Tin tức

Những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá

Chủ nhật - 15/04/2012 11:46
Hội thảo khoa học với chủ đề “Những vấn đề Ngôn ngữ và Văn hoá” do Khoa Ngôn ngữ học phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Hà Nội tổ chức đã diễn ra vào ngày 14/4/2012 tại Trường ĐHKHXH&NV.
Những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá
Những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá
Hội thảo khoa học với chủ đề “Những vấn đề Ngôn ngữ và Văn hoá” do Khoa Ngôn ngữ học phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Hà Nội tổ chức đã diễn ra vào ngày 14/4/2012 tại Trường ĐHKHXH&NV. Dự hội thảo có các nhà khoa học đến từ nhiều cơ sở nghiên cứu và đào tạo trong nước và nước ngoài: Viện Ngôn ngữ học, Viện Từ điển học và Bách Khoa thư, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hội Ngôn ngữ học Hà Nội, giảng viên, sinh viên, học viên, NCS của Khoa Ngôn ngữ học Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN…

Hội thảo tập trung bàn thảo về hai vấn đề chính: 1. Đánh giá, ghi nhận những thành tựu nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hoá của GS.NGND Nguyễn Tài Cẩn, với bài viết của GS Lê Quang Thiêm về “Một vài hệ luận ngữ học tổng quát của Tiếng Việt liên hệ với khái niệm Tiếng”; GS Nguyễn Thiện Giáp bàn về “Những khác biệt trong hệ thống ngữ Pháp Tiếng Việt của GS Nguyễn Tài Cẩn”; tham luận của GS Đinh Văn Đức “Về một tập bài giảng quý báu của GS Nguyễn Tài Cẩn”; “Đóng góp của GS Nguyễn Tài Cẩn cho chuyên ngành nghiên cứu lịch sử văn học dân tộc” của PGS Trần Ngọc Vương… 2. Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ và văn hoá nói chung, tiếng Việt và văn hoá Việt Nam nói riêng, với tham luận “Đôi điều suy nghĩ về nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá (Từ hướng nhìn của ngôn ngữ học tri nhận và ngôn ngữ và văn hoá )” của GS Lí Toàn Thắng; “Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá: nhìn từ bình diện ngôn ngữ là chứng tích văn hoá” của GS Trần Trí Dõi; “Các ngôn ngữ nhánh Việt (Vietic) ở Trung Đông Dương và vấn đề lịch sử tiếng Việt” của GS Nguyễn Văn Lợi; “Hư từ tiếng Việt thế kỉ XVII trong ba văn bản viết bằng chữ quốc ngữ” của PGS Vũ Đức Nghiệu; “Cách đọc Hán Việt và tính hư cấu trong Thiết Vận – nhìn từ góc độ hiện tượng Trọng Nữu” của GS Shimizu Masaaki (Đại học Oasaka – Nhật Bản); Khảo về Chằm và Trải trong Tiếng Việt qua “Cư trần Lạc đạo phú” của Trần Nhân Tông của nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ và TS Trần Trọng Dương…

Hội thảo khoa học lần này có ý nghĩa đặc biệt nhằm tưởng nhớ GS.TS.NGND Nguyễn Tài Cẩn (02/5/1926 – 25/02/2011). Hội thảo “Những vấn đề Ngôn ngữ và văn hoá” cũng là sự tiếp nối các hội thảo khoa học được Khoa Ngôn ngữ học tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước tổ chức: hội thảo khoa học quốc tế Ngôn ngữ học Liên Á lần thứ 6 (phối hợp với Viện Ngôn ngữ học, 2004); hội thảo khoa học quốc gia Những vấn đề Ngôn ngữ học: Tiếng Hà Nội và Ngôn ngữ Hồ Chí Minh (Phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Hà Nội, 2007); hội thảo khoa học quốc tế Nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam – Trung Quốc (hợp tác với Đại học Dân tộc Quảng Tây, 2007, 2009, 2011); hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc 2010 (phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, 2010); hội thảo khoa học quốc tế Đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ học ở Việt Nam: Những vấn đề lí luận và thực tiễn (2011).

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây