Ngôn ngữ
Văn chương là đam mê từ nhỏ
Thủy Hiền sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Tuy gia đình của cô không có ai theo nghiệp văn chương nhưng họ là những người đã truyền cho cô tình yêu đối với văn chương. Cô chia sẻ: “Bố mẹ mình rất yêu các tác phẩm văn học kinh điển thế giới và thơ ca Việt Nam, ông bà thì rất hay kể cho mình những câu chuyện cổ tích, đặc biệt mọi người nhà mình còn thường xuyên sáng tác thơ, sống trong môi trường như thế, lại được gia đình chú ý đầu tư hỗ trợ sở thích đọc sách từ nhỏ nên mình rất yêu thích bộ môn này”. Cô đã quyết định đi theo chuyên ngành Văn học để tiếp tục niềm yêu thích đó.
Trong rất nhiều trường Đại học, cô đã chọn Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn làm nơi thực hiện niềm đam mê của mình. Thứ nhất vì Trường ĐHKHXHVNV là một ngôi trường có truyền thống lâu đời trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cô theo học và nghiên cứu. Thứ hai là vì ước muốn trải nghiệm những cảm xúc mà bố cô dành cho “những tòa nhà cổ kính màu vàng, những giảng đường cũ nhưng ấm áp” khi ông theo học tại khoa Hóa trường Tổng hợp trên đường Lê Thánh Tông (nay là khoa Hóa - đại học Khoa học Tự nhiên) mà sau này, ông vẫn thường kể cho con gái nghe.
Bằng sự nỗ lực và nghiêm túc trong việc học tập, Thủy Hiền đã liên tiếp đạt được những học bổng như: Học bổng Shinnyoen năm học 2011-2012, học bổng AEON 2012-2013, học bổng Chung-soo 2013-2014, học bổng khuyến khích học tập các kỳ của nhà trường. Cô cũng tham gia nghiên cứu khoa học và đã giành được Giải Nhất Sinh viên Nghiên cứu Khoa học cấp Trường năm 2014, Giải Ba Tài năng trẻ Nghiên cứu Khoa học cấp Bộ năm 2014. Về bằng khen, giấy khen, cô sở hữu Giấy khen sinh viên có thành tích học tập xuất sắc các năm học, Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở các năm học và Bằng khen sinh viên có thành tích tốt nghiệp xuất sắc toàn khóa của Giám đốc ĐHQG.
Để có được những thành tích trên, cô cho biết, một phần rất lớn và nhờ vào sự tận tụy của các thầy cô giáo tại trường. Cô chia sẻ: “Mình luôn biết ơn thầy cô và nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho mình theo học. Đặc biệt là các thầy cô trong khoa Văn, những người thầy đã trực tiếp và tận tình dạy bảo, hỗ trợ mình trong học tập, nghiên cứu khoa học và giúp sinh viên có những cơ hội việc làm bổ ích”.
Vũ Thiên Thủy Hiền tại lễ trao bằng cử nhân năm học 2014-2015 (Ảnh: Hiếu Lương)
Vừa học, vừa làm, vừa hoạt động xã hội
Thời còn là sinh viên, Thủy Hiền đã có ý thức tự lập từ rất sớm. Cô đi dạy gia sư vào các buổi tối và làm cộng tác viên dịch bài cho một trang báo điện tử. Cô cũng rất hăng hái tham gia các hoạt động xã hội trong trường cũng như ngoài trường như CLB Sách, Mùa hè xanh, Tiếp sức mùa thi… Nhờ đó, cô đã có cơ hội được gặp gỡ, làm quen với bạn bè từ khắp mọi miền đất nước; được giao lưu văn hóa và trải nghiệm nhiều thứ không hề có trên sách vở. Tuy thời gian biểu bận bịu nhưng Hiền không cảm thấy mệt mỏi, ngược lại, cô còn cho biết những hoạt động tập thể này đã giúp cô được thư giãn đầu óc và tạo cơ hội nghỉ ngơi cho cô sau những giờ học tập và làm việc.
Bản năng + Khoa học = Phương pháp học tốt
Chia sẻ về phương pháp học tập, cô cho biết mình học theo kiểu “vừa bản năng, vừa khoa học”. Bản năng bởi lẽ, với tất cả các môn học, cô đều tận dụng tối đa thời gian học tập trên lớp và đào sâu các vấn đề mình thích thông qua việc đọc thêm sách. Cô thường đọc sách báo và xem phim vào những lúc rảnh rỗi, đọc gần như bất cứ cái gì mình thích hay chủ đề mình bắt gặp. Chính vì mang tâm trạng thoải mái khi tiếp thu kiến thức nên cô nhớ những gì mình đã đọc rất lâu. Cô bật mí: “Thực sự thì đây là quá trình tích lũy kiến thức tốt nhất theo kinh nghiệm của mình, bởi sẽ có lúc bạn sẽ phải dùng đến những kiến thức này trong học tập hay trong công việc.”
Khoa học là vì, cô có thói quen xây dựng kế hoạch học tập. Với thời gian biểu kín mít từ lịch học ngành 1, lịch học bằng kép cho đến thời gian tham gia công tác xã hội, đi làm thêm… thì việc sắp xếp thời gian biểu khoa học đã giúp ích cho sức khỏe cũng như hiệu quả học tập của cô rất nhiều. Cô cho rằng, chính sự “khoa học” này đã giúp cô duy trì được kết quả học tập như vậy và tránh được sự quá tải, áp lực khi phải chạy deadline hay có lịch thi sát sao.
Vì học hai trường cùng một lúc, nên nhiều khi thời gian biểu của cô bị chồng chéo, buộc cô phải chấp nhận rằng không thể tham dự đầy đủ các buổi học trên lớp, nên điểm thành phần của các môn không cao. Để giải quyết điều này, Hiền bật mí: “Mình dành khá nhiều thời gian tự học và ôn tập trước mỗi kỳ thi. Mình ôn thi hết môn rất tập trung, nên điểm thi của mình thường giúp cho điểm tổng kết môn học rất nhiều.”
Mong muốn gắn bó với trường dù đã tốt nghiệp
Nói về những dự định tương lai, Thủy Hiền chia sẻ: “Trong năm nay mình sẽ tập trung hoàn thành nốt việc học ở ngành hai và sau khi tốt nghiệp, mình dự định sẽ làm việc trong lĩnh vực xuất bản, báo chí, truyền thông, truyền hình,… Mình cũng có dự định học tiếp lên các bậc học cao hơn trong một vài năm tới. Ngoài ra, dù đã tốt nghiệp nhưng mình hy vọng sẽ tiếp tục được làm việc cùng với CLB Sách và tham gia các hoạt động trong Mạng lưới Sách mà các tổ chức Đoàn, CLB trong trường mình đang phát động vì đây là những hoạt động rất thiết thực và ý nghĩa. Thời sinh viên mình đã tham gia các hoạt động này nên mong muốn sau này đi làm rồi sẽ có cơ hội hỗ trợ thiết thực hơn để mở rộng các mô hình này đến các bạn sinh viên toàn trường.”
Tác giả: Hà Đỗ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn