Tin tức

Cơ hội và thách thức từ Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Thứ hai - 09/10/2017 22:43
Giới chuyên gia cho rằng lợi ích các nước nhận được từ sáng kiến của Trung Quốc cũng đi kèm với nhiều rủi ro.
co-hoi-va-thach-thuc-tu-vanh-dai-va-con-duong-cua-trung-quoc

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Đồ họa: Việt Chung. 

 

Con đường tơ lụa trên bộ cổ xưa được khai thông từ thời nhà Hán ở thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, còn con đường tơ lụa trên biển được mở ra từ thời nhà Minh (1368 - 1644), tạo ra mạng lưới thương mại kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á, Nam Á, Trung Á, châu Âu và châu Phi, tiến sĩ Trịnh Văn Định, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết trong Hội thảo khoa học quốc tế "Sáng kiến vành đai và con đường của Trung Quốc: Cơ hội và thách thức" được tổ chức ở Hà Nội ngày 6/10.

Nhằm tái tạo con đường tơ lụa, năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), bao gồm hai tuyến quan trọng. "Vành đai" là tuyến thương mại bắt đầu từ Tây An tới khu vực phía tây Trung Quốc, qua các quốc gia Trung Á tới châu Âu. "Con đường" là tuyến giao thương hàng hải đi qua Biển Đông, eo biển Malacca, xuyên Ấn Độ Dương tới châu Phi, qua Địa Trung Hải trước khi kết thúc ở châu Âu.

GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV), chỉ ra các quốc gia Trung Á, Trung Đông và một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan là những bên hưởng ứng sáng kiến vì cơ sở hạ tầng dự án này đem lại. Trong khi đó, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước ASEAN khác như Singapore dè chừng trước tham vọng của Trung Quốc.

GS. TS Phạm Quang Minh dẫn chứng rằng Vành đai và Con đường của Trung Quốc sẽ "bao vây" biên giới cả trên bộ và trên biển của Ấn Độ, là mối đe dọa địa chiến lược trực tiếp với nước này. Còn với Singapore, kênh đào Kra Isthmus của Thái Lan nằm trong sáng kiến của Trung Quốc sẽ cạnh tranh trực tiếp với các cảng của Singapore.

Bàn đến lập trường của Australia đối với sáng kiến này, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, trích dẫn lời của Bộ trưởng Thương mại Australia Steve Ciobo rằng "doanh nghiệp Australia có nhiều cơ hội để tham gia vào sáng kiến", nhưng ông Ciobo cũng nhấn mạnh Australia ra quyết định dựa vào lợi ích quốc gia và sẽ có cái nhìn đa chiều về vấn đề này.

Theo giáo sư, tuy có thể có lợi về kinh tế cho Australia, Vành đai và Con đường có thể được Trung Quốc sử dụng làm đòn bẩy kinh tế để gây ảnh hưởng với nước này, đồng thời có khả năng xảy ra mất cân bằng cán cân thương mại hai chiều.

"Thật vô lý nếu nói rằng Australia không thể tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và cũng vô lý không kém nếu nói rằng Australia sẽ ký một cách mù quáng vào bất cứ bản ghi nhớ nào mà Trung Quốc muốn", giáo sư Thayer trích lại nhận định của nhà báo Australia Paul Kelly.

co-hoi-va-thach-thuc-tu-vanh-dai-va-con-duong-cua-trung-quoc-1

Giáo sư Carl Thayer phát biểu tại hội thảo

Việt Nam là quốc gia dọc tuyến quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường. Tiến sĩ Phạm Thị Thu Huyền và thạc sĩ Ngô Tuấn Thắng, Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân văn Việt Nam, cho rằng với sáng kiến của Trung Quốc, Việt Nam có cơ hội trong việc phát triển thương mại và đầu tư, tranh thủ nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, quỹ con đường tơ lụa trên biển và nguồn vốn từ các ngân hàng khác như Ngân hàng nhập khẩu Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng có cơ hội gia tăng tiềm năng du lịch trong nước.

Tuy nhiên, sáng kiến cũng gây ra những thách thức đối với Việt Nam. Vành đai và Con đường gây chia rẽ nội bộ ASEAN, tác động bất lợi cho Việt Nam về việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. "Trung Quốc muốn thông qua khuôn khổ hợp tác này thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương với từng nước ASEAN và lôi kéo ngày càng nhiều các nước ASEAN vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình".

Ngoài ra, việc Trung Quốc yêu cầu UNESCO công nhận con đường tơ lụa là di sản sẽ bất lợi cho Việt Nam. Trung Quốc có thể sử dụng con đường tơ lụa trên biển như một cách để tái khẳng định sự hiện diện của mình ở khu vực từ trong lịch sử, cho phép nước này tăng cường hiện diện và đẩy mạnh yêu sách ở Biển Đông, theo nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Thị Thu Huyền và thạc sĩ Ngô Tuấn Thắng.

"Sau sáng kiến Vành đai và Con đường là sự thể hiện sức mạnh mềm của Trung Quốc, chứ không đơn thuần chỉ là sáng kiến liên kết và hội nhập", hai chuyên gia đánh giá.

Tác giả: Phương Vũ - Vn Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây