Tin tức

Clb sách và truyền thông Nhân văn: Lưu giữ và lan tỏa văn hóa đọc

Thứ năm - 23/07/2015 05:36
Bắt đầu từ trăn trở “Tại sao không thành lập một CLB đọc sách để nhiều bạn có thể chia sẻ sở thích với nhau?”, CLB Sách và Truyền thông Nhân văn đã ra đời.
Clb sách và truyền thông Nhân văn: Lưu giữ và lan tỏa văn hóa đọc
Clb sách và truyền thông Nhân văn: Lưu giữ và lan tỏa văn hóa đọc

Chỉ cần “mê sách” là có thể tham gia

CLB Sách và Truyền thông Nhân Văn (viết tắt của CLB Sách và Truyền thông ĐHKHXH và Nhân Văn Hà Nội) được thành lập vào cuối năm 2014 với thành viên khoảng 15 người, chia làm 3 ban chính: Ban Nội dung, Ban Sự kiện và Ban Truyền thông. Công việc của các ban được phân chia rất cụ thể: Ban Nội dung lên nội dung các buổi trò chuyện cho từng tháng, Ban Sự kiện có nhiệm vụ tổ chức sự kiện, Ban Truyền thông quản lý fanpage, đăng tải bài viết, chụp ảnh, đưa tin về các sự kiện CLB tổ chức. Đối tác của CLB là công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam.

Hoạt động theo mô hình “mở”, CLB cho phép các bạn sinh viên có thể tự do tham gia các buổi bàn luận về cuốn sách mình yêu thích, cũng như có thể không tham gia một buổi nào đó nếu không sắp xếp được thời gian.  

Hoạt động thường xuyên của CLB là tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề, trong đó, các thành viên sẽ tham gia thuyết trình và cùng nhau thảo luận về một tác giả, tác phẩm nhất định. Tiêu chí lựa chọn đối với tác giả là những cái tên nổi tiếng đã được xếp hạng tại các giải thưởng văn học nghệ thuật như Nobel, Goncourt cũng như các giải thưởng văn học trong nước. Trước mỗi buổi sinh hoạt, CLB đều tham khảo ý kiến cũng như nhu cầu của các bạn sinh viên có sở thích đọc sách ở trong trường, sau đó làm việc với nhà sách Nhã Nam để xem cuốn đó có thực sự thu hút độc giả hay không rồi mới thống nhất chọn cuốn nào cho buổi nói chuyện.

Nói về cách thức hoạt động của CLB, bạn Bùi Thị Phương Thảo (khoa Văn học), một thành viên trong Ban chủ nhiệm CLB, chia sẻ: “Bất cứ ai tự tin rằng mình có hiểu biết và muốn bày tỏ quan điểm của mình về cuốn sách đều có thể đăng ký thuyết trình trong thời gian một tháng trước mỗi buổi sinh hoạt. Chủ nhiệm CLB có trách nhiệm đăng tải những thông tin về tác giả, tác phẩm lên mạng xã hội để truyền thông về tác giả, tác phẩm cũng như  khơi gợi sự hứng thú tìm hiểu của mọi người. Những thông tin này bọn mình thường nhờ các giảng viên góp ý để đảm bảo chính xác về kiến thức.”

Những dấu mốc nổi bật

Các bạn sinh viên, cùng với sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo trong trường, cũng đã mời được những nhân vật nổi tiếng trong giới cầm bút đến để cùng tham gia những buổi sinh hoạt này. Một trong số đó là nhà văn Tạ Duy Anh, người được nhiều thế hệ học sinh biết đến qua truyện ngắn “Cuộc chia tay của những con búp bê” trong chương trình học lớp 7. Bạn Lê Phan Quang Ninh (khoa Báo chí và Truyền thông), một thành viên CLB, tự hào khoe: “Bọn tớ đã có một buổi nói chuyện rất vui vẻ với chú về các tác phẩm của chú. Chú còn tặng sách và ký tặng cho bọn tớ nữa.”

Ngoài ra, CLB cũng đã mời được PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái tới tham gia buổi nói chuyện “Bàn về cách đọc sách”. Cô đã hướng dẫn sinh viên đọc sách như thế nào cho hiệu quả cũng như cách lựa chọn những cuốn sách hay, phù hợp với ngành học và lĩnh vực đang nghiên cứu. Cô cũng tặng CLB 1 cuốn sách do chính cô viết “Phê bình tác phẩm nghệ thuật trên báo chí”.

Trong một tháng kể từ 23/3 - 23/4, CLB đã cùng với LCĐ-LCH khoa Thông tin thư viện tổ chức Hội Sách Nhân Văn ( USSH Book Festival 2015) để kỉ niệm ngày sách và bản quyền thế giới 23/4. Tại đây, các bạn sinh viên trong trường đã được tham gia các hoạt động thú vị như Tuần lễ phim chuyển thể từ sách, Đêm chung kết cuộc thi giới thiệu sách lần đầu tiên được tổ chức tại Nhân Văn…

Những khó khăn và lòng kiên trì

CLB đã nhận được lời khen của những thầy cô trong trường khi duy trì hoạt động thường xuyên trong suốt 1 năm. Dù có những buổi chỉ có 2 – 3 bạn đến tham gia giao lưu, nhưng không vì thế mà các thành viên nản chí và từ bỏ. Bạn Bùi Bích Phương, chủ nhiệm CLB và cũng là một trong những thành viên đầu tiên của CLB, bộc bạch: “Nhìn chung, mọi người đều nghĩ những người thích đọc sách là mọt, hay lý sự và khó nói chuyện... Chính bản thân tớ từ trước cũng khó khăn trong việc giới thiệu một cuốn sách tớ yêu thích tới mọi người để tìm sự đồng cảm, nhưng nhờ có CLB mà điều ấy trở nên dễ dàng và thú vị hơn rất nhiều. Tớ rất yêu quý CLB và muốn giới thiệu tới bạn bè nhiều hơn, không chỉ với các bạn sinh viên Nhân Văn hay ĐHQG mà cả các bạn sinh viên trường khác có chung sở thích đọc sách nữa.”

Việc đọc sách là việc quan trọng và cần thiết đối với sinh viên, nhất là sinh viên Nhân Văn. Với hứa hẹn Hội sách Nhân Văn sẽ trở thành một sự kiện thường niên và kế hoạch thành lập mạng lưới sách Nhân Văn và cây sách Nhân Văn, hi vọng CLB Sách và Truyền thông Nhân Văn sẽ có một năm học mới nhiều khởi sắc hơn nữa. Bằng nhiệt huyết và niềm đam mê của các thành viên, chắc chắn rằng CLB sẽ lan tỏa rộng hơn tình yêu đối với sách và văn hóa đọc sách đến các bạn sinh viên trong trường cũng như ngoài trường.

Những buổi sinh hoạt CLB thu hút được rất nhiều các bạn sinh viên đến tham gia

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đang chia sẻ với các bạn sinh viên CLB về phương pháp đọc sách

Một buổi giao lưu của CLB Sách và Truyền thông Nhân văn với các CLB sách khác. Trong những buổi này, các bạn có thể vừa chia sẻ những cuốn sách hay, vừa được làm quen với rất nhiều bạn mới.

Đêm chung kết Cuộc thi giới thiệu sách, nằm trong chuỗi sự kiện của Hội sách Nhân Văn 2015.

Đội ngũ BTC Hội sách Nhân Văn 2015

Không chỉ được các bạn sinh viên trong trường quan tâm, Hội sách Nhân Văn còn được các báo đài quan tâm .

Bạn Bùi Bích Phương (Khoa Báo chí – Truyền thông), chủ nhiệm CLB

Tác giả: Bài và ảnh: Hà Đỗ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây