Tin tức

Hội thảo quốc tế "Pháp, châu Âu và Việt Nam từ 1954"

Thứ hai - 17/02/2014 23:04
Từ ngày 16-18/1, tại thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp) diễn ra Hội thảo quốc tế “Pháp-châu Âu-Việt Nam từ năm 1954”. Hội thảo do Đại học Paris I Panthéon-Sorbone và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) phối hợp với một số đối tác thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Pháp tổ chức.

Mục đích của Hội thảo này là nhằm đánh giá mối quan hệ lịch sử và tiến trình ngoại giao của hai nước kể từ sau Hiệp định Genève 1954 đến hợp tác chiến lược Pháp-Việt ký kết năm 2013. Những bình diện lớn trong quan hệ song phương đều được đưa ra thành các chủ đề thảo luận như: hợp tác quốc phòng, mối quan hệ chiến lược chính trị được đánh giá bởi các nhà sử học và được nhìn nhận từ các chứng nhân, bên cạnh đó là các quan hệ kinh tế và pháp luật, quan hệ trong lĩnh vực văn hóa và tôn giáo. Hội thảo diễn ra tại 3 địa điểm trang trọng mang những ý nghĩa biểu trưng khác nhau: tiểu ban về hợp tác quốc phòng diễn ra ở Bảo tàng Quân đội, chủ đề quan hệ chiến lược chính trị được thảo luận ở Bộ Ngoại giao và chủ đề hợp tác văn hóa - tôn giáo được trình bày tại  trường ĐH Panthéon-Sorbonne. 

Đại diện cho giới sử học là những tên tuổi quen thuộc, những chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam như Pierre Brocheux, Hugues Tertrais, Pierre Asselin, hay những nhà sử học chuyên về quan hệ quốc tế James G. Hershberg hay Pierre Journoud. Những nhà ngoại giao kỳ cựu như bà Tôn Nữ Thị Ninh và các vị cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam (Louis Amigues, Claude Blanchemaison, Antoine Pouillieute) cũng góp tiếng nói và trải nghiệm trong nghề khi còn đương chức. Ở lĩnh vực văn hóa và kinh tế, mỗi tham luận của các chuyên gia hay nhà nghiên cứu đều đề cập đến một khía cạnh cụ thể trong hợp tác song phương như bảo tàng, văn học, giáo dục, báo chí, tôn giáo, thương mại, năng lượng nguyên tử… 

Đoàn đại biểu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội có 5 nhà khoa học tham dự. Ngoài phát biểu của Giáo sư Hiệu trưởng Nguyễn Văn Khánh trình bày trong phiên khai mạc, tham luận của bốn thành viên còn lại (PGS. TS Phạm Quang Minh - Phó Hiệu trưởng, PGS. TS Trần Thu Hương - Khoa Tâm lý học, PGS.TS Trịnh Văn Tùng - Khoa Xã hội học, TS Bùi Thành Nam - Khoa Quốc tế học được giới thiệu ở từng chủ đề nêu trên như một quan sát hay nhìn nhận đến từ một Việt Nam đương đại. 

Trong 40 năm qua, dù có những giai đoạn thăng trầm, nhưng với nỗ lực vun đắp từ cả hai phía, quan hệ Pháp - Việt đạt những thành quả quan trọng. Pháp là quốc gia châu Âu đầu tiên, ngay từ những năm 1990, đã tích cực ủng hộ công cuộc Đổi mới cũng như quá trình phát triển và hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam. Về phần mình, Việt Nam luôn nhất quán coi trọng và ưu tiên quan hệ đối tác với Pháp trong tổng thể chính sách đối ngoại của mình.

Về kinh tế - thương mại, Pháp hiện là nhà đầu tư lớn thứ hai và là đối tác thương mại lớn thứ ba châu Âu tại Việt Nam. Hiện có trên 300 công ty, ngân hàng Pháp đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhiều hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao của Pháp được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam.

Đồng thời, Pháp cũng là một trong những nhà tài trợ phát triển (ODA) hàng đầu với các dự án quan trọng như quản lý tài chính công, vệ sinh môi trường, quy hoạch và phát triển đô thị, phát triển kinh tế nông thôn, giúp Việt Nam xây dựng Bảo tàng Dân tộc học, Nhà Pháp luật Việt-Pháp, hỗ trợ nâng cấp và cung cấp trang thiết bị y tế, hỗ trợ đào tạo cho nhiều bệnh viện cũng như các cơ sở nghiên cứu khoa học của Việt Nam…

Cho tới nay, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận quan trọng, thiết lập và duy trì thường xuyên, hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giao lưu nhân dân… Qua đó, Việt Nam và Pháp đã từng bước trở thành đối tác quan trọng cùng có lợi của nhau trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp độ. Tháng 9/2013 vừa qua, cùng với chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược.

Trong không ít các bản tham luận, các tác giả đã nhấn mạnh đến một đặc điểm « mới » trong quan hệ Pháp-Việt, không chỉ ở sự cam kết đối tác chiến lược mà còn vì tính đa phương trong đối thoại giữa hai đại lục Âu-Á mà nước Pháp và Việt Nam là hai nước đại diện cho châu lục của mình.

Ngoài ý nghĩa mở màn cho mùa Việt Nam tại Pháp, quy mô và sự phong phú của hội thảo còn được thể hiện ở tính đa ngành và việc tham gia đông đảo của các thành viên tham dự, từ giới nghiên cứu (sử học, xã hội học, kinh tế…), các nhà ngoại giao, chuyên gia đến các nhân chứng. Chính vai trò hay vị thế của các tác giả thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau đã khiến cho hội thảo vừa đa dạng vừa đa chiều và có tính liên ngành. Cuộc gặp gỡ khoa học này không chỉ có ý nghĩa tổng kết 40 năm quan hệ ngoại giao (kể từ 1974) mà còn là sự kết nối và tiếp nối quan hệ Pháp – Việt từ sau năm 1954 cho đến nay. 

Hội thảo là hoạt động tiêu biểu cho năm Pháp-Việt 2013-2014 - gồm một chuỗi các sự kiện thuộc các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, hợp tác đại học và nghiên cứu, du lịch, thể thao, kinh tế… do hai nước đồng tổ chức nhân kỷ niệm bốn mươi năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Mùa nước Pháp tại Việt Nam diễn ra vào nửa cuối năm 2013 và mùa Việt Nam tại Pháp tiếp tục vào nửa đầu năm 2014.

Tác giả: Nguyễn Thuỵ Phương (ĐH Paris Descartes)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây