Thông báo toạ đàm "Mỗi chuyến đi một cánh cửa" và ra mắt sách du ký của Nguyễn Phan Quế Mai

Thứ năm - 28/07/2016 23:39
Chiều 01 tháng 8 năm 2016, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) sẽ phối hợp với Nhà xuất bản Phụ nữ tổ chức cuộc tọa đàm "Mỗi chuyến đi một cánh cửa" và ra mắt cuốn sách du ký mang tên "Hạt muối rong chơi" của tác giả Nguyễn Phan Quế Mai.
Thông báo toạ đàm
Thông báo toạ đàm "Mỗi chuyến đi một cánh cửa" và ra mắt sách du ký của Nguyễn Phan Quế Mai

Tại cuộc tọa đàm, các sinh viên của trường và cử tọa sẽ được nghe tác giả Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết về hành trình ấp ủ ước mơ, chuẩn bị hành trang trên những cung đường (kỹ năng học ngoại ngữ, tự lập), quyết tâm vươn tới ước mơ (săn tìm học bổng và cơ hội việc làm), hội nhập và tận hưởng những trải nghiệm ở môi trường quốc tế. Từ trải nghiệm của chính bản thân mình, những câu chuyện ấy sẽ được tác giả kể lại thông qua những trang viết trong cuốn sách du ký của mình.

Cử tọa cũng sẽ có thể trao đổi kỹ hơn với tác giả và các khách mời, gồm bà Khúc Thị Hoa Phượng - giám đốc kiêm tổng biên tập của Nhà xuất bản Phụ nữ và ông Graham Alliband - cựu đại sứ Australia tại Việt Nam, hiện là Giám đốc chương trình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam-Australia về những trở ngại đối với hành trình vươn ra thế giới và việc hội nhập của người Việt với môi trường quốc tế, cũng như về chương trình học bổng của chính phủ Australia – một học bổng đã tạo cơ hội cho tác giả Nguyễn Phan Quế Mai bước ra với thế giới từ nhiều năm về trước. 

Ông Graham Alliband cũng sẽ thông báo những thông tin mới nhất về cơ hội, các điều kiện và kinh nghiệm ứng tuyển trong các chương trình Học bổng Chính phủ Australia hiện nay cũng như các kỹ năng cần chuẩn bị cho việc du học.

MC của chương trình là nhà giáo Phan Hồ Điệp, giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tác giả của nhiều cuốn sách giáo dục cho trẻ em và là mẹ của dịch giả nhỏ tuổi Đỗ Nhật Nam. Phan Hồ Điệp còn là người đã khởi xướng nhiều hoạt động hỗ trợ giáo dục và có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng.

Nguyễn Phan Quế Mai là tác giả và dịch giả của 16 quyển sách thơ và văn xuôi. Chị đã nhận được các giải thưởng văn học như: Giải thưởng Thơ Hội Nhà văn Hà Nội 2010, Giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Giải nhất cuộc thi “Thơ về Hà Nội 2008-2010”… Đã sống, làm việc và học tập ở nhiều nước trên thế giới, hiện Nguyễn Phan Quế Mai đang tạm định cư cùng chồng và hai con tại Brussels (Bỉ). Chị đang nghiên cứu tiến sĩ và làm việc từ xa cho trường đại học Lancaster (Anh Quốc).

Buổi tọa đàm được tổ chức từ 14 giờ 00 ngày 01/8/2016 tại Hội trường tầng 8 nhà E, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 336 Nguyễn Trãi. 

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

  • PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, khoa Báo chí và Truyền thông

ĐT: 091.995.0698       E-mail: huyenanh02@yahoo.com

HẠT MUỐI RONG CHƠI

(Du kí)

  • Thông tin tác phẩm

Bìa cuốn sách "Hạt muối rong chơi"

Tên tác phẩm: Hạt muối rong chơi  (du kí)

Số trang: 350 trang ; Khổ: 13,5 x 20,5 cm

Tác giả: Nguyễn Phan Quế Mai

Giá bìa: 92.000 đồng

Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành trên toàn quốc vào tháng 8 năm 2016.

  • Tác phẩm

Bạn sẽ bắt gặp hình ảnh một cô bé châu Á run rẩy trước thiên nhiên hùng vĩ của thế giới, sợ co rúm người khi lần đầu tiên nhìn thấy người đàn ông trần truồng như nhộng, và hồ hởi trước những cơ hội đem thơ ca … đi đánh xứ người.

Bạn sẽ gặp những phận người Việt chìm nổi bốn phương, diện kiến với phù thủy ở Siquijor, chạm vào sự khủng khiếp của bạo lực và ma túy ở Colombia.

Bạn sẽ rong ruổi trên một chiếc xe ô tô xuyên biên giới, và chứng kiến những điều thật kỳ lạ xảy ra trong chuyến hành trình ấy.

...

Sẽ còn nhiều điều thú vị và hấp dẫn hơn nữa khi bạn cùng Nguyễn Phan Quế Mai bước vào tập du kí Hạt muối rong chơi của nhà thơ tài hoa này.

Được sinh sống và trải nghiệm du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới, song bốn đất nước để lại nhiều ấn tượng không thể nào quên trong Nguyễn Phan Quế Mai là: Úc, Colombia, Lào và Philippines. Rong ruổi qua những địa danh nổi tiếng của bốn quốc gia đó, cô gái Việt đã mở mang tầm mắt với những câu chuyện của lịch sử, văn hóa và đời sống của người dân bản xứ: Những người Úc bị bỏ quên, Sống cùng những người đã chết, Gặp phù thủy ở Siquijor, “Sang Philippines, coi chừng bị bắn”, Suýt chết ở Lào, Lời hòa bình từ Colombia, Gặp ma ở Villa de Leyava...

Bằng nhiều cơ duyên và với sự nỗ lực không ngừng của bản thân, Nguyễn Phan Quế Mai đã tích lũy cho mình những kiến thức, kĩ năng và các trải nghiệm tuyệt vời mà không phải ai cũng may mắn có được. Đọc xong tập sách nhỏ này, bạn sẽ thêm yêu thích du lịch và đồng cảm hơn với suy nghĩ của tác giả: “Tôi đã khởi đầu những chuyến đi của mình bằng sự hồ hởi và ngông cuồng của một chú ngựa non nôn nóng muốn lướt qua sự hùng vĩ và diệu kỳ của thế giới. Càng đi, tôi càng thấy mình thấp xuống, để giờ đây tôi là một con ốc sên nhích từng centimet trên mặt đất vô cùng tận. Thật chậm rãi, tôi đi và nhận lấy cho mình cát bụi của những cung đường. Câu chuyện về thân phận của những người dân bản xứ chính là những tấm gương soi sáng cho tôi, để tôi biết rằng mình chỉ là một hạt muối bé nhỏ, mà đại dương thì mãi bao la”.

Trong cuốn sách của mình, Nguyễn Phan Quế Mai cũng hài hước bật mí, sở dĩ chị đi được nhiều nơi như thế, là vì chị có nốt ruồi rất to giữa bàn chân phải.

Thử ngó xuống chân bạn xem sao?

  • Tác giả:

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai

Nguyễn Phan Quế Mai là tác giả và dịch giả của 16 quyển sách thơ và văn xuôi. Chị đã nhận được các giải thưởng văn học như: Giải thưởng Thơ Hội Nhà văn Hà Nội 2010, Giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Giải nhất cuộc thi “Thơ về Hà Nội 2008-2010”…

Đã sống, làm việc và học tập ở nhiều nước trên thế giới, hiện Nguyễn Phan Quế Mai đang tạm định cư cùng chồng và hai con tại Brussels (Bỉ). Chị đang nghiên cứu tiến sĩ và làm việc từ xa cho trường đại học Lancaster (Anh Quốc).

Đọc tập du ký đầu tiên của Nguyễn Phan Quế Mai (Từ tuyết đến mặt trời), nhà văn Bích Ngân đã từng viết “Do môi trường sống và làm việc, Nguyễn Phan Quế Mai thường được đến, làm việc và sống ở nhiều vùng, nhiều miền của nhiều đất nước. Hơn nữa, vốn là một nhà thơ nên đi đâu, ở đâu, cái hồn thơ của người thơ giúp chị không nhìn con người và cuộc sống bằng vẻ choáng ngợp bên ngoài. Chị lặng lẽ kiếm tìm những chiều kích sâu hơn, rộng hơn.” Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã từng nhận xét: “Có một điều tôi nhận ra và điều này vô cùng quan trọng đối với Nguyễn Phan Quế Mai. Đó là mỗi chuyến đi của chị đến một vùng đất không phải là cách đi của một khách du lịch và cũng không phải cách đi của một nhà nghiên cứu mà là cách của một người đến đó như để sống cho hết đời mình. …Chị đã kể lại một cách mê đắm những gì chị chứng kiến, mê đắm đến mức có lúc tưởng như tôi cùng chị lạc mất ở những nơi chốn đó, và chẳng hy vọng có ngày tìm được lối về...”

 

Tác giả: Khoa Báo chí và Truyền thông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây