Tin tức

Những khóa đầu của ngành Quan hệ Công chúng ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Thứ hai - 20/07/2015 23:32
Bước sang năm thứ 3 tuyển sinh, ngành Quan hệ công chúng (Public Relations – PR) của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) tiếp tục chứng tỏ là một ngành thu hút và có tương lai cho các sinh viên. Nhóm cộng tác viên đã có cuộc gặp gỡ với PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền – Chủ nhiệm bộ môn PR - Quảng cáo, phó chủ nhiệm khoa Báo chí và Truyền thông (BC&TT) và được lắng nghe nhiều trăn trở nhưng cũng tràn đầy hi vọng của “người tiên phong”
Những khóa đầu của ngành Quan hệ Công chúng ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Những khóa đầu của ngành Quan hệ Công chúng ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

15 năm để có ngành PR ở trường Nhân Văn

Quả thực, chặng đường mở ngành PR ở ĐHKHXH&NVlà một hành trình dài, là một sự chuẩn bị kĩ càng cả về “thế và lực” chứ không đơn thuần chỉ là mở rộng hay tách riêng một bộ môn của khoa BC&TT. Cô Huyền nhớ lại những ngày đầu về ý định thành lập ngành PR: “Từ năm 1998, chúng tôi đã bắt đầu tìm hiểu về PR khi mà thuật ngữ này còn gần như hoàn toàn xa lạ với nhiều người. Bước sang thiên niên kỷ mới, khoa và trường đã có sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của khoa BC&TT. Lãnh đạo khoa và trường thời đó đã rất nhạy bén và có tầm nhìn xa, thể hiện qua quyết tâm cao độ để xây dựng ngành PR. Tôi may mắn tìm được cơ hội đi học để về thực hiện kế hoạch dài hơi này. Và phải đến năm 2013 chúng tôi mới được tuyển sinh khóa đầu tiên, như vậy là mất đến 15 năm ròng nghiên cứu và chờ đợi cho hội đủ các điều kiện rất cao của Đại học Quốc gia Hà Nội.”

Tất cả những sự quyết tâm bền bỉ đó đã thể hiện một tầm nhìn chiến lược của Nhà trường lẫn khoa BC&TT nhằm đáp ứng sự thay đổi về môi trường truyền thông rất mãnh liệt trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ, bắt kịp nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, doanh nghiệp và nhu cầu về nghiên cứu những ngành mới mẻ, năng động trong môi trường khoa học xã hội. Từ 2013, những khóa sinh viên ngành PR sẽ nối tiếp nhau vào học tại mái trường này, và quãng thời gian để họ trưởng thành, vững vàng trong nghề sẽ được rút ngắn, bớt chông gai rất nhiều so với những người thầy cô đi trước của họ.

Khó khăn cho “người tiên phong”

Trong những yếu tố quan trọng để có được một chuyên ngành đào tạo thì vấn đề nguồn nhân lực giảng dạy và quản lí là vấn đề nan giải nhất. Do vậy, sau khi có những quyết định từ khoa và trường, cô Huyền đã được chọn để là người đặt nền móng cho Quan hệ công chúng tại đây. Là một giảng viên trẻ đầy năng động, nhiệt huyết và nhạy bén với cái mới, cô đã không ngại khó, ngại khổ để mang lên vai mình trọng trách nặng nề và cũng là vinh dự. Và để “mang” được Quan hệ công chúng đến với Nhân Văn không có cách gì khác là cô phải “xách ba lô lên và đi” khi mà môi trường trong nước chưa đủ đáp ứng yêu cầu. Cô được cử đi học tập, nghiên cứu tại Hàn Quốc – một đất nước đã rất phát triển về PR chuyên nghiệp và có nhiều nét tương đồng về văn hóa với Việt Nam. “Tôi thấy may mắn khi được học ở Hàn Quốc, chứ không phải là một đất nước khác, vì ở đây tôi nhìn thấy rất rõ PR đã được gây dựng và ứng dụng ra sao trong một thực tiễn gần gũi với văn hóa của mình. Công nghệ PR, bao gồm cả đào tạo PR, không thể nhập khẩu “nguyên chiếc” được mà nó phải qua bộ lọc văn hóa bản địa mới thích ứng và được chấp nhận, nếu không sẽ rất khiên cưỡng” - cô nhớ lại.

Cô chia sẻ: “Tôi không muốn nhắc đến chuyện thân gái dặm trường nơi đất khách quê người, mà muốn nhấn mạnh việc học chuyên sâu và nâng cao với một người chưa có nền tảng kiến thức bài bản về PR trước đó là thử thách đau đầu, vất vả nhất mà tôi đã trải qua.”

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ về ngành Quan hệ công chúng ở Nhân Văn (Ảnh: Thanh Tùng)

Hoàn thành chương trình đào tạo tại Hàn Quốc (NCS tại Trường Cao học Truyền thông thuộc ĐH Sogang, tốt nghiệp năm 2010) với tấm bằng Tiến sĩ chuyên ngành về PR, cô đã tự tin để bắt đầu xây dựng đề án mở ngành tại trường. Tuy nhiên, những thách thức khác lại nảy sinh: “Đó là phải làm sao chứng minh cho các nhà quản lí đào tạo thấy được tương lai và độ khả thi của chương trình đào tạo, rồi tạo lập cơ sở vật chất; dịch, soạn thảo giáo trình phù hợp với môi trường và trình độ sinh viên Việt Nam. Có độ chênh lớn giữa hai môi trường đào tạo của VN và nước ngoài. Mình tốt nghiệp ở một nơi đã quá năng động và chuyên nghiệp, còn khi về lại Việt Nam, mình lại phải bắt đầu lại từ việc gần như là phổ cập và định hướng về ngành PR cho sinh viên nhưng vẫn phải đồng thời bắt kịp quá trình thay đổi từng ngày của xu thế quốc tế. Việt hóa bài giảng với các ví dụ từ thực tiễn Việt Nam là việc cũng tốn quá nhiều thời gian. Thêm nữa, phát triển ngành PR đi lên từ ngành Báo chí có nhiều tiện lợi, nhưng vẫn phải xác định rành rẽ được yếu tố cốt lõi và bản sắc của PR, dù hai ngành có những điểm tương đồng.”

Trong vạn sự khởi đầu nan ấy, nhân lực cho công tác giảng dạy của bộ môn PR là vấn đề rất khó tháo gỡ. Một mặt, trường ĐHKHXH&NVđòi hỏi rất cao về trình độ, bằng cấp. Mặt khác, xã hội rất khan hiếm những chuyên gia PR có tâm huyết thực sự và có thể dành thời gian cho nghề đào tạo trong khi môi trường làm việc ngoài nhà trường về PR lại quá hấp dẫn. Cô Huyền cùng khoa BC&TT đã và đang rất tích cực kêu gọi người cộng tác để cải thiện tình hình.

Hoa đầu mùa và những kì vọng cho tương lai

Nói về hai khóa đào tạo vừa được tuyển sinh, cô Huyền tâm sự: “Tôi đã đi từ sự lo lắng cho đến tự hào về hai khóa đầu tiên này. Sau 2 năm, các bạn khóa đầu đã tiến bộ một cách rõ rệt qua từng học kỳ, có ý chí quyết tâm cao độ để vươn lên, có thể giúp đỡ lẫn nhau cũng như làm mẫu cho các khóa sau. Đó là điều tôi vui mừng nhất.”

“Khi đưa các em đến thực tập ở các tổ chức, doanh nghiệp, họ rất bất ngờ bởi tác phong nhập cuộc rất tự tin và cách ứng xử chuyên nghiệp của SV. Nhưng ngoài việc các em thể hiện một tư duy tích cực hay năng lực làm việc nhóm thì điều tôi tâm đắc nhất ở hai khóa đầu tiên lại là sự tiếp nối và biết quan tâm nâng đỡ nhau. Đó không chỉ là đạo đức người làm PR chuyên nghiệp mà còn là bản sắc của Nhân Văn mà chúng tôi nhất quyết gây dựng cho bằng được”. Cô hào hứng “khoe”.

Với hai khóa PR đầu tiên gồm hơn 120 sinh viên, khoa BC&TT đã có những bước đầu chạy chương trình khá suôn sẻ, hợp lí và bước tiếp theo là nâng cấp lên bằng việc tìm kiếm nguồn hỗ trợ và đầu ra từ các doanh nghiệp. Đó là cách tạo ra những môi trường thực học thực nghiệm hiệu quả cho đào tạo PR tại Việt Nam hiện nay.

“Hoa đầu mùa” – K58 PR trong một chuyến ngoại khóa

Cô kì vọng: “Sau 5 hay 10 năm nữa, với nhiều những lứa sinh viên Quan hệ công chúng được đào tạo cách bài bản và chuyên nghiệp như tại môi trường ĐH KHXH & NV, tôi tin Việt Nam sẽ ghi được dấu ấn trên bản đồ PR quốc tế. Bởi PR cũng như bất kì các ngành nghề khác ở Việt Nam, cần hướng đến tầm vóc quốc tế trong tương lai”.

K59 – PR trẻ trung, nhí nhảnh

Ngày hôm nay, khi nhắc đến Quan hệ công chúng (PR), nhiều bạn trẻ đã không còn lạ lẫm bởi sự hấp dẫn, bởi những nhu cầu và những sáng tạo, những chiến lược mà PR chuyên nghiệp đang đem lại. PR hiện nay đã là một phần không thể thiếu trong mỗi sự thành công của nhiều lĩnh vực, từ chính trị, giáo dục, truyền thông đến kinh tế và nhất là con người. PR đang dần trở thành một thế lực, một bàn tay vô hình can thiệp rất sâu vào điều tiết các mối quan hệ trong một thế giới phẳng.  Trong tiến trình đó, việc đào tạo PR đang ngày càng hướng đến sự hoàn thiện phong cách chuyên nghiệp từ năng lực, đạo đức đến bản sắc như cách mà Quan hệ công chúng tại Nhân Văn đang theo đuổi.

Tác giả: Hà Trang – Thanh Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây