Ngôn ngữ
Trong những năm vừa qua, hai trường đã có sự hợp tác về nhiều mặt trong lĩnh vực đào tạo. Đặc biệt là đào tạo học viên theo học thạc sĩ. Mục đích của chuyến thăm này là đẩy mạnh hợp tác và mở rộng mô hình đào tạo tiến sĩ giữa hai trường.
Đoàn Đại học Dân tộc Quảng Tây bao gồm: Giáo sư Viên Đỉnh Sinh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Dân tộc Quảng Tây – Trung Quốc, thầy Lưu Chí Cường – Viện trưởng Học viện Ngoại ngữ Văn hóa Đông Nam Á, ông Thôn Tuyết Đào – Phó Trưởng phòng hợp tác quốc tế Đại học Dân tộc Quảng Tây. Về phía trường ĐHKHXH&NV có PGS.TS Phạm Quang Minh – Phó Hiệu trường trường ĐHKHXH&NV, PGS.TS Nguyễn Văn Chính – Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học, Th.s Đào Văn Hùng – Phó Chủ nhiệm khoa Việt Nam học và Tiếng Việt và đại diện của phòng đào tạo sau đại học.
Giáo sư Viên Đỉnh Sinh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Dân tộc Quảng Tây – Trung Quốc đề xuất phương án hợp tác đào tạo tiến sĩ với PGS.TS Phạm Quang Minh – Phó Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV.
Mở đầu buổi gặp gỡ, đại diện đại học Dân tộc Quảng Tây đã giới thiệu qua về các chuyên ngành có đào tạo tiến sĩ bao gồm: Dân tộc học, Ngôn ngữ và Văn học Trung Hoa, Ngôn ngữ và Văn học nước ngoài. Giáo sư nhấn mạnh về mối liên hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trong hiện tại và tương lai. Từ đó, ông đưa ra ý tưởng về mô hình đào tạo dựa trên nền tảng văn hóa và mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước.
PGS. TS Phạm Quang Minh gửi lời cảm ơn đến đoàn Đại học Dân tộc Quảng Tây. Ông cũng cho rằng đây là một cơ hội rất tốt cho nghiên cứu sinh hai nước có thể giao lưu học hỏi và nâng cao trình độ. Đồng thời, tăng cường cơ hội hợp tác giữa giáo sư của hai trường: “Ba ngành giáo sư đã nêu phía chúng tôi đều có đào tạo nên rất tương đồng và phù hợp. Nếu chúng ta tận dụng tốt cơ hội này thì chắc chắn sẽ đem lại lợi ích rất nhiều cho cả hai bên. Vấn đề bây giờ là tìm ra điều kiện chung để có thể thực hiện hóa ý tưởng này. Ví dụ như thời gian du học của nghiên cứu sinh, ngôn ngữ học tập của nghiên cứu sinh hay vấn đề kinh phí…”.
PGS.TS Phạm Quang Minh trao quà cho đại diện Đại học Dân tộc Quảng Tây vào cuối buổi gặp gỡ.
Tiếp đó, hai bên đã có cuộc trao đổi sôi nổi và chi tiết về cách thức thực hiện kế hoạch. Các chuyên gia của Việt Nam cũng đặt ra nhiều câu hỏi về chương trình trao đổi sinh viên, số môn mà nghiên cứu sinh theo học, thời gian theo học, đơn vị cấp bằng…
Kết thúc buổi gặp gỡ, hai bên quyết đinh trong vòng một tháng, hai trường sẽ hoàn thành văn bản khung thỏa thuận bao gồm mục đích, nguyên tắc, hình thức, điều kiện. Sau đó, mỗi năm hai trường sẽ thống nhất một phụ lục các thỏa thuận cụ thể về các thỏa thuận hợp tác chi tiết. Dự tính, bản phụ lục năm nay sẽ được thảo luận vào tháng 9 tới.
Tác giả: Thu Hằng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn