Tin tức

Bản mô tả chương trình đào tạo ngành Báo chí học

Thứ hai - 31/07/2017 05:01

BẢN MÔ TẢ CTĐT NGÀNH BÁO CHÍ HỌC

(Ban hành theo Quyết định số  4118/QĐ-ĐHQGHN, ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Giám đốc ĐHQGHN)

 

Đơn vị cấp bằng:

Trường ĐHKHXH&NV

Đơn vị giảng dạy:

Trường ĐHKHXH&NV

Đơn vị kiểm định đánh giá:

ĐHQGHN

Tên bằng cấp:

Cử nhân Báo chí (Bachelor of Journalism)

Tên chương trình:

CTĐT trình độ đại học ngành Tâm lý học

Tên khoa thực hiện CTĐT:

Khoa Báo chí và Truyền thông

Mã ngành đào tạo

52320101

Chương trình đối sánh

Cử nhân báo chí của Đại học CityLondon (Vương quốc Anh)

Hình thức học tạp

Chính quy

Ngôn ngữ sử dụng

Tiếng Việt

Thời gian đào tạo

4 năm

Ngày tháng phát hành/chỉnh sửa bản mô tả

30/11/2012

Nơi phát hành/ban hành

Trường ĐH KHXH và NV (ĐHQG Hà Nội)

Mục tiêu giáo dục/ mục tiêu chương trình:

Chương trình giáo dục đại học ngành báo chí học đào tạo những cử nhân với kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để tác nghiệp trong lĩnh vực báo chí - truyền thông; có khả năng thực hiện các yêu cầu tác nghiệp trên các loại hình báo chí truyền thông trong thời đại kỹ thuật số, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá; có khả năng nghiên cứu, giảng dạy về các vấn đề của báo chí truyền thông tại các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu...

Sau khoá học, sinh viên có đủ năng lực làm việc tại các cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông, các tổ chức chính trị, xã hội…, có khả năng tiếp tục học tập, tham gia học tập ở bậc học cao hơn, tích lũy kinh nghiệm để trở thành nhà lãnh đạo, chuyên gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông.

Chuẩn đầu vào:
- Tuyển sinh trong các đợt thi tuyển sinh đại học cấp quốc gia, thí sinh có thể dự thi theo các khối A (Toán, Lý, Hóa), C (Văn, Sử, Địa) và D (Văn, Toán, Ngoại ngữ).
Chuẩn đầu ra

Kiến thức

Sinh viên hiểu và vận dụng được kiến thức và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, có nhân sinh quan, thế giới quan duy vật biện chứng, có giác ngộ chính trị và lập trường giai cấp vững vàng.

Sinh viên hiểu và thể hiện được nhận thức của mình về nền tảng khoa học xã hội và nhân văn,  đặc biệt là các lĩnh vực chính trị học, tâm lý học, xã hội học, lịch sử và kinh tế.

- Hiểu về vai trò của các lĩnh vực KHXH và NV trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số, hội nhập và toàn cầu hóa.

Sinh viên hiểu và có khả năng vận dụng các học thuyết và nguyên tắc của nghệ thuật giao tiếp, truyền thông liên cá nhân và truyền thông qua phương tiện đại chúng để truyền thông một cách hiệu quả bằng thưc viết, lời nói và các dạng thức khác.

- Hiểu được những vấn đề cơ bản, cốt lõi của Luật pháp và Đạo đức báo chí truyền thông trong hoạt động tác nghiệp.

- Hiểu và phân tích được vai trò, thế mạnh của các kênh truyền thông đại chúng trong xã hội. Hiểu được các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau và công việc trong ngành công nghiệp truyền thông.

- Hiểu được mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí truyền thông và vai trò, nhiệm vụ của các cá nhân trong tổ chức hoạt động đó.

- Thể hiện sự hiểu biết về các khái niệm và học thuyết cơ bản về truyền thông đại chúng (vai trò của báo chí truyền thông trong đời sống xã hội, chức năng cơ bản của truyền thông, các nguyên tắc về đạo đức báo chí…) để có thể trở thành nhà truyền thông và nhà báo chuyên nghiệp.

- Thể hiện được nhận thức, sự hiểu biết và khả năng thực hiện quyền và trách nhiệm của người làm báo trong xã hội. Hiểu và nhận thức được trách nhiệm xã hội, luật pháp, đạo đức của nhà báo – nhà hoạt động chính trị xã hội.

- Hiểu được yêu cầu về tính chính xác, công bằng và trung thực của hoạt động truyền thông và ứng dụng các yêu cầu này trong quá trình tác nghiệp báo chí. Có năng lực nhận thức và vận dụng được sự khác biệt giữa thực tế và quan điểm đánh giá.

- Hiểu vai trò và mối quan hệ giữa các cá nhân trong quy trình sản xuất sản phẩm truyền thông.

- Thể hiện được khả năng tư duy phản biện, sáng tạo và độc lập, khi đánh giá, thẩm định tin tức; khả năng tổ chức và thể hiện thông tin dưới dạng các bài báo thuộc các loại hình báo chí khác nhau (báo in, phát thanh, truyền hình, quan hệ công chúng…).

- Nắm vững kiến thức cơ bản về các thành tố và nguyên tắc trong việc thiết kế trình bày báo in, trang website, hay xây dựng chỉnh thể chương trình PT-TH. 

Hiểu rõ mô hình tổ chức và quy trình hoạt động của tòa soạn báo chí hoặc cơ quan truyền thông.

Có khả năng áp dụng thành thạo các kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn nghề nghiệp dưới sự dẫn dắt của các nhà báo, chuyên gia truyền thông.

Bước đầu có khả năng thích ứng với môi trường làm việc nhiều áp lực của tòa soạn báo chí. ÁP dụng linh hoạt các kỹ năng giao tiếp cơ bản với nguồn tin, đồng nghiệp, ban biên tập. Bước đầu có khả năng phối hợp làm việc với nhóm/ ekip sản xuất chương trình/ tác phẩm báo chí.

Kỹ năng

  • Kỹ năng sử dụng thiết bị truyền thông

Có kỹ năng cơ bản trong sử dụng các phương tiện kỹ thuật và công nghệ mới trong hoạt động truyền thông đại chúng, thể hiện khả năng thích nghi trong môi trường hoạt động nghề nghiệp đa phương tiện và kỹ thuật số;

- Có kỹ năng sử dụng thành thạo máy quay phim, máy ảnh, máy ghi âm..., sử dụng các phần mềm xử lý thông tin ở cấp độ cơ bản.

  • Kỹ năng thu thập và thẩm định thông tin

- Có khả năng thu thập, thẩm định, phân tích thông tin bằng các cách thức như phỏng vấn, quan sát, thu thập tài liệu gốc hoặc tài liệu thứ cấp một cách thành thạo. Có năng lực cơ bản trong điều tra tìm kiếm thông tin độc lập, tổ chức các cuộc phỏng vấn độc lập để thu thập, phân tích, tổ chức, tổng hợp thông tin (chữ viết, hình ảnh, số liệu) phục vụ cho một chủ đề nào đó.

  • Kỹ năng xử lý và tổ chức thông tin

- Có kỹ năng thành thạo trong xử lý và tổ chức thông tin theo hình thức của các thể loại báo chí, phục vụ viết đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử).

  • Kỹ năng biên tập tác phẩm truyền thông

- Có kỹ năng biên tập thành thạo đối với tác phẩm của mình và của người khác theo từng loại hình báo chí và thể loại tác phẩm khác nhau.

  • Kỹ năng thiết kế và Sản xuất ấn phẩm báo chí và sản xuất chương trình phát thanh truyền hình

- Có kỹ năng cơ bản trong việc thiết kế trình bày ấn phảm truyền thông, hoặc xây dựng chương trình phát thanh truyền hình;

- Có khả năng tác nghiệp linh hoạt trong các loại hình báo chí, và tác nghiệp các thể loại báo chí;

- Bước đầu biết cách đánh giá kết quả hoạt động nghề nghiệp bằng các phương pháp định tính và định lượng.

Khả năng lập luận tư duy và giải quyết vấn đề

- Có khả năng phát hiện, nhận thức, phản biện, bày tỏ chính kiến về vấn đề đang diễn ra và đề xuất, tiến hành triển khai các hoạt động giải quyết vấn đề liên quan đến chuyên môn;

- Bước đầu biết liên kết nhiều nguồn lực khác nhau trong xu hướng liên ngành để thúc đẩy việc giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.

Khả năng nghiên cứu và khám phá kiến thức

- Tìm kiếm, sưu tập tài liệu, phân tích nội dung văn bản... một cách thành thạo;

- Bước đầu thực hiện các phương pháp nghiên cứu định tính, định lượng;

- Bước đầu ứng dụng nghiên cứu trong thực tiễn.

Khả năng tư duy hệ thống

 - Hệ thống hóa các lý thuyết cơ bản liên quan đến chuyên ngành, tư duy chỉnh thể/ logic, tư duy phân tích đa chiều;

- Kết hợp các kiến thức liên ngành để phát hiện vấn đề, mối tương quan giữa các vấn đề và tìm ra xu hướng phát triển của lĩnh vực nghiên cứu;

- Xác định vấn đề ưu tiên và tìm ra cách giải quyết.

Bối cảnh xã hội và ngoại cảnh:

  • Đánh giá bối cảnh xã hội và ngoại cảnh liên quan đến chuyên ngành, xác định được vai trò của các cử nhân báo chí
  • Lập kế hoạch và tìm phương án thích ứng với những biến đối và đòi hỏi của công việc, tận dụng được kiến thức, kỹ năng của cá nhân để phát triển.
  • Tận dụng được tiến bộ trong sự phát triển của nghề nghiệp trên thế giới.

Bối cảnh tổ chức:

-Nhận thức về bối cảnh của tổ chức và thích ứng với yêu cầu công việc trong các mô hình tổ chức khác nhau (tòa soạn báo, công ty truyền thông, bộ phận truyền thông của cơ quan chính phủ, phi chính phủ, doanh nghiệp, trường học,...)

Kết nối bằng truyền thông trong nội bộ tổ chức, góp phần hình thành văn hóa tổ chức, làm việc thành công trong tổ chức.

Kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn:

Người học có kỹ năng vận dụng linh hoạt và phù hợp các khối kiến thức đa dạng và kỹ năng được trang bị trong quá trình học tập và thực tập nghề nghiệp, khả năng làm chủ kiến thức và kỹ năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật của nghề báo.

- Tổng kết các bài học về nghề nghiệp cho bản thân rút ra trong thực tiễn trên cơ sở đối chiếu với kiến thức đã được trang bị.

Năng lực sáng tạo, phát triển và dẫn dắt sự thay đổi trong nghề nghiệp

- Có khả năng nghiên cứu và đề xuất các khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng hoạt động báo chí truyền thông;

- Cập nhật và dự đoán xu thế phát triển ngành nghề và khả năng làm chủ thiết bị công nghệ trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

- Khả năng chuẩn bị để tiếp tục tự đào tạo, hoặc tham gia các khóa đào tạo nâng cao sau đại học, hoặc các khóa đào tạo ngành gần trong lĩnh vực báo chí truyền thông.

 

Kỹ năng mềm

Kỹ năng cá nhân

- Thích ứng nhanh với sự thay đổi môi trường sống và làm việc. Có kỹ năng hội nhập và học tập suốt đời;

- Sắp xếp kế hoạch công việc khoa học và hợp lý. Kỹ năng làm việc dưới áp lực thời gian và hạn chót của công việc;

-  Phân tích được phẩm chất của đồng nghiệp để trao đổi, học hỏi.

Kỹ năng làm việc nhóm

- Chủ động, tích cực trong khi làm việc cùng ekip để sản xuất sản phẩm truyền thông;

- Hiểu được quy trình và các công đoạn sáng tạo tác phẩm truyền thông để phối hợp với các bộ phận chuyên trách các mảng công việc khác nhau.

- Biết tổ chức, phân công công việc trong nhóm/ đơn vị

Có khả năng tham gia đánh giá hoạt động của cá nhân và tập thể

Bước đầu biêt cách liên kết được với các đối tác chủ yếu.

Kỹ năng giao tiếp

- Sắp xếp được ý tưởng, nội dung giao tiếp;

- Giao tiếp được bằng văn bản, qua thư điện tử/các phương tiện truyền thông;

- Có kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp với các cá nhân và tổ chức để phục vụ tác nghiệp báo chí truyền thông.

Kỹ năng giao tiếp sử dụng ngoại ngữ

- Sử dụng ngoại ngữ: đạt chuẩn ĐHQG Hà Nội

 học và côg nghệ

 Kỹ năng tin học và công nghệ

- Sử dụng thành thạo các phần mềm thông dụng (WORD, EXCEL, POWER POINT, SPSS…) và các phần mềm chuyên dụng như Photoshop, Audobe Audition, Audobe Premiers, Cool Edit,...

 

Phẩm chất đạo đức

Đạo đức cá nhân

- Sẵn sàng đương đầu với khó khăn.

- Kiên trì, chăm chỉ, nhiệt tình, say mê sáng tạo.

- Cảm thông, chia sẻ với đồng nghiệp

- Chính trực, tự tin, linh hoạt, phản biện, sáng tạo

Đạo đức nghề nghiệp

- Công bằng, trung thực và trách nhiệm.

- Tác phong làm việc chuyên nghiệp, chủ động, độc lập

- Có Văn hóa ứng xử của phóng viên báo chí/ người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông

Đạo đức xã hội

- Tuân thủ pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

- Đấu tranh cho công bằng, dân chủ, văn minh của xã hội

- Giữ gìn và quảng bá hình ảnh của người phóng viên/ người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông

 

Những vị trí công tác mà người học có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp:

Các cử nhân ngành Báo chí có khả năng thực hiện các chức trách phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan báo, tạp chí, hãng tin, đài phát thanh, đài truyền hình, làm cán bộ nghiên cứu-giảng dạy tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học về báo chí và truyền thông đại chúng, làm cán bộ chức năng trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý thông tin báo chí hoặc thực hiện các chức trách công tác đòi hỏi sự hiểu biết có hệ thống, cơ bản về lý luận và kỹ năng nghiệp vụ báo chí, làm chuyên viên tại các công ty truyền thông, làm nhân viên truyền thông, quan hệ công chúng (PR)… Các cử nhân Báo chí còn có khả năng thích ứng rộng để có thể thực hiện các chức trách công tác tại các cơ quan đơn vị có liên quan đến báo chí và truyền thông đại chúng như các cơ quan văn hoá - tư tưởng, các cơ quan, tổ chức truyền thông vận động xã hội, các bộ phận thông tin tổng hợp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị – xã hội, các công ty, tổ hợp, tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế, thương mại, dịch vụ, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước...

Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp

Cử nhân ngành Báo chí có thể tham gia học tập các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Báo chí học, chuyên ngành Quan hệ công chúng, và các chuyên ngành gần, chuyên ngành phù hợp khác trong hệ thống các chuyên ngành hiện được phép đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong một số trường hợp đặc biệt xuất sắc, có thể được chuyển tiếp học lên tiến sỹ nếu đạt những yêu cầu theo quy chế đào tạo.

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

1. Tóm tắt yêu cầu chương trình đào tạo

Tổng số tín chỉ của chương trình đào tạo

134 tín chỉ

Khối kiến thức chung (chưa tính Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng – an ninh, kỹ năng bổ trợ):

27 tín chỉ

- Khối kiến thức theo lĩnh vực:

23 tín chỉ

          + Bắt buộc

17 tín chỉ

          + Tự chọn

6/8 tín chỉ

- Khối kiến thức theo khối ngành:

18 tín chỉ

          + Bắt buộc

12 tín chỉ

          + Tự chọn

6/15 tín chỉ

- Khối kiến thức theo nhóm ngành:

12 tín chỉ

          + Bắt buộc

9 tín chỉ

          + Tự chọn

3/6 tín chỉ

- Khối kiến thức ngành:

41 tín chỉ

          + Bắt buộc

29 tín chỉ

          + Tự chọn

12/18 tín chỉ

+ Thực tập, khóa luận tốt nghiệp/các học phần thay thế khóa luận tốt nghiệp:

13 tín chỉ

2. Hướng dẫn thực hiện chương trình đào tạo

- Khối kiến thức chung trong ĐHQGHN, khối kiến thức chung theo lĩnh vực, theo khối ngành, theo nhóm ngành học trước, khối kiến thức của ngành học sau. Tuy nhiên, một số môn học của khối kiến thức ngành có thể bố trí ngay trong các học kỳ đầu (VD: Các môn thiên về thực hành những kỹ năng) vì các môn này tương đối đơn giản, và có tác dụng tạo sự hứng thú nghề nghiệp cho SV.

- Về môn học Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng: Ngoài nội dung lý thuyết, phần nội dung thực hành có thể được tổ chức học theo phương thức tập trung cho phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.

- Các môn Ngoại ngữ A1, A2, B1 có thời lượng 14 tín chỉ thuộc khối kiến thức chung do ĐHQG quy định. Sinh viên có thể chọn một trong bốn ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Trung phù hợp theo năng lực học tập của mình. Việc học vượt hoặc miễn học ngoại ngữ ở các trình độ sẽ được thực hiện theo quy chế đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sau khi kết thúc chương trình Tiếng Anh cơ sở này, sinh viên sẽ được khuyến khích tự học thêm để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của xã hội sau khi ra trường. 

- Những môn học có môn tiên quyết chỉ được học sau những môn tiên quyết của môn học đó.

Với các môn học mang tính thực hành cao thuộc các lĩnh vực báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, lớp môn học sẽ được phân thành nhóm (dưới 30 sinh viên/nhóm) để học thực hành sử dụng thiết bị, sản xuất sản phẩm truyền thông tại Trung tâm Báo chí và Truyền thông (nhà H).

- Với các môn học tự chọn trong Khối kiến thức ngành và bổ trợ, sinh viên sẽ chọn 4 môn học đảm bảo tổng thời lượng 12 tín chỉ trong cùng một nhóm môn học Tự chọn 1: Báo in – báo điện tử hoặc Tự chọn 2: phát thanh – truyền hình hoặc Tự chọn 3: Quan hệ công chúng – quảng cáo, không chọn 4 môn học từ các nhóm khác nhau.

- Thực tập chuyên môn: Có thể tổ chức trong học kỳ mùa hè năm thứ II hoặc năm thứ III.

- Thực tập tốt nghiệp: Có thể tổ chức trong học kỳ mùa hè của năm học thứ ba hoặc trong học kỳ 7 (năm cuối).

- Khóa luận tốt nghiệp hoặc môn học tự chọn thay thế khóa luận tốt nghiệp: Căn cứ vào khả năng và số lượng cán bộ giảng dạy trong và ngoài Khoa, những sinh viên có học lực tốt (xếp theo kết quả học tập từ cao xuống thấp) sẽ được phép làm khóa luận tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn của GV. Những sinh viên còn lại có thể tự chọn 2 môn học bổ trợ trong khối kiến thức ngành và bổ trợ (M5, mục V.2) để học thay thế việc làm khóa luận tốt nghiệp. SV thuộc diện làm khóa luận tốt nghiệp nếu muốn có thể làm đơn xin phép được học môn tốt nghiệp thay thế khi có sự đồng ý của GV hướng dẫn.

- Các môn học được đánh giá trên cơ sở hoạt động trên lớp (tinh thần học tập, phát biểu trong các giờ thảo luận, chuẩn bị bài...) của sinh viên và kết quả các bài kiểm tra giữa kì, bài thi cuối kỳ (dưới hình thức trắc nghiệm, viết luận, thi tự luận, làm bài tập/ sản phẩm truyền thông theo nhóm...). Điểm số được chấm theo thang điểm 10, bộ phận đào tạo của Trường sẽ chuyển sang hệ điểm khác cho phù hợp với quy chế đào tạo.

- Giảng viên: Tham gia giảng dạy là những CBGD cơ hữu của Khoa và Trường, kết hợp mời GV kiêm nhiệm (có hợp đồng với Trường), GV thỉnh giảng (có hợp đồng với Khoa). GV kiêm nhiệm được lựa chọn dựa trên tiêu chí chính như sau: bằng cấp, kinh nghiệm thực tế, năng lực sư phạm, đạo đức nghề nghiệp... 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây