Ngôn ngữ
Hội thảo là hoạt động thuộc đề tài: “Chính sách quản lý di động xã hội đối với nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế” (Mã số KX01.01/16-20), thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia KX.01/16-20 “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” do Viện Chính sách và Quản lí, Trường ĐHKHXH&NV là cơ quan chủ trì và PGS.TS. Đào Thanh Trường làm Chủ nhiệm Đề tài.
Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều nhà quản lí và nhiều chuyên gia về hoạch định chính sách của các cơ quan, bộ ngành, các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) điểm lại những thành tích mà Nhà trường đạt được trong lĩnh vực nghiên cứu chính sách và quản lí thời gian qua. Theo đó, Viện Chính sách và Quản lí thuộc Trường ĐHKHXH&NV được đánh giá là một đơn vị đi đầu trong việc triển khai thành công các đề tài các cấp; tổ chức các cuộc hội thảo, toạ đàm về chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới phạm vi trong nước và quốc tế. Kết quả nghiên cứu của các đề tài do Viện thực hiện đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà hoạch định chính sách, của cộng đồng khoa học, góp phần cung cấp những luận cứ có giá trị cho quá trình hoạch định và đánh giá chính sách khoa học và công nghệ của Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Văn Kim phát biểu tại hội thảo
GS. TS. NGND Nguyễn Văn Khánh phát biểu tại hội thảo
Hội thảo lần này tiếp tục là hoạt động khoa học nổi bật, giúp các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách có thể trao đổi các vấn đề cơ sở lý luận và thực tiễn về chính sách quản lý di động xã hội đối với nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chất xám giữa các quốc gia hiện nay.
Tại hội thảo lần này, hai nội dung chính được các đại biểu thảo luận tập trung là: làm thế nào để mở rộng diễn đàn về di động xã hội trong khoa học và giáo dục? Làm thế nào để tiếp cận di động xã hội được vận dụng trong chính sách về khoa học và giáo dục ?
Các báo cáo tại hội thảo đề cập đến bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đánh dấu bước ngoặt về sự ra đời những loại hình sản phẩm, dịch vụ khoa học và công nghệ áp dụng thành tựu hội tụ giữa ứng dụng vật lý và ứng dụng kỹ thuật số - Internet của vạn vật (Internet of Things) và sự hình thành các hệ thống sản xuất thực-ảo (Cyber-Physical Systems). Theo quan điểm của các chuyên gia, những thay đổi này tất yếu tác động đến phương thức tổ chức quản lý lao động truyền thống, dẫn tới hệ lụy: Quyền lực nắm giữ tư liệu sản xuất chắc chắn sẽ dần bị thay thế bởi quyền lực thông tin.
PGS.TS. Đào Thanh Trường thuyết trình về đề tài
Là một lực lượng lao động đặc biệt có tư duy sáng tạo, nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao sẽ là lực lượng chủ động tiếp cận những công cụ kỹ thuật số để tìm kiếm cơ hội, môi trường làm việc phát huy cao nhất năng lực, trình độ của mình, từ đó hình thành các luồng di động nhân lực giữa các quốc gia, khu vực, giữa các ngành và lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Các nhà khoa học đưa ra nhận định: Di động xã hội của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao ngày càng đa dạng và quy mô, một mặt có thể giúp tạo ra những thành tựu khoa học và công nghệ tiến bộ, mặt khác là nguyên nhân khiến hiện tượng chảy chất xám ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam trở nên nghiêm trọng. Điều này đặt ra nhu cầu nghiên cứu những lý thuyết, tiếp cận về di động xã hội đối với nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao để từ đó đề xuất các giải pháp thích hợp, giúp quá trình lưu chuyển của các dòng nhân lực sẽ mang lại các giá trị thặng dư cho quốc gia thay vì tạo ra những khoảng trống về nguồn lực, chảy chất xám như hiện nay.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn