Tin tức

Nghề nghiệp: Ngành Tâm lí học

Thứ ba - 03/04/2012 21:59

CHUYÊN VIÊN THAM VẤN TÂM LÍ

Là người trợ giúp cá nhân khác khi họ gặp khó khăn tâm lí bằng cách khơi gợi những tiềm năng trong họ, để chính họ giải quyết vấn đề của mình. Những công việc và nhiệm vụ phải thực hiện:
  • Trò chuyện với thân chủ để cùng phát hiện ra những vấn đề của họ đang gặp phải.
  • Lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc với thân chủ.
  • Hỗ trợ thân chủ đưa ra giải pháp và tăng cường sức mạnh để vượt qua những khó khăn tâm lí mà thân chủ gặp phải.
Các yêu cầu về năng lực, tính cách:
  • Chấp nhận;
  • Chân thành;
  • Thấu cảm;
  • Không định kiến;
  • Kĩ năng giao tiếp và lắng nghe tốt.
Các cơ quan, đơn vị tuyển dụng: Các trung tâm tư vấn tâm lí, trường học, bệnh viện, các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực phát triển cộng đồng. Triển vọng nghề nghiệp: Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu được tư vấn, chia sẻ tâm lí ngày càng cao, đặc biệt là nhu cầu tham vấn sức khoẻ tinh thần. Do đó, các chuyên gia tham vấn tâm lí có nhiều cơ hội để thể hiện tài năng để trợ giúp mọi người. Tại các trường học, bệnh viện, các nhà tham vấn tâm lí luôn được chào đón đến làm việc.

NHÀ TRỊ LIỆU TÂM LÍ

Nhà trị liệu tâm lí dùng các hệ thống lí thuyết, phương pháp, kĩ thuật trị liệu tâm lí để giúp đỡ cá nhân vượt qua cơn khủng hoảng mà họ gặp phải trong cuộc sống. Những nhiệm vụ và công việc cụ thể:
  • Phỏng vấn, tìm hiểu, phát hiện và tiên lượng những vấn đề tâm lí của thân chủ gặp phải.
  • Hoạch định kế hoạch, chiến lược can thiệp cho thân chủ.
  • Dùng các phương pháp trị liệu để tác động lên thân chủ, giúp họ thoát khỏi những khó khăn tâm lí.
  • Tư vấn cho cá nhân, gia đình các biện pháp phòng tránh những rối nhiễu tâm lí.
Các yêu cầu về năng lực, tính cách:
  • Khả năng tư duy, phán đoán;
  • Nhạy cảm và Kiên trì;
  • Thận trọng;
  • Khả năng lắng nghe và giao tiếp tốt;
  • Kinh nghiệm làm việc với con người.
Cơ quan tuyển dụng:
  • Các bệnh viện đa khoa, viện sức khoẻ tâm thần, các trung tâm tư vấn, hỗ trợ tâm lí.
  • Cá nhân cũng có thể hành nghề độc lập (đến trị liệu, thăm khám tại gia đình).
Triển vọng nghề nghiệp: Cuộc sống càng năng động, phát triển khiến con người càng gặp nhiều căng thẳng khó khăn tâm lí. Đây chính là cơ hội để Nhà trị liệu tâm lí thể hiện khả năng nghề nghiệp của mình để giúp đỡ người khác vượt qua những khó khăn để có một chất lượng cuộc sống tốt hơn và hạnh phúc hơn. Nhà trị liệu có thể làm việc độc lập hoặc trong các trung tâm chữa trị tâm lí, các bệnh viện, trường học...

NHÀ TƯ VẤN TUYỂN DỤNG

Giúp các nhà quản lí doanh nghiệp... đánh giá nhu cầu nhân lực của tổ chức, nghiên cứu để xác định các yêu cầu của vị trí tuyển dụng, lên kế hoạch và thực hiện phỏng vấn tuyển dụng các ứng viên có những đặc điểm phù hợp. Những nhiệm vụ, công việc cụ thể phải thực hiện:
  • Tiếp nhận và ghi chép các thông tin tuyển dụng của nhà tuyển dụng
  • Tổ chức các buổi phỏng vấn nhân sự để lựa chọn người phù hợp với vị trí tuyển dụng.
  • Thực hiện và phân tích các bài kiểm tra trí tuệ (IQ, EQ, CQ...) đối với các ứng viên để đánh giá chất lượng trước khi lựa chọn.
  • Tổ chức các khoá đào tạo thích hợp cho các ứng viên đã được tuyển, đảm bảo cho quá trình làm việc có hiệu quả sau này.
Các yêu cầu về năng lực, tính cách:
  • Có cảm nhận tốt và hiểu được phẩm chất của con người;
  • Kĩ năng phân tích và quyết đoán;
  • Kĩ năng giao tiếp nói và viết tốt;
  • Giữ bí mật, nhạy cảm và suy xét chín chắn khi làm việc về con người.
Cơ quan tuyển dụng:
  • Các tổ chức, doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu, bệnh viện… đều có nhu cầu tuyển dụng vị trí này.
  • Các trang web tuyển dụng, các công ty tuyển dụng nhân sự độc lập…
Triển vọng nghề nghiệp: Bất kì tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hoặc tổ chức quốc tế đều có nhu cầu sử dụng các nhà tư vấn tuyển dụng trong các hoạt động quản trị của mình. Nghề tư vấn tuyển dụng được đánh giá là 1 trong 10 nghề hấp dẫn nhất hiện nay.

CÁN BỘ NGHIÊN CỨU TÂM LÍ HỌC

Nghiên cứu tâm lí của từng cá nhân hoặc nhóm xã hội và áp dụng kết quả nghiên cứu để giảm thiểu sự đau khổ và những áp lực hàng ngày, tăng cường sức khoẻ tinh thần và khuyến khích các hành vi hợp lí trong cá nhân và nhóm. Những nhiệm vụ, công việc cụ thể phải thực hiện:
  • Xây dựng các kế hoạch nghiên cứu các vấn đề tâm lí học của cá nhân hoặc nhóm.
  • Tiến hành điều tra, nghiên cứu tại các địa phương, vùng, miền hoặc trong các tổ chức, đoàn thể để phát hiện và giải quyết các vấn đề tâm lí đang tồn tại.
  • Đánh giá kết quả của các nghiên cứu, đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng sống, hiệu quả công việc, cải thiện sức khoẻ tâm lí...
Các yêu cầu về năng lực, tính cách:
  • Có cảm nhận tốt và hiểu suy nghĩ bên trong của con người;
  • Kĩ năng phân tích và quyết đoán;
  • Kĩ năng giao tiếp nói và viết tốt;
  • Kiên nhẫn, chịu khó;
  • Cầu thị, ham học hỏi, khám phá các vấn đề tâm lí con người, nhóm xã hội;
  • Trung thực và thẳng thắn.
Cơ quan tuyển dụng: Các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu, các công ty nghiên cứu thị trường… Triển vọng nghề nghiệp: Hàng năm các Viện, Trung tâm nghiên cứu, Tổ chức phi chính phủ trong nước, quốc tế... đều có các chương trình tuyển dụng nhân sự cho các đề tài, dự án nghiên cứu, dự án phát triển cộng đồng. Ngoài việc làm công tác nghiên cứu, cán bộ NC tâm lí còn được mời tham gia giảng dạy tại các trường CĐ, ĐH...

CÁC CƠ HỘI VIỆC LÀM KHÁC

  • Trong các cơ sở đào tạo (làm giáo viên giảng dạy Tâm lí học tại các Trường Cao Đẳng, Đại học...);
  • Trong các cơ sở nghiên cứu (làm cán bộ nghiên cứu, cán bộ dự án phát triển cộng đồng tại các Viện Tâm lí học, các Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng Tâm lí học, các Tổ chức Phi Chính phủ trong và ngoài nước...);
  • Trong các công ty, trung tâm làm dịch vụ tư vấn tâm lí (Làm tư vấn viên, cán bộ trị liệu...);
  • Trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (Nhân viên phòng Nhân sự; Phòng Marketting; Thiết kế quảng cáo, Nghiên cứu thị trường...);
  • Trong các bệnh viện (làm cán bộ trị liệu tâm lí cho trẻ em và người lớn);
  • Trong các tổ chức đoàn thể, chính quyền (cán bộ Đoàn, Đảng, cán bộ tuyên giáo...) ở các địa phương trong cả nước.

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây