Ngôn ngữ
Sáng tinh mơ ngày 19/7, chúng tôi rời Sài Gòn đi thẳng tới Siem Reap.Bắt đầu từ Mộc Bài, cảnh trí dường như thay đổi rất nhiều so với miền Đông Nam Bộ Việt Nam mà chúng tôi được trải nghiệm vài ngày trước đó. Suốt hàng trăm cây số, ngoài dãy nhà nhỏ bé thưa thớt chạy dọc quốc lộ, dường như chẳng có xóm làng nào cả. Ngút tầm mắt là những bãi cỏ mênh mông không gieo trồng, thảng hoặc mới xuất hiện vài mảnh ruộng, vườn cây cao su hay một đàn bò. Các thầy cô đã từng có những năm công tác ở đây say sưa kể lại kỷ niệm một thời và giới thiệu từ sản vật cho tới lịch sử và phong tục của xứ sở này. Xe chúng tôi lướt đi giữa đất đai Cao Miên bao la trống trải, khi lặng lẽ, khi rộn ràng trong tiếng ca những bài hát tiếngViệt và cả tiếng Khmer, ai nấy đều say mê háo hức.
Khi tới được Siem Reap thì trời đã ngả chiều nên ăn cơm xong chúng tôi đi chợ đêm. Cách điểm trang của chợ đêm Siem Reap gợi nghĩ tới Hội An, nhưng không khí thì hao hao khu phố Tây ở Sài Gòn và trời đêm nơi này cũng mát lạnh như đêm phương Nam.Khách du lịch từ khắp nơi đổ về những quán bar ở đây để nghe nhạc, uống, hát, nhảy, và kết bạn. Chúng tôi nấn ná mãi ở đó, thưởng thức cả ẩm thực đường phố lẫn không khí rộn ràng của đêm Siem Reap như để lấy tinh thần phấn chấn chuẩn bị cho hành trình đi ngược thời gianmột nghìnnăm tìm về vương quốc Khmer.
Angkor Wat, Angkor Thom và nhiều công trình cổ xưa vĩ đại khác đón chân chúng tôi vào một ngày nắng nhạt. Những đền đài tuyệt mỹ dù phải chịu sự tàn phá của thời gian vẫn tráng lệ ngoài sức tưởng tượng của những ai chưa từng đặt chân tới đây. Không chỉ điêu xảo và tinh tế, Angkor Wat và Angkor Thom còn đồ sộ và rộng lớn, khiến du khách tham quan suốt một ngày vẫn còn chưa thấy đủ. Cảnh tượng đặc biệt ở Ta Phrom với những thân cây kỳ lạ leo trên nóc của các công trình cổ cũng mang lại ấn tượng mạnh mẽ cho người xem. Kết thúc một ngày ăm ắp di tích, chúng tôi thư giãn bằng cách đắm mình trong Smile of Angkor, chương trình nghệ thuật mãn nhãn lấy tứ từ nụ cười Bayon huyền bí để kể lại hành trình lịch sử và tư tưởng của đất nước Campuchia thời cổ trung đại. Những đôi môi mỉm cười trên đền Bayon khiến cho Angkor nghìn năm tuổi với những vách đá trầm mặc mãi giữ được nét trẻ trung tươi mới, phập phồng tỏa ra hy vọng trên đất nước đã chịu nhiều mất mát này.
Sáng hôm sau chúng tôi rời thành phố của đền đài để tới Phnom Penh, nơi lưu dấu bao nhiêu kỷ niệm của các thầy cô thế hệ đi trước trong Khoa về những năm giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Trong thập niên 1980, nhiều trí thức trẻ Việt Nam, trong đó có cán bộ giảng viên Khoa chúng tôi, đã chấp nhận nhiều khó khăn và nguy hiểm để sang hỗ trợ Campuchia tái thiết hòa bình thông qua con đường giáo dục. Thầy Chủ nhiệm Khoa Nguyễn Thiện Nam, người có thời gian gắn bó lâu nhất với Campuchia và tới nay vẫn thành thạo tiếng Khmer, không chỉ kể nhiều câu chuyện thú vị về “quãng đời cần lao” của các thầy cô thời đó mà còn hát những bài hát Khmer có giai điệu say lòng người. Trở lại đây, với các thầy cô thế hệ đi trước, gần như là một cuộc trở về mái nhà xưa.
Ở Phmon Penh, chúng tôi đi thăm quan Đài Độc lập, Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam trên con phố đẹp nhất của thủ đô, thăm Hoàng cung, Chùa Vàng Chùa Bạc - những công trình trải qua nhiều biến cố vẫn giữ được nét lộng lẫy và tinh xảo, thăm lại trường Đại học Hoàng gia Phnom Pênh - nơi nhiều thầy cô trong Khoa đã từng giảng dạy, thăm lại xóm Xoài - nơi các thầy cô đã sống trong những năm tháng đó, cảnh trí không đổi nhiều nhưng người xưa thì đã xa khiến ai nấy vừa vui sướng vừa bâng khuâng. Chúng tôi cũng tới Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng, nơi lưu giữ những câu chuyện và hình ảnh trực quan về tội ác Khmer Đỏ. Tất cả như một lời nhắc nhở sâu sắc về mối quan hệ không thể tách rời của nềnhòa bình với độc lập dân tộc.
Khoảng thời gian giúp chúng tôi hiểu nhiều nhất về đời sống hiện đại của Phnom Penh là buổi chiều dạo chợ Phsa Thmey. Nơi đây không chỉ bày bán đủ loại đặc sản của Campuchia mà còn có nhiều mặt hàng nhập khẩu giá cả phải chăng hơn ở Việt Nam. Điều thú vị là tiền Việt có thể thanh toán dễ dàng ở đây. Một điều nữa cũng khiến chúng tôi ngạc nhiên là phần lớn người dân Campuchia mà chúng tôi tiếp xúc đều biết nói một chút tiếng Việt. Sự hiểu biết của người dân Campuchia về ngôn ngữ và tập quán Việt Nam gợi cho chúng tôi những suy tư và mong ước về một ngày không xa người Việt Nam sẽ hiểu biết đầy đủ hơn về các nước Đông Nam Á, đặc biệt là những quốc gia chung biên giới, để từ đó xây dựng tình hữu nghị.
Hoàng hôn cuối cùng trên đất Campuchia, chúng tôi ngồi du thuyền để chiêm ngưỡng mặt trời rơi xuống dòng sông bốn mặt mà tiếng Khmer gọi là Chatomuk.Gió lồng lộng và không gian bình yên tới nỗi người ta khó có thể tin những mất mát vẫn còn ám ảnh và những khó khăn dường như chưa bao giờ dứt ở xứ sở ấy.Hoàng Cung sáng rực soi mình xuống sông trong khi chúng tôi nâng ly chúc cho miền đất này luôn được thanh thản như thế, và cũng thầm mong mỏi cho nền hòa bình của hai đất nước.
Chia tay Campuchia, trong lòng chúng tôi tràn ngập hạnh phúc và lưu luyến. Chúng tôi đã có năm ngày thưởng thức bao nhiêu đặc sản vật chất và tinh thần, được gợi nhắc và lắng nghe bao nhiêu câu chuyện, được đi lại và khám phá một vùng đất vô cùng đặc sắc, nửa mộc mạc nửa huyền bí, nửa gần gũi nửa như hãy còn xa lạ. Những trải nghiệm ấy càng quý giá hơn khi được chia sẻ cùng các cô chú, anh chị em đồng nghiệp và cả gia đình, những con người am hiểu, thân ái, chan hòa và vui tính. Chúng tôi chờ đợi để được cùng nhau trải nghiệm những chân trời mới.
Tác giả: Lê Nguyễn Lê
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn