Ngôn ngữ
PGS.TS Phạm Văn Quyết trình bày báo cáo "Một số giải pháp phát triển hệ thống học liệu Sau đại học". (Ảnh: Thành Long/USSH)
Tại hội nghị, TS Trần Ngọc Liêu (Trưởng Phòng Đào tạo) đã trình bày báo cáo về Tổng quan công tác học liệu và kế hoạch phát triển hệ thống học liệu của Trường ĐHKHXH&NV đến năm 2020. Trong đó một số hiện trạng về công tác xây dựng học liệu nổi bật của Nhà trường trong năm học vừa qua là: Hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn về công tác xây dựng, khai thác, sử dụng và quản lý hệ thống học liệu còn chưa đầy đủ và đồng bộ; Công tác lập kế hoạch phát triển học liệu chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc khoa, bộ môn trực thuộc; Nguồn nhân lực điều phối thực hiện công tác này chưa được phân công cụ thể ở cấp khoa để giúp cho ban chủ nhiệm khoa theo dõi, quản lý hệ thống học liệu; Kinh phí đầu tư dù đã cao hơn mức Nhà nước quy định tới 31% nhưng vẫn rất thấp, trong khi đó cũng chưa có cơ chế cụ thể để huy động các nguồn hỗ rợ, tài trợ cho công tác biên soạn giáo trình.
Theo Báo cáo tổng quan, định hướng phát triển tới năm 2020, mục tiêu xây dựng và phát triển học liệu Nhà trường tập trung vào 5 nội dung chính:
- Đến năm 2020, ít nhất 90% môn học bắt buộc có giáo trình và bài giảng chính thức được nghiệm thu. Đồng thời 50% môn học bắt buộc hiện có bài giảng được phát triển thành giáo trình.
- Ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng giáo trình, bài giảng và ban hành quy định về quản lý, xây dựng và sử dụng học liệu trong đào tạo đại học.
- Chuyển định dạng ebook tất cả các giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo chưa xuất bản được và có cơ chế khai thác, bảo vệ tác quyền của giảng viên và quyền sở hữu của Nhà trường để đưa vào phục vụ giảng dạy và học tập.
- Liên kết cơ sở dữ liệu về học liệu đang có tại phòng tư liệu chuyên ngành các khoa để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng.
Tham luận về công tác học liệu của Nhà trường của các Khoa, TS Vũ Văn Quân, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử đề xuất ý tưởng về việc đầu tư xây dựng thư viện Khoa Lịch sử là một tâm điểm trong việc xây dựng hệ thống học liệu, tài liệu lưu trữ cấp Khoa của Nhà trường. Việc đầu tưu này vừa mang ý nghĩa tư liệu, học liệu quan trọng, lại vừa là nơi tham quan, giới thiệu ra đối tác bên ngoài. Bởi theo TS. Vũ Văn Quân, Khoa Lịch Sử và Khoa Văn học của Nhà trường là các khoa có bề dày lịch sử và hệ thống tài liệu học liệu không chỉ phong phú mà còn nhiều tài liệu quý và hiếm.
Về kế hoạch mở rộng nguồn học liệu tham khảo "Nhà trường cũng nên lưu ý trong việc mua những tài liệu dịch thuật mới. Việc cần thiết hiện nay đó là xây dựng một hội đồng liên ngành, hội đồng này sẽ có những quyết định hay những tham vấn cho Nhà trường trong việc mua các loạt tài liệu tham khảo mới" ThS Phạm Ánh Sao, Phó chủ nhiệm Khoa Văn học chia sẻ.
Ngoài các tham luận, ý kiến trực tiếp tại hội trường, hội nghị còn lắng nghe một số báo cáo: Một số giải pháp phát triển hệ thống học liệu Sau đại học của PGS.TS Phạm Văn Quyết; Vai trò của Trung tâm TT-TV ĐHQGHN và sự phối hợp với trường ĐHKHXH&NV trong công tác học liệu của Trung tâm TT-TV ĐHQGHN; Nhiệm vụ của giảng viên trong xây dựng và phát triển hệ thống học liệu; Số hóa hệ thống học liệu và quản lý nguồn học liệu số.
Tác giả: Đình Hậu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn