Ngôn ngữ
PGS.TS Phạm Quang Minh phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Thành Long/USSH)
Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị, ngoại giao trong nước và quốc tế.
Về phía Việt Nam, có ông Hoàng Chí Trung (Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam), ông Bùi Thế Giang (Vụ trưởng vụ Âu-Mỹ, Ban Đối ngoại TW Đảng), bà Tôn Nữ Thị Ninh (Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban hòa bình, Hiệp hội các tổ chức hữu nghị, Việt Nam)… cùng các đại biểu đến từ trường ĐH, viện nghiên cứu.
Về phía khách mời quốc tế, có bà Edelgard Bulmahn (Phó Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức), bà Jutta Frasch (Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam), ngài Natalio C Ecarma III (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Philippines), bà Eiko Ikegaya (Vụ hoạt động gìn giữ hoà bình, Liên hợp quốc)… cùng các đại biểu đến từ Đại học New South Wales (Australia), Bộ tư pháp CHLB Đức, Đại học Heidelberg (CHLB Đức), Trung tâm hoạt động hoà bình quốc tế CHLB Đức, Đại học Viễn Đông (Hàn Quốc), Viện Nghiên cứu hoà bình quốc tế (Thuỵ Điển), Viện Friedrich Ebert Stiftung (CHLB Đức), Học viện Hòa bình và Dân chủ Bali (Indonesia)…
Bà Edelgard Bulmahn (Phó Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức) phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Thành Long/USSH)
Bà Tôn Nữ Thị Ninh phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Thành Long/USSH)
Tháng 6/2013, tại Diễn đàn Đối thoại Quốc phòng Shangri-la ở Singapore, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức tuyên bố: Việt Nam sẵn sàng tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Và tuyên bố này được khẳng định lần nữa với lãnh đạo các quốc gia khi Thủ tướng tham dự phiên thảo luận chung của Đại hội đồng LHQ khoá 68 tại New York, ngày 27/9/2013. Với quyết định này, Việt Nam thể hiện trách nhiệm là quốc gia thành viên, đóng góp vào một lĩnh vực mà Việt Nam rất coi trọng: gìn giữ hoà bình và an ninh quốc tế.
Trong bối cảnh ấy, hội thảo quốc tế lần này hướng tới mục tiêu cung cấp cách nhìn sâu sắc hơn về các hoạt động, các quan điểm, kinh nghiệm về hoạt động gìn giữ hoà bình từ các góc độ và tiếp cận khác nhau; chỉ ra những bối cảnh và thách thức mới cho hoạt động giữ gìn hoà bình; xu hướng mới trong hợp tác khu vực và quốc tế trong hoạt động này và những kinh nghiệm cho Việt Nam.
Hội thảo gồm các phiên họp chính:
* “Một trật tự thế giới đang thay đổi - những hàm ý cho tương lai của hoạt động gìn giữ hòa bình?": gợi mở, đưa ra những ý kiến về các thách thức trong tương lai đối với nền hòa bình quốc tế cũng như an ninh khu vực và tác động của nó cho tương lai các hoạt động hòa bình.
* “Những qui tắc và quan niệm - một sự đồng thuận mong manh ?”: trao đổi những qui tắc và quan niệm hiện tại về những vấn đề xung đột, can thiệp và hoạt động gìn giữ hòa bình. Có những quan điểm cụ thể nào liên quan đến các qui tắc và khái niệm trong khu vực? Những quan điểm hiện tại này liên quan với nhau hoặc khác nhau thế nào, tại sao những sự khác biệt có thể ảnh hưởng đến tương lai của hoạt động hòa bình? Liệu những qui tắc và khái niệm mới sẽ được giới thiệu?
* “Mục tiêu tham gia: Các khía cạnh chính trị và ích lợi của các bên tham gia”: đánh giá sự tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình phù hợp như thế nào với các mục tiêu chính sách đối ngoại chung của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Những động lực tham gia là gì ? Liệu các động lực đó được định hướng bởi các cân nhắc chính trị, chuẩn mực hoặc kinh tế? Những câu hỏi chính được đặt ra là: những mục tiêu đối nội hoặc đối ngoại chủ yếu khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của các chính phủ trong khu vực là gì?; chúng ta có dự đoán được sự thay đổi mục tiêu trong tương lai?
* “Bối cảnh gìn giữ hòa bình mới: Hoạt động hòa bình phiên bản 2.0?”: tìm hiểu những điều kiện tiên quyết và những yêu cầu đối với các quốc gia, các tổ chức tại khu vực Đông Nam Á nhằm hỗ trợ các hoạt động hòa bình của LHQ. Các vấn đề được thảo luận là: Đâu là những thách thức cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ ? Chúng được giải quyết như thế nào? Làm cách nào để duy trì hoặc tăng cường các cam kết hiện tại của các nước trong khu vực Đông Nam Á? Các quốc gia có thể đóng góp những gì?
* “ASEAN và các hoạt động hòa bình”: tìm hiểu tiềm năng hiện tại và những vai trò mà ASEAN có thể đảm nhiệm trong việc quản lý xung đột khu vực và toàn cầu trong tương lai. Các nội dung chính là: ASEAN hiện đang đảm nhiệm vai trò gì trong kiến trúc an ninh khu vực Đông Nam Á và vai trò đó đã thay đổi thế nào trong những năm gần đây? Trong tương lai, ASEAN và LHQ sẽ đóng vai trò gì trong hoạt động gìn giữ hòa bình ở cả khu vực và quốc tế? Năng lực và cấu trúc của ASEAN sẽ phải thay đổi như thế nào để triển khai các hoạt động gìn giữ hòa bình?
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn