Tin tức

Touyoukoi - mang đến nụ cười qua từng điệu múa

Thứ sáu - 31/07/2015 01:12
Đã hơn 7 năm kể từ ngày Yosakoi – điệu múa truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản, được mệnh danh “điệu múa của những nụ cười” – xuất hiện tại Nhân Văn qua những màn biểu diễn của Touyoukoi –câu lạc bộ do khoa Đông phương học thành lập.
Touyoukoi - mang đến nụ cười qua từng điệu múa
Touyoukoi - mang đến nụ cười qua từng điệu múa

Touyoukoi – Cá chép Đông phương

Khi mới thành lập vào khoảng tháng 2/2009, đội yosakoi của Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXHNV có tên là Đội Yosakoi Đông Phương - Nhân Văn. Tuy nhiên, khi thành viên của đội không còn gói gọn trong Khoa mà mở rộng ra các sinh viên thuộc khoa khác, hay thậm chí là trường khác, thì cái tên này không còn phù hợp nữa. Vì vậy, từ năm 2011, đội đã đổi tên thành Touyoukoi (東洋こい), trong đó Touyou có nghĩa là Đông phương, còn koi thì vừa có thể hiểu là con cá chép (鯉), vừa có thể hiểu là tình yêu (恋). Giải thích về việc lựa chọn cái tên này, bạn H.Linh, khoa Đông phương học, một thành viên trong đội, cho biết: “Đội mình lấy cá chép làm biểu tượng với hàm ý “cá chép hóa rồng”, mong muốn đội sẽ ngày càng phát triển và hoàn thiện. Còn với nghĩa thứ hai, đó là tình yêu của bọn mình đối với điệu múa yosakoi cũng như dành cho nhau và dành cho mọi người.”

Touyoukoi do thầy Phạm Hoàng Hưng - giảng viên tiếng Nhật của Khoa sáng lập và quản lý. Thầy đã mời các anh chị có “thâm niên” về yosakoi tới dạy cho đội để tham gia vào Lễ hội Hoa anh đào (Sakura Matsuri) được tổ chức vào tháng 4 năm 2009. Bài múa tên Nana đã đánh dấu năm đầu tiên đội tham gia lễ hội.

Các năm tiếp theo 2010, 2012, 2014 đội đều tham gia diễn tại Lễ hội Hoa Anh đào. Mỗi năm đội đều mang đến một bài diễn mới, số lượng cũng như chất lượng thành viên ngày càng được cải thiện. Đáng kể nhất là vào lễ hội năm 2015, Touyoukoi đã hoàn thiện hơn so với những năm trước khi bài biểu diễn được bổ sung thêm cờ và đèn, góp phần không nhỏ vào sự thành công của bài diễn.

Touyoukoi tại Lễ hội Hoa anh đào 2015. (Ảnh: Touyoukoi)

Chỉ cần “muốn và đam mê”

Hiện tại, Touyoukoi có khoảng 20 thành viên gồm cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên, số thành viên nam chỉ “lác đác” vài người. Trước thắc mắc của tôi rằng sự chênh lệch giữa số lượng nam và nữ này có phải là mô hình của một đội yosakoi truyền thống không, bạn Linh cười: Yosakoi không có yêu cầu đặc biệt về bất cứ khía cạnh nào chứ không chỉ giới tính. Thực chất thì hầu như ai muốn và đam mê đều có thể đến với yosakoi. Nhưng không hiểu vì các bạn nam còn ngại hay thấy đội nhiều nữ quá mà tưởng đội chỉ dành cho nữ nên số lượng nam nhân trong đội hơi khiêm tốn, chứ tụi mình cũng mong chờ nhiều gương mặt phái mạnh xuất hiện lắm.”

Với ý thức đồng đội cao, hầu như mọi hoạt động của Touyoukoi đều có sự tham gia của tất cả các thành viên trong đội. Các thành viên thường cùng xem các đội yosakoi Nhật Bản biểu diễn, tập hợp những bài mọi người thích, thảo luận và chọn ra bài phù hợp nhất. Sau đó, đội trưởng sẽ có nhiệm vụ liên hệ với đội Nhật Bản để xin bản quyền bài diễn, đồng thời học động tác để dạy lại cho cả đội. Các thành viên trong đội cũng giúp đỡ nhau, người học nhanh dạy lại cho người học chậm để tạo sự đồng đều giữa các thành viên, đồng thời tiết kiệm thời gian tập luyện.

Bình thường, đội duy trì 2 buổi tập một tuần, tuy nhiên, khi đến “mùa lễ hội”, đội sẽ tập tăng cường thêm một số buổi, có khi là cả tuần. Đợt đỉnh điểm, ngày nào đội cũng tập cho đến 8 giờ tối. Thời gian tập được tất cả các thành viên thống nhất để phù hợp với lịch sinh hoạt của từng người.

Các thành viên hiện tại của đội. (Ảnh: Touyoukoi)

Khó khăn và tinh thần đồng đội

Là một câu lạc bộ tự do, Touyoukoi đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong vấn đề tài chính. Quỹ đội (dùng để chi cho trang phục diễn, phụ kiện…) phần lớn là do các thành viên đóng góp, còn một phần là nhờ vào “khoản bồi dưỡng” mà đội được nhận khi đi diễn ở các lễ hội và sự kiện. Touyoukoi hầu như diễn tại tất cả các lễ hội mình được mời. Đây thường là những lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản. Lễ hội lớn nhất hàng năm là Lễ hội Hoa Anh đào tổ chức vào tầm tháng 3-4. Bên cạnh đó là các lễ hội quy mô nhỏ hơn, tổ chức rải rác trong năm với nhiều địa điểm khác nhau. Thỉnh thoảng đội cũng nhận diễn cho một số sự kiện của Trường, Khoa hoặc một số sự kiện ngoài lề khác.

Chị Nguyễn Thị Dung, K53 Khoa Đông Phương học, một trong những thành viên đầu tiên của câu lạc bộ, nhớ lại: “Thời kỳ đầu, câu lạc bộ rất khó khăn, quần áo cũng là thầy cô hướng dẫn đi mượn cho. Mùa thứ hai, câu lạc bộ nhận được chút tiền bồi dưỡng thì để giặt khô là hơi. Nhưng thực sự hồi đó rất vui và bọn chị không nghĩ gì ngoài tinh thần đồng đội. Vui và cùng cố gắng.”

Khó khăn thứ hai mà các bạn gặp phải là vấn đề sắp xếp thời gian. Vì hầu như tất cả các thành viên trong đội đều là sinh viên, một số thành viên lại đã đi làm nên việc sắp xếp một khung thời gian chung nhất để tất cả có thể cùng gặp mặt và tập luyện khá vất vả. Tuy khó khăn nhưng những thành viên của Touyoukoi đã cùng đoàn kết với nhau để vượt qua.

Không chỉ là một CLB, đó là những kỷ niệm đẹp nhất thời sinh viên

Đến với yosakoi, Linh không những được rèn luyện thể lực, giải tỏa tâm lý sau những giờ học căng thẳng mà còn được học cách luôn giữ nụ cười trên môi. Bạn cũng cho biết thêm: “Mình còn học được cách làm việc trong một tập thể, học cách cân bằng giữa việc học và việc tập, có trách nhiệm hơn với bản thân cũng như với người khác.” Đối với những sinh viên Nhật Bản học như Linh, thời gian hoạt động câu lạc bộ còn là những giờ học ngoài giảng đường. Qua điệu múa, họ “ngấm” văn hóa Nhật Bản sâu hơn và trở nên gắn bó hơn với chuyên ngành của mình.

Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình đối với đội, chị Dung chia sẻ: “Đó là tại đêm cuối cùng của Lễ hội Hoa anh đào năm 2010. Trời mưa to rồi mà mọi người vẫn cùng nhau nhảy múa. Những giọt mồ hôi, nước mắt hạnh phúc, tinh thần bạn bè, hữu nghị hòa quyện với nhau. Đó là một trong những kỷ niệm đẹp nhất thời sinh viên của chị.”

Có lẽ, đối với những thành viên của Touyoukoi, câu lạc bộ này không còn là câu lạc bộ đơn thuần mà đã trở thành gia đình của họ. Nói về đội của mình, bạn Linh không giấu được niềm tự hào: “Mỗi mùa lễ hội lại thấy thương yêu đội nhiều hơn, thấy được thành quả tập luyện của cả đội, thực sự là rất hạnh phúc. Mỗi lần xem ảnh hay clip diễn của đội, mình đều thấy rất tự hào khi được là một phần của tập thể tuyệt vời này.”

Hàng năm, Touyoukoi đều có từ 2 đến 3 đợt tuyển thành viên, thường sẽ rơi vào khoảng đầu năm học (tầm tháng 9, tháng 10) hoặc sau mùa lễ hội lớn (tầm tháng 4). Trong năm có thể có thêm một đợt tuyển thành viên vào mùa đông.

Sau đợt sơ tuyển thứ nhất qua hòm thư điện tử, đội sẽ hướng dẫn các “ứng viên” một bài nhảy cơ bản và tiến hành kiểm tra sau khi những bạn này đã tập được khoảng 1-2 tuần. Sau khi kiểm tra, đội sẽ quyết định xem ai có khả năng tham gia và thông báo lại kết quả.

Tác giả: Hà Đỗ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây