Tiếp tục chuỗi tọa đàm “Những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á” 2016

Thứ hai - 08/08/2016 04:28
Ngày 8/8/2016, Khoa Đông phương học tổ chức buổi toạ đàm khoa học thứ hai trong chuỗi toạ đàm của những nhà nghiên cứu trẻ với chủ đề “Những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á” năm 2016.
Tiếp tục chuỗi tọa đàm “Những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á” 2016
Tiếp tục chuỗi tọa đàm “Những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á” 2016

Buổi tọa đàm có sự tham gia của ngài Fujita Shinya, Trưởng đại diện Công ty Toshiba - Châu Á Thái Bình Dương tại Hà Nội; ngài Namekawa. Fumihiko - Nguyên Trưởng đại diện Quỹ Quốc tế Toshiba tại Hà Nội; GS.TS Mai Ngọc Chừ (Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV), TS. Nguyễn Tuấn Anh (Trưởng Khoa Đông phương học). Chuỗi toạ đàm này là nơi các cán bộ trẻ công bố các nghiên cứu của mình cũng như có cơ hội trao đổi chuyên môn với các nhà khoa học trong và ngoài trường để nâng cao năng lực nghiên cứu của mình. Hoạt động này do Quỹ Toshiba (Nhật Bản) tài trợ.

Ngài Namekawa Fumihiko phát biểu khai mạc tọa đàm 

Tại tọa đàm, các đại biểu đã nghe hai báo cáo khoa học: “Cải cách lập pháp ở Indonesia từ năm 1999 cho đến nay” của TS. Hồ Thị Thành (Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV) và “Tư tưởng của Ishida Baigan (1685-1744) và khuynh hướng phục hồi phong trào Sekimon Shingaku từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay” của ThS. Kiều Hồng Hạnh (Ban Văn hóa và truyền thông, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam).

Toàn cảnh toạ đàm

Báo cáo của TS. Hồ Thị Thành đã làm rõ quá trình cải cách lập pháp của Indonesia thông qua những nội dung: cơ sở dẫn đến cải cách lập pháp từ năm 1999; những sửa đổi về cơ cấu tổ chức và vai trỏ của cơ quan lập pháp, trong đó có Hội đồng Tư vấn nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất Indonesia; những cải cách trong thực tế tổ chức và hoạt động của Cơ quan lập pháp; cuối cùng là một số hạn chế trong tổ chức và hoạt động của cơ quan lập pháp Indonesia từ năm 1999 tới nay. Tác giả kết luận rằng, việc sửa đổi Hiến pháp Indonesia năm 1945 đã góp phần cơ bản làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của cơ quan này so với thời kỳ Trật tự mới. Cơ cấu lưỡng viện trong quốc hội với các thành viên được bầu cử trực tiếp từ cuộc Tổng tuyển cử đã giúp cơ quan lập pháp thời kỳ này thực hiện tốt các chức năng của mình. Tuy còn một số hạn chế, cải cách lập pháp đã góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa của Indonesia từ năm 1999 cho tới nay.

TS. Hồ Thị Thành trình bày báo cáo “Cải cách lập pháp ở Indonesia từ năm 1999 cho đến nay” 

Trong phần nhận xét, GS. TS Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật, ĐHQGHN) cho rằng bài luận đã phân tích tương đối đầy đủ nội dung của công cuộc cải cách lập pháp ở Indonesia qua các lần sửa đổi Hiến pháp, làm rõ được sự giảm vai trò của tổng thống trong lập pháp, cuối cùng là phân tích được vị trí vai trò của cơ quan đại diện khu vực DPD (Hội đồng Đại diện Nhân dân). Tuy nhiên, báo cáo còn hơi dàn trải và bị cắt khúc vì những đề mục không cần thiết như “khái niệm cơ quan lập pháp”, mục 3 phần “Sửa đổi các quy định pháp luật về cơ cấu tổ chức và vai trò của cơ quan lập pháp,”…Về phần mình, TS. Nguyễn Thành Văn (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng, tác giả đã dựng lên được “bức tranh” toàn diện về quá trình cải cách lập pháp ở Indonesia. Ông bổ sung thêm rằng, sự thành công của ASEAN trong việc hoàn thiện Cộng đồng ASEAN phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định và  của các nước thành viên, nhất là những nước như Indonesia. Chính vì thế, việc nghiên cứu về những cải cách ở Indonesia sẽ giúp Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung hiểu hơn về đất nước này và rút ra bài học cho bản thân mình.

Báo cáo của ThS. Kiều Hồng Hạnh đã đề cập tới những nội dung cơ bản trong tư tưởng của Ishida Baigan thông qua tác phẩm “Đô bi vấn đáp”, đồng thời phần nào khái quát và phân tích về khuynh hướng phục hồi Seikimon Shingaku từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay. Theo tác giả, tư tưởng của ông ra đời đúng vào lúc mà xã hội thị dân Nhật Bản ở giai đoạn đình trệ. Bằng việc quy kết các vấn đề kinh tế, xã hội về cái Tâm, về thái độ sống của mỗi người, tư tưởng của Baigan đã khắc phục thái độ sống thụ động trong đông đảo quần chúng bình dân. Nhờ hội tụ những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của giới thương nhân nói riêng và người Nhật Bản nói chung, phong trào Seikimon Shingaku mà Baigan khởi xướng đã khởi dậy tinh thần chính nghĩa của một đất nước đầy thương tổn sau chiến tranh thế giới thứ 2. Nó giúp cho Nhật Bản vững vàng phát triển các hoạt động thương mại trên toàn thế giới, giúp họ tự hào về thương hiệu Made in Japan ngày nay.

ThS. Kiều Hồng Hạnh thuyết trình báo cáo "“Tư tưởng của Ishida Baigan (1685-1744) và khuynh hướng phục hồi phong trào Sekimon Shingaku từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay”

Theo PGS. TS Phạm Hồng Thái (Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam), báo cáo của ThS. Kiều Hồng Hạnh đã đem lại tri thức mới, đóng góp quan trọng vào quá trình nghiên cứu và việc tăng cường hiểu biết văn hóa Nhật Bản nói chung và lịch sử tư tưởng Nhật Bản nói riêng tại Việt Nam. PGS. TS Phạm Hồng Thái  đánh giá cao việc tác giả sử dụng thống kê định lượng để phân tích tư tưởng của Ishida Baigan, cũng như những tư liệu có xuất xứ rõ ràng. Tác giả được khuyến khích cần tiếp tục những nghiên cứu liên hệ, so sánh với lịch sử tư tưởng Việt Nam để đóng góp nhiều hơn nữa. TS. Nguyễn Dương Đỗ Quyên (Viện Thông tin Khoa học Xã hội – Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam) thì cho rằng, đề tài này có ý nghĩa tham khảo với thực tiễn Việt Nam, khi vấn đề cân bằng giữa tăng trưởng với đạo đức và trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp của xã hội ngày càng trở nên cấp bách. Cụ thể, đề tài nghiên cứu một bài học lịch sử của Nhật Bản trong việc xây dựng đạo đức và văn hóa kinh doanh, nhờ đó các tập đoàn doanh nghiệp qua các thế hệ đã phát triển bền vững và bảo toàn uy tín quốc tế. Tuy nhiên, đề tài cần có một số sửa đổi về thuật ngữ, trình bày sâu hơn về nền tàng tư tưởng mà Baigan đã chịu ảnh hưởng, đồng thời nói thêm về mối liên hệ của hoạt động học thuật và giáo dục của Baigan với chính quyền và các tổ chức, hình thái chính trị-xã hội, văn hóa khác.

Tác giả: Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây