Tin tức

Đổi mới văn hoá giao tiếp công sở - Hành trang dẫn đến thành công

Thứ năm - 18/08/2016 02:28
Ngày 17/8/2016, công đoàn khối Hiệu bộ Trường ĐH KHXH&NV ( gồm 8 phòng chức năng và 1 trung tâm) đã tổ chức buổi Tập huấn Kỹ năng giao tiếp nơi công sở. Người thuyết trình là TS. Nguyễn Văn Hậu - Trưởng khoa Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia. PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Nhà trường tới dự và phát biểu đề dẫn, nêu lên tầm quan trọng của việc đổi mới kỹ năng giao tiếp, văn hoá ứng xử trong công việc, tại công sở và đặc biệt là trong môi trường của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đây là một hoạt động thiết thực trước thềm năm học mới của Nhà trường, được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo cán bộ, nhân viên các phòng ban trong khối Hiệu bộ - một bộ phận nhân lực góp phần quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh, nâng cao hơn nữa uy tín, chất lượng đạo tạo và phục vụ đào tạo của Nhà trường.
Đổi mới văn hoá giao tiếp công sở - Hành trang dẫn đến thành công
Đổi mới văn hoá giao tiếp công sở - Hành trang dẫn đến thành công

Trong phần đầu buổi nói chuyện, TS. Nguyễn Văn Hậu đề cập tới nền tảng căn cơ của văn hoá Việt Nam, một nền văn hoá lúa nước lâu đời, cùng với đó là sự giao thoa, tiếp biến với văn hoá Trung Hoa và văn hoá phương Tây trong suốt chiều dài lịch sử phát triển kinh tế - xã hội. Những yếu tố đặc trưng đó tạo nên bản sắc, đồng thời cũng để lại nhiều bất cập trong quan niệm, trong thói quen sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử của người dân khi xã hội bước vào thời kỳ phát triển mới. Ví dụ như " văn hoá du di" trong công việc -  trễ giờ, trễ thời hạn, giải quyết công việc không triệt để, thiếu tính nguyên tắc..., cũng một phần xuất phát từ tư duy sản xuất của nền nông nghiệp manh mún, lệ thuộc vào thời tiết. Bên cạnh đó là tư duy cảm tính, lối ứng xử trọng tình dễ mâu thuẫn với tính nguyên tắc trong công việc, dẫn tới ảnh hưởng tới hiệu quả công việc... Trong quan niệm về giao tiếp, văn hoá dân gian Việt Nam (văn hoá phương Đông nói chung) cho thấy truyền  thống coi giao tiếp là "thước đo của giá trị con người" (người khôn hay dở đều được so sánh với lời nói, lối ứng xử dễ nghe, dễ gần..., việc thành hay bại đều được luận một cách linh hoạt, mềm dẻo, "thuận" với tự nhiên ); trong khi văn hoá phương Tây chỉ coi giao tiếp là công cụ mà nhấn mạnh tới tư duy lý tính, đề cao cái Tôi, năng lực nội tại của cá nhân... Tất cả những va chạm, giao thoa văn hoá trong một bối cảnh xã hội hội nhập, một thời kỳ quá độ khiến chúng ta một mặt phải thừa nhận những mặt tích cực và hạn chế, những rào cản; đồng thời phải phân tích và điều chỉnh một cách khoa học và phù hợp.

TS Nguyễn Quang Liệu, Trưởng Phòng Chính trị và Công tác Sinh viên, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường phát biểu: "Giao tiếp trong công sở, đặc biệt là trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, như là một cái cây. Vì thế, cần phải được chăm sóc. Trên cơ sở nền tảng văn hoá giao tiếp của Nhà trường đã có truyền thống, càng cần phải chăm sóc hơn nữa để ngày càng tốt hơn". TS Nguyễn Quang Liệu cũng bóc tách vấn đề một cách thú vị: Thế nào là Giao, thế nào là Tiếp? Giao - Tiếp trong hoạt động của một Trường Đại học là như thế nào cho phù hợp và hiệu quả? Trong đó, Trường ĐHKHXH&NV phải là một cơ sở đặc thù. Các hoạt động giao tiếp thường nhật của cán bộ, nhân viên khối Hiệu bộ là: giao tiếp với lãnh đạo, giao tiếp với đồng  nghiệp, giao tiếp với nhân dân, giao tiếp với người học (sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh Việt Nam và nước ngoài, trẻ tuổi và lớn tuổi, thành phần dân tộc, tôn giáo đa dạng...). Tính trách nhiệm của người làm công tác đào tạo, phục vụ đào tạo rất quan trọng, là tôn chỉ cao nhất trong môi trường giáo dục.

Sau thời gian trao đổi sôi nổi, TS. Nguyễn Văn Hậu hệ thống lại một số tiêu chí để xây dựng và đổi mới văn hoá giao tiếp nơi công sở, và các tiêu chí càng được quy định một cách rõ ràng, cụ thể, thống nhất sẽ càng hiệu quả:

- Hệ thống giá trị cốt lõi (tầm nhìn, sứ mệnh, triết lý hành động, khẩu hiện hành động, những giá trị cơ bản)

- Quy tắc ứng xử: từ cách xưng hô, cử chỉ, hành vi, tư thế, lời nói... với người và cả với các đối tượng khác như trang phục, công cụ lao động, môi trường cảnh quan, trang thiết bị...

- Quy tắc giải quyết công việc: thời gian làm việc, quy trình thực hiện, thứ tự ưu tiên trong công việc, cạch thức triển khai, an toàn lao động (nhấn mạnh yếu tố an toàn trong phát ngôn, bảo vệ uy tín cá nhân và tập thể, xử lý khủng hoảng), đổi mới công nghệ - phương pháp, bảo vệ sự phát triển bền vững của môi trường tự nhiên (thống nhất trong cả nội dung hướng dẫn, giảng dạy hướng tới tôn trọng quy luật khách quan, môi trường bền vững), cách thức ứng xử với khách, đối tác...

- Đạo đức công vụ: vị trí nào - đạo đức ấy, từ nhà quản lý đến các cán bộ, giảng viên, người lao động... đều có quy tắc đạo đức phù hợp, cần xác định: mình được làm gì? không được làm gì? nên làm gì?

- Cơ chế tôn vinh, khen thưởng, tạo động lực: dựa trên tinh thần thấu hiểu ý nghĩa của công việc, tin tưởng lãnh đạo, thành quả người lao động được ghi nhận thoả đáng, có cơ hội thăng tiến bình đẳng, đề cao tinh thần chia sẻ lợi ích...

TS. Ngô Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ chia sẻ: " Đổi mới văn hoá giao tiếp là chủ đề không mới, nhưng để thực hiện được một cách triệt để và hiệu quả thì rất khó và cần một thời gian dài". Thông qua buổi tập huấn, mỗi cán bộ, nhân viên đều có thể rút ra được những kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn nữa công việc của mình.

 Trong mục tiêu phát triển chung của Nhà trường, quá trình cải cách hành chính, đổi mới văn hoá công sở, nâng cao ý thức trách nhiệm và hiệu quả công việc được gắn với từng cá nhân, từng vị trí làm việc. Quá trình này có thể sẽ gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng với nỗ lực chung của toàn thể cán bộ, nhân viên Nhà trường, chắc chắn sẽ đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.

Tác giả: Lê Thu Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây