Hội nghị tổng kết 4 năm đào tao theo tín chỉ Trường ĐHKHXH&NV vừa được tổ chức vào ngày 04/12.
Hội nghị là dịp để Nhà trường đánh giá những thành công và cả những điểm còn hạn chế trong 4 năm đào tạo theo tín chỉ 2006 – 2010, từ đó rút ra các kinh nghiệm tiếp tục đổi mới công tác đào tạo theo tín chỉ trong những năm tiếp theo.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường - báo cáo tổng kết 4 năm đào tạo theo tín chỉ (2006 – 2010) của Nhà trường. Báo cáo đã nêu bật những kết quả quan trọng đã đạt được sau 4 năm đào tạo đại học theo tín chỉ đó là: nhận thức của cán bộ, giảng viên về yêu cầu đào tạo theo tín chỉ đã có sự nâng cao, tạo bước chuyển căn bản trong xây dựng chương trình đào tạo, đề cương môn học, tài liệu hướng dẫn học tập môn học, biên soạn giáo trình và kiếm tra – đánh giá, đảm bảo các điều kiện nâng cao khả năng thích ứng với đào tạo tín chỉ và chất lượng học tập của sinh viên, chất lượng giảng dạy tăng dần theo từng năm, công tác tổ chức cán bộ đảm bảo các điều kiện cơ bản để thực hiện chuyển đổi cơ bản để thực hiện chuyển đổi đào tạo, công tác sinh viên bước đầu bắt đầu kịp với tiến trình chuyển đổi đào tạo, thực hiện tốt chế độ chính sách xã hội.
Bên cạnh đó báo cáo cũng nêu lên một loạt vấn đề đặt ra cho giai đoạn triển khai đào tạo theo tín chỉ theo chiều sâu 2011 – 2015. Trong đó, vấn đề cán bộ, phương pháp giảng dạy và sự kiểm soát một cách chủ động, toàn thể về chất lượng dạy và học là khâu đặc biệt quan trọng. Việc trao quyền tự chủ nhiều hơn cho giảng viên trong tổ chức đào tạo hay việc đảm bảo quyền tự chủ nhiều hơn cho sinh viên trong việc cụ thể hoá chương trình đào tạo của mình như việc: chọn môn, chọn thầy… trong thời gian tới. Đồng thời các chương trình đào tạo cần được tiếp tục điều chỉnh để tăng tính tương thông, tính quốc tế và khả năng chuyển đổi thuận lợi với hệ thống đào tạo đại học trong nước và quốc tế.
Ngoài ra bản báo cáo còn đề cập một số đề xuất, kiến nghị cụ thể: Để tạo nên đột phá về chất lượng đào tạo và sự thành công trong công cuộc chuyển đổi cần phải có những giải pháp cải thiện hơn nữa trong các lĩnh vực như thư viện, học liệu, công nghệ thông tin và các điều kiện vật chất khác. Cần phải gia tăng hơn nữa quyền chủ động cho giảng viên và đòi hỏi giảng viên nhiều hơn nhưng cần có lộ trình phù hợp, từng bước thích ứng với sự cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, học liệu… Đổi mới mô hình hoạt động của các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên. Đặc biệt ĐHQGHN cần có những giải pháp hài hoà, thích hợp giữa việc tăng cường sự liên thông, liên kết giữa các đơn vị trong ĐHQGHHN với sự tăng quyền chủ động của các đơn vị đào tạo.
Hội nghị cũng nghe báo cáo tổng hợp về tổng kết đào tạo theo tín chỉ của các khoa/bộ môn trực thuộc, phòng ban. Báo cáo cho thấy có tới 166 nội dung được đề cập trong các tham luận, 116 ý kiến phát biểu tại hội nghị các đơn vị. Những nội dung được thảo luận nhiều nhất: chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, giáo trình, đề cương môn học, thiết bị và cơ sở vật chất, quy chế đào tạo, quản lí môn học, đăng kí môn học…
Các tham luận trực tiếp thảo luận tại hội nghị tập trung chủ yếu vào những vấn đề cụ thể như: “Chất lượng giảng dạy trong đào tạo tín chỉ tại Nhà trường (từ góc nhìn của người dạy và người học)” của PGS.TS Nguyễn Chí Hoà (Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục). Thông qua những kết quả khảo sát đánh giá bài giảng sinh viên đối với giảng viên trong đào tạo tín chỉ tham luận đã cho thấy chất lượng giảng dạy chung qua các năm đều có cải biến, tăng lên rõ rệt. Tiêu biểu như chất lượng giảng dạy từ góc nhìn của người học thể hiện qua điểm chung bình chung toàn trường năm 2007 – 2008 là 3,80, năm 2008 – 2009 là 3,95, năm 2009 – 2010 là 4,13.
Cũng bàn về công tác giảng dạy GS.TS Trần Thị Minh Đức (Khoa Tâm lí học) đã đi vào thảo luận cụ thể về “Thực trạng đào tạo tín chỉ theo đề cương chi tiết ở Khoa Tâm lí học”. GS.TS Trần Thị Minh Đức thì nêu lên một số những hạn chế, khó khăn trong vấn đề biên soạn đề cương môn học, sử dụng phương pháp giảng dạy, tiến trình theo thời lượng môn học như: tình trạng đề cương nhiều hơn so với dạy thực tế, kiến thức đưa ra quá nhiều, sinh viên đông, phòng học chưa đáp ứng, tài liệu học tập chưa đủ, tính chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên chưa được tích cực… Do vậy, theo giáo sư, việc thay đổi, chỉnh sửa nội dung đề cương môn học cần cập nhật liên tục hơn, ngắn gọn hơn, trao quyền tự chủ của giảng viên ở một mức độ nhất định trong việc đưa ra quy trình giảng dạy, tổ chức cho giáo viên có nhu cầu nâng cao phương pháp giảng dạy.
Công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực quan trọng góp phần thay đổi căn bản cách thức giảng dạy, học tập và làm việc của cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường. Về vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong Nhà trường nhìn từ góc độ quản lí đào tạo, ThS Đào Minh Quân (Phòng Đào tạo Sau đại học) dành nhiều thời gian phân tích những hạn chế của các phần mềm quản lí, một số rào cản ảnh hưởng tới việc ứng dụng công nghệ thông tin trong Nhà trường.
Từ góc độ của người học, sinh viên Vũ Thị Huyền Trang cho biết học theo tín chỉ phát huy tính tự lực, năng động của sinh viên qua việc tự chọn môn học, tự quyết định thời gian học tập của mình... Bên cạnh đó, sinh viên còn gặp phải một số khó khăn, thách thức: tự học, kết bạn, giao lưu và chủ động giải quyết những khúc mắc. Bởi vậy nguyện vọng của sinh viên là: được chọn giảng viên, vai trò của cố vấn học tập phải được thể hiện nhiều hơn nữa, cơ sở vật chất, tài liệu học tập sớm được trang bị đầy đủ hơn, tăng cường hơn nữa công tác trợ giúp sinh viên thông qua các mô hình câu lạc bộ…
Thay mặt lãnh đạo ĐHQGHN, PGS.TS Phạm Trọng Quát – Phó Giám đốc ĐHQGHN biểu dương, đánh giá cao những thành tích Nhà trường đã đạt được trong 4 năm chuyển đổi phương thức đào tạo theo tín chỉ. Phó Giám đốc nhấn mạmh: Trường ĐHKHXH&NV là một trong những đơn vị tiên phong trong triển khai đào tạo tín chỉ dù điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế nhưng trường đã xây dựng được một nền tảng vững chắc cho công tác đào tạo, rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu cho trường nói riêng và ĐHQGHN nói chung.
Nhân dịp này Nhà trường cũng đã tổ chức trao tặng giấy khen của Hiệu trưởng cho 13 tập thể, 27 cá nhân đã có thành tích trong 4 năm chuyển đổi đào tạo theo tín chỉ.