Ngôn ngữ
PGS.TS Trần Thị Minh Hòa (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) đang báo cáo tóm tắt quy định về phân cấp quản lý và quy trình hoạt động quản lý trong Trường ĐHKHXH&NV
Kể từ khi tách ra và hoạt động độc lập, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo xây dựng các văn bản pháp lý và quy trình hoạt động. Nhưng cho đến nay, trải qua nhiều năm, nhiều quy định mới và cơ cấu, chức năng Nhà trường đã có nhiều điều chỉnh, điều này đặt ra vấn đề, phải có sự điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể mới cho phù hợp. Trên cơ sở đó, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo phòng chức năng xây dựng dự thảo quy định về phân cấp quản lý và quy trình hoạt động quản lý trong Trường ĐHKXH&NV.
Sau phần khai mạc hội nghị, PGS.TS Trần Thị Minh Hòa đã báo cáo tóm tắt quy định về phân cấp quản lý và quy trình hoạt động quản lý trong Trường ĐHKHXH&NV. Theo đó nguyên tắc xây dựng của dự thảo mới dựa trên việc vận dụng những văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của Bộ GD-ĐT và quy định của ĐHQGHN vào các lĩnh vực cụ thể của Nhà trường; Kế thừa quy định được xây dựng năm 2009; Cập nhật những thay đổi trong bộ máy tổ chức của Nhà trường, những thay đổi trong chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị trong trường; Căn cứ vào chiến lược phát triển của Trường đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; Phân cấp quản lý và quy trình hoạt động theo nội dung công việc, không theo đơn vị chức năng.
Nội dung chính của dự thảo bao gồm 20 chương, tăng 7 chương so với bộ quy định năm 2009.
PGS.TS Phạm Xuân Hằng đang phát biểu góp ý cho dự thảo
Góp ý tại hội nghị, đa phần các đại biểu đều đánh giá cao về quy trình thực hiện dự thảo, quá trình tham vấn của chuyên gia và kết quả biểu hiện công phu đến thời điểm hiện tại. Để hoàn thiện hơn nữa, một số đại biểu cũng đưa ra những góp ý trực tiếp đến một số nội dung nhằm hướng đến bộ quy định hoàn chỉnh và phù hợp nhất với hoạt động của Nhà trường.
PGS.TS Phạm Xuân Hằng (Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường) góp ý: tài liệu còn viết tắt nhiều, mức độ sâu rộng, khái quát chưa đồng đều, chưa phân cấp quản lý đến bộ môn, trong khi bộ môn lại có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng chuyên môn của Nhà trường. Theo PGS, đặc trưng của Nhà trường là đào tạo và nghiên cứu, do đó vai trò của bộ môn trong hoạt động chung cũng rất quan trọng.
PGS.TS Phạm Quang Long đang góp ý tại hội nghị
Đồng quan điểm với PGS Phạm Xuân Hằng, PGS.TS Phạm Quang Long cũng bày tỏ quan điểm về việc coi trọng vai trò của bộ môn trong hoạt động chuyên môn trong quy định phân cấp quản lý và quy trình hoạt động. Ngoài ra, bản dự thảo mới cũng cần hướng đến hoạt động hiệu quả, tránh chồng chéo lên nhau.
Trong định hướng phát triển tương lai, hoạt động đào tạo liên kết quốc tế ngày càng quan trọng, đặc biệt trong xu thế có nhiều thay đổi về quy định đào tạo của ĐHQGHN. Để có sự phát triển mạnh mẽ đào tạo liên kết quốc tế, đòi hỏi dự thảo phải có những định hướng thể hiện sự liên kết trong việc xây dựng chiến lược và duy trì hoạt động của nhiều phòng chức năng liên quan, PGS.TS Đặng Xuân Kháng (Chủ tịch Công đoàn Nhà trường) chia sẻ.
GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng Nhà trường) phát biểu tổng kết hội nghị
Một số góp ý khác tập trung vào việc định hướng khi kết cấu dự thảo, như ban soạn thảo cần xác định rõ Nhà trường có mấy cấp quản lý? Cấu trúc, mối tương quan quản lý như thế nào? Việc trả lời các câu hỏi sẽ giúp xây dựng bản dự thảo rõ ràng và liền mạch hơn. Khi xây dựng dự thảo, các nội dung nên chuẩn hóa theo quy định của Nhà nước về văn bản hành chính...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng Nhà trường) đã phản hồi lại các góp ý trao đổi của đại biểu và tiếp thu các ý kiến góp ý của các vị đại biểu. Ban soạn thảo sẽ điều chỉnh và hoàn thiện văn bản, sau đó chuyển tới các khoa chuyên môn để đánh giá trước khi ban hành.
Tác giả: Đình Hậu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn