Nghiên cứu Việt Nam theo hướng tiếp cận liên ngành
admin
2010-12-01T13:26:30-05:00
2010-12-01T13:26:30-05:00
https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/tin-hoat-dong/nghien-cuu-viet-nam-theo-huong-tiep-can-lien-nganh-7298.html
/themes/ussh_v2/images/no_image.gif
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN
https://ussh.vnu.edu.vn/uploads/ussh/logo.png
Thứ tư - 01/12/2010 13:26
Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu Việt Nam: Tiếp cận nghiên cứu liên ngành trong bối cảnh toàn cầu hoá” lần thứ hai do Trường ĐHKHXH&NV và ĐH Monash (Australia) phối hợp tổ chức trong hai ngày 30/11 – 01/12/2010.
Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu Việt Nam: Tiếp cận nghiên cứu liên ngành trong bối cảnh toàn cầu hoá” lần thứ hai do Trường ĐHKHXH&NV và ĐH Monash (Australia) phối hợp tổ chức trong hai ngày 30/11 – 01/12/2010.
Tham dự hội thảo có nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Khoan, đại sứ Australia tại Việt Nam - Allaster Cox, đại diện đại sứ quán Indonesia, đại sứ quán Singapore và nhiều nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế…
Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng) nhấn mạnh: Hội thảo nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa các dân tộc, nâng cao trình độ nhận thức và tạo ra mạng lưới hợp tác, nghiên cứu, đào tạo giữa các nhà khoa học, các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên, hướng tới hình thành sự liên kết đa chiều giữa các trường đại học. Đồng thời Phó Hiệu trưởng bày tỏ hi vọng hội thảo sẽ mở rộng, phát triển thành một diễn đàn quen thuộc, có uy tín, được tổ chức thường niên với sự tham gia ngày càng đông đảo của các nhà khoa học đến từ nhiều trường đại học và nhiều quốc gia trong khu vực.
Từ hướng tiếp cận liên ngành, các báo cáo tại hội thảo tập trung vào các lĩnh vực quan trọng: kinh tế - chính trị, văn hoá, giáo dục, xã hội của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá. Trong đó, nhiều tham luận đã thảo luận về lĩnh vực giáo dục - một trong ba vấn đề chính mà nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan đã trao đổi qua tham luận “Nhìn lại chiến lược ngoại giao của Việt Nam với các nước lớn, khu vực và một số định hướng cho đào tạo và nghiên cứu quan hệ quốc tế ở Việt Nam”. Theo ông, một trong những yếu tố quan trọng trong đào tạo và nghiên cứu quan hệ quốc tế ở Việt Nam đó là phải có phương pháp, sự năng động và sáng tạo.
TS Phan Lê Hà (ĐH Monash) trình bày tham luận về xác định lại giáo dục Việt Nam qua các công trình nghiên cứu. TS Phan Lê Hà đặc biệt lưu ý trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay những thay đổi về kinh tế, văn hoá, xã hội sẽ có những tác động tới giáo dục đặt ra cho giáo dục những thách thức cũng như cơ hội, triển vọng mới.
Và rất nhiều các tham luận khác cũng đã thảo luận chi tiết về những vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục: quốc tế hoá giáo dục Việt Nam, cải cách giáo dục Việt Nam hướng tới chuẩn quốc tế, những vấn đề liên quan đến người dạy và người học như chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy sư phạm ở Việt Nam…
Ngoài ra nhiều vấn đề khác tác động trực tiếp tới sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay cũng nhận được rất nhiều báo cáo, ý kiến trao đổi, thảo luận như: vấn đề người nhập cư tại Hà Nội, quản lí nền kinh tế vĩ mô Việt Nam và những rủi ro về tài chính trong bối cảnh toàn cầu hoá, cơ hội và thách thức đối với phát triển nền kinh tế Việt Nam hiện nay, thích ứng của nền kinh tế Việt Nam trước những thay đổi của khí hậu, tiếp cận nghiên cứu Việt Nam từ góc độ lịch sử Đông Nam Á…