Tin tức

Hội thảo Việt Nam trong lịch sử thế giới

Thứ ba - 31/12/2013 00:02
Hội thảo quốc tế “Việt Nam trong lịch sử thế giới” do Trường ĐHKHXH&NV, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội Sử học thế giới phối hợp tổ chức trong hai ngày 30 và 31/12/2013. Có hơn 80 tham luận gửi đến hội thảo với nhiều chủ đề liên quan đến các nghiên cứu Việt Nam và thế giới, trải rộng với nhiều lĩnh vực và vấn đề như giao lưu văn hoá, chủ nghĩa quốc gia, sự xung đột, ngoại thương, tôn giáo, quan hệ ngoại giao, môi trường…
Hội thảo Việt Nam trong lịch sử thế giới
Hội thảo Việt Nam trong lịch sử thế giới
Trong phát biểu khai mạc hội thảo, GS. TS Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) đã nói về vai trò quan trọng của khoa học lịch sử trong việc thúc đẩy nhận thức và sự phát triển ở Việt Nam trong quá khứ và hiện tại. Thành tựu quan trọng của khoa học lịch sử trong 50 năm qua là định vị được vị trí và vai trò của Việt Nam trong khu vực và thế giới, góp phần thiết lập sự hội nhập năng động của Việt Nam vào mạng lưới trao đổi quốc tế. Nhờ sự hội nhập này mà Việt Nam có sự trao đổi, chuyển giao mạnh mẽ với thế giới bên ngoài về kinh tế cho đến văn hoá, tôn giáo, tư tưởng, công nghệ kĩ thuật… Trên thực tế, Việt Nam đã sớm có kết nối với các nước do nằm ở vị trí quan trọng trên chặng đường giao thương khu vực và quốc tế. Từ năm 1986, nhờ thực hiện đổi mới và cải cách mạnh mẽ, Việt Nam tiếp tục trở thành trung tâm chú ý của cộng đồng thế giới.


GS.TS Nguyễn Văn Khánh phát biểu tại phiên khai mạc.

Giáo sư Hiệu trưởng đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo, nhấn mạnh tính liên ngành và đa ngành trong các nghiên cứu về Việt Nam tại hội thảo này. Đây là cơ hội cho nhiều thế hệ các nhà sử học Việt Nam và thế giới thảo luận, chia sẻ những hiểu biết về Việt Nam với nhiều góc độ và phương diện tiếp cận khác nhau trong tương quan so sánh và liên hệ với lịch sử thế giới.

Đại diện cho Hội Sử học thế giới, GS. Marc Jason Gilbert nói về tính hấp dẫn và cả những thách thức trong việc nghiên cứu về quá trình đổi mới và cải cách tại Việt Nam hiện nay trên quan điểm toàn cầu hoá. Ông cũng cho rằng cần có sự liên kết và trao đổi chặt chẽ hơn giữa các nhà khoa học Việt Nam và thế giới để cùng chia sẻ và tạo ra sự gắn kết, hiểu biết sâu sắc trong khoa học và trong thực tiễn.


GS Marc Jason Gilbert

Hội thảo cũng nghe những phát biểu có tính chỉ dẫn của GS. Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) về chủ đề chính của hội thảo lần này. Bài phát biểu tập trung vào luận điểm: Lịch sử Việt Nam với tư cách một quốc gia dân tộc luôn là một bộ phận của lịch sử thế giới. Nghiên cứu và nhận thức Việt Nam nếu thoát li khỏi các mối quan hệ khu vực và thế giới sẽ dẫn đến những đánh giá chủ quan và phiến diện. Do đó, để góp phần nhìn nhận Việt Nam trong mối quan hệ với thế giới một cách sâu sắc và toàn diện, rất cần sự chia sẻ kết quả nghiên cứu giữa các sử gia trong nước và quốc tế.

Sau phiên khai mạc, các đại biểu thảo luận tại 8 phiên.

Phiên 1: Người Hoa ở Việt Nam; Sự phát triển và suy vong của thế giới Chăm; Huy động các nguồn lực trợ giúp cuộc chiến tranh cho cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 2 (1954-1975).

Phiên 2: Thương mại, hàng hải và các vấn đề chính trị ở khu vực “Địa Trung Hải châu Á”; Thế giới Chăm – thay đổi qua thời gian; Chính sách giáo dục như là nền tảng và cầu nối giữa các nền văn hoá.

Phiên 3: Thế giới hậu chiến định hình các cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và thứ hai; Các vấn đề phát triển – từ làng xã đến quốc gia; Cải cách ruộng đất như một khía cạnh của lịch sử Việt Nam.

Phiên 4: Trao đổi liên văn hoá và hội nhập quốc gia trong một thế giới toàn cầu; Các vấn đề cơ bản trong lịch sử Việt Nam thời chiến (1954-1975); Gần và xa – những ảnh hưởng tích cực về mối quan hệ láng giềng Việt Nam.

Phiên 5: Thương mại hàng hải và chính trị ở khu vực “Địa Trung Hải châu Á”; Từ chiến tranh đến hoà bình – những chiều cạnh xung đột quốc tế; Chủ nghĩa thực dân – giới và bản sắc.

Phiên 6: Ngoại giao chính thức và không chính thức và chiến tranh thế giới; Tiếp biến văn hoá trong lịch sử Việt Nam; Những di sản toàn cầu về cuộc chiến ở Đông Dương – các vấn đề chính trị và văn hoá.

Phiên 7: Những vấn đề hiện đại; Chủ nghĩa thực dân và phong trào giải phóng ở Đông Nam Á trong cách tiếp cận so sánh; Hình thành Nhà nước Việt Nam từ quan điểm lịch sử thế giới.

Phiên 8: Việt Nam trong chiều kích không gian và thời gian; Việt Nam trong lịch sử thế giới gần đây; Giảng dạy lịch sử ở bậc đại học.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây