điểm tương đương).
Có bản đề xuất nghiên cứu.
Cam kết tham gia chương trình đào tạo, nghiên cứu kéo dài tối thiểu 3,5 năm.
Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: IELTS (Academic) tối thiểu 7.0 (không có điểm thành phần kĩ năng nào dưới 6.0) hoặc TOEFL iBT tối thiểu 95 (không có điểm thành phần nào dưới 21).
Cách thức ứng tuyển
Các câu hỏi không chính thức trước khi nộp hồ sơ, có thể gửi về: TS. Que Anh Dang (queanh.dang@coventry.ac.uk) hoặc Trợ lý Giáo sư Søren Bengtsen (ssbe@edu.au.dk).
Ứng viên phải nộp đề xuất nghiên cứu tối đa 3000 từ (không tính phần tài liệu tham khảo), trong đó nêu rõ vấn đề nghiên cứu, nghiên cứu dựa trên những tri thức sẵn có nào, đề xuất phương pháp nghiên cứu và địa bàn nghiên cứu.
CV cá nhân, 2 thư giới thiệu và thư đăng ký dài khoảng 800 từ (trong đó nêu kinh nghiệm, kĩ năng và các chủ đề nghiên cứu mà ứng viên quan tâm có liên quan đến dự án).
Nộp hồ sơ online bắt đầu từ tháng 12/2021 hoặc đầu tháng 1/2022 tại địa chỉ web: https://pgrplus.coventry.ac.uk/
Thông tin chi tiết xin xem tại file đính kèm hoặc truy cập vào website của các đơn vị:
Tác giả: Quang Huy