Tin tức

Đào tạo Thạc sỹ Du lịch: 10 năm vẫn thí điểm!

Thứ tư - 01/01/2014 10:51
Trung tuần tháng 12/2013, Trường ĐHKHXH&NV tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đào tạo Thạc sỹ ngành Du lịch (thí điểm) nhằm đánh giá kết quả đạt được trong công tác đào tạo 10 năm qua. Tại hội nghị, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đề nghị nhất là cần sớm cấp mã ngành chính thức cho chuyên ngành Du lịch trong danh mục đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đào tạo Thạc sỹ Du lịch: 10 năm vẫn thí điểm!
Đào tạo Thạc sỹ Du lịch: 10 năm vẫn thí điểm!


Nhu cầu lớn

Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, có tốc độ tăng trường nhanh qua từng năm, và đóng góp quan trọng cho GDP của đất nước. Năm 2013, Việt Nam đón 7,57 triệu lượt khách quốc tế - “cán đích” trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Lượng khách nội địa cũng đạt con số kỷ lục là 35 triệu lượt. Tổng doanh thu toàn ngành đạt 200 nghìn tỷ đồng. Đây được coi là bước tăng trưởng ấn tượng trong lịch sử ngành du lịch Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam thì hiện nay, nước ta có khoảng 1,5 triệu lao động làm việc trong ngành Du lịch. Theo dự báo, mỗi năm toàn ngành cần thêm 40.000 lao động, trong đó 12% cần trình độ đào tạo CĐ, ĐH trở lên. Hiện nay, hàng năm có trên 30 trường đại học ở Việt Nam đào tạo cử nhân ngành Du lịch và các ngành có liên quan. Số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường mỗi năm khoảng từ 4000-5000 sinh viên, chỉ đáp ứng 60% nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch hiện nay. Sau khi tốt nghiệp đại học, nhu cầu học tập nâng cao trình độ của số sinh viên này là rất lớn.

Bên cạnh đó, nhiều trường đại học có nhu cầu tuyển dụng giảng viên có trình độ thạc sỹ về Du lịch. Nhiều cơ quan quản lý Nhà nước như Tổng Cục Du lịch, các Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch các tỉnh có nhu cầu nâng cao trình độ cán bộ để đảm nhiệm tốt trách nhiệm quản lý lý nhà nước về du lịch. Nhiều cơ quan, các tổ chức chính phủ có nhu cầu nhân lực trình độ cao về Du lịch; nhiều doanh nghiệp, khách sạn, lữ hành có nhu cầu nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có cơ sở nào đào tạo thạc sỹ Du lịch. Chỉ một số trường đại học lớn như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Thương mại… có đào tạo chuyên ngành liên quan đến du lịch như Kinh tế du lịch, Quản trị kinh doanh du lịch … với số lượng không nhiều, mỗi năm khoảng 5-10 học viên.

Tiên phong trong đào tạo Thạc sỹ Du lịch

Năm 2003, Khoa Du lịch học, Trường ĐHKHXH&NV được ĐHQGHN giao xây dựng chương trình đào tạo thí điểm thạc sỹ chuyên ngành Du lịch, với mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực bậc cao về Du lịch cho ngành Du lịch cả nước. Tính đến nay, Khoa Du lịch học đã có 10 năm đào tạo Thạc sỹ Du lịch, đã đào tạo được 14 khoá học (10 ở Hà Nội, 3 ở TP HCM, 01 ở Huế).

Khoa Du lịch học là đơn vị đào tạo về Du lịch có truyền thống và uy tín tại Việt Nam. Đào tạo Du lịch học của Khoa vừa hướng tới kiến thức nền tảng rộng và chắc về kinh tế, văn hoá, xã hội, lịch sử…, vừa đi vào những hướng chuyên sâu của khoa học Du lịch. Đây là một ưu thế nổi bật trong đào tạo của Khoa, vì thực tế, đào tạo các SĐH các chuyên ngành có liên quan đến Du lịch tại các trường đại học hiện nay đa phần thiên về Quản trị Kinh doanh, Quản lý Kinh tế, Địa lý du lịch, Địa lý Kinh tế, Việt Nam học… Số lượng các môn học về chuyên ngành Du lịch của các chương trình đào tạo này chiếm tỷ lệ khiêm tốn.

Khoa cũng có ưu thế lớn về đội ngũ giáo viên giỏi, có trình độ cao, có kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy về Du lịch học ở trong và ngoài nước. Khoa đã đào tạo gần 2000 người có trình độ đại học và sau đại học cho ngành Du lịch Việt Nam, công bố hơn 20 sách chuyên khảo và giáo trình đại học, hơn 100 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành. Khoa có quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu về du lịch ở các nước: ĐH Toulouse (Cộng hoà Pháp), Dusit Thanis (Thái Lan), ĐH Rikkyo (Nhật Bản), ĐH Ứng dụng Munich (Đức), ĐH Misouri (Hoa Kỳ)… Hàng năm Khoa thường xuyên tiếp nhận các giảng viên và tình nguyện viên đến từ Mỹ, Pháp, Canada đến giảng dạy và làm việc.

Theo thống kê, Khoa Du lịch học đã và đang đào tạo 466 học viên, trong đó có 185 học viên đã cấp bằng Thạc sỹ Du lịch và 37 học viên chờ cấp bằng. Học viên của Khoa có phổ làm việc khá rộng: giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, làm việc tại các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội khác… Điều đó chứng tỏ nguồn nhân lực đào tạo SĐH của Khoa đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu công việc và nhu cầu xã hội trên mọi mặt của ngành Du lịch Việt Nam.

Cần một mã ngành chính thức

TS. Phạm Hồng Long (Phó Chủ nhiệm Khoa Du lịch học) phát biểu: “Vấn đề bất cập nhất hiện nay của chúng tôi là mã ngành đào tạo. Dù Khoa Du lịch học đã chứng tỏ được chất lượng đào tạo cử nhân Du lịch học và thạc sĩ Du lịch, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội nhưng ngành học này vẫn chưa có trong danh mục mã ngành đào tạo chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong khi du lịch được coi là một nghề đặc biệt trong xã hội hiện đại và đào tạo du lịch (du lịch học, quản trị kinh doanh du lịch và khách sạn, văn hóa du lịch…) đã và đang được thực hiện tại rất nhiều trường cao đẳng và đại học trong cả nước thì cho đến nay, dưới góc độ quản lý nhà nước vẫn chưa có quan điểm thống nhất về mã ngành này”.

TS. Long cũng chia sẻ nhận định rằng, hiện nay nhiều trường đã phải đưa du lịch thành một chuyên ngành của Việt Nam học hay Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Địa lý, Môi trường, Văn hóa một cách khiên cưỡng. Ngày 27/1/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 25/2005/QĐ-TTg Về việc quy định Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân. Theo quyết định này trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo thì du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân (có riêng mã số là 81) và có ở cả 10 trình độ giáo dục đào tạo, từ Dạy nghề ngắn hạn (Mã số 2281), đến Tiến sĩ (Mã số 6281). Trong mã này, có mã ngành cấp 3 là 81.02 là Khách sạn. Điều đó có thể hiểu là mã 81.01 là mã ngành Du lịch. Tuy nhiên theo trong văn bản mới nhất về Danh mục Giáo dục, Đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 04/2012/TT-BGDĐT ngày 15/02/2012 của Bộ trưởng Bộ giáo Dục và Đào tạo thì lại chưa có mã ngành đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ Du lịch.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Trần Thị Minh Hoà (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, nguyên Chủ nhiệm Khoa Du lịch học) cho biết: Trong Danh mục Giáo dục, Đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 04/2012/TT-BGDĐT ngày 15/02/2012 của Bộ trưởng Bộ giáo Dục và Đào tạo, có đánh mã số 6090 cho các chuyên ngành đào tạo bậc ThS khác. Đối với ngành Công tác Xã hội, do không thể xếp được vào đâu trong mã hiện có, nên Bộ đưa ra mã 60900101 cho CTXH. Tương tự như vậy, ngành Bảo hộ lao động được đưa vào mã 60900103 BHLĐ. Du lịch học xếp vào nhóm mã ngành về Quản lý kinh doanh hoặc Việt Nam học đều không hợp lý, do đó có thể đề nghị đưa vào nhóm khác, là 60900104 hoặc 60900102.

Bên cạnh đó, dù đã có bề dày đào tạo 10 năm nhưng hiện nay, bằng thạc sỹ Du lịch được cấp cho các học viên vẫn phải ghi chữ “chương trình thí điểm” nên cũng gây nhiều băn khoăn cho người học. Sự chậm trễ trong việc xác định mã ngành chính thức cho ngành Du lịch gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình đào tạo và quyền lợi của người học, đặc biệt là trong bối cảnh Khoa Du lịch học, Trường ĐHKHXH&NV đang xúc tiến mở thêm chương trình đào tạo Tiến sĩ Du lịch học nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao ngành Du lịch.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây