Một chuyện "lạ" ở khoa Việt Nam học và Tiếng Việt

Thứ năm - 13/04/2017 05:05
Trong một môi trường đa ngôn ngữ, đa văn hóa như Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (VSL) – nơi từ lâu đã trở thành mái nhà chung của đông đảo sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế, không khó để bắt gặp những kì lạ thường ngày. Tôi xin kể lại một câu chuyện kì lạ vừa mới diễn ra.
Một chuyện
Một chuyện "lạ" ở khoa Việt Nam học và Tiếng Việt

Lê Đại Thắng – một người bạn học cùng lớp đại học với tôi, làm việc ở Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, sau nhiều năm vật lộn với bệnh suy thận, đang lâm vào hoàn cảnh bi đát. Theo kết luận của bác sỹ, thận của Thắng đã bị hỏng hoàn toàn và nếu không khẩn trương thay thận, Thắng có nguy cơ bị mù vĩnh viễn, bị liệt não và suy tim. Thực tế, sức khỏe của Thắng ngày một kém, thị lực yếu dần và việc đi lại ngày càng khó khăn. Ngặt nỗi, muốn thay thận, bệnh nhân cần một số tiền lên đến 700 triệu đồng. Trong điều kiện hiện tại của Thắng, đấy là một con số không tưởng. Là con của một bà vợ lẽ, gia cảnh hàn vi, từ khi lấy vợ và mắc bệnh, toàn bộ của hồi môn và thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ giúp Thắng chạy thận. Trong cơn bĩ cực, vợ chồng Thắng đã tìm mọi kế xoay xở, kể cả việc rứt ruột bán đi những quyển sách quý đã dày công tích cóp trong nhiều năm trời nhưng hiệu quả thu về chỉ như muối bỏ biển. Tuyệt vọng, Thắng cầu cứu bạn bè. Cảm thương hoàn cảnh của bạn, lớp tôi đã cùng góp tiền và lập ra một fanpage để kêu gọi mọi người giúp đỡ Thắng.

Sinh viên Lê Thị Thủy (áo trắng) - bạn sinh viên khiến nhiều người cảm phục với quyết định của mình

Nhờ facebook, Lê Thị Thủy – nữ sinh năm cuối của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt biết được hoàn cảnh của Thắng và đã chủ động liên hệ với Phạm Xuân Thịnh – một thành viên quản trị fanpage, cũng là một người rất tích cực trong nỗ lực kết nối Thắng với mọi người. Sau mấy câu chào hỏi làm quen, Thủy trình bày luôn ý định:

– Em đã  đọc bài đăng của anh, được biết là anh đang thực hiện quyên góp tiền cho bạn anh. Em có tìm hiểu thì biết rằng nếu bị suy thận thì phải phẫu thuật để ghép thận. Bạn anh đã tìm được nguồn tạng chưa? Em có thể hiến tặng anh ấy, còn nếu cần máu em có thể cho máu giúp bạn anh.

Lời đề nghị bất ngờ của Thủy khiến Thịnh hoàn toàn sửng sốt:

– Em là ai. Sao em tốt vậy ?

–  Em là sinh viên Khoa Việt Nam học. Em muốn làm thế vì em biết bạn anh là một người yêu sách, mà em cũng là một người yêu sách anh ạ. Em không có mục đích gì đâu. Em được biết người hiến thận không cùng huyết thống thì cơ hội sống sót của người nhận thận sẽ cao hơn.

– Em ơi, em tốt quá. Thay mặt bạn, anh vô cùng cảm ơn em. Đây là việc lớn và chúng ta sẽ suy nghĩ, bàn bạc thêm em nhé. Nhưng ngay bây giờ anh đã thấy rằng em đúng là sản phẩm của trường Nhân văn và anh thấy tự hào vì mình đã học ở đó.

– Em chưa làm được gì thì anh đừng nói cảm ơn em.

– … Thật sự anh hơi bối rối trước em vì anh chưa chuẩn bị tâm lý cho tình huống này.

Kì lạ chưa, một quyết định rất hệ trọng như thế đã được Thủy đưa ra không chút đắn đo và giải thích bằng một lí do vô cùng giản dị: muốn hiến thận chỉ vì đồng cảm với tình yêu sách của bệnh nhân, muốn giúp bệnh nhân vượt qua nỗi đau bệnh tật để theo đuổi tình yêu ấy. Tuy nhiên, ẩn sau cái quyết định nhẹ như không của Thủy là một quan niệm rất sâu sắc về trách nhiệm làm người. Là một Phật tử, với Thủy, giúp người hay mang đến hạnh phúc cho người khác là việc đương nhiên, là lẽ tự nhiên không phải nghĩ bàn.

Nhưng Thủy không hình dung được rằng, những lời nói giản dị và tự nhiên của em đã làm chấn động tâm trí Thịnh. Không ngủ được, Thịnh đã chia sẻ cuộc trò chuyện ngắn giữa anh và Thủy trên fanpage và lập tức tạo ra một hiệu ứng tích cực trong cộng đồng mạng. Từ Thanh Hóa, một họa sĩ không giấu được niềm xúc động: “Tấm lòng Bồ Tát. Chỉ có thể hiểu theo cách của nhà Phật là vị nữ thí chủ này đến trả ơn nghĩa từ tiền kiếp”. Từ Sài Gòn, một nữ doanh nhân hồ hởi: “Ai bảo cuộc sống không có phép màu? Cảm ơn em Thuỷ, cô sinh viên giàu lòng nhân ái mà chị chưa hề quen biết. Cô gái đã xin hiến cho bạn Thắng một quả thận. Cảm ơn em thật nhiều nhé”. Tại Hà Nội, một cựu sinh viên bùi ngùi tâm sự: “Sau này ra khỏi trường rồi chữ nghĩa có thể rơi rụng dần, bài giảng về chuyên ngành của thầy cô sẽ có thể chẳng áp dụng được mấy trong cuộc đời nhưng nhân tâm thì luôn đong đầy, trọn vẹn và trường tồn”. Có một trùng hợp thú vị là kể từ khi câu chuyện tình nguyện hiến tạng của cô nữ sinh bé nhỏ được truyền đi, các hoạt động hỗ trợ Thắng tiến triển từng ngày với rất nhiều hình thức dễ thương và sáng tạo. Tối qua, vợ Thắng chia sẻ với nhóm quản trị fanpage: “Nhiệm màu quá các bạn ơi. Mọi chuyện diễn ra ngoài sức mong đợi của vợ chồng mình. Nhất định Thắng sẽ được cứu. Vợ chồng mình sẽ cố gắng hết sức để không phụ lòng tốt của mọi người”.

Hẳn bạn và tôi đều tin rằng câu chuyện của Thủy đã có một vai trò nhất định nào đó trong việc đánh thức sự tử tế trong mỗi người và trong hành trình hồi sinh tất yếu diễn ra của Thắng. Vì một lẽ đơn giản, tình thương đích thực – thứ vẫn thường tồn tại dưới những hình thức bình dị nhất vẫn luôn có sức mạnh chuyển hóa, nâng đỡ, gắn kết con người, đưa con người chạm đến những khả năng mà trước đó họ chưa bao giờ nghĩ đến và không ngừng làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên mầu nhiệm hơn, đáng yêu hơn.

Tác giả: Đặng Hoàng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây